Học mà mình không giàu thì học để làm gì?

Câu hỏi

Mọi người cho mình hỏi một câu như thế này: Nếunh học mà mình không giàu vậy thì học để làm gì?

Có người nói “Học rồi có xin được việc đâu, người ta không học vẫn giàu“.

Vậy… Nếu mình học mà mình không giàu vậy thì học để làm gì??

trong tiến trình 0
Dreamer 2 năm 2022-06-27T18:38:44+07:00 0 Câu trả lời 43 lượt xem 0

Câu trả lời ( 3 )

  1. Bạn cần đặt câu hỏi lại và trải nghiệm cuộc sống nhiều. Học là học những gì? Thế nào là giàu? Những yếu tố nào để tạo nên sự giàu có ngoài việc học kiến thức? Ý nghĩa cuộc sống của mình là gì, có phải chỉ đi kiếm tiền? Trộm cướp, buôn ma tuý, các công việc phạm pháp vẫn giàu có mà không cần phải có kiến thức tại sao họ không được tôn trọng?

    Để giàu có về tiền bạc, có kiến thức là chưa đủ, phải biết nắm bắt cơ hội, vốn tích luỹ. Nếu giàu chỉ bằng cách học thì những người đọc sách đều giàu. Phải chăng ở họ thiếu may mắn, thiếu “có gan làm giàu”, thiếu “học đi đôi với hành”, thiếu “kinh nghiệm thực tế”? Tại sao cùng một trường, một thầy, một cuốn sách giáo khoa nhưng lại có học sinh giỏi, học sinh khá, trung bình – yếu?

    2
    2022-07-03T18:12:55+07:00

    Vì sao học giỏi mà vẫn nghèo là câu hỏi mà Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung đã trăn trở suốt 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

    Hy vọng bạn có thể xem qua video chia sẻ của Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung với chủ đề “Vì sao học giỏi mà vẫn nghèo?” để có thể tự trả lời cho câu hỏi của chính mình.

    https://youtu.be/bQTmY1fFqWg

    0
    2022-07-04T02:25:12+07:00

    Bài viết “Học để làm gì?” được đăng trên Báo Tuổi Trẻ năm 2016.

    Đi tìm câu hỏi đúng

    Trong buổi học đầu tiên của lớp hóa đại cương cho sinh viên năm thứ nhất, tôi thường hỏi học trò: “Tại sao bạn ở đây?” và “Bạn muốn gì từ lớp này?”. Nhưng câu hỏi “Học để làm gì?” hẳn có tính bao quát hơn.

    Câu trả lời tôi thường gặp trong hơn 20 năm dạy học là “Học để có công việc làm tốt và có cuộc sống ổn định”. Hoàn toàn hợp lý. Nhưng chỉ thế thôi sao?

    Những năm học cấp III, tôi phần lo đi cày mướn để giúp gia đình, phần lo yêu đương ở lứa tuổi dậy thì nên thường quên lãng chuyện học hành. Cha tôi có lần khuyên: “Học là con đường ngắn nhất để giúp con thoát khỏi cảnh nghèo”. Lúc ấy, tôi hiểu rất đơn giản là học sẽ giúp mình có việc làm lương cao hơn, không còn thiếu thốn vật chất nữa.

    Tôi đặt chân lên đất Mỹ cuối năm 1980, trong tay hai bộ đồ cũ, không một xu trong túi, không họ hàng, tiếng Anh được vài chữ để sinh tồn. Đúng 10 năm sau, tôi cầm trong tay tấm bằng tiến sĩ hóa học, rồi tới tấm séc lương khá hậu. Vâng, học đã giúp tôi thoát khỏi cảnh nghèo tiền, nghèo vật chất.

    Những diện mạo của nghèo

    Nhưng có những cái nghèo khác mà lúc trước tôi không hề biết mình cũng gặp. Có câu “Bạn không biết điều bạn không biết”.

    Kiến thức thấp thì cơ hội cũng không có bao nhiêu. Bạn có thể làm gì khi không biết đọc, biết viết? Nếu biết đọc, biết viết, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nếu có thêm kiến thức chuyên môn, cơ hội và lương cũng sẽ cao hơn. Sau khi làm xong postdoc, tôi có cơ hội làm việc phát triển sản phẩm ở công ty phần mềm, nghiên cứu ở công ty hóa, dạy đại học… Học đã giúp tôi thoát khỏi cái nghèo cơ hội.

    Khi nghèo, ước mơ cũng nghèo. Tôi từng mơ một ngày có đĩa cơm tấm bì sườn, thêm cái đùi gà rôti thơm phức, một mình tôi ăn thoải mái, không chia cho ai cả.

