Cảm nhận về bài hát Ru Em của dân tộc Xê-Đăng?

Câu hỏi

Em hãy cho biết cảm nhận của em về bài hát dân ca Ru Em của dân tộc Xê-Đăng?

Bài hát dân ca Ru Em

trong tiến trình 0
nguyenvanquy256 3 năm 2021-08-05T02:01:27+07:00 0 Câu trả lời 2154 lượt xem 1

Câu trả lời ( 2 )

  1. Lời bài hát: Ru Em – (Dân ca Xê-Đăng)

    Em ơi em ngủ cho ngoan
    Để mẹ đi chặt cây chuối nơi xa
    Em nằm cho ngoan
    Ngoài rừng xa cha đang đi kiếm măng non
    Nín đi hỡi em ơi.

    Em ngủ đừng khóc em ơi
    Ngoài rừng xa cha đang đi hái măng non
    Ngủ ngoan hỡi em ơi
    Nơi xa mẹ tìm được nhiều ngọn rau non
    Đừng khóc nữa hỡi em ơi.

    Nghe nhạc: https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ru-em-dan-ca-xe-dang-xuan-bac.A7CVvL437o.html

    1
    2021-08-08T17:48:24+07:00

    Dân ca Xơ Đăng

    Dân tộc Xơ Đăng hay Xê Đăng, còn có tên gọi khác là Xơ Đeng, Ca Dong, Cà Dong, Tơ-dra, Hđang, Mơ-nâm, Hà Lăng, Ka Râng, Bri La Teng, Con Lan, là một trong số những dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tiếng Xơ Ðăng thuộc ngôn ngữ Môn – Khmer (ngữ hệ Nam Á).

    Người Xơ Đăng làm rẫy là chính. Nhóm Mơ-nâm làm ruộng nước nhưng không cày bừa mà lại dùng sức trâu, sức người để giẫm nát đất. Họ chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắn, hái lượm, đánh bắt cá, đan lát, dệt, rèn. Nhóm Tơ-dra có nghề rèn từ quặng sắt rất phát triển và nổi tiếng.

    Mỗi làng người Xơ Đăng đều có nhà rông, nóc và mái được tạo dáng như cánh buồm lớn hoặc lưỡi rìu khổng lồ ngửa lên trời. Có hình chim chèo bẻo hay hình sừng thú chót vót ở hai đầu đốc. Nhà rông được dân làng tạo dựng nên hoàn toàn bằng thảo mộc có sẵn ở địa phương. Kỹ thuật xây dựng chỉ là lắp ghép và chằng buộc, không hề dùng đến đinh sắt, dây thép… Nhà rông thực sự là công trình kiến trúc, một sản phẩm văn hóa, là trụ sở và câu lạc bộ trong làng của người Xơ Đăng. Nhà cửa của dân làng quây quần bên nhau, mọi người gắn bó giúp đỡ nhau. Ông “già làng” được trọng nể nhất, là người điều hành mọi sinh hoạt chung trong làng và đại diện của dân làng.

    Tên của người Xơ Đăng không có họ kèm theo, nhưng có từ chỉ định giới tính: nam là A, nữ là Y (ví dụ như là A Nhong, Y Hên). Trai gái lớn lên, sau khi đã cưa răng theo phong tục (ngày nay ít người còn theo phong tục này), được tìm hiểu, yêu nhau. Lễ cưới xin đơn giản. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng ở luân chuyển với từng gia đình mỗi bên ít năm, rất ít trường hợp ở hẳn một bên.

    Người Xơ Ðăng tin vào sức mạnh siêu nhiên, các “thần” hay “ma” được gọi là Kiak (Kia) hoặc “Ông”, “Bà”, chỉ một số nơi gọi là “Yàng”. Các thần quan trọng như thần sấm sét, thần mặt trời, thần núi, thần lúa, thần nước… Thần nước hiện thân là thuồng luồng, hoặc con “lươn” khổng lồ, hoặc con lợn mũi trắng. Thần lúa có dạng bà già xấu xí, tốt bụng, thường biến thành cóc. Trong đời sống và canh tác rẫy có rất nhiều lễ thức cúng bái đối với các lực lượng siêu nhiên, tập trung vào mục đích cầu mùa, cầu an, tránh sự rủi ro cho cộng đồng và cá nhân.

