Phân tích nội dung và ý nghĩa của bài thơ ‘Về làng’ của Nguyễn Duy?

Câu hỏi

Đọc đoạn thơ sau:

Làng ta ở tận làng ta
Mấy năm một bận con xa về làng
Gốc cây, hòn đá cũ càng
Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay.
Cha ta cầm cuốc trên tay
Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa
Lưng trần bạc nắng thâm mưa
Bụng trần lép kẹp như chưa có gì.
Không răng… cha vẫn cười khì
Rượu tăm vẫn để dành khi con về
Ngọt ngào một chút men quê
Cay tê cả lưỡi đắng tê cả lòng.
Gian ngoài thông thống gian trong
Một đời làm lụng sao không có gì
Không răng… cha vẫn cười khì
Người còn là quý xá chi bạc vàng…
(Trích Về làng, Nguyễn Duy)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Nêu nội dung chính của đoạn thơ.
Câu 2: Rút ra ý nghĩa của đoạn thơ.
Câu 3: Tìm những từ ngữ thể hiện sự vất vả của người cha trong đoạn thơ.
Câu 4: Em hiểu như thế nào về câu thơ: Người còn là quý xá chi bạc vàng?

Về làng

trong tiến trình 0
hihi 3 năm 2021-09-12T02:38:59+07:00 0 Câu trả lời 3384 lượt xem 0

Câu trả lời ( 2 )

  1. Nghe Nguyễn Duy dẫn thơ, từ chuyện làng sang chuyện nước

    Nhà thơ Nguyễn Duy có cuộc gặp mặt với những người yêu thơ ông và bạn bè, đồng nghiệp tại Đường sách TP.HCM sáng 15-6-2017 với nội dung theo cách gọi của ông là nói chuyện thơ từ chuyện làng sang chuyện nước…

    Nguyễn Duy có ba quyển sách vừa in xong do công ty Sách Phương Nam ấn hành, gồm hai tập thơ Làng ta ở phía ngôi sao, Tuyển thơ lục bát Nguyễn Duy, và tập văn xuôi Ghi và nhớ.

    Cái nguồn trong sáng ngày xưa…

    Trong vai trò dẫn chuyện, nhà báo Nguyễn Trọng Chức kể lại ấn tượng của lần đi cứu trợ bão lũ tại tỉnh Phú Yên năm trước, trong đoàn cứu trợ có nhà thơ Nguyễn Duy, đến thăm và giúp đỡ các em học sinh trường tiểu học Xuân Sơn Bắc ở huyện Đồng Xuân.

    Lúc này cơn bão và lũ quét tàn phá vùng quê khủng khiếp lắm, ấy vậy mà các thầy cô và học sinh khi nghe có nhà thơ Nguyễn Duy đã ùa đến vây lấy, và các em được khuyến khích đã đồng thanh đọc thuộc lòng bài Tre Việt Nam của Nguyễn Duy.

    “Thật là một ấn tượng mạnh trong cuộc đời làm báo của tôi”, ông Nguyễn Trọng Chức nói.

    Và Nguyễn Duy bắt đầu bằng những hoài niệm về gốc tích làng quê rơm rạ của ông. Chuyện làng ông ở xứ Thanh hóa ra rất nhiều sâu lắng và cay đắng.

    Chỉ cái chuyện thăng trầm quanh việc ứng xử với di tích đình Gia Miêu – chứng tích một vùng đất thang mộc của Nhà Nguyễn – cũng đủ để người đời phải suy nghĩ nhiều hơn, trách nhiệm hơn, rằng tại sao một di tích như vậy lại bị phế bỏ…

    Đến nỗi Nguyễn Duy tự rút ra; Quê tôi một thời người ta tàn sát tâm linh dữ dội như vậy, nên tôi thấy như có liên quan đến việc xã hội bây giờ có nhiều rối loạn lắm.

