Nội dung của Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các?

Thăm dò ý kiến

Nội dung của Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các cụ thể của từng phần?

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các

trong tiến trình 0
Thái Sơn 2 năm 2021-11-14T14:37:53+07:00 0 Câu trả lời 131 lượt xem 0

Câu trả lời ( 3 )

  1. Tao đàn Chiêu Anh Các

    Tao đàn Chiêu Anh Các, gọi tắt là Chiêu Anh Các do Trần Trí Khải tự Hoài Thủy, một danh sĩ người Việt Đông (Trung Quốc) sáng lập, và Mạc Thiên Tứ (1708-1780) làm Tao đàn nguyên soái, ra đời vào năm 1736 ở Hà Tiên (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), Việt Nam.

    Đây không chỉ là một tổ chức gần giống như hội Tao đàn Nhị thập bát Tú của vua Lê Thánh Tông (1442-1497), mà còn là nơi thờ Khổng Tử, nơi chiêu tập các bậc hiền tài và giúp đỡ (nhà Nghĩa học) cho những thiếu niên ưu tú theo đuổi nghiệp văn, nghiệp võ.

    Ra đời

    Từ thời Mạc Cửu, sách Đại Nam liệt truyện Tiền biên đã ghi nhận:

    (Mạc) Cửu về Trấn (Hà Tiên) dựng thành quách, đặt liêu tá, làm nhiều nhà khách để đón tiếp hiền tài.

    Kế thừa giềng mối của cha, Mạc Thiên Tứ cũng dựng gác Chiêu Anh để thờ Tiên thánh và làm nơi đón tiếp hiền tài. Sách “Hà Tiên trấn, Hiệp trấn Mạc thị gia phả” (gọi tắt Mạc thị gia phả) do Vũ Thế Dinh biên soạn năm 1818, chép:

    Ông (Mạc Thiên Tứ) phú tánh trung lương, nhân từ nghĩa dõng, toàn vẹn tài đức, lại tinh thông sách vở và văn thơ của Bách gia chư tử… Ông có dựng Chiêu Anh Các để thờ Tiên Thánh, và dùng lễ vật hậu hĩ để đón mời người tài giỏi. Từ bên nhà Thanh, cả các bậc tuấn tú các nước khác nghe tiếng ông đều tụ hội đến ngày một đông.

    Trong số danh sĩ “nghe tiếng mà đến”, Mạc Thiên Tứ kể, “có thầy Trần Hoài Thủy từ Việt Đông vượt biển đến đây. Ta đãi làm thượng tân. Mỗi khi hoa sớm trăng đêm, ngâm vịnh chẳng thôi. Nhân, đem “Hà Tiên thập cảnh” trình cho tri kỷ. Thầy Trần dựng cơ Tao đàn, mở hội phong nhã… Đó là năm Bính Thìn (1736).

    Thụ Đức Hiên

    Theo Mạc thị gia phả, thì năm 1736, Mạc Thiên Tích “dựng gác Chiêu Anh để thờ Tiên thánh (thờ Khổng Tử) và làm nơi đón tiếp hiền tài. Cuối bài tựa đề cho tập Hà Tiên thập vịnh, Mạc Thiên Tứ cho biết “Thượng tuần của tháng cuối mùa hạ, năm Đinh Tỵ (1737)” ông đã “tự tay viết bài tựa ở Thụ Đức Hiên” (thư phòng ở đền thờ Thánh Đức, tức Khổng Tử).

    Dù vẫn còn có người tỏ ý nghi ngờ, có hay không ngôi nhà riêng dành cho Chiêu Anh Các, nhưng theo nghiên cứu của Trương Minh Đạt (người Hà Tiên), nhờ 9 bài thơ trong tập Thụ Đức Hên tứ cảnh còn sót lại (chép trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, nhất là bài thơ của ông Trần Diệu Liên, người Trung Quốc, đã mô tả khá rõ vị trí của tòa nhà); nhờ những phế tích vẫn còn ở chùa Phù Dung, ông Đạt đã khẳng định vị trí “Thụ Đức Hiên tại Đền Khổng Tử xưa, trải qua bao biến cố, nay chính là nơi tọa lạc của chùa Phù Dung”.

