Quỹ ETF trong chứng khoán là gì?

Câu hỏi

Trong bảng điện tử để xem giá chứng khoán mình thấy có ETF. Cho mình hỏi là giá ETF này hoạt động dựa trên cái gì? Quỹ ETF hoạt động ra sao?

Quỹ ETF chứng khoán là gì?

trong tiến trình 0
Cô Bé Mộng Mơ 2 năm 2022-05-31T01:30:41+07:00 0 Câu trả lời 42 lượt xem 0

Câu trả lời ( 2 )

  1. Quỹ ETF là gì?

    Quỹ hoán đổi danh mục – ETF (Exchange Traded Fund) là quỹ đầu tư với mục đích mô phỏng tỷ suất sinh lợi của chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa hoặc một loại tài sản nào đó. ETF là quỹ được thiết kế cho một số lượng nhà đầu tư cùng góp vốn. Giấy chứng nhận sở hữu một phần ETF của nhà đầu tư được gọi là chứng chỉ ETF. Quỹ ETF vừa mang đặc điểm của một quỹ đầu tư, vừa mang đặc điểm của một cổ phiếu thông thường khi được niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán.

    Từ khi ra đời ở Mỹ từ đầu những năm 1990, hiện tại ETF đã phát triển nhanh chóng và tổng tài sản các quỹ ETF vượt xa so với mô hình các quỹ truyền thống. Tính riêng ở Mỹ, đến tháng 03/2019 đã có 2,238 quỹ ETF với tổng tài sản các quỹ lên đến hơn 3,8 ngàn tỷ USD, trong đó chủ yếu là các quỹ ETF đầu tư mô phỏng chỉ số cổ phiếu.

    Với các đặc điểm như chi phí quản lý thấp, dễ dàng đầu tư, giao dịch do được niêm yết và thanh khoản được bảo đảm do có thể giao dịch sơ cấp lẫn thứ cấp, ETF trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhà đầu tư muốn đầu tư thụ động và đánh cược vào xu hướng của thị trường hay chỉ số mà mình muốn đầu tư.

    ETF trên TTCK Việt Nam – khởi đầu với quỹ ngoại

    Các quỹ ETF thực tế đã xuất hiện tại Việt Nam từ giai đoạn 2008-2009, tuy nhiên do tổng tài sản các quỹ này trong giai đoạn đầu khá nhỏ, do đó ít được quan tâm theo dõi. Thời điểm hiện tại, có 7 quỹ ETF đang hoạt động, trong đó có 2 quỹ ETF nội và 5 quỹ ETF ngoại đang niêm yết tại Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc và Hồng Kong. Tính đến ngày 16/12/2019, tổng tài sản các quỹ ETF phân bổ vào thị trường Việt Nam đạt 1,12 tỷ USD.

    Trong các quỹ ngoại, FTSE Vietnam ETF là quỹ thành lập đầu tiên vào năm 2008 với quy mô ban đầu khoảng 5 triệu USD. Tiếp sau đó, quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) được thành lập vào tháng 08/2009. Quỹ iShare MSCI Frontier 100 cũng tham gia vào thị trường Việt Nam từ 2012, tuy dành tỷ trọng tương đối nhỏ trong quỹ các cổ phiếu ở Việt Nam.

    Giai đoạn 2011-2014 là giai đoạn tăng trưởng tổng tài sản tốt nhất của các quỹ ETF ngoại khi có thời điểm tổng tài sản của FTSE Việt Nam lên tới hơn 430 triệu USD và Vaneck là hơn 500 triệu USD với lượng tiền mới được chảy mạnh vào các quỹ. Giai đoạn này thanh khoản và quy mô của thị trường Việt Nam còn khá thấp nếu so với thời điểm hiên tại, do đó mỗi đợt giao dịch cơ cấu của các quỹ này đều ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tạo nên những phiên giao dịch nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư.

    Hiện tại, với sự gia tăng trong thanh khoản và quy mô thị trường, sức ảnh hưởng của các quỹ ETF ngoại là không rõ ràng như trước, tuy nhiên vẫn là một thành phần quan trọng cuả thị trường và thị trường lưu tâm mỗi đợt đến kỳ tái cơ cấu danh mục. Tính đến thời điểm giữa tháng 12/2019, tổng tài sản của FTSE Việt Nam là 279 triệu USD, trong khi đó Vaneck có tổng tài sản lên đến 447 triệu USD.