    Quan trọng nhất là lễ cúng thần nước vào dịp sửa máng nước hàng năm, các lễ cúng vào dịp mở đầu năm làm ăn mới, mở đầu vụ trỉa lúa, khi lúa đến kỳ con gái, khi thu hoạch, các lễ cúng khi ốm đau, dựng nhà rông, làm nhà mới, khi con cái trưởng thành… Nhiều dịp sinh hoạt tôn giáo đồng thời có tính chất hội hè của cộng đồng làng, tiêu biểu là lễ trước ngày trỉa, lễ cúng thần nước, lễ đâm trâu của làng cũng như gia đình. Tết dân tộc tổ chức trước sau tuỳ làng, nhưng thường trong tháng Giêng (dương lịch), kéo dài 3-4 ngày. Trong số các lễ cúng, lễ hội truyền thống của người Xơ Đăng, lễ đâm trâu được tổ chức long trọng nhất, đông vui nhất.

    Người Xơ Đăng thích hát múa, tấu chiêng cồng, chơi đàn, kể chuyện cổ. Đàn ông không chỉ có tinh thần thượng võ, mà còn tài nghệ trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa, tạo nên những sản phẩm tiêu biểu, đó là ngôi nhà rông và cây nêu trong lễ đâm trâu.

    Người Xơ Ðăng có nhiều loại nhạc cụ: Đàn, Nhị, Sáo dọc, đàn K’lông Pút, Trống, Chiêng, Cồng, Tù và, Ống gõ, Đàn nước (giàn ống hoạt động nhờ sức nước)… Có loại dùng giải trí thông thường, có loại dùng trong lễ hội. Các loại nhạc cụ cụ thể và điệu tấu nhạc có sự khác nhau ít nhiều giữa các nhóm. Những điệu hát phổ biến là: hát đối đáp của trai gái, hát của người lớn tuổi, hát ru. Trong một số dịp lễ hội, đồng bào trình diễn múa: có điệu múa riêng cho nam, riêng cho nữ, cũng có điệu múa cả nam, nữ cùng tham gia.

    Truyện cổ Xơ Ðăng rất phong phú và đặc sắc. Riêng về Sử thi thì tộc Xơ Đăng cũng có cả một kho tàng không kém chi các tộc Ê Đê, M’Nông, Ba Na như:

    Bài dân ca “Ru em” khá phổ biến của tộc Xơ Đăng do nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa ký âm:

    Ru Em

    Em ơi, em ngũ cho ngoan
    để Mẹ đi chặt cây chuối nơi xa
    Em nằm ngũ cho ngoan
    Ngoài rừng xa, cha đang đi kiếm măng non
    Nín đi ơi, em ơi
    Em ngũ đừng khóc
    Ngoài rừng xa đang đi hái măng non
    Ngũ ngoan ơi, em ơi
    Nơi xa Mẹ tìm được nhiều ngọn rau non
    Đừng khóc nữa ơi, em ơi.

    Nhìn chung, kho tàng dân ca và dân nhạc của người Hrê, người Cor, người Ca Dong ở Quảng Ngãi hết sức đa dạng, không chỉ thể hiện ở số lượng, loại hình, giai điệu, tiết tấu mà còn ở nội dung, đề tài, chủ đề. Về cơ bản, nhiều loại hình dân ca, dân nhạc có những điểm giống nhau, nhưng cũng có nhiều loại hình khác nhau, như một số làn điệu dân ca, một số nhạc cụ, đặc biệt là các bộ chiêng, như bộ chiêng của người Hrê có 3 chiếc (và 1 trống), bộ chiêng Cor có 2 chiếc (và 1 trống), chiêng của người Ca Dong thì có 2 bộ, một bộ 7 chiếc, một bộ có khi đến 14 chiếc (và 1 trống),…

    (Nguồn: dotchuoinon.com/2015/05/28/dan-ca-dan-nhac-vn-dan-ca-xo-dang)

    1
    2021-08-08T17:57:10+07:00

    Hát ru dòng sữa nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

    (ThS. VŨ THỊ LỤA – Trường CĐ SP TW TP. Hồ Chí Minh)

    Như chúng ta đã biết, âm nhạc trong tiếng hát ru của bất cứ dân tộc nào cũng đều mang tính chất du dương, nhẹ nhàng tha thiết. Nó được người mẹ diễn đạt với tất cả tấm lòng thương yêu sâu thẳm từ đáy lòng của mình. Khi đặt câu hỏi: ngôn ngữ nào hay nhất trên đời? Người ta đáp “tiếng mẹ đẻ”, còn khi nói tới những bài ca hay nhất thế gian, người ta nhắc tới “hát ru”.