    Kết

    Cột đá và chân táng bằng đá, dấu vết của một công trình xưa ở chùa Phù Dung.

    Nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết:

    Trong xứ (Hà tiên) có miếu thờ Khổng Tử mà từ vương (tức Mạc Thiên Tứ) đến dân ai cũng thờ. Có một nhà nghĩa học dạy các thanh niên ưu tú, nghèo không thể tự túc theo học được. Những người Trung hoa sang đây mà có khả năng văn học thì mới được mời đến đó dạy học… Trong khi đó đừng nói chi Gia Định, ngay cả ở Thuận Hóa cũng chẳng có một thi đàn nào cả. Sự kiện ấy quả thực chưa hề xảy ra trong lịch sử văn học (Việt). Ta thử tưởng tượng một nhóm người di cư qua một nước tuy là đồng văn nhưng vẫn là lạ, dựng nghiệp ở một nơi hẻo lánh nhất, mà chỉ nữa thế kỉ sau, làm cho nơi đó thành một đất văn vật nhất trong cõi, góp công vào văn học xứ đó bằng chữ của mình và bằng cả thổ ngữ, thì có lạ không chứ!

    Tiếc thay nền văn học Hà tiên bừng lên rực rỡ được có 31 năm; đến năm 1771, Hà Tiên bị quân Xiêm đánh chiếm, Thiên Tích phải chạy về Gia Định. Chiêu Anh Các tan rã, sách vở bị tiêu hủy; năm 1778 Thiên Tích phải trốn tránh Tây Sơn, qua Xiêm, và hai năm sau, 1780, ông tuẫn tiết ở kinh đô Xiêm; từ đó Hà Tiên cũng cùng họ Mạc mà suy tàn. Trích Đất Hà Tiên với họ Mạc và họ Lâm.

    (Nguồn: Wikipedia)

    3
    2021-11-14T15:25:28+07:00

    Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các và ngày thơ Việt Nam

    Trong không khí vui tươi phấn khởi chào đón một mùa xuân mới lại về trên thành phố thân yêu của chúng ta. Hôm nay, ngày rằm tháng giêng năm Kỷ Hợi 2019, tại quảng trường Chiêu Anh Các rực rở đèn hoa, Đảng bộ và nhân dân thành phố trẻ Hà Tiên lần đầu tiên tổ chức lễ hội kỷ niệm 283 năm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các và mở đầu năm du lịch Hà Tiên với nhiều triển vọng tốt đẹp. Đây là một hoạt động truyền thống mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca mà các bậc tiền nhân đã tạo lập trên quê hương Hà Tiên tươi đẹp.

    Trải qua 283 mùa xuân cùng với sự phát triển của quê hương đất nước, lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các hằng năm đã trở thành môt hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, ngày hội để chúng ta tôn vinh thành tựu thơ ca mà Tao đàn Chiêu Anh Các đã để lại cho hôm nay và mai sau. Có thể nói, chúng ta luôn trân trọng vai trò và sự đóng góp to lớn của thơ ca; của các văn, nghệ sĩ, các nhà thơ đối với đời sống xã hội. Thơ không chỉ có chức năng thẩm mỹ mà còn cổ vũ, định hướng và là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh Các lần thứ 283, Nguyên Tiêu Kỷ Hợi 2019 được diễn ra trong lúc Đảng bộ và nhân dân Hà Tiên vừa vui mừng tổ chức Lễ Công bố Nghị quyết của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường Mỹ Đức và thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang vào đầu tháng 11 năm 2018 vừa qua. Đây là thành tựu rực rỡ mà chúng ta đã phấn đấu đạt được qua 20 năm xây dựng và phát triển thị xã Hà Tiên, được Đảng và Nhà nước ghi nhận.