    Nhắc đến làng quê, hình ảnh bà ngoại choán một phần tâm cảm của Nguyễn Duy bởi “tuổi thơ tôi may mắn được ngâm trong suối nguồn ca dao, nhờ bà ngoại”…

    Thế nhưng mãi đến năm 1983 Nguyễn Duy mới viết được những câu thơ về bà ngoại, đó là những ám ảnh đói khổ của tuổi thơ, những nhọc nhằn của người bà tảo tần nuôi cháu, là khốc liệt chiến tranh xé toang cái làng bé nhỏ…

    Và mãi đến hôm nay, giữa đường sách Sài Gòn, Nguyễn Duy ở tuổi 70 bỗng trở thành đứa cháu nhỏ đọc thơ về bà nghe thắt cả lòng: “Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là nấm cỏ thôi”.

    Rồi ông bố, bà mẹ, những người thân đã đi vào thơ Nguyễn Duy và đi vào tâm hồn người yêu thơ từ lâu.

    Hôm nay nghe ông tâm sự mới biết Nguyễn Duy có người bố thật khác thường, từng tham gia đi dân công chiến dịch Điện Biên, và về già còn xung phong đi dân công hòa tuyến Khe Sanh – Tà Cơn, chỉ vì một lý do: Đi dân công hỏa tuyến về nấu rượu xem có ai còn đến bắt nữa không.

    Hóa ra ông là một người nghiện rượu, mà không chỉ ông, cả làng quê Nguyễn Duy đều nấu rượu tại nhà, nhà báo Nguyễn Trọng Chức xác nhận điều này khi kể về chuyến xuyên Việt năm 1992 khi ghé vào làng Quảng tìm nhà của nhà thơ Nguyễn Duy.

    Và thơ luôn còn nóng bỏng

    Nhưng đáng kể nhất là chuyện thời sự đất nước trong thơ Nguyễn Duy. Thời lượng buổi giao lưu không nhiều, nên ông chỉ kịp nhắc đến những “kỷ niệm thơ” mà ông là chứng nhân ở hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, chính kỷ niệm chiến trường này đã khiến Nguyễn Duy bật ra hai câu thơ bất hủ: “AQ túm tóc Chí Phèo/ Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua”.

    Ông tự nhận mình là người lính, sau chiến tranh bỗng thấy băn khoăn trước tình cảnh đất nước khốn khổ và nhiều giá trị bị xô lệch.

    “Nhà tôi cũng lâm vào cảnh đói kém, tôi cũng phải nuôi lợn trên tầng 4 chung cư, và chạy ăn từng bữa”, Nguyễn Duy kể về khởi đầu của ý tưởng ông viết bài thơ Đánh thức tiềm lực.

    Hoàn cảnh ra đời bài thơ cũng chính là kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – người lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM.

    Nguyễn Duy kể lại lần văn nghệ sĩ sinh hoạt chính trị trước lãnh đạo thành phố hồi năm 1981, chính Nguyễn Duy đã đọc cho ông Võ Văn Kiệt nghe 2 bài thơ Bán vàng và Ông già Sông Hậu.

    Bài Bán vàng có nhiều câu thời sự đau nhói: “Cái ác biến hình còn lởn vởn quanh ta/ tai ách đến lúc nào không báo trước/ tờ giấy mỏng manh che chở làm sao được/ một câu thơ chống đỡ mấy mạng người/ Lương tháng thoảng qua một chút hương trời/ đồng nhuận bút hiếm hoi gió lọt vào nhà trống/ vợ chồng ngủ với nhau đắn đo như vụng trộm/ không cái sợ nào bằng cái sợ sinh con”.

    Vậy mà chính bí thư Võ Văn Kiệt sau khi nghe xong, lại cử người đến kêu Nguyễn Duy chép cho để ông đọc lại, và chính ông Kiệt phát biểu về bài thơ Bán vàng này là “một bản án nhân tình đối với chúng ta”.

    Chính cách thế ứng xử của ông Võ Văn Kiệt đã thôi thúc nhà thơ Nguyễn Duy tiếp tục viết và hoàn thành bài thơ Đánh thức tiềm lực – tiễn anh Sáu Dân đi làm kinh tế.

    Bài thơ này làm trong 2 năm, và công bố lần đầu bằng cách đọc cho bí thư Võ Văn Kiệt nghe vào mùa thu năm 1982 khi ông sắp ra trung ương, và đến năm 1986 mới công bố toàn văn trên Báo Tuổi Trẻ.

