Cách làm chó Poodle ngưng sủa?

Câu hỏi

Chó Poodle nhà mình sủa rất nhiều ảnh hưởng tới hàng xóm. Cho hỏi có cách nào bịt mõm nó lại, không gây thương tích mà nó không tháo ra được không?

Chó Poodle

giải quyết 0
LeTrongHoang 2 năm 2022-06-14T02:19:47+07:00 0 Trả lời 50 lượt xem 0

Trả lời ( 1 )

  1. Bịt mõm chưa phải là cách tối ưu nhất để ngăn chó Poodle ngừng sủa. Bạn thử tham khảo các cách sau đây nhé:

    Cách để Dạy Chó Ngừng Sủa

    Chó là loại thú cưng lý tưởng và để bầu bạn thì thật tuyệt vời, nhưng ngay cả một chú chó ngoan nhất đôi khi cũng sủa liên tục không chịu ngừng. Có nhiều nguyên nhân khiến chó sủa, và hành vi rắc rối này không những gây phiền toái mà ở nhiều nơi còn bị coi là phạm luật. Bước đầu tiên để dạy chó của bạn ngừng sủa là tìm ra điều gì khiến nó gây ồn ào như vậy. Khi đã biết tại sao chó sủa, bạn sẽ biết phải làm gì để nó ngừng lại. Việc biết cách bảo chó ngừng sủa sẽ giúp cho không gian cộng đồng được yên tĩnh và bạn không bị rắc rối với luật pháp.

    Phương pháp 1: Kiểm soát Kiểu Sủa Đòi hỏi

    1) Ngừng đáp ứng yêu cầu. Còn được gọi là “sủa thu hút sự chú ý”, kiểu sủa đòi hỏi là vấn đề mà chủ nuôi chó thường gặp. Bước đầu tiên để trị kiểu sủa đòi hỏi là ngừng cho chó thứ nó muốn mỗi khi sủa. Tất nhiên việc này cần có thời gian huấn luyện, nhất là khi chó của bạn bao nhiêu năm nay đã quen “được thưởng” mỗi khi sủa.

    2) Phớt lờ tiếng sủa. Kiểu sủa đòi hỏi hoặc thu hút sự chú ý có thể là cách duy nhất mà chó biết thể hiện. Ngay cả khi đã ngừng đáp ứng yêu cầu của nó, có lẽ bạn vẫn cần một thời gian mới phá vỡ được thói quen đó. Trong thời gian này, tốt nhất là bạn nên phớt lờ hành vi đòi hỏi của chó thay vì trừng phạt nó. Trong suy nghĩ của chó, ngay cả tiếng bạn la hét bảo nó im lặng cũng là sự quan tâm. Nếu bạn mất kiên nhẫn và quát mắng, có khi lần sau chó còn sủa lâu hơn vì đã quen được đáp lại (cho dù là đáp lại một cách tiêu cực).

    3) Thưởng cho chó vì hành vi tốt. Cuối cùng khi chó đã biết ngừng sủa, quan trọng là bạn cần thưởng cho sự im lặng của nó. Dần dần chú chó của bạn sẽ học được rằng im lặng và nghe lời sẽ có kết quả tốt hơn là làm nhặng lên và sủa.

    4) Thay thế bằng một hành vi khác. Một trong những phương pháp tốt nhất để huấn luyện loài vật bỏ tật xấu là dạy chúng một hành vi khác. Nhờ đó thay vì bức xúc và khó chịu vì không được đáp ứng, chó của bạn rốt cuộc sẽ hiểu rằng nếu muốn được như ý, nó sẽ phải thực hiện hành vi khác được hoan nghênh hơn.

    5) Tiếp tục huấn luyện. Bạn đừng ngưng dạy chó bỏ kiểu sủa gây chú ý. Tiếp tục huấn luyện cho đến khi chó bỏ tật sủa đòi hỏi/gây chú ý về mọi thứ. Cuối cùng, chó của bạn sẽ học được cách kiên nhẫn chờ đợi khi muốn chơi, ăn hoặc được vuốt ve.