    Lễ hội Tao đàn Chiên Anh Các năm nay được tổ chức với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, vui tươi, sôi nổi. Trong đó, nổi bậc nhất và có ý nghĩa sâu sắc nhất là việc xây dựng hoàn thành Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các vừa mới tổ chức lễ khánh thành hôm qua ngày 14 tháng giêng âm lịch. Nhà lưu niệm được xây dựng dưới chân núi Bình San, có diện tích trên 7.000 m2, không gian thoáng đãng, kiến trúc hài hòa. Việc chủ trương xây dựng Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các cho thấy Đảng bộ và nhân dân Hà Tiên luôn trân trọng những thành quả lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của các bậc tiền nhân. Đây còn là nơi trưng bày giới thiệu thơ ca của thi phái Chiêu Anh Các với du khách gần xa, là nơi để các văn nghệ sĩ có thể tổ chức họp mặt, bàn luận văn chương, lấy cảm hứng sáng tác và giới thiệu tác giả, tác phẩm vào những đêm trăng sáng.

    Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người Hà Tiên hiền hòa, mến khách là điều kiện vô cùng thuận lợi cho Hà Tiên phát triển du lịch và thực sự Hà Tiên đã trở thành một thành phố du lịch. Những năm qua, du lịch Hà Tiên phát triển khá, riêng năm 2018, Hà Tiên đón hơn 2,5 triệu lượt du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 13.283 tỷ đồng.

    Việc tổ chức Lễ hội Tao đàn Chiên Anh Các hằng năm, ngoài việc tôn vinh, trân trọng những thành quả lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa của các bậc tiền nhân mà đây còn là dịp để giới thiệu với du khách, các doanh nghiệp tiềm năng du lịch của địa phương, qua đó mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, khai thác có hiệu quả tài nguyên, tạo thêm các sản phẩm dịch vụ phục vụ du lịch ngày càng đa dạng, phong phú hơn, nhằm thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu trải nghiệm, vui chơi, giải trí của du khách, tạo kết cấu hạ tầng cần thiết cho du lịch Hà Tiên phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, thực sự trở thành ngành kinh tế chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của thành phố, làm đầu tàu dẫn dắt các ngành kinh tế khác cùng phát triển, từng bước xây dựng Hà Tiên trở thành một thành phố văn hóa du lịch phát triển năng động, giàu đẹp, văn minh.

    Để góp phần đưa du lịch Hà Tiên không ngừng phát triển trong tương lai, nhân dịp này thay mặt lãnh đạo thành phố tôi kêu gọi các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân thành phố hãy chung tay thực hiện tốt phương châm “Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”. Trước hết cần xây dựng con người Hà Tiên về đức tính thật thà chất phác, tôn trọng nghĩa tình và lòng mến khách, văn minh lịch sự trong giao tiếp; phát huy tốt các giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; giữ gìn cảnh quan môi trường, an ninh trật tự… Qua đó, không ngừng tô đẹp thêm hình ảnh đất nước và con người Hà Tiên trong lòng du khách mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn.

    Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch Hà Tiên

    (Nguồn: dulichhatien.com.vn/Default.aspx?tabid=1266&ndid=315)

    2
    2021-11-14T15:33:34+07:00

    Lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên – Nơi tôn vinh thi ca và những bậc tiên nhân mở cõi

    Thành phố Hà Tiên tỉnh Kiên Giang là một dải đất hẹp ven biển, có diện tích tự nhiên gần 9.000 ha, với đường biên giới dài 14 km giáp nước bạn Campuchia. Hà Tiên có đầy đủ đồng bằng, núi, sông, hang động, hải đảo, vũng, vịnh,… tạo nên nhiều cảnh quan đẹp.