    Quỹ ETF nội dần đóng vai trò quan trọng

    Quỹ ETF nội đầu tiên xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam là quỹ ETF VFMVN30 (mã: E1VFVN30), ra đời vào 7/2014. Trong giai đoạn đầu, quỹ không nhận được sự san tâm nhiều của nhà đầu tư khi quy mô và khối lượng giao dịch rất kém. Tuy nhiên từ 2016, dòng tiền chảy mạnh vào quỹ và tính đến thời điểm hiện tại, quy mô quỹ là lên đến 6.407,8 tỷ. Mức độ ảnh thưởng của quỹ hiện tại thậm chí còn sâu sắc hơn các quỹ ngoại vì có liên quan trực tiếp đến chỉ số VN30, đặc biệt là sai khi sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 xuất hiện.

    Ngoài ETF VFMVN30, hiện tại trên thị trường chứng khoán Việt nam còn có ETF SSIAM VNX50, tuy nhiên quỹ này không thu hút được sự quan tâm nhiều, thanh khoản và quy mô vẫn còn tương đối nhỏ.

    Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và kênh đầu tư chứng khoán dần trở nên quen thuộc hơn. Đầu tư thụ động, cụ thể là ETF chắc chắn vẫn sẽ là xu hướng và là lựa chọn không tồi để nhà đầu tư có thể lựa chọn. Xu hướng này sẽ hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của các quỹ ETF nói chung và các quỹ ETF nội nói riêng.

    (Nguồn: online.hsc.com.vn/tin-tuc/huong-dan-dau-tu-hieu-qua/tong-quan-cac-quy-etf-hoat-dong-tren-ttck-viet-nam.html)

    Chọn là câu trả lời hay nhất
    1
    2022-05-31T01:45:05+07:00

    Để tham gia thị trường cũng như hiểu rõ hơn về sản phẩm ETF, nhà đầu tư cần nắm vững các thuật ngữ liên quan đến sản phẩm ETF.

    · Chỉ số tham chiếu: là chỉ số chứng khoán do Sở Giao dịch Chứng khoán tại Việt Nam xây dựng.

    · Danh mục chứng khoán cơ cấu: là danh mục bao gồm các chứng khoán cơ cấu được công ty quản lý quỹ chấp nhận trong giao dịch hoán đổi lấy lô chứng chỉ quỹ ETF. Danh mục chứng khoán cơ cấu chỉ dùng trong giao dịch hoán đổi tại thị trường sơ cấp.

    · Lô chứng chỉ quỹ ETF: là đơn vị dùng để sử dụng trong giao dịch hoán đổi tại thị trường sơ cấp giữa công ty quản lý quỹ với thành viên lập quỹ (AP) và nhà đầu tư. Số chứng chỉ quỹ ETF trong một lô sẽ do công ty quản lý quỹ quy định nhưng tối thiểu là 100.000 chứng chỉ quỹ ETF.

    · Giá trị tài sản ròng tham chiếu (iNAV) trên một chứng chỉ quỹ: là giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ ETF được xác định trong phiên giao dịch. Giá trị này được công bố trên Website của Sở Giao dịch và công ty quản lý quỹ và được cập nhật 15 giây một lần. Đây là công cụ để nhà đầu tư có thể tham khảo để đưa ra mức giá phù hợp khi đặt lệnh giao dịch.

    · Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu (Tracking Errors): là mức chênh lệch giữa biến động giá trị tài sản ròng của Quỹ so với biến động của chỉ số tham chiếu. Mức chênh lệch này phát sinh do công ty quản lý quỹ phải trả các chi phí hoạt động hoặc các chi phí liên quan đến việc giao dịch để cân bằng danh mục. Ngoài ra, việc nhận cổ tức bằng tiền của các cổ phiếu trong danh mục đầu tư và chi trả cổ tức cho nhà đầu tư nắm giữ ETF cũng là nguyên nhân gây ra mức sai lệch này. Công ty quản lý quỹ thường quản lý chặt mức chênh lệch này, trong trường hợp mức chênh lệch này giảm thấp hơn so với quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán trong một thời gian, chứng chỉ quỹ ETF sẽ bị hủy niêm yết.

