Sử dụng nhiên liệu như thế nào thì thân thiện với môi trường?

Câu hỏi

Mọi người cho hỏi sử dụng nhiên liệu như thế nào thì thân thiện với môi trường? Làm sao để dùng nguyên liệu thân thiện với môi trường nếu chi phí quá cao so với các nguyên liệu đang dùng phổ biến trong đời sống?

trong tiến trình 0
totongvip 4 năm 2020-06-08T11:23:42+07:00 3 Câu trả lời 1244 lượt xem 0

Câu trả lời ( 3 )

    1
    2020-06-18T09:56:04+07:00

    Nhiên liệu thân thiện với môi trường có nghĩa là nguyên liệu đó không thải chất độc hay khí độc gây ô nhiễm môi trường, tạo ra hiệu ứng nhà kính làm tổn hại đến bầu không khí và môi trường sống tự nhiên của động thực vật trên trái đất. Nói một cách đơn giản, lối sống bền vững chính là hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên để phục vụ nhu cầu cá nhân, đồng thời đảm bảo có thể bù vào những nguồn tài nguyên mình vừa sử dụng.

    Bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần hoặc dùng các chất tẩy rửa có thành phần hóa học cũng là một phần của lối sống bền vững.

    Dưới đây là 10 sản phẩm vừa chất, vừa thân thiện với môi trường:

    1) Ống hút inox

    Ống hút inox là một trong các sản phẩm được nhiều bạn trẻ truyền tai nhau sử dụng trong thời gian gần đây. Giá một bộ ống hút kèm cọ rửa vào khoảng 50.000 đồng hoặc cao hơn tuỳ mẫu mã, cho bạn sử dụng rất nhiều lần, chỉ cần làm sạch lòng ống bằng cọ sau mỗi lần sử dụng.

    Lưu ý duy nhất khi mua loại ống hút này là bạn cần kiểm tra hai đầu ống có được mài cẩn thận chưa để tránh bị thương vì cạnh sắc. Để chiều lòng khách hàng trẻ, một số cửa hàng còn có dịch vụ khắc tên chủ nhân lên ống hút.

    Ngoài chất liệu inox, còn có loại ống hút làm từ tre, gỗ hoặc cỏ bàng để các bạn trẻ tuỳ sở thích lựa chọn.

    2) Giấy nảy mầm

    Gần đây, giấy nảy mầm cũng được sử dụng nhiều để làm thiệp, giấy gói quà hoặc gói sản phẩm. Mỗi tờ giấy có chứa các hạt mầm hoa hoặc cây cỏ. Khi gặp môi trường đất và được tưới nước, cây sẽ mọc lên.

    Tại Hà Nội, cửa hàng chuyên bán các sản phẩm thân thiện với môi trường cho bạn trẻ mang tên Papa’s Dreamer là một trong những nơi đầu tiên đưa giấy nảy mầm vào sử dụng khi gói các bánh xà phòng. Tại TP.HCM, sự kiện được tổ chức vào đầu tháng 11 vừa qua tại Quận 10 mang tên “Eco: Thiệp Mầm cũng hướng dẫn bạn trẻ làm thiệp nảy mầm từ giấy báo cũ.

    3) Bàn chải tre

    Bàn chải tre có giá khoảng 50.000 đồng, với thời gian sử dụng từ 2 đến 3 tháng. Khi được thải ra môi trường, thân bàn chải sẽ tự phân huỷ sinh học.

    4) Bình đựng nước kim loại

    Hãy tập dần thói quen mang bình nước cá nhân thay vì mua các chai nước suối nhựa. Trong đó, bình đựng nước kim loại là cách để các bạn trẻ vừa đổi mới phong cách vừa bảo vệ môi trường rất tốt.

    Kể từ tháng 6 năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bắt đầu thay thế chai nhựa bằng chai kim loại, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong các hội nghị, hội thảo.

    Hiện nay, bình nước kim loại có đủ mọi hình dáng, mẫu mã với giá khoảng 100.000 đến 200.000 đồng mỗi bình.

    Một lưu ý nhỏ là bạn nên tìm mua loại bình này ở những cửa hàng uy tín, đã được công bố chất lượng sản phẩm hoặc nhập khẩu theo đường chính ngạch, tránh mua phải bình làm từ các thành phần kim loại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

    5) Bông tắm xơ mướp

    Bông tắm xơ mướp có giá khoảng 25.000 đồng một miếng, dùng được trong một tháng. Ưu điểm của loại bông tắm này là có tác dụng tẩy tế bào chết trên da rất tốt nhờ các sợi xơ.

    Tuy nhiên, vì thành phần hoàn toàn bằng tự nhiên, nên bạn cần phơi khô (tốt nhất là phơi nắng) ngay sau khi sử dụng để diệt khuẩn, đồng thời không nên dùng quá thời hạn quy định.

    6) Băng vệ sinh vải

    Băng vệ sinh vải là lựa chọn lý tưởng cho các cô gái trẻ thích thời trang và yêu môi trường. Với chất liệu làm từ vải cotton, loại băng vệ sinh này có nhiều màu sắc, hoa văn để các bạn nữ lựa chọn. Nên thay băng sau từ 4 – 6 tiếng, giặt và phơi dưới ánh nắng để tiệt trùng.