    Phải chăng đó là sự lựa chọn tự nhiên của lí trí và của trái tim? Điều này càng thấm thía khi chúng ta đọc bài thơ của R.Gamzotov:

    Trên đời này chỉ có ba bài hát
    Đủ nói hết buồn vui của thế giới tâm hồn
    Hay hơn cả là bài ca thứ nhất
    Bà mẹ dịu dàng khẽ hát ru con
    Bài thứ hai cũng là bài của mẹ
    Khi con trai mẹ chết, cánh tay già
    Ôm xác con hát một mình lặng lẽ…
    Những bài khác trên đời là bài hát thứ ba.

    Hát ru đưa trẻ đi vào giấc ngủ ngon lành, làm dịu đi mọi cơn hờn dỗi, thậm chí nó còn làm lành đi những vết thương, những cơn đau đớn. Hơn thế nữa, bằng cách thấm dần qua năm tháng nó còn góp phần hun đúc nên những phẩm chất cao đẹp của tâm hồn, làm nảy sinh những năng khiếu quý báu sau này của trẻ. Hát ru chính là nơi lưu giữ, sử dụng và trao truyền các nguồn thơ của dân tộc đặc biệt là thể loại lục bát, tục ngữ, ca dao.

    Xét ở góc độ tâm sinh lý thì hát ru không những còn ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ mà còn phát triển mạnh về thể chất và tinh thần của trẻ. Đó là sự kích thích tiền đình và các nhà khoa học đã xác định rằng những đứa trẻ hằng ngày được kích thích bằng hát ru thì phản xạ vận động tốt hơn nhiều so với những đứa trẻ không được nghe hát ru. Hằng ngày trẻ được nghe tiếng “Ầu ơ” hay “À ơi” từ tiếng nựng nịu, âu yếm, vỗ về của cô hoặc bà và đặc biệt là mẹ mô phỏng cách phát âm của trẻ lúc hóng chuyện (từ hai tháng tuổi) đã trở thành khúc nhạc dạo đầu cần thiết cho những khúc hát ru sau này. Có thể coi đây là những tín hiệu đặc trưng để mẹ và con trao đổi và hiểu ý của nhau.

    Khi đứa trẻ còn bé chưa sử dụng hệ thống tín hiệu ngôn ngữ để giao tiếp thì chính người mẹ đã đem đến cho con mình những âm điệu đầu tiên của thứ ngôn ngữ trực tiếp của tâm hồn: tiếng hát ru. Sự cảm thụ say sưa nhất của trẻ thơ cũng như sự rung cảm chân thành nhất của người mẹ không phải ở một thứ ngôn ngữ cụ thể nào khác mà chính ở những tiếng “Ầu ơ” hay “À ơi” ấy. Trẻ rất thích nghe tiếng hát của mẹ và rất tự nhiên, người mẹ đã trở thành người nghệ sĩ đầu tiên đem âm nhạc để nuôi dưỡng tâm hồn cho con.

    Hát ru có chức năng đặt biệt, với tên gọi của nó đã xác định chức năng này. Hát ru là để dành cho trẻ, đứa trẻ đến với thế giới thần tiên “giấc ngủ”, với tiếng gọi ấy chứa đựng bao nhiêu yêu thương của người mẹ, bà hay cô giáo mầm non. Cái ngủ là đứa trẻ, cái ngủ cũng là thế giới mơ đang chập chờn đậu trên vành nôi hay cái võng của trẻ:

    Cái ngủ mày ngủ cho sâu
    ngủ mày ngủ cho ngoan.

    Với những nét đặc trưng tiêu biểu trong ca từ giàu sức biểu đạt tình cảm, đó là lời ru của tình cảm tâm hồn người mẹ. Khi chúng ta nghe những lời ru ngọt ngào, tha thiết và sâu lắng nghĩa tình mà không ai không rưng rưng xúc động nhất là lời ru ấy cất lên vào những buổi trưa hè oi bức hay trong đêm đông gió lạnh “À ơi hời ru hời ru. Mẹ thương con có hay chăng thương từ khi thai nghén trong lòng. Mấy nắng sớm chiều mưa ròng. Chín tháng so chín năm gian khó tính khôn cùng. Á ru hời ru hời ru…”. Hát ru trong dân gian thường viết ở nhịp độ khoan thai, có khi chậm rãi, với nhịp 6/8 như nhịp đưa của chiếc võng ru làm cho giai điệu càng thêm tha thiết.

