Nhà cái trong thị trường chứng khoán là ai?

Câu hỏi

Trên các group thảo luận về chứng khoán, nhiều người thường hay nhắc đến Nhà cái (market maker) và Tay to (big boys) mà không ai thấy họ cả. Vậy Nhà cái và Tay to là ai? Họ có phải là người vô hình hoặc giấu mặt trên thị trường hay không?

Nhà cái market maker là ai?

giải quyết 0
Cô Bé Mộng Mơ 5 năm 2019-01-14T15:41:22+07:00 2 Câu trả lời 6588 lượt xem 1

Câu trả lời ( 2 )

    2
    2019-01-14T15:59:03+07:00

    “Nhà cái” luôn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất những khi thị trường biến động mạnh. Nhà đầu tư luôn hình dung rằng có một lực lượng nào đó đang dõi theo họ, có lúc nhẹ nhàng như rất hiểu họ, nhưng lắm khi biến chuyển mạnh mẽ, tác động lớn đến hiệu quả trong quá trình đầu tư.

    Vậy “Nhà cái” là ai?

    Chúng ta có thể hiểu họ là những cá nhân hay tổ chức có khả năng chi phối giá của 1 hay 1 nhóm nhiều cổ phiếu trên thị trường. Để làm được điều đó, họ cần có mức vốn tương đối áp đảo so với thị trường và mục tiêu của họ chính là thu hút những nhà đầu tư khác tập trung vào các cổ phiếu nêu trên.

    Khi thu hút được 1 lượng lớn nhà đầu tư quan tâm vào cổ phiếu, khả năng “nhà cái” có thể dẫn dắt được tâm lý cũng như hành động của các nhà đầu tư này, qua đó, họ sẽ đạt được mục đích của mình. Nếu không có “Nhà cái” thì thị trường ảm đạm, giao dịch nhỏ giọt. Vậy tóm lại “Nhà cái” là tốt hay xấu?

    Câu trả lời, họ vừa tốt, vừa xấu!

    “Nhà cái” xấu khi:

    Bưng bít thông tin, lợi dụng lợi thế lớn với Hội đồng quản trị công ty, lợi thế về thông tin doanh nghiệp, lợi thế về vốn để làm những “cổ phiếu chưa tốt” nhìn có vẻ rất tốt. Khi đó, những nhà đầu tư không hiểu rõ sự việc sẽ bị thu hút vào, đầu tư thời gian đầu có lãi nhưng đến một lúc nào đó, khi mọi chuyện dần rõ ràng và xong xuôi, “Nhà cái” biến mất và những nhà đầu tư này khả năng cao sẽ chịu thiệt hại lớn nhất. Sau đó một thời gian, những cổ phiếu này lại có “Nhà cái” thế hệ F2, F3,… tiếp tục dẫn dắt cuộc chơi.

    Có thể ví dụ một số cổ phiếu có dấu hiệu “làm giá”, “bưng bít thông tin” trong nhiều năm, “giúp” không ít nhà đầu tư “lâm vào bước đường cùng” có thể kể đến như:
    (1) Hùng Vương (HVG) giai đoạn 2013 – 2015;
    (2) Gỗ Trường Thành (TTF) giai đoạn 2015 – 2016;
    (3) Tân Tạo (ITA) giai đoạn 2013 – 2015;
    (4) Nông Dược HAI (HAI) giai đoạn 2013 – 2017;
    (5) FLC giai đoạn 2014 đến nay;
    (6) Hoàng Huy (HHS) giai đoạn 2014 – 2016;
    (7) ROS giai đoạn 2017 – 2018;
    Và rất rất nhiều trường hợp tương tự khác.

    Vì sao nhà đầu tư biết xấu mà vẫn lao vào? Câu trả lời là vì “lòng tham mù quáng”.

    Vì sao cơ quan chức năng không phát hiện ra những trường hợp này? Câu trả lời là có. Gần đây nhiều trường hợp cổ phiếu bị phát hiện làm giá và đã có xử lý. Tuy nhiên không thể triệt để được bởi “Nhà cái” nhìn chung vẫn là một nhà đầu tư, họ có quyền giao dịch theo quy luật cung – cầu trên thị trường như mọi thành phần khác.

    “Nhà cái” tốt khi:

    Như đã nói ở trên, không có “Nhà cái” thì thị trường chứng khoán sẽ trở thành một cái chợ vắng tanh, giao dịch nhỏ giọt không thể thu hút dòng tiền thông minh, dòng tiền đầu tư vào nền kinh tế.

    Khi cổ phiếu tốt (đáp ứng các tiêu chí khắt khe) được hỗ trợ bởi sự tham gia của “Nhà cái”, các cổ phiếu đó sẽ vững mạnh hơn trong những lúc thị trường giảm điểm gặp khó khăn. Các cổ phiếu đó vô tình cũng trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư và trong trường hợp này, một sự cộng hưởng giá thúc đẩy giá cổ phiếu tiếp tục tăng trưởng theo đà tăng của Kết quả kinh doanh.

