Hoàn cảnh lịch sử của trận đánh Chi khu Một Ngàn tại Cần Thơ?

Câu hỏi

Hoàn cảnh lịch sử của trận đánh Chi khu Một Ngàn tại Phong Điền, Cần Thơ vào tháng 12 năm 1974?

trong tiến trình 0
bogmchat 2 năm 2022-04-01T03:28:03+07:00 0 Trả lời 37 lượt xem 0

Trả lời ( 1 )

  1. “Hạ gục” Chi khu Một Ngàn

    Trận tiến công Chi khu Một Ngàn của Tiểu đoàn Tây Đô 1 và dân quân du kích huyện Châu Thành đêm ngày 7 rạng ngày 8-12-1974 là một trong những trận đánh táo bạo của LLVT Cần Thơ. Thắng lợi này đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng, giúp quân ta làm chủ hoàn toàn tuyến kinh xáng Xà No, “mở toang cánh cửa” lộ Vòng Cung, chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công năm 1975 vào trung tâm đầu não vùng IV chiến thuật của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Cần Thơ.

    Một Ngàn, Cái Răng, Phong Điền là 3 chi khu phòng thủ hướng nam của tỉnh Phong Dinh và Trung tâm vùng IV chiến thuật của ngụy. Chi khu Một Ngàn nằm trên trục kinh xáng Xà No thuộc ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn, quận Thuận Nhơn (nay là huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Chi khu Một Ngàn được địch xây dựng năm 1965 với cấu trúc hình chữ nhật, dài 500 mét, rộng 200 mét, chung quanh được bao bọc từ 7 đến 15 lớp kẽm gai, đặc biệt hướng nam và tây địch rào đến 15 lớp kẽm gai, trong đó có 2 lớp bùng nhùng. Bên cạnh đó, địch còn bố trí các bãi mìn bên trong và xen kẽ với các lớp rào. Bên trong chi khu chia làm 3 khu vực A-B-C tiếp giáp nhau và mỗi khu đều có rào ngăn cách. Trong đó, quanh tường khu A có 8 lô cốt, bên trong có chốt chỉ huy, trạm thông tin, trại lính, 26 công sự nổi và ngầm, cùng nhiều súng cối, đại liên, vũ khí hiện đại…tạo thành mạng lưới liên hoàn bảo vệ, chi viện hỏa lực. Khu B xung quanh có 4 lô cốt và 17 công sự, 2 dãy nhà, sân bay trực thăng, trận địa pháo với 2 khẩu 105 ly, đại liên, súng máy… Khu C là khu vực hành chính, có 4 lô cốt và 20 công sự… Là căn cứ trọng điểm của địch, Chi khu Một Ngàn được xây dựng rất kiên cố để tiến hành bình định nông thôn, cắt tuyến chia vùng, kềm dân giữ tuyến giao thông và cũng là cầu nối bằng đường thủy từ Cần Thơ đến Chương Thiện. Những năm 1971 -1972, địch lấy Chi khu Một Ngàn làm trung tâm mở các cuộc hành quân càn quét vào các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Ô Môn. Thông thường, ban ngày chúng cho lực lượng phòng vệ dân sự kết hợp với bọn tề, điệp bung ra hoạt động xung quanh chi khu trong bán kính từ 1-2 km, đồng thời bố trí biệt kích, thám báo lùng sục xa hơn đến 21 giờ thì gom lực lượng về chi khu. Riêng ở vàm Một Ngàn, ban đêm thường có 4-5 tên biệt kích nằm án ngữ nhằm kịp thời phát hiện lực lượng và cơ sở của ta hoạt động.

    Theo kế hoạch của Quân khu 9, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Cần Thơ lúc bấy giờ quyết định tấn công Chi khu Một Ngàn làm điểm mở màn chiến dịch mùa khô 1974-1975. Ban Chỉ huy trận đánh này gồm các đồng chí: Võ Minh Thiết (Tỉnh đội trưởng), Trần Nam Phú (Chính trị viên), Lê Thanh Sơn (Tỉnh đội phó) Bùi Thanh Hải (Bảy Nhỏ – Tiểu đoàn trưởng Tây đô 1), Chiêm Thành Tấn (Chính trị viên Tiểu đoàn). Qua các đợt điều nghiên, trinh sát thực địa, Ban Chỉ huy trận đánh quyết định sử dụng Tiểu đoàn Tây Đô 1 và các đại đội đặc công, trinh sát, cùng với lực lượng dân quân, du kích huyện Châu Thành tấn công Chi khu Một Ngàn, vận dụng cách đánh kỳ tập, tiến công theo hai hướng, chia làm nhiều mũi, bí mật thọc sâu ém sát chi khu, đồng loạt nổ súng tiêu diệt địch.