    · Giá của ETF: giá giao dịch ETF trên thị trường thứ cấp sẽ do cung cầu trên thị trường quyết định. Giao dịch hoán đổi ETF trên thị trường sơ cấp sẽ căn cứ trên NAV. Nhờ cơ chế giao dịch song hành giữa hai thị trường sơ cấp và thứ cấp, giá giao dịch của ETF trên thị trường thứ cấp khá gần với giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ, trong trường hợp có chênh lệch sẽ xuất hiện các giao dịch song hành (Arbitrage) của nhà đầu tư.

    Các chủ thể tham gia trên thị trường ETF

    Cũng như các sản phẩm khác, thị trường ETF cũng bao gồm các chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước, các thành viên thị trường và các nhà đầu tư. Các đối tượng này luôn đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của thị trường ETF, và mỗi chủ thể luôn có vai trò và nhiệm vụ riêng của nó.

    · Công ty quản lý Quỹ: đóng vai trò trung tâm trên thị trường ETF, có nhiệm vụ quản lý toàn bộ hoạt động của quỹ như huy động vốn thành lập quỹ, xây dựng và quản lý danh mục đầu tư, công bố danh mục chứng khoán cơ cấu để hoán đổi, phát hành và mua lại ETF, công bố thông tin,…

    · Thành viên lập quỹ (AP-Authorized Participant): là các công ty chứng khoán có nghiệp vụ môi giới và tự doanh, ngân hàng lưu ký đã ký hợp đồng lập quỹ ETF với công ty quản lý quỹ. Các tổ chức này có thể thực hiện trực tiếp hoặc đóng vai trò trung gian giữa nhà đầu tư với công ty quản lý quỹ trong các giao dịch hoán đổi (tạo hoặc hoàn trả ETF) trên thị trường sơ cấp.

    · Tổ chức tạo lập thị trường hay còn gọi là tổ chức tạo lập thanh khoản (LP-Liquidity Provider): Đây là các tổ chức được công ty quản lý lựa chọn trong số các thành viên lập quỹ, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thanh khoản cho thị trường nhằm đảm bảo cho hoạt động giao dịch ETF trên thị trường được thông suốt. Để trở thành tổ chức tạo lập thị trường ngoài việc được công ty quản lý quỹ lựa chọn ký hợp đồng, các tổ chức trên còn phải đáp ứng các điều kiện và được Sở Giao dịch Chứng khoán chấp thuận.

    · Trung tâm lưu ký chứng khoán: có vai trò quan trọng trong việc tổ chức đăng ký, lưu ký chứng chỉ quỹ ETF và thanh toán bù trừ cho các giao dịch trên thị trường, đặc biệt là việc phong tỏa các chứng khoán cơ cấu của nhà đầu tư, thành viên lập quỹ trong quá trình diễn ra các giao dịch hoán đổi. Ngoài ra, Trung tâm lưu ký còn thực hiện tổ chức hoạt động vay và cho vay chứng khoán (SBL-Securities Borrowing and Lending) để hỗ trợ các thành viên lập quỹ có đủ chứng khoán để góp vốn và thực hiện các giao dịch.

    · Sở Giao dịch Chứng khoán: là nơi tổ chức, quản lý và giám sát các hoạt động giao dịch của chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường thứ cấp.

    · Nhà đầu tư: bao gồm tất cả các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, nhà đầu tư có thể tham gia tại cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp.

    · Ngân hàng giám sát: có các chức năng như thay mặt Công ty quản lý Quỹ thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận danh mục chứng khoán cơ cấu trong hoạt động giao dịch hoán đổi, lưu ký danh mục đầu tư của Quỹ, cung cấp các dịch vụ quản trị quỹ và thực hiện việc giám sát toàn bộ các hoạt động của Quỹ.

    (Nguồn: ssc.gov.vn)

    Chọn là câu trả lời hay nhất

Để lại câu trả lời