    Điều đó đã thể hiện rõ khi các cổ phiếu như: Thế Giới Di Động (MWG); Đông Hải Bến Tre (DHC); Vinamilk (VNM); Bút Bi Thiên Long (TLG); Hoà Phát (HPG); FPT; Đầm Sen Nước (DSN); PNJ; Nam Long (NLG);… đã liên tục tăng trưởng hơn 600% trong 8 năm qua, là những cái tên luôn được nhắc đến mọi lúc mọi nơi. “Nhà cái” ở đây là các thương hiệu “chất như quả đất” kể đến như: Quỹ SSIAM của SSI, Quỹ Vina Capital, Quỹ VanEck, Quỹ Dragon Capital,…

    Hay các cá nhân nằm trong HĐQT liên tục đỡ giá cổ phiếu như: ông Trần Đình Long (Thép Hoà Phát), ông Lê Bá Phương (Đông Hải Bến Tre), bà Mai Kiều Liên (VNM),… “Nhà cái” lúc này không được hiểu là đơn vị làm giá cổ phiếu hay bưng bít thông tin nữa mà chính họ là người đồng hành cùng các doanh nghiệp tăng trưởng, “tạo dựng cuộc chơi” cho dòng tiền thông minh của nhà đầu tư tham gia. Và chắc chắn một điều, đây là cuộc đua “Win – Win” cho mọi thành phần tham gia.

    Tóm lại, hiểu được “dụng ý của nhà cái” bạn sẽ rõ mình đang ở đâu và cần phải làm gì để “sống sót”. Khi hiểu được điều này, bạn cần chiến lược đầu tư phù hợp để “tham gia cuộc chơi”. Với từ “nhà cái” trong trường hợp 1, bạn phải là một người lướt sóng chuyên nghiệp; trái lại nếu trong trường hợp thứ 2, bạn nên có chiến lược chọn lọc doanh nghiệp rõ ràng và cần thêm một người đồng hành đắc lực hỗ trợ thêm thông tin, giá và các vấn đề liên quan phát sinh.

    Dù là ở trường hợp nào, hiệu quả đầu tư vẫn là mục tiêu số 1.

    (Theo KhaiNguyen Investment)

  1. This answer is edited.

    Một số thuật ngữ các Nhà đầu tư hay gọi trên thị trường chứng khoán:

    *Xem thêm: 40 thuật ngữ giao dịch chứng khoán bạn nên biết

    1. MARKET MAKER

    Đúng như tên gọi – Nhà tạo lập thị trường hay nhà cái. Ngày xưa mình được học khi còn ở giảng đường đại học thì Market Maker mang nghĩa tích cực. Họ là những người giúp tạo thanh khoản cho thị trường và góp phần làm cho thị trường trong sạch hơn. Nhưng những Market Maker chúng ta nói đến ở đây với một định nghĩa khác mang nghĩa xấu xa và tiêu cực hơn. Market Maker là những con người giàu và siêu giàu chỉ chiếm 10% những nhà đầu tư nhưng nắm giữ 90% lượng tiền trên thị trường. Đó là những cá nhân có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, có thế lực ngoài xã hội, có khả năng nắm bắt được các thông tin doanh nghiệp – vĩ mô sớm nhất và chi phối được media tin tức . Mục đích của nhà cái khi tham gia vào thị trường cũng giống như anh em nhỏ lẻ đó là vì TIỀN. Theo thông tin thu thập được thì lớp Market Maker hiện nay (từ cuối 2013 đến giờ) là lớp F2. Lớp này trẻ hơn lớp đời đầu F1 (đa phần đều đã chết trong cuộc khủng khoảng 2007-2008) và điều khiển thị trường cũng nóng và nhiệt huyết hơn với những cú “sốc” tăng giảm dày đặc và mạnh mẽ hơn.

    2. BIG BOY

    Nếu gọi Market Maker là tầng lớp thượng tầng. Là những con người đầy quyền uy đi mây về gió và không để lại tung tích thì Big Boy có vẻ gần gũi hơn. Đây cũng là thực thể duy nhất chúng ta nhìn thấy được. Big Boy là tay chân của Market Maker họ hiện diện dưới dạng các nhà đầu tư có vốn lớn, các công ty chứng khoán, các tổ chức, các quỹ và thậm chí một số Big Boy còn mạo danh khối ngoại. Đội lốt nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán.

    3. CÁ MẬP

    Cá Mập, Bìm Bịp và Chim Lợn là các công cụ của các Big Boy được các Market Maker hỗ trợ. Trong đó vai trò nòng cốt là Cá Mập. Hai con kia thì phụ họa. Cá mập đại diện cho dòng tiền của các Big Boy đặt tại các công ty chứng khoán dưới dạng các tài khoản. Tuy là nhiều tài khoản nhưng tất cả đều thực hiện lệnh và thao tác gần như cùng lúc và bởi ý chí của một người. Các chiêu thức mà cá mập thường dùng là “Đè gom”, “Kéo xả”, “Đẩy trần”, “Giải cứu”, “Núp lùm”, “Bộ đội về làng”… Mối liên hệ duy nhất của Cá Mập và các Big Boy sau các cuộc “Truy quét”, “Rung cây”, “Dụ gà”… đó là các lệnh thỏa thuận lớn, hoặc cực lớn để các Cá Mập trả hàng về cho các Big Boy.

    4. BÌM BỊP VÀ CHIM LỢN

    Những nhân vật này quá gần gũi nên có lẽ mình không bàn thêm. Chim Lợn xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng kêu réo tung tin xấu để hỗ trợ Cá Mập thực hiện đòn “Đè gom”. Sau khi Cá Mập gom đủ hàng thì đàn Chim Lợn này sẽ về tổ và đàn Bìm Bịp được tung ra để bơm tin tốt hỗ trợ đòn “đẩy giá” của Cá Mập.

    5. GÀ

    Chính là chúng ta, những nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu thông tin và 90% là thua lỗ trong các giao dịch chứng khoán. Những kẻ ngây ngơ khờ khạo nếu không tự bổ sung kiến thức, tích cực nghiên cứu thì chắc chắn chỉ có cống nạp tiền cho các tầng lớp phía trên.

    (Nguồn: Vũ Thị Minh Sáng – Ebroker.com.vn)

    Câu trả lời hay nhất
    Hủy câu trả lời hay nhất

Để lại câu trả lời