    Là người được phân công chỉ huy trực tiếp trận đánh này, Thiếu tướng, AHLLVTND Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), nguyên Tỉnh đội trưởng tỉnh Cần Thơ, còn nhớ rõ: “ Như kế hoạch, từ 15 giờ 30 ngày 7-12-1974, các đơn vị của ta bắt đầu hành quân về vị trí chiến đấu. Địch phát hiện ta tập trung đông lực lượng tiến từ hướng Vĩnh Tường lên nên chúng có kế hoạch ngăn chặn. Để đánh lừa địch, ta ém quân, phân tán lực lượng và tổ chức một bộ phận hành quân về hướng lộ Vòng Cung để nghi binh, đánh lạc hướng địch. Đúng như ý định của ta, địch điều động tiểu đoàn 1 và 3, trung đoàn 31, sư đoàn 21 án ngữ ở lộ Vòng Cung để chặn đánh ta. Ta bất ngờ quay lại phối hợp cùng với các cánh quân đi từ 3 hướng để đồng loạt tấn công địch…”. Trong khi đó, lực lượng chính của ta chia làm hai mũi: Một bộ phận hành quân theo hướng Tây Nam, tổ chức vượt kinh xáng Xà No về phía Nam chi khu, chia thành những phân đội áp sát mục tiêu. Một bộ phận tấn công trên hướng thứ yếu (hướng bắc), khi còn cách chi khu 500 mét tổ chức vượt sông. Đến 21 giờ, dù nước lớn chảy xiết, địch canh gác nghiêm ngặt, 18 đồng chí ở đại đội đặc công đã vượt qua sông thành công, ém quân chờ lệnh đánh chiếm trận địa pháo… Đến 1 giờ 45 phút ngày 8-12, khi các mũi tiến công đã luồn sâu vào các vị trí đã định, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công. Trong 20 giây đầu nổ súng, các mũi tấn công của ta đã áp sát chi khu, phối hợp cùng với các phân đội phá rào tiến sâu vào bên trong từ các hướng, tấn công vào trung tâm trận địa. Bị đánh bất ngờ, địch trong chi khu rối loạn, một số thoát chạy ra bên ngoài, phần lớn co cụm lại tổ chức kháng cự quyết liệt. Sau 20 phút chiến đấu, lực lượng của ta đã chiếm lĩnh, làm chủ tình hình ở khu B và C. Riêng ở khu A, địch tập trung hỏa lực kháng cự dữ dội, khiến ta phải dừng lại dùng hỏa lực kềm chế, tìm cách tiêu diệt các hỏa điểm của địch. Cùng lúc đó, địch điện báo chi viện 2 trực thăng vũ trang và gọi pháo binh ở Cả Bảo và Phong Điền bắn tấp nập vào đội hình của ta. Quân ta bám bờ tường, công sự chiến đấu, cầm cự với địch. Trong tình thế khẩn cấp đó, chỉ huy trận đánh quyết định cho đội dự bị vào chiến đấu. Đến 2g 45 phút, đội dự bị của ta vào đến trận địa, sau gần một giờ chiến đấu trong điều kiện hết sức khó khăn, ác liệt, ta mới chiếm được sở chỉ huy và thông tin địch. Tuy nhiên, lúc đó tên đồn trưởng đã kịp gọi pháo binh từ Phong Điền, Cả Bảo và phi pháo hủy diệt trận địa, không cho quân ta rút lui. Đến 5 giờ sáng ngày 8-12 ta tiêu diệt hoàn toàn chi khu Một Ngàn nhưng pháo binh và phi pháo vẫn dội đến ác liệt, đồng thời ta nhận được tin báo chúng đưa chi đoàn thiết giáp M113 và tiểu đoàn bảo an 416 và 480 đến can viện. Vì vậy, chỉ huy trận đánh quyết định cho đơn vị chia nhỏ từng phân đội, bí mật rút quân về căn cứ, tránh không để lại dấu vết cho địch lần theo truy kích.

    Cách đánh kỳ tập vào Chi khu Một Ngàn của lực lượng vũ trang Cần Thơ là cách đánh sáng tạo, táo bạo khiến lực lượng ngụy quân, ngụy quyền và cơ quan đầu não vùng IV kinh hồn. Dù chi khu được xây dựng kiên cố, trang bị lực lượng hùng hậu và hỏa lực mạnh, nhưng với lòng quả cảm, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, ta đã bí mật đưa lực lượng vào bên trong chi khu thành nhiều hướng, nhiều mũi, đồng loạt nổ súng, “ngoại công, nội kích” khiến địch không trở tay kịp. Sau hơn 3 giờ chiến đấu ác liệt, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu 144 tên địch, bắt sống 14 lính, phá hủy 2 khẩu pháo 105 ly và 1 kho đạn 50 tấn, thu được nhiều súng, vũ khí các loại. Trong trận này, Tiểu đoàn Tây Đô vinh dự được Quân khu 9 tặng cờ đơn vị xuất sắc.

    Trận tiến công Chi khu Một Ngàn của lực lượng vũ trang Cần Thơ đã góp phần bứt phá hệ thống đồn bót, khiến địch ở các chi khu, yếu khu và các đồn bót co cụm lại, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của Quân khu 9 giải phóng đại bộ phận vùng nông thôn, áp sát thị xã Cần Thơ, sẵn sàng cho chiến dịch cuối cùng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

    (Nguồn: baocantho.com.vn/bai-3-ha-guc-chi-khu-mot-ngan-a36642.html)

Để lại câu trả lời