    Và sau 37 năm, bài thơ đến nay lại một lần được tác giả đọc vang giữa Đường sách, những câu thơ nóng rẫy, những lời thơ day dứt, những ngụ ý ngày nào nay dường như đang thời sự hơn, đang thôi thúc hơn bởi hơn lúc nào hết, thời hội nhập hiện nay mới là giai đoạn không chấp nhận tình trạng “ngủ yên” của tiềm lực.

    Bạn đọc tại đường sách trưa 15-6 đã dành nhiều tràng vỗ tay cho những đoạn “lưu ý” của Nguyễn Duy từ ngày đó, đến nay nhắc lại vẫn không thừa:

    “Cần lưu ý/ lời nói thật thà có thể bị buộc tội/ lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương/ đạo đức giả có thể thành dịch tả/ lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường…

    có cái miệng làm chức năng cái bẫy/ sau nụ cười là lởm chởm răng cưa…

    có trận đánh úp nhau bằng chữ nghĩa/ khái niệm bắn ra không biết lối thu về..

    có lắm sự nhân danh lạ lắm/ mượn áo thánh thần che lốt ma ranh/ nhân danh thiện tâm làm điều ác đức/ rao vị nhân sinh để bán món vị mình…”

    Tác giả: Lam Điền

    (Nguồn: tuoitre.vn/nghe-nguyen-duy-dan-tho-tu-chuyen-lang-sang-chuyen-nuoc-1332234.htm)

    2
    2021-09-12T02:56:31+07:00

    Biểu trưng về làng quê từ cái nhìn văn hóa – nhân văn trong thơ lục bát Nguyễn Duy

    Anh đi anh nhớ quê nhà/ nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
    nhớ ai dãi gió dầm sương/ nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
    (Ca dao)

    Khi Nguyễn Duy đến với lục bát, trên bầu trời thi ca Việt Nam đã xuất hiện quá nhiều những ngôi sao sáng của thể thơ truyền thống này: Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu… Đó là chưa kể những gương mặt xuất chúng cùng thời như Nguyễn Trọng Tạo, Đồng Đức Bốn, Bùi Giáng, Phạm Công Trứ… vốn là những tay chơi bậc thầy đang gảy lên “cây đàn bầu lục bát” với đủ những ngón nghề điêu luyện. Thoát khỏi bóng râm của những cây đa cây đề đang gần như phủ kín địa hạt lục bát đã khó, huống hồ đi tìm gương mặt riêng của mình giữa muôn ngàn bóng dáng quen lại càng gian nan vô cùng tận. Bằng một cách thế riêng, với một tình yêu bất diệt dành cho những câu thơ “sáu nổi tám chìm” của tổ tiên để lại, Nguyễn Duy đã tìm được cho mình một nẻo đi riêng, vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, vừa giản dị vừa thâm sâu. Như con ong hút nhụy hoa dâng mật ngọt, con tằm rút ruột nhả tơ cho đời, như cây cối hấp thụ khí trời cho hoa thơm trái ngọt; Nguyễn Duy ngụp lặn trong suối nguồn thiên nhiên, hấp thụ truyền thống văn hóa dân tộc, được nuôi dưỡng bằng bầu sữa ấm nóng của mẹ, lời ru ngọt ngào của bà, bằng tài năng, khát khao và sự trải nghiệm của bản thân, ông đã làm đẹp cho đời, cho người bằng những vần thơ tràn đầy sức sống. Gắn lẽ sống đời mình vào nhân dân, nguyện hiến dâng máu thịt với số phận đất nước, dân tộc, ông bắt đầu hành trình sáng tạo của mình từ điểm khởi đầu và cũng là đích đến – cội nguồn văn hóa dân tộc.

    1. Biểu trưng về làng quê từ điểm nhìn văn hóa tâm linh

    Bức tranh làng quê trong thơ lục bát Nguyễn Duy không chỉ được cảm nhận bằng cảnh sắc muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên, mà còn được thể hiện qua tín ngưỡng văn hóa bản địa (tín ngưỡng thờ Mẫu), lễ hội (hội Chùa Hương), văn hóa Phật giáo, vốn được lưu giữ từ lâu trong đời sống tâm linh người Việt. Từ điểm nhìn văn hóa, triết học nhân sinh, nhà thơ đã tìm về với những giá trị văn hóa nguồn cội của dân tộc, và dĩ nhiên bằng một tâm thế, tinh thần, cách nhìn mới.