    Kiến thức chẳng những gia tăng khả năng mơ ước mà còn đa dạng hóa nó nữa. Giờ đây, ước mơ của tôi xếp thành nhiều loại: ước mơ trong nghiên cứu khoa học, ước mơ cho xã hội, ước mơ khởi nghiệp, ước mơ cá nhân…

    Khi nghèo, niềm hi vọng vào tương lai cũng mong manh. Người nghèo thường có cái nhìn bi quan trong cuộc sống hơn. Có hướng suy nghĩ rằng chính vì tính bi quan và thiếu tích cực nên đã làm họ nghèo. Đây là một tranh cãi kiểu “con gà – quả trứng”, nhưng ai cũng đồng ý là khi vượt qua khỏi cảnh nghèo vật chất thì cái nhìn cuộc sống của bạn sẽ khách quan và tích cực hơn.

    Khi nghèo thì cơ hội học hành cũng ít. Người ít học thường ứng xử cảm tính nhiều hơn, thay vì dùng lý trí. Kiến thức về luật pháp, hiểu biết về khả năng đánh mất nhân cách con người khi mất tự chủ là điều sẽ giúp lý trí điều tiết được cảm xúc. Bằng cấp không tạo nên con người có văn hóa ứng xử, chỉ những người biết dùng kiến thức, cách sống và ý thức xã hội mới giúp họ có cách ứng xử văn minh.

    Khi nghèo, tình thương thường gói ghém trong phạm vi bản thân và gia đình. Mối quan tâm lớn nhất khi đó thường là cơm áo gạo tiền, do đó khó mà còn tâm trí để lo lắng đến cộng đồng và xã hội. Khi ta vượt qua được khỏi cảnh nghèo, ta thường thông cảm cho những người cùng cảnh như ta trước đây, quan tâm đến cộng đồng và xã hội hơn, muốn đem cơ hội đến và giúp những người kém may mắn hơn.

    Nghèo, ít học thường đi đôi với tính tự ti, vì thế đưa đến cái nhìn bi quan và thiếu tích cực trong cuộc sống. Kiến thức mà bạn có sẽ làm bạn tự tin hơn như khi đưa ra những quyết định cá nhân ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và gia đình, thay vì lệ thuộc người khác.

    Khi nghèo, ít học, tiếng nói cũng bé, không mấy ai quan tâm, chẳng mấy ai nghe. Với học thức, bạn sẽ có cơ hội nắm giữ những vị trí cao hơn trong xã hội, tiếng nói của bạn lúc ấy sẽ có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn.

    Người nghèo ít học thì ít quan tâm đến tác hại tới sức khỏe của thực phẩm, họ không có nhiều lựa chọn và có kiến thức để chọn. Với kiến thức, bạn sẽ quan tâm đến sức khỏe của mình hơn, quan tâm đến chất lượng của thực phẩm hơn, biết cách chăm lo cho sức khỏe của bản thân và người thân hơn.

    Ít học thì bạn thường không có nhiều cơ hội để học hỏi kinh nghiệm quản lý tiền bạc vì tiền có thể chỉ đủ chi tiêu trong ngày, tuần hay tháng. Một bằng chứng rất rõ là đa số người nghèo trúng số độc đắc thường tiêu hết tiền thưởng và trở lại cảnh nghèo sau vài năm. Người có học thường có khả năng quản lý tiền bạc tốt hơn.

    Mục tiêu của những kẻ lường gạt thường là những người ít học và muốn làm giàu nhanh. Với học thức và hiểu biết về luật pháp, kinh tế và xã hội, xác suất bị người khác lường gạt sẽ thấp hơn. Học sẽ giúp bạn khôn ngoan hơn trong việc phân biệt được thực hư trong cuộc sống.

    Cái nghèo dễ làm tầm nhìn thường không quá một năm, như để dành lúa đến mùa gặt năm sau, nuôi heo để ăn tết cuối năm… ít ai nghĩ đến việc đầu tư cho 5 năm hay 10 năm, rất khó nói đến suy nghĩ cho cả cuộc đời hay cho thế hệ sau. Kiến thức sẽ giúp bạn có tầm nhìn dài hạn hơn, biết đầu tư cho tương lai, cho con cái…

    Nếu hiểu được tầm quan trọng của việc học và cố gắng để ngày càng tiến bộ thì ngoài những hiệu quả nói trên cho cá nhân, bạn còn đóng góp xây dựng một xã hội văn minh và công bằng hơn. Nhưng bằng cấp chỉ đánh dấu mức độ kiến thức chuyên môn, bạn phải biết áp dụng cả kiến thức cuộc sống – thường được gọi là kỹ năng mềm.

    Thành công, do đó, đòi hỏi và truyền cảm hứng để bạn tiếp tục trau dồi kiến thức, trau dồi bản thân suốt cuộc đời mình. ■

    Tác giả: GS.TS Trương Nguyện Thành 
(Đại học Utah, USA – Viện trưởng khoa học Viện khoa học và công nghệ tính toán, TP.HCM)

    (Nguồn: tuoitre.vn/hoc-de-lam-gi-1172382.htm)

Để lại câu trả lời