Lời đề nghị về lẽ sống thể hiện qua bài thơ ‘Ánh trăng’ của Nguyễn Duy?

Câu hỏi

Mỗi tác phẩm văn học chân chính phải là một lời đề nghị về lẽ sống? Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua bài thơ “Ánh trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy để làm rõ “lời đề nghị về lẽ sống” của tác phẩm.

Bài thơ Ánh Trăng

 

trong tiến trình 0
H.T 3 năm 2021-08-30T17:33:25+07:00 0 Câu trả lời 833 lượt xem 0

Câu trả lời ( 2 )

  1. Cảm nhận lẽ sống cao đẹp của con người qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

    Mở bài

    Nguyễn Duy được xem là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ những nhà thơ trẻ trưởng thành trong giai đoạn thơ ca kháng chiến chống Mĩ. Thơ Nguyễn Duy vừa mộc mạc gần gũi, vừa có tính chiều sâu tư tưởng, nó nói lên những băn khoăn trăn trở của nhà thơ trước cuộc đời vốn nhiều biến đống, đổi thay. Bài thơ Ánh trăng được Nguyễn Duy viết vào năm 1978, ba năm sau khi đất nước sạch bóng quân thù. Toàn bài thơ là những hoài niệm đẹp đẽ về những năm tháng đã qua và là lời nói tự cảnh tỉnh chính mình về lẽ sống ân nghĩa, thuỷ chung cao đẹp trong cuộc đời của mỗi con người.

    Thân bài

    Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian, trong đó ánh trăng là hình tượng xuyên suốt, giàu ý nghĩa biểu tượng. Ánh trăng không chỉ là tiếng lòng, là những suy ngẫm riêng tư của Nguyễn Duy mà là của cả một lớp người, một thế hệ đang tự cảnh tình, tự nhắc nhở mình về lối sống ân nghĩa thuỷ chung đối với quá khứ của dân tộc.

    Mở đầu bài thơ là những hồi ức, hoài niệm đẹp đẽ của tác giả về những năm tháng tuổi thơ bên đồng quê ngập tràn ánh trăng, những năm tháng sống ở chiến trường nơi núi rừng hoang vắng, bóng trăng soi vằng vặc trên đầu núi:

    Hồi nhỏ sống với đồng
    Với sông rồi với bể
    Hồi chiến tranh ở rừng
    Vầng trăng thành tri kỉ

    Không gian sống của tuổi thơ là “đồng”, là “sông”, là “bể”, là một không gian làng quê êm ả, thanh bình. Không gian ấy đã nuôi lớn tâm hồn của con người gắn liền với những năm tháng hồn nhiên, những kỉ niệm êm đềm bên cạnh những người thân yêu ruột thịt. Không gian ấy rất đỗi thiêng liêng, nên thơ và tuyệt đẹp. Nó trở đi trở lại trong thơ của Nguyễn Duy bằng những hình ảnh vô cùng mộc mạc bình dị, đặc trưng cho làng quê Việt Nam. Hình ảnh dòng sông, con đò, cây đa, bến nước, đồng ruộng mênh mông, biển khơi xa thẳm, sung chát đào chua, cánh cò, câu ca mẹ hát là nguồn sống cuộn trào trong kí ức không bao giờ mờ phai

    Trong không gian ấy, vầng vầng trăng hiện hữu lung linh mờ tỏ. Đối với tuổi thơ, vầng trăng trên cao vẫn là cái gì đó xa xôi vời vợi. Mãi đến khi trở thành một người lính cầm súng xa nhà đi chiến đấu ở núi rừng hoang vu, quạnh vắng thì lúc ấy vầng trăng mới trở nên gắn bó, đi vào tâm hồn người chiến sĩ.

    Trăng trở thành người bạn chia sẻ với con người những buồn vui, gian khổ đời lính. Ánh trăng lung linh mờ ảo bàng bạc cả không gian. Ánh trăng nên thơ tuyệt đẹp giúp con người quên đi những nhọc nhằn, vất vả sau một ngày hành quân gian khổ, giúp con người không cảm thấy trống trải, buồn bã, cô đơn giữa núi rừng heo hút. Ánh trăng làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà bởi trong lòng người chiến sĩ vầng trăng sẻ chia.

    Trăng ở núi rừng hay trăng ở quê nhà thì cũng chỉ là một vầng trăng ấy mà thôi. Con người nhìn vầng trăng mà nguôi ngoai thương nhớ. Và không biết tự bao giờ trăng trở thành người bạn tri âm tri kỉ, gắn bó với con người. Từ “hồi” lặp đi lặp lại hai lần nhấn mạnh hai giai đoạn từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành của con người với biết bao thăng trầm biến động.