    Hà Tiên được nhiều sách sử nhắc đến là vùng “đất Phật người hiền”, có những di tích, danh lam thắng cảnh gắn liền với chiến công mở cõi của dân tộc. Là một thành phố vùng biên ải, nơi đây thật lặng lẽ, yên bình như một làng quê xưa với nét uy nghiêm của những chứng tích lịch sử cùng nét hoang sơ của những tạo tác mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này. Không những thế, Hà Tiên còn đuợc xem như là cái nôi của nền văn thơ Nam Bộ. Các văn sĩ đời sau gọi Tao đàn Chiêu anh các là “ánh trăng” của thơ phú. Xưa kia, Tao đàn này tập hợp được nhiều văn sĩ lúc bấy giờ, tạo thành một diễn đàn văn chương rộng lớn, không chỉ có ảnh hưởng trong nước mà con vươn ra tầm thế giới.

    Từ sự ra đời của một Tao Đàn…

    Người có công khai mở vùng đất Hà Tiên là ngài Tổng binh Mạc Cửu (1655 -1735) sinh quán phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông-Trung Quốc. Cuối thời nhà Minh, nước Trung Quốc đại loạn, quê hương ông bị giặc Mãn Thanh thôn tính. Vào năm Tân Hợi (1671), Mạc Cửu lúc đó 17 tuổi, đã rời quê hương cùng đoàn tuỳ tùng trôi dạt xuống vùng Đông Nam Á. Ông trôi dạt đến vùng đất Hà Tiên khi đó còn là vùng đất rộng người thưa, chưa có chính quyền nào quản lý. Ông tổ chức đời sống kinh tế xã hội và khai hoang lập thành 7 xã theo ven biển Vịnh Thái Lan.

    Sau khi Mạc Cửu qua đời (1735), triều đình phong cho Mạc Thiên Tích kế tục chức của cha. Mạc Thiên Tích còn có tên là Mạc Tứ, Mạc Tông là con của ông Mạc Cửu và bà Bùi Thị Lẫm, một phụ nữ Việt Nam quê ở Gia Định. Sau một năm nhậm chức, vào năm 1736, Đô Đốc Tổng Binh Mạc Thiên Tích đã thành lập Hội tao đàn lấy tên là Tao đàn Chiêu Anh Các (toà gác chiêu tập anh tài) góp phần đáng kể vào việc xây dựng nền móng cho thơ ca Hà Tiên. Việc thành lập Tao Đàn Chiêu Anh Các đã góp phần quan trọng vào việc củng cố ý thức dân tộc và truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam tại một vùng đất mới mà tộc người Việt vừa mới bắt tay khai phá.

    Chính tại dinh thự của mình, ông đã chiêu mộ hiền tài, tổ chức bộ máy hành chính và quân đội chặt chẽ nghiêm minh. Đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của đất Hà Tiên và cả vùng Hậu Giang. Theo các sử liệu thì Chiêu Anh Các cũng là một văn miếu để thờ Khổng Tử – vị thánh sư của mọi thời. Đồng thời, nó cũng là một nhà “nghĩa học”, tức là trường dạy học miễn phí. Học trò là những thanh thiếu niên tuấn tú đến tiếp thu lễ nghĩa, thi thư. Chiêu Anh Các còn có cả phòng ốc cho những nho sinh ở xa về lưu trú.

    Tao đàn Chiêu Anh Các sản sinh ra một khối lượng văn chương từ phú đồ sộ. Năm 1821, khi cho tái bản sách Minh bột di ngư, Trịnh Hoài Đức nhắc tới 6 tập sách từng được xuất bản và lưu hành là: (1) Hà Tiên Thập Cảnh Toàn Tập, (2) Minh Bột Di Ngư Thi Thảo, (3) Hà Tiên Vịnh Vật Thi Tuyển, (4) Châu Thị Trinh Liệt Tặng Ngôn, (5) Thi Truyện Tặng Lưu Tiết Phụ, (6) Thi Thảo Cách Ngôn Vịnh Tập. Ngoài 6 tác phẩm trên Lê Quý Đôn còn ghi thêm tập Thụ Đức Hiên Tứ Cảnh. Cả 7 tác phẩm trên là kết quả xướng họa thi ca của hơn 40 năm hoạt đông của tao đàn Chiêu Anh Các.

