Khác nhau giữa Khối lượng và Trọng lượng trong bao bì sản phẩm là gì?

Câu hỏi

Trên các bao bì sản phẩm như thực phẩm thường có để là trọng lượng tịnh, lúc thì khối lượng. Vậy sự khác nhau giữa trọng lượng và khối lượng tịnh là gì? Khi nào thì dùng 1 trong 2 để có thể dễ phân biệt?

Khác nhau giữa Khối lượng và Trọng lượng

giải quyết 0
Nam Châm 3 năm 2021-08-16T20:46:41+07:00 0 Trả lời 1047 lượt xem 0

Trả lời ( 1 )

  1. Cách ghi định lượng trên nhãn hàng hóa

    Phân biệt trọng lượng và khối lượng

    Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm của cụm từ “trọng lượng” và “khối lượng”. Khi nói đến trọng lượng hay khối lượng, mọi người thường đều nghĩ đến độ nặng của một vật mà ít quan tâm đến ý nghĩa của hai cụm từ này, nhiều người còn cho rằng cách nói trọng lượng hay khối lượng đều để chỉ độ nặng của vật là như nhau. Điều này là sai lầm cơ bản.

    Vậy để chỉ cân nặng của một vật ta dùng cụm từ “trọng lượng” hay “khối lượng”? Để trả lời câu hỏi này trước hết nên tìm hiểu khái niệm về khối lượng và trọng lượng.

    Theo sách giáo khoa vật lý lớp 6 (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì “khối lượng là biểu thị sự đậm đặc của số lượng vật chất tạo thành vật đó, được đo bằng cân và được tính bằng đơn vị kilogam (kg)”. Ví dụ: nếu một vật có khối lượng là A thì nó ở trái đất hay ở mặt trăng thì vẫn có khối lượng là A đó, nghĩa là khối lượng không thay đổi theo vị trí đặt vật. Còn “trọng lượng là lực hấp dẫn tác dụng lên một vật có một khối lượng xác định”. Trọng lượng của một vật thay đổi theo vị trí của nó, thường được dùng trong tính toán về lực, đơn vị được tính bằng newton (N). Trọng lựợng này có những tính chất sau:

    – Điểm đặt tại trọng tâm của vật đó.
    – Có hướng thẳng đứng hướng xuống dưới.

    – Độ lớn của trọng lượng là: p = m x g; trong đó m là khối lượng của vật, g là gia tốc trọng trường (chú ý: g có thể thay đổi tuỳ theo vi trí đo trên Trái đất. Thông thường khi làm toán, g được lấy = 9,81 m/s2. Trong một phạm vi hẹp, ví dụ phòng thí nghiệm, hay một quốc gia, g được coi là không đổi. Nhưng ở những điểm khác nhau trên Trái đất, g thay đổi. Ví dụ: Trọng lượng của một vật nặng 10 kg là gần 100N ở trái đất, thì lên mặt trăng giảm đi 1/6 do lực hút của mặt trăng và mặt đất khác nhau. Vì sao lại vậy? Vì trên Mặt trăng, g(mặt trăng) = g(Trái đất)/6). Theo định luật II Newton (SGK lớp 10 – Bộ GD&ĐT), lực này chính là lực hấp dẫn, có giá trị là:

    P = F = GMmhd/R­­­­­2

    G : hằng số vũ trụ, không đổi

    M : khối lượng Trái đất
    mhd : khối lượng vật
    R : bán kính Trái đất
    P = GMm­hd/R­­­­­2= mg => g = GM/R­­­­­2, rõ ràng giá trị này thay đổi theo từng hành tinh.

    Như vậy cụm từ “khối lượng” và “trọng lượng” có nghĩa hoàn toàn khác nhau, bài viết này chỉ tập trung về vấn đề ghi thông tin trên nhãn hàng hóa sao cho chính xác ý nghĩa và đúng theo quy định, chúng ta có thể hiểu trọng lượng và khối lượng khác nhau ở những điểm đơn giản như sau:

    – Đơn vị đo: khối lượng là kg, trọng lượng là N.
    – Khối lượng là một tính chất của vật, trọng lượng thì không.