    Vầng trăng đã gắn bó thân thiết với con người từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành, cả trong hạnh phúc và gian lao. Trăng là vẻ đẹp của đất nước bình dị, hồn hậu; của thiên nhiên vĩnh hằng, tươi mát, thơ mộng. Vầng trăng không những trở thành người bạn tri kỉ, mà đã trở thành “vầng trăng tình nghĩa” biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung:

    Trần trụi với thiên nhiên
    Hồn nhiên như cây cỏ
    Ngỡ không bao giờ quên
    Cái vầng trăng tình nghĩa.

    Từ láy “trần trụi” gợi lên một cách sống mộc mạc, chân chất, bình dị, gần gũi gắn bó với thiên nhiên. Tâm hồn vô tư, “hồn nhiên như cây cỏ” chân chất, thiệt thà, không tính toan vụ lợi. Với những năm tháng sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên biết bao nghĩa tình cùng tâm hồn thuỷ chung, trong sáng, hồn hậu của một con người gắn bó với đồng, với sông, với bể, thi sĩ đã từng “ngỡ không bao giờ quên cái vầng trăng tình nghĩa” ấy. Cái vầng trăng đã một thời gắn bó sẻ chia những buồn vui gian khổ, cái vầng trăng đã đánh thức trong con người những rung động, những xúc cảm trước cái đẹp, trước cái chân – thiện – mĩ hiện hữu diệu kì.

    Nhưng rồi thơi gian trôi qua, cuộc sống đổi thay, chiến tranh lùi xa vào dĩ vãng, con người từ giã núi rừng trở về thành phố, vết thương khít lại, con người bắt đầu đổi thay:

    Từ hồi về thành phố
    Quen ánh điện cửa gương
    Vầng trăng đi qua ngõ
    Như người dưng qua đường.

    Cuộc sống đã khác nhiều, không còn là nơi núi rừng hoang vu quạnh vắng với cuộc sống gian khổ, khó khăn, thiếu thốn mà là thành phố rực rỡ ánh đèn với nhà cao cửa rộng, đầy đủ những tiện nghi vật chất. Con người đã quen rồi với “ánh điện, cửa gương” nơi phồn hoa đô hội và như Tố Hữu đã từng bâng khuân:

    Phố đông còn nhớ bản làng
    Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng.

    Cho nên không biết tự lúc nào và tự bao giờ, con người trở nên vô tình, vô cảm:

    Vầng trăng đi qua ngõ
    Như người dưng qua đường

    Vầng trăng vẫn hiện hữu, vẫn mỗi ngày và mỗi đêm lung linh toả sáng. Còn con người dường như dửng dưng, vô tình không hay biết. Trăng vẫn đẹp, vẫn nên thơ và toả rạng rạn trên bầu trời còn con người thì hờ hững không đoái hoài đến.

    Phép đối giữa hai khổ thơ giữa một bên là “cái vầng trăng tình nghĩa” một thời gắn bó, ơn sâu nghĩa nặng đối lập với vầng trăng hoàn toàn xa lạ “như người dưng qua đường”. Từ đó, tác giả muốn nói lên cái vô tâm, bạc bẽo của lòng người, dễ dàng quên lãng những tháng năm gắn bó đã qua.

    Hình ảnh nhân hoá “vầng trăng đi qua ngõ” làm cho thiên nhiên trở nên vô cùng gần gũi. Ánh trăng như chủ động âm thầm, lặng lẽ dõi theo và tìm cách gặp gỡ người bạn năm cũ. Ta tự hỏi đã bao lần vầng trăng đi qua ngõ để được gặp gỡ, hội ngộ cùng người nhưng con người thì vẫn khép chặt khung cửa, dửng dưng không hay biết. Song, cuộc đời với những bất ngờ không báo trước, một sự cố xảy đến và trong phút giây con người hội ngộ với vầng trăng xưa cũ:

    Thình lình đèn điện tắt
    phòng buyn-đinh tối om
    vội bật tung cửa sổ
    đột ngột vầng trăng tròn.