    Tín ngưỡng thờ Mẫu là hình thức tín ngưỡng dân gian khá tiêu biểu, mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, một hiện tượng văn hóa tín ngưỡng tâm linh độc đáo trong hệ thống tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt. Việc tôn thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần với những thuộc tính thiêng liêng như sinh sôi, bảo trợ, sáng tạo là một hiện tượng có từ lâu đời và khá phổ biến, tạo nên nguyên lý Mẹ ăn sâu trong tâm trí và biểu hiện thành các chuẩn mực ứng xử trong văn hóa Việt. Xung quanh tín ngưỡng thờ Mẫu nảy sinh và tích hợp nhiều giá trị văn hóa mang đậm sắc thái dân tộc độc đáo.

    Văn học Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển đã biểu hiện nguyên lí tính Mẫu rất rõ nét. Từ các câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại trong văn học dân gian đến các thể loại văn học hiện đại, nguyên lí ấy đã ăn sâu vào tâm thức, tư duy của các nghệ sĩ dân gian cũng như các nhà văn hiện đại. Mặc dù có thể có những biểu hiện đậm nhạt khác nhau, nhưng các nhà văn hiện đại đã tìm thấy trong văn hóa dân tộc nói chung và trong tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng một nguồn sống bất tận nuôi dưỡng sức sáng tạo trong các tác phẩm của mình. Vì vậy, trong ý thức và cả trong vô thức sáng tạo, văn hóa dân tộc trở thành “chất liệu” sống để nhà văn có thể khai phá, luận giải các vấn đề vận mệnh dân tộc, số phận của văn hóa cùng những bước đi của cộng đồng, khơi gợi cội nguồn sức mạnh nối kết quá khứ và hiện tại. Có thể nói, văn hóa tâm linh làng xã trở thành mạch nguồn cảm hứng nuôi dưỡng tâm hồn, tiếp thêm sức mạnh trong các sáng tạo của nghệ sĩ ở bất kì lĩnh vực và thời đại nào, và Nguyễn Duy không phải là một ngoại lệ.

    Trong thơ lục bát của Nguyễn Duy, chúng ta bắt gặp hình ảnh của những ngôi đền thờ Mẫu giữa khung cảnh yên bình đặc trưng của làng quê Bắc Bộ: “Phiêu bồng dạt ngã ba Bông/ đền Hàn đền Thị đền Sòng đền quê” (Đi lễ), “Đền đài tỉnh giấc rêu phong/ nhong nhong thiên hạ lên đồng sướng chưa” (Lên đồng). Cùng với việc tạo dựng những ngôi đền thiêng, trong thực hành tín ngưỡng người Việt, lên đồng là một hình thức khá độc đáo. Trong tâm thức của người dân quê Nguyễn Duy, đó không phải là một tà giáo hay mê tín quàng xiên, mà ở đó, con người, đặc biệt là người phụ nữ nhập cuộc, mê đắm trong cõi siêu nghiệm, huyền diệu, mong tìm thấy sự thanh thoát, được gột rửa mọi tục lụy cõi trần, xoa dịu bớt bao nhọc nhằn, tủi nhục trong cuộc đời, và sâu xa hơn, là sự “cầu may”, cầu tình cầu duyên cho những số phận long đong, lận đận: “Này em phận mỏng duyên dày/ lưa thưa mộng mị mưa đầy hư không” (Lên đồng), “Phím dây từng bậc lên trời/rủ nhau quên tóc rối bời cỏ rơm” (Cung văn). Cùng với trạng thái nhập đồng thần bí, Nguyễn Duy cho thấy sự trải nghiệm cũng như tri thức sâu rộng của mình trong việc miêu tả tiếng đàn, lời hát chầu văn, phác họa chân thực nét nghệ thuật tạo hình độc đáo qua kiến trúc đền Mẫu cùng với trang phục, vừa mang cội nguồn lễ nghi vừa mang tính nghệ thuật truyền thống dân tộc: “Xanh xanh đỏ đỏ phừng phừng/ tứng từng tưng tửng từng tưng đã đời” (Cung văn).