    Trong những bài hát ru còn có cả một đoạn hát tự do ngân dài túy ý rồi mới bắt đầu vào nhịp như: (Bóng đất nước hình như bóng “dáng” con tôi. Ôm con ra mái hiên nhìn đàn chim rộn ràng “hót” giữa mùa xuân). Khi mẹ, cô hát ru cho trẻ nghe bằng tình cảm, trái tim của mẹ, cô giáo với âm thanh mượt mà, ngân vang, tròn, sáng, thanh thoát, với những ca từ mềm mại, luyến láy sẽ tạo thành dòng âm thanh trong sáng, diễn cảm, chất biểu cảm của ngôn từ kết hợp với âm điệu êm ái, thiết tha, ngọt ngào của mẹ, cô giáo sẽ nhanh chóng đưa trẻ chìm vào giấc ngủ ngon lành. Và có thể nói rằng giấc ngủ của trẻ đến nhanh hay chậm, ngủ nông hay sâu phụ thuộc rất nhiều vào lời ru của mẹ hay cô giáo. Khi mẹ ru con càng nhẹ nhàng, biểu cảm bao nhiêu thì giấc ngủ đến với trẻ càng dễ dàng, êm dịu và sâu lắng bấy nhiêu.

    Cùng với âm nhạc, lời ru còn tác động kích thích tai nghe ngôn ngữ, làm sống dậy sự hoạt động của các trung khu thực hiện chức năng ngôn ngữ trên vỏ não.

    Những bài hát ru thường có những lời dỗ dành, nội dung chất phác, ngây thơ, gần gũi với đời sống tinh thần của trẻ như: “Ả à ơi, ả à ơi. Con ngoan con ngủ cho say, để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về. Bắt được con trắm con trê. Cầm cổ lôi về, nấu nướng con ăn”. Như vậy, dỗ dành trẻ không bằng cái ăn mà còn bằng cả trò chơi trong những câu hát ru như: “Con tằm đã chín để lại mà nuôi” đó là trò chơi mà trẻ vẫn hay chơi. Bên cạnh đó người hát còn dỗ trẻ bằng cả lời hứa: “Ru con con thét cho muồi. Mẹ đi chợ Truồi mua bánh con ăn” với lời hứa gợi cho trẻ niềm tin chờ đợi đi chợ về. Trước và trong giấc ngủ là một sự chờ đợi thấp thỏm, háo hức, hạnh phúc nhất. Và sau giấc ngủ “Lon ton như con với mẹ”, sẽ là gặp gỡ vui mừng.

    Trong hát ru còn có cả một thế giới đặc biệt dành riêng cho trẻ. Nó giản dị nhưng thật sống động, thế giới thần tiên mà người lớn không thể hiểu được, mặc dù người lớn đã trải qua tuổi thơ, đã từng là trẻ con. Đó chính là thế giới cỏ cây hoa lá và đặc biệt là thế giới những con vật gần gũi, đáng yêu, đó là thế giới mà trẻ thích nhất, nhạy cảm nhất.

    “Cái cò, cái vạc, cái nông
    Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò
    Không không tôi đứng trên bờ
    Mẹ con nhà vạc đổi ngờ cho tôi”.

    Hay:

    “ Cái cò đi đón cơn mưa
    Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
    Cò về thăm quán cùng quê
    Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh”

    Rồi: “Cái bống là cái bống bang. Khéo sảy, khéo sàng cho mẹ bống nấu cơm. Mẹ bống đi chợ đường trơn. Bống ra gánh đỡ chạy cơn mưa ròng”.

    Hay bài Ru em – dân ca Xê Đăng: “Ru em em ngủ cho ngoan. Để mẹ đi chặt cây chuối bên non. Em ngủ đừng khóc nữa. Ngoài đồng xa cha đang đi cấy măng non. Nín đi hỡi em ơi!”. Như vậy, ở cái thế giới thần tiên này, cái mà con người làm thì con vật cũng làm: Con cò đi bắt tôm, bắt tép, con cò đi đón cơn mưa còn cái bống thổi cơm, nấu nước, đi chợ. Những thế giới này được tả và kể tưởng như bâng quơ nhưng rất gần gũi, rất đỗi thân thương, hấp dẫn với trẻ. Chúng hiện ra gắn liền với những hoàn cảnh người mẹ phải xa con như: đi cấy, đi cày, lên nương, đi chợ. Và vì thế cho nên con ngủ, ngủ cho ngoan, cho sâu, cho say cũng là thương mẹ, yêu mẹ và đỡ đần công việc cho mẹ.

    Như vậy chúng ta thấy rằng, những bài hát ru, câu hát ru như: “Bồng bồng, cái cò, cái vạc, cái nông…” làm cho trẻ nhận ra những sắc thái khác nhau của âm thanh, những vần điệu uyển chuyển trong tiếng mẹ đẻ, đặc biệt là những thanh điệu giàu nhạc tính của tiếng Việt, rồi để sau này trẻ biết nghe, biết nói, biết sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thành thạo.