    Đèn điện tắt, căn phòng tối om, ngột ngạt, bức bối, con người “vội bật tung cửa sổ” với mong muốn thoát khỏi cái vùng tối của không gian đang vây bủa chính mình. Đột ngột vầng trăng tròn xuất hiện. Từ láy “đột ngột” miêu tả sự việc vầng trăng xuất hiện một cách bất ngờ, thình lình, nhanh chóng khiến cho con người cũng cảm thấy bàng hoàng, ngỡ ngàng. Sự xuất hiện bất ngờ của vầng trăng khiến nhà thơ ngỡ ngàng, bối rối, gợi cho nhà thơ bao kỉ niệm, nghĩa tình.

    Sau phút bàng hoàng vì bất ngờ ấy là cả một nỗi niềm xót xa, xúc động dâng trào mãnh liệt trong tâm hồn tác giả khi đối diện với vầng trăng tròn, khi cả một quá khứ xa xưa chợt hiện về trong kí ức:

    Ngửa mặt lên nhìn mặt
    Có cái gì rưng rưng
    Như là đồng là bể
    Như là sông là rừng

    Mặt đối mặt, con người đối diện với vầng trăng với người bạn xưa cũ, với những năm tháng tươi đẹp đã qua hay cũng là đối diện với chính lòng mình, với con người của những tháng ngày xưa cũ, những năm tháng đạn bom ác liệt đầy mất mát, đau thương nhưng thấm đượm nghĩa tình đồng đội, đồng chí.

    Từ láy “rưng rưng” gợi lên trạng thái cảm xúc vô cùng xúc động của nhà thơ khi cả một quá khứ xa xưa chợt hiện về trong tâm trí. Điệp từ “như là” lặp đi lặp lại 2 lần diễn tả một cách tinh tế tâm trạng của một con người đang thả lòng mình trong quá khứ xa xưa. Đây cánh đồng, đây dòng sông, đây bể khơi mênh mông xa thẳm của những năm tháng tuổi thơ. Đây là núi rừng của những năm đánh giặc. Tất cả, tất cả như sống dậy và vẫn vẹn nguyên trong trái tim, trong nỗi nhớ của người chiến sĩ.

    Cấu trúc song hành của hai câu thơ kết hợp với nhịp điệu thơ dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ, nhân hoá và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị và đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc, chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”, đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc.

    Nói sao hết nỗi mừng vui xúc động pha cả sự xót xa ngậm ngùi, ân hận của một con người đã bấy lâu nay sống vô tâm, hờ hững, lãng quên quá khữ, bạn bè, đồng đội thì nay tìm lại được chính mình, tìm lại được những gì mà một thời mình đã từng coi là thiêng liêng cao đẹp, là suốt đời “ngỡ không bao giờ quên”. Trong giây phút được sống lại những năm tháng tươi đẹp của quá khứ xa xưa, thấy được sự vô tâm hờ hững, sự đổi thay của chính mình thì cũng là lúc con người nhận ra:

    Trăng cứ tròn vành vạch
    Kể chi người vô tình
    Ánh trắng im phăng phắc
    Đủ cho ta giật mình

    “Trăng cứ tròn vành vạch” vẫn đẹp một cách viên mãn tròn đầy, vẫn ngày ngày âm thầm lặng lẽ toả sáng, làm đẹp cuộc đời mặc cho con người cứ “vô tình” hờ hững. “Ánh trăng im phăng phắc” là hình ảnh nhân hoá khiến cho ánh trăng giống như một con người bao dung, độ lượng không hề hờn dỗi trách móc trước sự đổi thay của lòng dạ con người.

    Sự im lặng mạnh mẽ ấy đủ sức thức tỉnh lương tâm con người vốn đã ngập ngụa trong đời sống tiện nghi. Nó đủ khiến con người giật mình nhận ra sự thay đổi của bản thân mình, mình đã đánh mất chính mình, đánh mất những gì tốt đẹp trong con người mình mà mình không hề hay biết. Mình đã quên đi thiên nhiên tươi đẹp, quên đi quá khữ nghĩa tình. Mình đã để cho những bộn bề, lo toan của cuộc sống nơi chốn thành phố xa hoa rực rỡ, nhà cao cửa rộng nó lôi kéo làm cho mình mờ mắt chìm đắm nên không còn nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, của hiện hữu nhiệm màu. Mình chỉ sống ở hiện tại mà hoàn toàn quên lãng quá khứ, quên đi những an nghĩa, những gì tốt đẹp đã qua. Giật mình để thức tỉnh, để sửa đổi, làm con người mình trở nên tốt đẹp hơn.