    Lễ hội là đặc trưng quan trọng trong văn hóa làng xã, thể hiện sinh động nét sinh hoạt, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng. Xuất phát từ sự ước mong và cả nhu cầu tồn tại và phát triển của cuộc sống, từ sự bình yên cho mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, sự bội thu cho mùa màng, sự sinh sôi, nảy nở của con người, cùng với ước vọng thoát khỏi những bất hạnh, kiếp nạn… mà tinh thần của lễ hội được giữ gìn, phát huy và mở rộng. Hình ảnh lễ hội chùa Hương trong thơ lục bát Nguyễn Duy ở một phương diện nào đó cũng mang những ý nghĩa, ước nguyện cao cả và linh thiêng ấy: “Dấn thân vào tận cõi thiền/ còn mơ Đụn Gạo, Đụn Tiền cho ai/ hạc vàng về với Như Lai/ nỗi lo trần thế theo ngoài chân mây” (Đoán mộng). Trên tất cả, lên chùa đi lễ là cách thức tìm nơi trú ngụ bình yên, có thể quên đi những đắng cay, tục lụy cõi trần, để trở về với cõi Phật thanh sạch: “Biết là chả có Phật đâu/ vẫn lòng thanh sạch lại sau lễ chùa/ người về khăn áo gió đưa/ phất phơ hồn vía ngày xưa vẫn còn” (Giã từ).

    Đời sống văn hóa tâm linh người Việt được Nguyễn Duy tái hiện một cách sinh động và độc đáo. Sinh động bởi lẽ tác giả đã lột tả được tinh thần và đời sống tâm linh của người Việt được gửi gắm trong các tín ngưỡng bản địa, lễ hội dân gian, và độc đáo do thi sĩ đã không nhìn ở một chiều thuận mà luôn đặt vấn đề trong cái nhìn “giễu nhại”, pha chút sự hài hước, xót xa. Chưa bao giờ đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian trước những va xiết, biến động của cuộc sống lại thôi ám ảnh nhà thơ. Vùng đất linh thiêng ấy không còn giữ được nét hồn nhiên, thuần khiết, mà đâu đó cái phàm tục, xô bồ đã bắt đầu len lỏi nơi cửa thiền: “Từng đôi anh trước chị sau/ từng bầy xe cúp lùa nhau trên đường” (Đi chùa), “lăm lăm cái thước phàm trần/ làm sao đo được thánh thần em ơi” (Hàng mã). Người ta đến với đức Phật không hoàn toàn bằng cái vô ưu vô lo, không thể giũ bỏ hoàn toàn bụi trần, bởi cuộc sống còn quá nhiều nỗi nhọc nhằn, lo toan: “cô em cầu cạnh gì đây/ cầu cho giá gạo hằng ngày đừng lên” (Nguyện cầu). Rõ ràng, thơ lục bát của Nguyễn Duy dù viết về mảng màu nào của cuộc sống, kể cả những tín điều linh thiêng, kì bí nhất đều rất đời, rất người, rất phàm tục. Nhờ vậy cái nhìn về văn hóa và con người trong thơ Nguyễn Duy trở nên đa diện, nhiều chiều, sâu sắc, thấm thía và nhân bản hơn.

    Khám phá, giải mã hằng số văn hóa dân tộc từ tín ngưỡng thờ Mẫu và văn hóa dân gian làng xã, Nguyễn Duy đã thực sự sáng tạo cho mình một lối đi mới mẻ, độc đáo và hấp dẫn ở thể thơ lục bát. Bằng sự cần mẫn, vốn sống, tri thức, trên hết là lòng ngưỡng vọng với nền văn hóa mang đậm màu sắc bản địa, nhà thơ đã khơi gợi cho người đọc niềm tin vào sức sống vô cùng mãnh liệt của văn hóa dân gian. Thơ lục bát Nguyễn Duy rõ ràng đã phần nào chạm vào cội nguồn bản sắc dân tộc Việt qua văn hóa làng rất độc đáo.