    Phương pháp 2: Trấn an Cảm giác Lo lắng vì Xa cách

    1) Nhận biết chứng lo lắng vì xa cách. Chứng lo lắng vì xa cách ở chó có nhiều dạng, nhưng biểu hiện thường thấy nhất là phá hoại đồ đạc và sủa không ngừng. Những hành vi này đặc biệt xảy ra khi chủ của chó đi làm hoặc ra khỏi nhà, và nếu chó không phá hoại thì một số chủ nuôi chó có thể cũng không biết là chó của mình mắc chứng lo lắng vì xa cách.

    2) Thử dùng phương pháp điều kiện hóa ngược. Điều kiện hóa ngược là phương pháp điều trị phổ biến, đặc điểm là huấn luyện cho chó biết liên hệ điều đáng sợ với phần thưởng. Trong trường hợp lo lắng vì xa cách, thay vì sợ một người hoặc vật gì đó, chó lại sợ ở một mình. Để chống lại điều kiện lo lắng vì xa cách, bạn sẽ cần phải dạy chó của bạn liên hệ việc ở một mình với thứ gì đó mà nó thích thú (món khoái khẩu chẳng hạn). Mỗi lần ra khỏi nhà, bạn thử cho chó một món đồ chơi có thức ăn bên trong. Một thứ gì đó rỗng để có thể nhét vào đó món yêu thích của chó, phô mai dạng xịt hoặc bơ đậu phộng ít béo có thể khiến chú chó của bạn bận tâm ít nhất 20 -30 phút, như vậy là đủ thời gian cho nó quên đi nỗi sợ bị rời xa chủ.

    3) Luyện cho chó bớt nhạy cảm với sự cô đơn. Nếu chó của bạn mắc chứng lo lắng vì xa cách ở mức độ trung bình hoặc nặng thì khó mà chữa được trong thời gian ngắn. Một phương pháp tốt để giúp chó quen với cô đơn là dần dần giảm sự nhạy cảm của nó trước việc ở một mình, đồng thời khẳng định rằng bạn chuẩn bị rời đi không có nghĩa là bỏ rơi nó. Đây là một quá trình chậm, mất nhiều tuần thực hành và phải kiên trì, nhưng sẽ có hiệu quả về lâu dài. Hãy kiên nhẫn, và nhớ là chú chó của bạn làm om sòm lên như thế chỉ là vì nó yêu quý bạn và lo sợ bạn bỏ rơi nó.

    4) Cân nhắc các biện pháp khác. Nếu chó của bạn hoàn toàn không bình tĩnh được mặc dù bạn đã huấn luyện, hoặc chủ nhà hay hàng xóm của bạn mất kiên nhẫn với hành vi phiền nhiễu của nó, có thể bạn cần cân nhắc đến các biện pháp thay thế. Tìm sự trợ giúp của chuyên gia huấn luyện chó nếu tất cả mọi biện pháp trên đều không thành công. Chuyên gia huấn luyện chó sẽ biết giúp chó của bạn theo cách tốt nhất. Bạn có thể tìm trên mạng chuyên gia huấn luyện chó gần nơi bạn ở hoặc nhờ bác sĩ thú y giới thiệu.

    Phương pháp 3: Ngăn chặn Kiểu Sủa Báo động

    1) Nhận biết tiếng sủa báo động. Sủa báo động là kiểu sủa khi chó nhận ra kẻ xâm nhập. Mặc dù việc sủa kẻ thực sự xâm nhập là hữu ích và có khi còn cứu sinh mạng con người, nhưng khi sủa những người mà chó cho là kẻ xâm nhập như người đưa thư, người giao hàng hay thậm chí là hàng xóm đi ngang qua có thể gây phiên toái và rắc rối.