    Điều đáng chú ý là tại một nơi có nhiều tộc người cùng sinh sống có nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, song hội Tao Đàn Chiêu Anh Các lại sử dụng tiếng Nôm như là ngôn ngữ dân tộc chính thống và được sử dụng khá thành công để miêu tả một cách trung thực những thắng cảnh của quê hương do sức lao động của con người tạo nên. Chiêu Anh Các đã mở đầu cho một thời kỳ mới trong nền thơ ca ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vào thế kỷ 18. “Hà Tiên thập cảnh” là một nguồn sử liệu quý cho chúng ta hôm nay trên con đường nghiên cứu về Hà Tiên thuở ấy.

    Có thể nói, dòng họ Mạc ở Hà Tiên không chỉ có công khai mở đất đai, quy dân lập ấp, xây hào đắp luỹ, đánh dẹp ngoại xâm, tiễu trừ cướp biển, xây dựng nên một vùng biên viễn phú túc một thời mà còn sáng lập Tao Đàn Chiêu Anh Các. Đây là nơi chiêu tập những bậc anh tài, nho nhã nhằm tạo nên một diễn đàn xướng hoạ, ngâm thơ và đàm văn, luận võ. Tao đàn Chiêu Anh Các cũng là một sự xác lập nền văn hoá của người Việt trên đất Nam Bộ.

    … Đến nét độc đáo của một lễ hội

    Đã từ lâu, Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) hàng năm đã trở thành dịp có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân Thành phố Hà Tiên. Tết Nguyên tiêu càng có ý nghĩa hơn khi trùng vào dịp Ngày Thơ Việt Nam, cũng là ngày kỷ niệm sự ra đời của Tao Đàn Chiêu Anh Các do Tổng trấn, nhà thơ Mạc Thiên Tích sáng lập ra vào năm 1736.

    Lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các được chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Tiên tổ chức long trọng. Con đường vào Lăng Mạc Cửu rực rỡ sắc màu cờ hoa. Thành phố Hà Tiên luôn mở rộng vòng tay chào đón du khách. Thời gian tổ chức lễ hội thường diễn ra từ ngày 14-15-16 tháng Giêng âm lịch nhưng các hoạt động thể thao chào mừng thường diễn ra kéo dài trước và sau đó vài ngày.

    Người yêu thơ nô nức đến dự lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các, vừa là dịp viếng đền thờ, lăng mộ họ Mạc và hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam, nhưng cũng chính là để tưởng nhớ về ngày ra đời Tao Đàn Chiêu Anh Các. Mọi người gặp nhau để cùng tiếp thêm cho mình niềm đam mê, sự bền bỉ cống hiến cho thi ca nói riêng và văn chương nói chung. Các hội viên của các thế hệ làm thơ đã có dịp được trao đổi, giao lưu những trải nghiệm, trân trọng trao cho nhau những tình cảm đáng nhớ, hứa hẹn cho những tác phẩm tương lai sẽ ngày một được xuất hiện trước công chúng.

    Tuy năm nay do ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra nên lễ hội tạm dừng tổ chức, song những năm qua, Lễ hội là dịp để kỷ niệm ngày ra đời Tao Đàn và lượng khách về dự lễ hàng năm rất đông. Du khách không chỉ là người có tuổi, người thân, sơ với các tác giả, nghệ sĩ mà ngày càng có nhiều bạn trẻ đến với thơ một cách mặn mà và háo hức hơn. Trong đêm trăng rằm Nguyên Tiêu hàng năm, những người yêu thơ cảm thấy thật ấm lòng khi được ngồi trong võ ca lăng Mạc Cửu dưới chân núi Bình San. Về phần lễ, có nghi thức dâng hương ở đền thờ họ Mạc. Trong lễ hội vài năm gần đây, vào tối rằm Nguyên tiêu có nghi thức Lễ Khai mạc tại công viên Trần Hầu.