    – Khối lượng không thay đổi theo vị trí đặt vật, trọng lượng thay đổi theo vị trí đặt vật.

    Ghi nhãn hàng hóa là “khối lượng tịnh” hay “trọng lượng tịnh”?

    Theo Luật Đo lường được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 11/11/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2012: tại Điều 8 – khoản 3 – điểm b quy định “Đơn vị đo khối lượng là kilôgam, ký hiệu là kg”; tại Điều 9 – khoản 1 – điểm c quy định sử dụng trong trường hợp “Ghi lượng của hàng đóng gói sẵn”; tại Điều 32 – khoản 2 của Luật quy định “Việc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa”.

    Theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về nhãn hàng hóa: tại Điều 3 – khoản 8 có quy định: “Định lượng của hàng hoá là lượng hàng hóa được thể hiện bằng khối lượng tịnh, thể tích thực, kích thước thực hay số lượng theo số đếm hàng hoá” (Khối lượng tịnh, thể tích thực, kích thước thực là khối lượng, thể tích, kích thước của sản phẩm khi không tính bao bì bên ngoài của sản phẩm). Theo quy định cách ghi định lượng của hàng hóa tại phụ lục I (ban hành theo Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ), các hàng hóa phải ghi trên nhãn hàng hóa định lượng là khối lượng tịnh bao gồm các hàng hóa có trạng thái/dạng hoặc loại hàng hóa: Hàng hóa dạng rắn, khí; hàng hóa dạng nhão, keo sệt; hàng hóa dạng nhão có trong các bình phun; thuốc dùng cho người, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật dạng viên và dạng bột; hạt giống cây trồng; giống thủy sản (trứng Artermia, giống thực vật đa bào).

    Tuy đã có những quy định rõ ràng và cụ thể như vậy, nhưng một số cơ sở sản xuất/nhập khẩu vẫn không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong việc ghi định lượng trên nhãn hàng hóa.

    Qua thực tế kiểm tra của chúng tôi về nhãn hàng hóa ở ngoài thị trường hiện nay, đa số trên các nhãn hàng hóa có nội dung ghi độ nặng của hàng hóa được trình bày đúng là khối lượng tịnh, nghĩa là khối lượng của hàng hóa đã trừ bao bì bên ngoài của sản phẩm. Nhìn chung các mặt hàng của các công ty nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất trong nước về thực phẩm, bột giặt, phân bón, đồ tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi… đều tuân thủ theo quy định về việc ghi nhãn hàng hóa, tên sản phẩm bằng tiếng Việt và định lượng hàng hóa được ghi rõ là “khối lượng tịnh” theo đúng quy định.

    Tuy nhiên, hiện nay trên một số nhãn hàng hóa vẫn còn ghi độ nặng của hàng hóa là “trọng lượng tịnh”, có cơ sở chỉ ghi chung chung trên nhãn hàng hóa là “trọng lượng”. Đây là sự nhầm lẫn của một số doanh nghiệp trong việc trình bày độ nặng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa.

    Một lưu ý thêm trong việc trình bày ký hiệu đơn vị đo pháp định trên nhãn hàng hóa: trong quá trình kiểm tra nhãn hàng hóa trên thị trường, chúng tôi cũng phát hiện một số nhãn hàng hóa có ghi ký hiệu của đơn vị đo lường không đúng với Nghị định 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đo lường. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không nêu tất cả các trường hợp trình bày, mà chỉ tập trung vào việc trình bày ký hiệu đơn vị đo dùng trong ghi định lượng trên nhãn hàng hóa thường không đúng theo quy định. Ví dụ: trên nhãn hàng hóa của Công ty XYZ có ghi định lượng 5 trường hợp như sau:

    a. Khối lượng tịnh: 10g.

    b. Khối lượng tịnh: 50 g.

    c. Khối lượng tịnh: 20 Kg.

    d. Khối lượng tịnh: 30 kg.

    e. Khối lượng tịnh: 50 KG.