    Bài thơ có sự kết hợp hài hoà giữa tự sự và trữ tình; giọng thơ tâm tình, suy tư trầm lắng; ngôn ngữ thơ giàu tính triết lí. Nhà thơ đã rất thành công hình tượng ánh trăng, hình tượng thơ đa nghĩa tượng trưng cho cái đẹp của thiện nhiên, của sự sống, sự thanh cao trong sáng thuần khiết, vẻ đẹp tâm hồn của con người; quá khứ tươi đẹp, những năm tháng chiến tranh gian khổ thắm đượm nghĩa tình đồng đội đồi chí, tình quân dân cá nước.

    Bài thơ cất lên như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở chân thành, không chỉ có ý nghĩa đối với một lớp người, một thế hệ vừa đi qua chiến tranh mà còn có ý nghĩa đối với nhiều người vì nó đặt ra một vấn đề đó là thái độ đối với quá khứ, với những người đã khuất và với cả chính mình: Đừng bao giờ lãng quên quá khứ, hãy trân trọng nghĩa tình của quê hương đất nước, đừng đánh mất những điều tốt đẹp trong con người mình chỉ vì cuộc sống kim tiền xa hoa, phù phiếm

    Kết bài

    Ánh trăng là bài thơ hay, khơi gợi những suy nghĩ về đạo lí, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đẹp đẽ của dân tộc. Ánh trăng thật sự là một tấm gương soi để ta thấy được con người thật của mình, để tìm lại cái đẹp tinh khôi của tâm hồn mình mà đôi khi ta đã đánh mất mà không hề hay biết.

    (Nguồn: theki.vn/cam-nhan-le-song-cao-dep-cua-con-nguoi-qua-bai-tho-anh-trang-cua-nguyen-duy)

    1
    2021-08-30T17:54:39+07:00

    Lẽ sống từ bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy

    Đất nước giải phóng được ba năm, những anh bộ đội cụ Hồ về với nhịp điệu của cuộc sống thời bình. Trước những tiện nghi hiện đại, trước những cám dỗ tầm thường, ngày hôm qua lắng lại trong những bận bịu, lo toan. Đúng như một nhà thơ đã viết:

    Có những lúc trên đường đời tấp nập
    Ta vô tình đã đi lướt qua nhau.

    Vâng, sự vô tình ấy không nên thanh minh mà rất cần thức tỉnh. Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, với lời thơ mộc mạc, chất trữ tình lại là tiếng lòng chân thật cất lên từ chất tự sự của một câu chuyện thơ. Bài thơ thể hiện một chủ đề truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”mà thấm thía bởi nội tâm của nhà thơ từ cái giật mình đáng quý!

    Bài thơ có cấu tứ từ một câu chuyện ngắn, với cách kể linh hoạt của thể thơ năm chữ. chất trữ tình làm nền để lời tâm tình mộc mạc, chân chất ; lời độc thoại với lòng mình trước quá khứ, hiện tại; trước cái còn cái mất, trước cái hôm qua- hôm nay trở thành tiếng lòng của nhà thơ trước cuộc đời.

    Bắt đầu là câu chuyện kể với giọng bình thản, nhà thơ lặng trôi theo những xúc động của một quá khứ riêng mình. Không kể, không tả mà là điểm qua từng khoảng không gian, thời gian. Lời kể lướt qua nhanh mà đủ sức gợi, đủ sức lay động lòng người:

    Hồi nhỏ sống với đồng
    Với sông rồi với bể
    Hồi chiến tranh ở rừng
    Vầng trăng thành tri kỉ.

    Hai khoảng thời gian đẹp nhất của nhân vật trữ tình. Đó là “Hồi nhỏ”và “Hồi chiến tranh”. “Hồi nhỏ sống với đồng – với sông rồi với bể”, điệp từ “với” mở ra ba không gian đồng, sông, bể. Không gian vừa mênh mông vừa gần gũi. Không phải chỉ là sự gần gũi, thân thiết mà là “sống với” nghĩa là vô cùng gắn bó. Vầng trăng trong không gian thơ ấu đẹp hồn nhiên thật. Nhưng bước ngoặt lớn đối với tác giả đấy là hồi chiến tranh. Tại sao đến lúc này vầng trăng mới thành tri kỉ? Phải chăng trong kháng chiến, xa quê hương, xa gia đình, đối diện với biết bao gian lao của cuộc kháng chiến, vầng trăng vô cùng thân thiết, hiểu nhau, không thể thiếu nhau. Trăng và người chiến sĩ cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, cho nên vầng trăng thành tri kỉ. Trăng được nhân hoá thành người bạn, người tri kỉ gắn bó bằng tâm hồn. Đến khi vầng trăng tri kỉ xuất hiện, giọng thơ chậm lại đầy suy ngẫm:

    Trần trụi với thiên nhiên
    Hồn nhiên như cây cỏ.
    Ngỡ không bao giờ quên
    Cái vầng trăng tình nghĩa

    Trăng và người chiến sĩ là thế đó! Trăng đã sống với nhau thân thiết, gần gũi đến trần trụi, hồn nhiên vô tư đến độ như cây cỏ. Vì vậy vầng trăng không chỉ tri kỉ mà còn ân tình biết bao! Thuỷ chung biết bao! Ngỡ rằng con người không bao giờ quên hình ảnh sâu đậm áy. Thế mà khi hoàn cảnh thay đổi, con người trở nên vô tình, trở thành kẻ “ăn ở bạc”. Vẫn bằng giọng thủ thỉ , tâm tình mà ta nghe như bắt đầu gió sóng ở đâu đấy đã nổi lên rồi trong lòng. Cả một quảng đời thơ ấu, sống giữa thiên nhiên, những năm tháng chiến tranh ở rừng vẫn sống với thiên nhiên. Hồi nhỏ trăng là bạn “Em đi trăng theo bước/ Như muốn cùng đi chơi”, khi làm anh bộ đội, thì “đầu súng trăng treo”, vầng trăng thành tri kỉ. Vầng trăng đã trở thành biểu tượng của yêu thương, thuỷ chung, nghĩa tình. Vậy mà:

    Từ hồi về thành phố
    Quen ánh điện của gương
    Vầng trăng đi qua ngõ
    Như người dưng qua đường

    Vẫn giọng điệu bình thản ấy, vậy mà nghe như hờn trách, xót xa. Quá khứ và hiện tại đối lập một cách sắc cạnh. Nếu thuỷ chung, tình nghĩa là một nét đẹp trong tính cách dân tộc, thì thái độ đối xử này không chỉ là đáng trách! Những bận rộn trong cuộc sống hằng ngày, nhịp điệu gấp gáp nơi đô thị có bào chữa cho sự bội bạc ấy chăng? Cũng như ánh điện tràn ngập khắp nhà cao, nối bao con đường, lối phố có thể giúp thanh minh cho sự dửng dưng, hờ hững kia chăng? Không, Nguyễn Duy chân thành như là thú tội. Một sự chân thành đáng quý! Ta nghe như thấm thía nỗi xót xa khi người “tri kỉ” “đi qua ngõ” mà “như người dưng qua đường”.

    Một khoảnh khắc của hiện tại làm nên cái giật mình của con người. Đến đây tứ thơ có chút kịch tính. Tuy cố bình thản nhưng chính nhà thơ đã tự vấn mình:

    Thình lình đèn điện tắt
    Phòng buyn đinh tối om
    Vội bật tung cửa sổ
    Đột ngột vầng trăng tròn.

    Các từ “thình lình”, “vội”, “đột ngột”cùng với cấu trúc đảo được dùng thật tự nhiên. gợi tả đầy biểu cảm. Trong khoảnh khắc “phòng buyn- đinh tối om”ấy, vầng trăng xuất hiện thật bất ngờ khiến tác giả bàng hoàng trước vẻ đẹp kì diệu của vầng trăng.

    Sự cố “đèn điện tắt” rất bình thường của nền văn minh hiện đại đã thức tỉnh con người trở về với những giá trị cao đẹp, vĩnh hằng. Có lẽ khi mất điện, con người cũng chỉ mở cửa để đón ngọn gió trời chứ không hình dung ra cái gì đó đang đợi mình ngoài kia. Vì thế, sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng đã khiến con người bừng tỉnh, nghẹn ngào:

    Ngửa mặt lên nhìn mặt
    Có cái gì rưng rưng
    Như là đồng là bể
    Như là sông là rừng

    Cử chỉ “Ngửa mặt lên nhìn mặt” ta đã gặp bao lần trong thơ. Lý Bạch “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”, Bác Hồ trong tù đã từng có khoảnh khắc ngắm trăng như thế:

    Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
    Nguyệt tòng song khích khán thi gia( Ngắm trăng)