    Nội dung phần hội có một số hoạt động mang sắc thái sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc. Cụ thể: Về thể thao có tổ chứcgiải bong đá Tứ Hùng, tại sân vận động Thành phố Hà Tiên; Tổ chức trò chơi dân gian tại Công Viên Trần Hầu; Tổ chức thi thư pháp, cờ tướng tại võ ca Đền Thờ họ Mạc. Về văn nghệ có Phát động cuộc thi thơ, sáng tác ca khúc về Hà Tiên, Tổ chức triễn lãm ảnh “Nét đẹp du lịch tỉnh Kiên Giang”, tại Công Viên Trần Hầu, Thả đèn hoa đăng.Về hoạt động thương mại có tổ chức: Hội chợ ẩm thực Hà Tiên ở sân lễ đài Thành 18. Không khí lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các luôn đông vui nhưng cũng không quá ồn ào để các nhà thơ và bạn đọc có thể giao lưu với nhau. Lượng khách tham dự gồm hàng ngàn người dân yêu thơ và anh chị em văn nghệ sỹ vùng đất Tây Nam bộ cùng cán bộ các cơ quan, ban ngành của tỉnh đến đây theo dõi đêm thơ.

    Trên sân khấu, trong trang phục khăn đóng áo dài truyền thống, người dẫn chương trình cũng như nhạc công, người ngâm thơ đã làm tăng thêm sắc thái văn hoá dân tộc. Các bài thơ đạt giải được chọn ngâm trong đêm thơ. Dưới ánh trăng rằm, những luồng gió mát từ biển thổi vào, tiếng ngâm thơ khiến cho ai cũng cảm thấy bồi hồi, như đi vào cõi xa xăm giữa quá khứ và hiện tại:

    Từ sông Hồng lộng gió đầu phương Bắc
    Thổi về đây sông Cửu cuối phương Nam
    Dừng lại Hà Tiên Chiêu Anh Các
    Cùng tao nhân mặc khách luận đàm.

    Đêm hội thơ Tao đàn Chiêu Anh Các đã thật sự đi vào lòng thi nhân, hồn thơ và hồn người hoà quyện làm một không thể tách rời nhau: ấm cúng, chân tình và tha thiết, nồng nàn. Hồn núi, hồn biển, hồn thiên nhiên cây cỏ càng tăng cảm xúc cho thi nhân những ngày đất nước vào xuân:

    Nam Phố buổi về quên lối cũ
    Lộc Trĩ mờ theo những dấu hài
    Chỉ thấy Hà Tiên đầu quyến rũ
    Thành phố ngập trời mây trắng bay…

    Lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các góp phần bảo tồn truyền thống văn hoá dân tộc, tạo sân chơi văn hoá lành mạnh, thu hút nhiều du khách tới tham dự . Công tác tổ chức ngày càng tốt hơn đã tạo nên môi trường sống hài hoà, đoàn kết xóm làng, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hoá Hà Tiên.