    Qua 5 cách trình bày như trên, chỉ có trường hợp d ghi là “khối lượng tịnh: 30 kg” là trình bày đơn vị đo đúng theo quy định, trình bày đúng là: giữa trị số và ký hiệu đơn vị đo phải cách nhau một dấu cách, ký hiệu đơn vị đo viết bằng chữ thường, kiểu thẳng đứng; còn đối với các trường hợp a, b, c và e đều trình bày đơn vị đo không đúng theo Nghị định 86/2012/NĐ-CP.

    Cụ thể sai quy định là:

    – Trường hợp a: trình bày đơn vị đo không đúng vì theo quy định thì giữa trị số và ký hiệu đơn vị đo phải cách nhau một dấu cách (cách ghi đúng phải là “khối lượng tịnh: 10 g”);

    – Trường hợp b, c và e: trình bày đơn vị đo không đúng vì theo quy định thì ký hiệu đơn vị đo phải viết bằng chữ thường, kiểu thẳng đứng (cách ghi đúng phải là “khối lượng tịnh: 50 g”, “khối lượng tịnh: 20 kg”, “Khối lượng tịnh: 50 kg”).

    Và cả nhầm lẫn trong sử dụng hằng ngày

    Trong thời gian qua, không chỉ có các cơ sở sản xuất, nhập khẩu có sự sử dụng sai cụm từ “khối lượng “ và “trọng lượng” trên nhãn hàng hóa. Mà trong thực tế cuộc sống, chúng tôi cũng thấy sự nhầm lẫn trong sử dụng cụm từ “khối lượng” và “trọng lượng” tương đối phổ biến, từ sử dụng trong giao tiếp đến các bài viết trên báo, tài liệu giảng dạy,…

    Sau đây là một số ví dụ:

    + Trên báo TT Online ngày 12/03/2012 có đăng bài “Ăn gian trọng lượng gas”, trong đó có đoạn tác giả Lê S. viết như sau: “Với những trường hợp người tiêu dùng cẩn thận cân lại bình gas, nhiều đại lý vẫn tìm cách qua mặt người tiêu dùng. Chẳng hạn, bình gas loại 12kg bao gồm trọng lượng vỏ bình gas là 13kg cộng với khí gas 12kg, khi đó tổng trọng lượng bình gas là 25kg. Mặc dù công bố là vậy, song một số đại lý đã qua mặt người tiêu dùng bằng ghi khống trọng lượng vỏ bình gas. Bởi thực chất nhiều loại vỏ bình gas trọng lượng lên đến 14kg, khi đó đương nhiên người tiêu dùng bị móc túi 1kg gas mỗi bình”.

    + Trên báo SK & ĐS ngày 26/09/2012 có bài “Dấu hiệu nhận biết mì chính giả” của tác giả Nguyễn Thu H. có đoạn viết như sau: “Trọng lượng: Đối với hàng thật có trọng lượng tịnh luôn đúng với trọng lượng ghi trên bao bì. Nếu trọng lượng tịnh ít hơn hoặc gần tương đương với trọng lượng ghi trên bao bì là mỳ chính giả”.

    + Trên báo D.T được đăng ngày 22/10/2012 với tựa đề “Furtive eGT – Siêu xe chạy điện của tương lai gần” của tác giả Nhật M. để quảng cáo sản phẩm xe hơi chạy điện sắp xuất hiện trên thị trường, được miêu tả như sau: “Siêu xe Exagon Furtive eGT vận hành bằng hai mô-tơ điện… Trọng lượng tịnh của xe là 1.633kg”.

    Thay lời kết

    Qua những vấn đề nêu trên, chúng tôi thiết nghĩ đã đến lúc cần chấn chỉnh lại việc sử dụng cụm từ “khối lượng tịnh” và “trọng lượng tịnh” cho đúng nghĩa, đúng quy định trên nhãn hàng hóa.

    Tác giả: Võ Hoàng Phúc – Lê Xuân Trường

    (Nguồn: dost-dongnai.gov.vn/Pages/tapsankhcn.aspx?soID=34&topicID=7&tapsanID=1000)

    Câu trả lời hay nhất
    Hủy câu trả lời hay nhất
  2. Sự khác nhau giữa trọng lượng và khối lượng!