    2. Biểu trưng về làng quê từ cái nhìn nhân văn

    Cùng với cảnh sắc thiên nhiên, qua sáng tác của Nguyễn Duy – thi sĩ đồng quê này, ta còn bắt gặp những vẻ đẹp tâm hồn sâu kín của con người Việt Nam qua hình ảnh của những người bà, người mẹ, người chị, người em, người cha… Họ là hiện thân cho những gì tinh tuý nhất của làng quê Việt. Với tâm hồn ngát hương, họ chính là nơi lưu giữ và thắp sáng vẻ đẹp, hồn cốt văn hoá Việt Nam. “Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc. Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên. Đọc thơ Nguyễn Duy thấy anh hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác có thể chỉ là chuyện thoảng qua thì ở anh, nó lắng sâu và dường như đọng lại…”

    Trong lịch sử văn học dân tộc, hình tượng người phụ nữ luôn được các nhà văn đặc biệt chú ý miêu tả một cách đầy ám gợi. Có thể viện nhiều lí do để giải thích cho vấn đề ấy, song phải nhìn nhận từ thực tế rằng, người phụ nữ nói chung và người phụ nữ nông thôn nói riêng luôn là nạn nhân đáng thương trong cơn lốc lịch sử. Thân phận của họ được ví như cánh cò nhỏ bé, mong manh trong cơn giông bão của cuộc đời. Nguyễn Duy đã trăn trở, suy tư và viết nên những vần thơ đầy sức gợi và vô cùng xúc động về người mẹ, người vợ của mình. Đó là hình ảnh người mẹ kham khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn mưu sinh: “Mẹ ta không có yếm đào/ nón mê thay nón quai thao đội đầu/ rối ren tay bí tay bầu/ váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa). Đó còn là hình ảnh người vợ tảo tần, lam lũ, hi sinh vì mộng văn chương của thi sĩ: “Thất tha thất thểu văn chương/ kẽo cà kẽo kẹt tai ương đường dài/ yêu cùng ai ghét giùm ai/ để cơm áo vẹo hai vai em gầy” (Xin đừng buồn em nhé).

    Cùng với Tú Xương, Hồng Nguyên, Phùng Cung và nhiều nhà thơ khác, Nguyễn Duy đã khắc họa hình tượng người vợ chân thực, và đầy sức ám ảnh. Nếu Tú Xương dựng tượng đài người vợ của mình với dáng tảo tần “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ nuôi đủ năm con với một chồng/ lặn lội thân cò khi quãng vắng/ eo sèo mặt nước buổi đò đông” (Thương vợ), Hồng Nguyên khắc khoải nhớ về: “Ít nhiều người vợ trẻ/ Mòn chân bên cối gạo canh khuya” (Nhớ), Phùng Cung đắng đót với những giọt mồ hôi xương đọng trên lưng áo vợ: “Em vất vả/ Tối ngày tất cả/ Lưng áo em/ Ngoanh vôi trắng xóa/ Cái trắng này/ Vắt tận trong xương (Mồ hôi xương), thì Nguyễn Duy với hình ảnh “Gót chân ăn vẹt bậc thềm/quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân” (Mời vợ uống rượu) đã góp vào lịch sử văn học một hình ảnh đầy sức gợi về người phụ nữ Việt Nam.

    Sự đói nghèo, lam lũ, khó nhọc của người dân quê ông còn được thể hiện xúc động qua chính hình ảnh của những người thân nhà thơ. Đó là người cha quanh năm tảo tần, tay cầy, tay cuốc vẫn luôn bị cái nghèo, cái đói truyền kiếp đeo đẳng: “Cha ta cầm cuốc trên tay/ nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa/ lưng còng bạc nắng thâm mưa/ bụng nhăn lép kẹp như chưa có gì” (Về làng). Và cả những người em suốt đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời vẫn không đi hết nỗi nhọc nhằn, kham khổ: “Lũ em ta vác cuốc cào/ giục nhau bước thấp bước cao ra đồng/ mồ hôi đã chảy ròng ròng/ máu và nước mắt sao không có gì” (Về làng).