    Và chúng ta cũng biết trẻ làm sao có thể hiểu được hết nội dung của những câu hát mẹ, cô ru, nhưng rồi dần dần, ngày một ngày hai, lời ru cứ thầm dần vào tâm hồn trẻ, hình thành trong trẻ phong cách ngôn ngữ dân tộc, bản sắc độc đáo của tâm hồn Việt Nam. Và chúng ta thấy rằng, nhiều câu hát ru thực chất là những bài học giáo dục đạo đức, thẩm mỹ ban đầu sâu sắc đối với trẻ, chúng ta thật khó có thể quên được những câu hát ru như:

    “À ơi!
    Công cha như núi Thái Sơn
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
    Một lòng thờ mẹ kính cha
    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

    Hoặc câu:

    “Công cha nặng lắm ai ơi
    Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”.

    Hay: “Bầu ơi thương lấy bí cùng
    rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

    Và: “Anh em nào phải người xa. Cùng chung bố mẹ một nhà cùng thân. Anh em như thể tay chân. Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”.

    Qua lời ru, mẹ và cô giáo đem cho con lời ăn tiếng nói, những cái đẹp trong đời sống văn hóa của con người. Bằng trực cảm vô thức của trẻ, nghe lời cô, mẹ ru trẻ có thể cảm nhận được những ý niệm về cái tốt, cái xấu, cái thiện và cái ác. Bằng lời ru cô và mẹ đã dạy cho trẻ những hiểu biết về đời sống xung quanh, đưa trẻ vào thế giới của những giá trị văn hóa của xã hội mà gia đình đã thừa nhận và thực tiễn đời sống hằng ngày. Bằng trực giác, trẻ có thể cảm nhận nền văn hóa truyền thống đó. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng đối với quá trình hình thành nhân cách con người. Những mầm mống tốt đẹp của lòng nhân ái được gieo vào đầu óc non nớt của trẻ thơ qua tiếng hát, lời ru của cô, của mẹ chính là tiền đề cho những phẩm chất tốt đẹp và năng khiếu thẩm mĩ hình thành phát triển sau này.

    Thật thiệt thòi cho những đứa trẻ suốt thời thơ ấu không được nghe, được tiếp thu những lời ru ngọt ngào xuất phát từ tình cảm ruột thịt, từ đáy lòng của tình mẫu tử. Có nhiều trẻ bất hạnh, lúc lọt lòng đã không được thỏa mãn nhu cần bức thiết ôm ấp, vỗ về của người lớn, đặc biệt là người mẹ. Đó là một thực tế đáng buồn, chúng ta nhớ lại tâm sự của ông Raxun Gamzatov: “Ai lớn lên mà không được nghe hát ru thì người ấy không hoàn thiện. Văn minh hiện đại ngày càng trang bị cho con người đủ thiết bị như catset, đĩa hát, băng hình là tốt là hiện đại nhưng dù hiện đại đến đâu đi chăng nữa cũng không thể thay thế được sữa âm thanh, sữa tâm hồn tự nhiên của hát ru. Đó là thế giới riêng của trẻ với tình mẫu tử và những tình cảm gia đình”. Đây là điều có thực và rõ ràng là một thiếu sót đáng tiếc nếu chúng ta không tìm cách khắc phục kịp thời.

    Tài liệu tham khảo:
    1. PGS.TS. Nguyễn Ánh Tuyết (2004). Những vấn đề lý luận và thực tiễn GDMN. NXBĐH Sư phạm.
    2. TSKH. Bùi Mạnh Nhị (2011). “Những bài ca hay nhất thế gian”. Dạy và học ngày nay (số 3 – tr 73).
    3. Minh Kỳ (2011), “Âm hưởng lời ru”. Dạy và học ngày nay (số 7 – tr 67).
    4. Hoàng Thị Phúc (2012). “Giá trị lời ru trong một số bài thơ của Tố Hữu và Nguyễn Khoa Điềm”. Bản tin khoa học trường CĐSP Kiên Giang (số 3 – tr15).
    5. PGS.TS. Phạm Khắc Chương và Tạ Văn Doanh (2000), Chỉ nam nhân cách học trò. NXB Thanh Niên.
    6. PGS. TS. Phạm Khắc Chương (2003). Rèn đạo đức và ý thức công dân. NXB Đại học Sư phạm.
    7. Vụ Giáo dục Mầm non. Nhạc sĩ Hoàng Văn Yến. Trẻ thơ hát. NXB Âm nhạc – 1993.

Để lại câu trả lời