    2) Dạy chó biết hiệu lệnh im lặng. Cách tốt nhất để chế ngự kiểu sủa báo động là dạy chó im lặng theo mệnh lệnh. Cũng như mọi mục tiêu huấn luyện khác, đây là quá trình mất nhiều thời gian, đồng thời đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ. Nhưng nếu bạn chịu đầu tư thời gian và công sức thì ngay cả một chú chó có “ý thức chủ quyền” cao nhất cũng sẽ học được cách cư xử đúng.

    3) Áp dụng hiệu lệnh im lặng. Khi chó đã học được hiệu lệnh im lặng trong các buổi huấn luyện, bạn cần áp dụng mệnh lệnh này trong tình huống thực tế. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách nhờ một người bạn đóng sầm cửa xe trước nhà bạn, lắc thùng thư cho kêu lách cách hoặc tiến đến trước cửa nhà.

    Phương pháp 4: Ngăn chặn Kiểu Sủa Bộc phát/ Sủa vì Buồn chán

    1) Nhận biết tiếng sủa bộc phát hoặc sủa vì buồn chán. Nếu chú chó của bạn sủa vu vơ không có lý do, hoặc thường sủa khi ở một mình (trong sân chẳng hạn), có lẽ là nó đang buồn chán. Chó sủa khi bị bỏ lại một mình có thể là do hội chứng lo lắng vì xa cách, nhưng thông thường có kèm theo những triệu chứng khác, chẳng hạn như hành vi phá hoại, đi vệ sinh bừa bãi, và bám theo bạn từng bước khi bạn ở nhà.

    2) Cho chó vận động nhiều hơn. Việc tập luyện và thời gian chơi đùa là các liệu pháp tốt nhất để trị kiểu sủa bộc phát và buồn chán. Mặc dù dẫn chó đi dạo tất nhiên là một phần quan trọng của việc tập thể dục cho chó (ngay cả khi nhà bạn có sân với hàng rào bao quanh), nhưng như thế vẫn chưa đủ. Bạn có thể thử cho chó chạy qua chạy lại giữa hai người trong khoảng 10 -20 phút, đuổi theo quả bóng hoặc đồ chơi, hoặc dẫn chó chạy bộ mỗi sáng trước khi bạn đi làm.

    3) Dạy chó làm trò. Học và thực hành các trò khéo là một cách tuyệt vời để ngăn chặn sự buồn chán cũng như hành vi sủa bộc phát ở chó. Các trò khéo đòi hỏi sự tập trung chú ý và các bài học ghi nhớ, nhờ đó chú chó của bạn sẽ bận rộn cả thể chất và tinh thần.

    4) Tìm trò tiêu khiển cho chó. Ngoài tập thể dục, việc tạo ra các trò tiêu khiển quanh nhà là một cách tuyệt vời để chế ngự các hành vi gây rắc rối của chó như sủa vì buồn chán. Bạn có thể cho chó một món đồ chơi có nhét bơ đậu phộng bên trong, hoặc chỉ đơn giản là lấy một nắm món khoái khẩu của chó để rải rác quanh phòng. Bạn cũng có thể bật radio hoặc ti vi cho chó nghe để âm thanh làm xao lãng nó.

    Phương pháp 5: Tìm cách cho Chó Bớt Sủa Nói chung

    1) Đáp ứng nhu cầu của chó. Nếu chú chó của bạn đói hoặc ngày nào cũng bị bỏ suốt ngoài sân, có lẽ nó sẽ sủa. Không có phương pháp huấn luyện hành vi nào có thể chế ngự được nhu cầu về thức ăn hoặc được an ủi của chó. Đảm bảo chó của bạn phải có đủ nước uống mát và sạch để uống khi nó muốn, hai hoặc ba bữa ăn đủ dinh dưỡng mỗi ngày và được vào nhà.

    2) Loại trừ các vấn đề sức khỏe. Đôi khi chó sủa là để báo cho bạn biết rằng nó bị thương hoặc bị bệnh. Nếu cảm thấy chó có vấn đề về sức khỏe hoặc bị thương, bạn nên đưa nó đến bác sĩ càng sớm càng tốt.