    Hình ảnh người mẹ, người cha, lũ em như hiện thân của quê hương nghèo khó, lam lũ, là phần lắng sâu nhất, da diết nhất, xót xa nhất của quê hương còn đọng lại trong tâm trí nhà thơ mỗi khi nhớ về. Nguyễn Duy viết về nỗi nhọc nhằn của người dân quê, của người thân ông như nó vốn tồn tại tự bao đời nay. Thật xót xa, nghẹn ngào làm sao khi sau bao năm bôn ba trở về, làng quê vẫn vậy, thậm chí còn đói nghèo, khổ cực, xác xơ hơn xưa. Từ cảnh sắc “Gốc cây hòn đá cũ càng/trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay”, “Đường làng cây cỏ lưa thưa/thanh bình từ ấy sao chưa có gì”, cảnh lao động sinh hoạt thôn quê “Vẫn đồng cạn vẫn đồng sâu/ chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, đến gia cảnh “Mẹ ta vo gạo thổi cơm/ ba ông táo sứt lửa rơm khói mù” (Về làng), đều gợi lên sự ngưng đọng, bất biến, sự tồn tại dai dẳng của sự nghèo nàn, đơn điệu như căn bệnh truyền kiếp từ bao đời nay ở làng quê nông thôn Việt Nam. Đó chính là điều làm nên sự khác biệt của Nguyễn Duy so với các nhà thơ trước và cùng thời ông khi viết về làng quê. Ông vẫn say mê chiêm ngưỡng về nét đẹp cảnh sắc làng quê, vẫn mơ mộng trong những tín ngưỡng văn hóa truyền thống, nhưng có lẽ phần sâu lắng nhất, ám ảnh nhất, gợi nhiều ngẫm suy nhất, lại không phải là thiên nhiên hay bản sắc văn hóa cổ truyền mà đó là phần nhọc nhằn, lam lũ và kham khổ nhất.

    Viết về những vất vả, lam lũ của làng quê, nhưng những vần thơ lục bát của Nguyễn Duy không đem lại cảm giác bi quan, chán nản, mà ngược lại, chúng ta thấy đằng sau sự lam lũ, kham khổ kia là sức sống mãnh liệt, là tâm hồn nhân hậu và tính cách đẹp đẽ của người dân quê nghèo. Người mẹ lam lũ, nhọc nhằn là vậy, vẫn rạng ngời vẻ đẹp tâm hồn – vẻ đẹp của đức hi sinh, của lòng bao dung độ lượng: “Nhìn về quê mẹ xa xăm/ lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa/ ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa); người vợ tảo tần, kham khổ là thế, nhưng trái tim lại chứa đầy tấm lòng vị tha, yêu chồng thương con: “Nghìn tay nghìn việc không tên/ mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng” (Vợ ốm); người cha đói nghèo, khổ cực trăm bề, nhưng vẫn lạc quan, yêu đời trong nụ cười móm mém, chất phác của một lão nông thấu trải lẽ đời: “Không răng… cha vẫn cười khì/ người còn là quý sá chi bạc vàng” (Về làng).

    Chính nét chất phác, giản dị, nhân hậu ấy khiến không ít lần thi sĩ phải tự vấn lương tâm, trăn trở, sám hối về những “món nợ” (nợ đời, nợ người) suốt một đời không bao giờ trả hết: “Ta đi mơ mộng trên đời/ để cha cuốc đất một đời chưa xong” (Về làng), “Nợ người khóe mắt rưng rưng/ nợ sông giọt nước nợ rừng bóng cây/ Nợ em lận đận tháng ngày/ ánh trăng ngọn gió áng mây nợ trời” (Nợ đời).

    Với Nguyễn Duy, viết về sự lam lũ, nhọc nhằn cũng là hành trình đi tìm cái đẹp, một cái đẹp ẩn ngầm, phải thật tinh tế, chân thành, sâu sắc mới có thể “ngộ” và “nhận” ra. Và thi sĩ gọi là hành trình “đãi cát tìm vàng” từ “muối mặn mồ hôi” (Đãi cát tìm vàng). Đó là quan niệm tìm cái đẹp trong gian khổ, tìm trái tim vàng trong vẻ ngoài khắc khổ, xác xơ, và tìm một tâm hồn bất diệt trong những khoảnh khắc đời thường của cuộc sống. Với ông, cái đẹp trân quý nhất trong cuộc đời là cái đẹp vươn lên từ gian khó, nhọc nhằn, từ đau thương mất mát, từ mồ hôi, nước mắt và máu xương. Chính điều này cũng tạo nên sự khác biệt giữa Nguyễn Duy và các nhà thơ của dòng thơ đồng quê trước đó. Với Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, cái đẹp của làng quê đã được thi vị hoá, lãng mạn hóa, không hề có dấu vết của chân lấm tay bùn, của muối mặn mồ hôi, của nhọc nhằn lam lũ. Nguyễn Duy có cái nhìn đa diện, đa chiều, phức tạp hơn về đời sống và con người nơi thôn quê. Ông đem theo cả bùn đất lấp láp, cả gương mặt lấm lem của nông thôn Việt Nam vào thơ, nhưng từ phía bùn lầy nước đọng ấy vẫn ánh lên những vẻ đẹp đơn sơ nhưng kỳ diệu, chân chất nhưng rạng ngời.