    Nâng cấp lễ hội để trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch:

    Tao Đàn Chiêu Anh Các là một trong những yếu tố làm nên cái thần, cái hồn của đất Hà Tiên. Để thu hút khách du lịch đến với lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các ngày càng đông hơn, những năm gần đây lễ hội đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô lễ hội theo hướng gắn với sự kiện văn hóa lịch sử và tập quán để thu hút du khách. Trong các chương trình nghệ thuật của lễ hội đã phần nào phục dựng, tái hiện được một số mặt sinh hoạt của Tao đàn Chiêu Anh Các. Thay vì chỉ có những tiết mục đọc thơ truyền thống nên mở rộng với sân thơ hiện đại, sân thơ thiếu nhi và sân thơ dành cho các câu lạc bộ thơ. Ban tổ chức đã vận động sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng cùng tham gia vào các hoạt động trước cũng như sau hội thơ. Sức trẻ luôn khuấy động phong trào và đem lại luồng gió mới cho ngày hội của ngôn từ. Bên cạnh đó là những hoạt động thể thao, nữ sinh diễu hành đạp xe, đua thuyền đêm hội hoa đăng, các tiết mục võ thuật ôn lại một thời oai hùng của lực lượng thủy binh trấn Hà Tiên. Để lễ hội có sự mới lạ Ban tổ chức đang nghiên cứu triển lãm thơ trên các chất liệu gốm sứ, triển tổ chức hoạt động thi thư quán, khôi phục lại một số món ăn truyền thống dùng trong các dịp cúng tế theo lễ nghi tập quán để tạo thêm sức hấp dẫn cho du khách.

    Điện Sơn Xuyên trên đỉnh núi Bình San cũng được trùng tu để phục hồi nghi thức tế trời đất. Nơi đây thực sự trong lành là chốn linh thiêng để khách thập phương chiêm bái.

    Trong khuôn khổ lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các có rất nhiều chương trình hoạt động văn hóa đặc sắc là nhân tố tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch ở Hà Tiên phát triển. Đây là cơ hội quảng bá trực quan sinh động đến nhiều đối tượng du khách. Lễ hội cũng là dịp để tăng cường vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về thắng cảnh, văn hóa truyền thống, ẩm thực, truyền thuyết dân gian về Hà Tiên.

    Kho tàng văn học của Tao đàn Chiêu Anh Các, thơ văn cận hiện đại nếu được xuất bản, quảng bá sẽ là lợi thế để giới thiệu về Hà Tiên làm cho hình ảnh của Hà Tiên gần gũi hơn với du khách trong nước và quốc tế.

    Văn hóa ẩm thực Hà Tiên là sự kết tinh nhuần nhuyễn văn hóa ẩm thực của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer tạo thành nét đặc trưng rất riêng. Hải sản tươi sống là thực phẩm nổi trội được du khách chọn lựa khi đến Hà Tiên.

    Còn gì tuyệt vời hơn khi vào một đêm trăng nguyên tiêu, bạn được lênh đênh trên sông nước Hà Tiên bằng một con thuyền nhỏ, với những món ăn dân dã, đặc sắc hương vị miền Tây, lại vừa được nghe ngâm thơ, bình thơ, hay tập làm thi sĩ… Thông qua lễ hội, người Hà Tiên càng tự hào hơn bởi ở những năm qua quê hương mình càng phát triển, từ một thị trấn nhỏ Hà Tiên đã được nâng lên thành Thành phố với nhiều công trình mới. Nơi đây đang từng bước trở thành trung tâm văn hóa, du lịch của cả vùng đất phía Tây của tỉnh Kiên Giang. Hà Tiên mai sau cũng vẫn sẽ là một cõi biên thùy vững chắc, một cõi thơ thấm đậm tình người và những tao nhân mặc khách, những nữ tú nam thanh lại về với Hà Tiên đắm mình trong cảnh sắc núi non, sông biển của lịch sử hào hùng để thêm yêu thêm quí để viết tiếp những vần thơ đẹp về “một cõi biên thùy, một xứ thơ”.

    Tác giả: Bùi Công Ba

    (Nguồn: dulich.petrotimes.vn/le-hoi-tao-dan-chieu-anh-cac-o-ha-tien-noi-ton-vinh-thi-ca-va-nhung-bac-tien-nhan-mo-coi-563821.html)

Để lại câu trả lời