    Riêng Nguyễn Duy dùng hai từ “ mặt” thật đắt. Mặt trăng, mặt người cùng đối diện. Trăng chẳng nói, chẳng trách nhưng người lính “rưng rưng” xúc động. Những xúc động xót xa, ân hận khiến giọng thơ không thể bình thản được. Khổ thơ đầu chỉ nhắc “sống với đồng/ Với sông rồi với bể” đến đây thành “như là đồng là bể/ Như là sông là rừng”. Giọng kể ấy là giọng hoài niệm. Vầng trăng đánh thức tất cả dậy, từ những kỉ niệm tuổi nhỏ đến những năm tháng cầm súng hành quân đuổi giặc dưới những cánh rừng. Thì ra những ký ức đẹp đẽ ấy đã không mất đi, con người không phải hoàn toàn vô tâm đến thế. Ký ức ấy chỉ tạm lắng xuống, con người trong lúc bận rộn đã lãng quên đi nhưng chỉ một tác động nhỏ chúng sẽ sống dậy vẹn nguyên, thậm chí còn đằm sâu hơn, tạo nên vẻ đẹp không gì sánh nỗi của tâm hồn con người.

    Khổ thơ cuối, với cấu trúc đối trong từng cặp câu đã thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu trưng của vầng trăng trong cảm xúc của tác giả :

    Trăng cứ tròn vành vạnh
    Kể chi người vô tình
    ánh trăng im phăng phắc
    Đủ cho ta giật mình.

    Vầng trăng “tròn vành vạnh” mang vẻ đẹp viên mãn, là biểu tượng của sự bao dung, độ lượng, mang sự tròn đầy của tình nghĩa, của thuỷ chung. Vầng trăng ấy đủ để người thơ nhận ra sự vô tình. Ánh trăng “im phăng phắc” không hề trách cứ, lặng lẽ, vô ngôn. Một sự lặng im của tình nghĩa có cả sự nghiêm khắc, sự nghiệm khắc đủ để con người “giật mình”. Cả bài thơ chủ thể trữ tình ẩn sau lời kể, ẩn sau câu chuyện riêng tư của một – con – người. Đến đây không phải ngẫu nhiên tác giả dùng cụm từ “Ta giật mình”Phải chăng người đọc đã hoà vào cảm xúc đầy ăn năn của nhà thơ? Phải chăng cái giật mình cần có của mỗi con người bởi ta cũng đã bao lần để ngày hôm qua trong ngần rơi vào lãng quên? Phải chăng bài thơ không dừng lại ở một câu chuyện riêng tư mà đã trở thành chuyện của bao người. Cái giật mình của nhà thơ cũng là giật mình của hồi ức. Ta đã gặp trong bài “Nghe tắc kè kêu trong thành phố”:

    Tôi giật mình
    nghe
    trên cành me
    Góc đường công Lý cũ
    Cái âm thanh của rừng lạc vào thành phố…

    Ta có thể hiểu cái giật mình của nhà thơ, cái giật mình của lương tri, lương năng, của tâm hồn con người ở cuối bài thơ thật đáng quý bởi đó là sự thức tỉnh của người thơ và cũng là thức tỉnh mọi người về một thái độ sống. Đó là lời nhắc nhở của vầng trăng đối với con người về quá khứ, về tình nghĩa thuỷ chung, về thái độ tình cảm của con người.

    Bài thơ viết theo thể thơ năm chữ, chất tự sự và hình ảnh thơ mộc mạc, giản dị đã góp phần thể hiện tâm hồn nhà thơ với cuộc đời. Lời kể bằng thơ có khi thanh thản, có khi dồn dập sự kiện, tình huống, có khi là đoạn kể hoài niệm, có khi là lời độc thoại đầy tâm trạng. Bài thơ đã thể hiện một chủ đề truyền thống “uống nước nhớ nguồn” bằng một tiếng lòng chân thành của con tim vì thế mà “ánh trăng” có sức lay động và thức tỉnh lòng người.

    Đọc bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy viết sau ba năm đất nước thống nhất ta càng thấm thía với điều mà nhà thơ quan tâm. Phải chăng cách sống đẹp, sống có nghĩa có tình với quá khứ, với hiện tại là điều mà bài thơ đặt ra – vấn đề sẽ luôn luôn mới. Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc đã từng nêu lời nhắn nhủ của núi rừng:

    Phố đông còn nhớ bản làng
    Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

    Với chúng ta, ánh trăng tình nghĩa của Nguyễn Duy là một ánh sáng thắp lên, soi rọi tâm hồn để mỗi người sống ngày càng đẹp hơn với truyền thống của dân tộc mình.

    (Nguồn: nguyenphuongbaclt.blogspot.com/2015/11/le-song-tu-bai-tho-anh-trang-cua-nguyen.html)

Để lại câu trả lời