    Và có lẽ không hình ảnh nào tượng trưng sâu sắc cho vẻ đẹp ấy hơn hình ảnh cây tre – loài cây mọc lên từ mảnh đất khô cằn đá sỏi, với “thân gầy guộc, lá mong manh”. Loài cây đặc trưng của mỗi làng quê Việt này mang sức sống diệu kì: “Ở đâu tre cũng xanh tươi/ Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu”. Vậy, cái gì đã làm nên màu xanh, đem đến sức sống bền bĩ đến như vậy? Đó là những đức tính vốn sẵn có trong mỗi loài tre nhỏ bé: siêng năng, cần cù, chịu thương chịu khó: “Rễ siêng không ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù” sự lạc quan, không ngại khó ngại khổ, không chịu khuất mình, sống hiên ngang, phóng khoáng: “Vươn mình trong gió tre đu/ Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành/ Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh/ Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm” sự gắn bó, đùm bọc, đoàn kết, thương yêu lẫn nhau trước bão tố của thiên nhiên và cuộc đời: “Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm” sự hồi sinh, hóa thân và đức tính hi sinh vô bờ bến: “Chẳng may thân gãy cành rơi/ vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng <…>/ Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cọc tre nhường cho con” (Tre Việt Nam). Đức tính, cốt cách của tre biểu trưng cho vẻ đẹp tâm hồn, tính cách người Việt từ ngàn đời nay. Tre đã xanh, cứ xanh và muôn đời bất diệt. Cũng như vẻ đẹp tâm hồn, căn tính dân tộc, sức sống Việt Nam vẫn trường tồn sau bao gian nan, thử thách. Và giản dị, thân gũi, thân thuộc làm sao, khi vẻ đẹp ấy tỏa bóng, in dấu trên mỗi làng, mỗi xóm, mỗi gương mặt người dân quê Việt Nam.

    3. Lời kết

    Thế giới thơ lục bát Nguyễn Duy đầy ắp cảnh sắc thiên nhiên, và chân dung người dân quê với những số phận, tính cách, tâm hồn độc đáo. Ông đã tạo tác nhiều biểu trưng về làng quê với những hình ảnh quen thuộc, giản dị và vô cùng thiêng liêng. Khám phá thơ của Nguyễn Duy là thêm một lần ta được trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc, lắng mình nghe tiếng vọng của tổ tiên, đó cũng là cách nuôi dưỡng và gột rửa tâm hồn mỗi người. Chân thực và thi vị, say mê và đắng đót, thơ lục bát của Nguyễn Duy đã gói trọn hồn quê hương ở những phần lung linh, đẹp đẽ nhất, và cả những phần lam lũ, nhọc nhằn nhất. Lắng nghe và nghiệm suy từ tiếng thơ ấy, chúng ta như thêm yêu mảnh đất nơi ta sinh ra, thêm quý từng gương mặt lam lũ, chắt chiu những khoảnh khắc giản dị đời thương, và nhắc nhở nhau bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa dân tộc, cảm thông và sẻ chia với những người xung quanh ta. Đó chính là những giá trị dài lâu, vững bền mà Nguyễn Duy và thơ lục bát của ông mang lại cho người đọc.

    Tác giả: Nguyễn Văn Hùng

    (Nguồn: tapchicuaviet.com.vn/van-hoa-thoi-dai/bieu-trung-ve-lang-que-tu-cai-nhin-van-hoa-nhan-van-trong-tho-luc-bat-nguyen-duy-10149.html)

Để lại câu trả lời