    Một trong những khái niệm vật lý đầu tiên được học tới là khái niệm về trọng lượng và khối lượng. Để hiểu rõ sự khác nhau giữa trọng lượng và khối lượng, chúng ta hãy xem lại định nghĩa của chúng trong sách giáo khoa lớp 6:

    + Trọng lượng của một vật là cường độ của trọng lực tác dụng lên vật đó. Đơn vị: Newton

    + Khối lượng của một vật chỉ lượng chất tạo thành vật đó. Đơn vị: kg

    Khối lượng thể hiện tính chất của vật nên ở bất kỳ nơi nào trên Trái Đất hay ngoài vũ trụ, khối lượng của 1 vật sẽ không đổi: cũng giống như vị mặn của muối – dù đi đến sa mạc Sahara hay trên núi Everest, ăn muối sẽ đều cho ta cảm giác mặn.

    Tuy nhiên, trọng lượng đo độ lớn của trọng lực và vì thế, để biết được trọng lượng của 1 vật, ta cần phải biết cái gì đang tác động trọng lực lên vật đó. Nói 1 cách khác, trọng lượng của 1 vật thay đổi tùy vào độ lớn của trọng lực tác dụng lên vật đó.

    Để thấy rõ hơn sự khác biệt, chúng ta cần biết vật có khối lượng càng lớn thì trọng lực gây ra bởi vật đó sẽ càng lớn. Vì thế nếu chúng ta đem 1 vật từ Trái Đất lên Sao Hỏa, hành tinh có khối lượng chỉ vào khoảng 11% khối lượng của Trái Đất và trọng lực chỉ hơn 1/3 trọng lực của Trái Đất, trọng lượng của vật đó sẽ giảm đi gần 2/3 lần nhưng khối lượng của vật sẽ không thay đổi. Trong hệ mặt trời, Sao Hỏa cũng là nơi mà trọng lượng của chúng ta nhỏ nhất! Thế còn lớn nhất? Đó là sao Thổ – nơi mà trọng lượng của các bạn sẽ gấp đôi so với trên Trái Đất.

    Quay trở lại với Trái Đất, nếu trọng lượng và khối lượng đo 2 thứ khác nhau, thế thì trong đời sống hàng ngày, chúng ta đang dùng khái niệm nào? Ví dụ, khi chúng ta nói “tôi nặng 60kg”, chúng ta đang nói về trọng lượng hay khối lượng của chúng ta? Khi chúng ta bước lên bàn cân, các cân đang đo trọng lượng hay khối lượng của chúng ta? Bạn nào tinh ý sẽ nhận ra ngay câu trả lời cho câu hỏi thứ 1 là khối lượng, đơn giản vì kg là đơn vị đo của khối lượng. Tuy nhiên, đối với câu hỏi thứ 2, chúng ta phải cẩn thận hơn 1 tí.

    Nếu chúng ta dùng loại cân ký thông thường:

    Loại cân này đo khối lượng của bạn bằng cách đo trọng lượng của bạn trước rồi dựa vào trọng lực của Trái Đất để chuyển đổi ra khối lượng tương ứng. Vì thế, nếu bạn dùng cân này để cân ký khi ở trên Sao Hỏa, bạn sẽ thấy cân nặng của bạn từ 60kg giảm xuống còn khoảng 20kg!

    Nếu bạn dùng loại cân hơi cổ xưa này:

    Cân này so sánh khối lượng của 2 vật với nhau nên dù ở trên Sao Hỏa hay Sao Thổ, cân vẫn sẽ cho 1 kết quả chính xác về khối lượng của bạn.

    Dành cho những bạn thích tìm hiểu sâu hơn về trọng lượng của vật trên các hành tinh: ở trang web https://www.exploratorium.edu/ronh/weight/, các bạn có thể thí nghiệm về sự thay đồi trọng lượng của mình khi đi từ hành tinh này đến hành tinh khác, thậm chí đến cả các vì sao ngoài hệ Mặt trời!

    (Nguồn: hoclavui.wordpress.com/2016/03/16/su-khac-nhau-giua-trong-luong-va-khoi-luong)

Để lại câu trả lời