    3) Dùng các phương pháp huấn luyện. Dạy chó hiệu lệnh “im lặng” là một phương pháp huấn luyện tuyệt vời. Mệnh lệnh này hữu ích cho mọi kiểu sủa, tuy có lẽ đó là lựa chọn duy nhất để giải quyết một số vấn đề về hành vi như sủa bảo vệ lãnh thổ.

    4) Cho chó vận động nhiều hơn. Tập thể dục là một cách hay để kiềm chế hành vi gây phiền toái của chó, kể cả việc sủa quá độ. Dù chú chó của bạn có lo lắng, bảo vệ lãnh thổ hay chỉ đơn thuần buồn chán, việc vận động cũng có thể giúp giảm cường độ và tần suất kiểu sủa gây rắc rối của nó.

    5) Ngăn chặn những thứ quấy rầy chó. Nếu chó của bạn sủa ầm ĩ mỗi khi nhìn thấy hoặc nghe thấy thứ gì đó bên ngoài, giải pháp đơn giản là không để nó nhìn hoặc nghe thấy tác nhân kích thích đó. Khi chó đứng ở cửa sổ và sủa, bạn thử lắp rèm hoặc mành cửa để nó không trông thấy người hoặc vật đi ngang qua. Nếu tiếng động bên ngoài kích thích chó, bạn thử bật radio suốt ngày để đánh lạc hướng chó và át âm thanh bên ngoài.

    6) Tham khảo sự tư vấn của chuyên gia. Có nhiều chuyên gia xử trí các hành vi khác nhau của chó, mỗi người có chuyên môn riêng. Cho dù chọn chuyên gia nào, bạn cũng nên kiểm tra trình độ của họ, tìm lời giới thiệu và bình phẩm trên mạng. Nếu không tìm được trên mạng, bạn có thể nhờ bác sĩ thú y giới thiệu một chuyên gia có thể giúp đỡ chó của bạn với những nhu cầu riêng biệt của nó.

    7) Thiết bị ngăn chó sủa. Các thiết bị ngăn chó sủa như vòng cổ ngăn chó sủa khiến chó rất khó chịu và chỉ nên dùng như biện pháp cuối cùng khi các phương pháp khác không có hiệu quả. Một số người phản đối vòng cổ ngăn chó sủa vì cho đó là thiết bị trừng phạt. Việc huấn luyện có hiệu quả hơn nhiều so với thiết bị trừng phạt, và tất nhiên là giải pháp tốt nhất về lâu dài cho các rắc rối về hành vi, nhưng nếu việc huấn luyện không có tác dụng và chủ nhà thì dọa đuổi hoặc gọi cảnh sát can thiệp, có lẽ bạn cần viện đến vòng cổ ngăn chó sủa.

    8) Vòng cổ dầu xả phát ra một lượng hơi xả ít và ngắn mỗi lần chó sủa. Loại vòng cổ này cho thấy ít nhất cũng có hiệu quả như vòng cổ điện tử và không có rủi ro gây đau hoặc khó chịu nhiều cho chó. Vòng cổ siêu âm phát ra sóng siêu âm mà chỉ riêng chó mới nghe được. Loại này gây khó chịu cho chó nhưng không thực sự gây đau.

    9) Vòng cổ điện cũng hoạt động tương tự vòng cổ dầu xả và vòng cổ siêu âm, nhưng phát ra một luồng điện chớp nhoáng vào cổ chó. Loại vòng cổ này có các mức điều chỉnh cường độ dòng điện. Nếu dùng loại này, tốt nhất bạn nên để ở mức thấp nhất để đề phòng chó bị thương. Nhắc lại, những cách này chỉ nên dùng như giải pháp cuối cùng.

    Lời khuyên

    Huấn luyện và tập thể dục là những phương pháp tốt nhất để chế ngự bất cứ hành vi gây rắc rối nào của chó.

    (Nguồn: wikihow.vn/D%E1%BA%A1y-Ch%C3%B3-Ng%E1%BB%ABng-S%E1%BB%A7a)

    Câu trả lời hay nhất

Để lại câu trả lời