    7) Vải sáp ong

    Vải sáp ong có nhiều màu sắc và hoa văn, là sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường có thời hạn sử dụng từ vài tháng đến một năm. Bạn trẻ có thể dùng loại vải này để bọc thực phẩm, thay thế cho các loại túi hoặc màng bọc thực phẩm bằng nhựa.

    Vải được tái sử dụng bằng cách rửa sạch với nước rửa chén dĩa, sau đó phơi ở nơi khô ráo. Không dùng vải sáp ong để bọc thực phẩm tươi sống hoặc trái cây có tính axit cao.

    8) Xà phòng tự nhiên

    Xà phòng làm từ các nguyên liệu từ thiên nhiên như bột nghệ, bột cà phê, bột trà xanh, hoa oải hương, bồ kết… Mỗi loại có màu sắc, hương thơm và công dụng khác nhau và đặc biệt là lành tính với da. Khi thải ra môi trường, các thành phần tự nhiên này sẽ không gây hại như những loại xà phòng làm từ hoá học.

    9) Túi vải

    Túi vải không đơn điệu hay nhàm chán như bạn vẫn nghĩ, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều cửa hàng bán túi vải đa dạng mẫu mã khi “bắt sóng” được nhu cầu bảo vệ môi trường của các bạn trẻ. Hãy tập thói quen tự mang túi vải đến các cửa hàng mua đồ thay vì lấy túi nhựa từ người bán.

    10) Hộp bã mía

    Hộp bã mía không có thiết kế bắt mắt nhưng lại có tác dụng bảo vệ môi trường tốt hơn loại hộp nhựa xốp truyền thống, nhờ khả năng tự phân huỷ sinh học. Hơn nữa, khi gặp các thức ăn nóng, hộp bã mía cũng không sản sinh ra các chất có nguy cơ gây ung thư. Từ nhiều năm trước, Mỹ đã bắt đầu sử dụng loại hộp này để đựng thức ăn, nước uống ở nhiều nơi.

    (Nguồn: tuoitre.vn/10-san-pham-vua-chat-vua-than-thien-voi-moi-truong-20181120020057434.htm)

    0
    2020-06-18T10:01:59+07:00

    Nhiên liệu sinh học low-carbon thân thiện với môi trường

    Nhiên liệu low-carbon thay thế xăng dầu hóa thạch sẽ làm giảm đáng kể khí thải carbon dioxide, tăng khả năng bảo vệ môi trường, và chống biến đổi khí hậu.

    Trái đất đang nóng dần lên do hiệu ứng nhà kính vì ô nhiễm khí thải, với chất chính là dioxide carbon. Một phần tư lượng carbon dioxide đến từ việc đốt cháy nhiên liệu của các phương tiện giao thông vận tải.

    Vì thế, việc sử dụng các loại nhiên liệu sinh học, đặc biệt là nhiên liệu low-carbon, để thay thế xăng dầu hóa thạch sẽ làm giảm đáng kể khí thải carbon dioxide từ các phương tiện giao thông, giảm hiệu ứng nhà kính, tăng khả năng bảo vệ môi trường, và chống biến đổi khí hậu.

    Nhiên liệu sinh học, biofuel, là các nhiên liệu hình thành từ các hợp chất sinh học hữu cơ như từ chất béo động thực vật, carbohydrate thực vật (bột mì, gạo, bắp ngô, khoai, sắn…), cellulose trong chất thải nông, công nghiệp (rơm rạ, phân hữu cơ, mùn cưa, gỗ thải bỏ…).

    Hiện nay, chúng ta đang sử dụng ba nhóm nhiên liệu sinh học chính:

    (1) Xăng sinh học (biogasoline) sử dụng ethanol làm chất phụ gia cho chì;

    (2) Diesel sinh học (biodiesel) được điều chế bằng các dẫn xuất từ một số loại dầu mỡ sinh học (dầu thực vật, mỡ động vật) thông qua quá trình trans ester hóa với các loại rượu, phổ biến nhất là methanol; và

    (3) Khí sinh học (biogas) là các khí hữu cơ như metan và các đồng đẳng khác, tạo ra qua quá trình lên men sinh khối hữu cơ các phế thải nông nghiệp, chủ yếu là cellulose, tạo thành sản phẩm ở dạng khí. Biogas có thể dùng làm nhiên liệu khí thay cho khí gas từ dầu mỏ.

    * Cường độ carbon

    Cường độ carbon, carbon intensity, của một loại nhiên liệu là số gam khí carbon dioxide CO2 sản sinh khi dùng nhiên liệu này tạo ra 1 megajoule năng lượng. Carbon dioxide, metan, oxit nitơ và các hydrocacbon khác hấp thụ năng lượng ánh sáng làm trái đất nóng lên, đo cường độ carbon giúp chúng ta đánh giá, so sánh tác hại của các loại nhiên liệu với nhau. Ví dụ, so sánh dầu diesel sinh học sản xuất từ đậu tương với lượng khí thải phát ra từ ống xả sau khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.

    * Nhiên liệu ít carbon

    Là những nhiên liệu sinh học có cường độ carbon thấp nên sạch và ít gây ô nhiễm carbon so với các loại nhiên liệu hóa thạch, dầu mỏ. Nhiên liệu ít carbon phổ biến hiện nay là khí tự nhiên như khí nén thiên nhiên (compressed natural gas, CNG), và khí dầu mỏ hóa lỏng (liquefied petroleum gas, LPG).

    Nhiên liệu ít carbon sẽ giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu, bảo tồn và tăng cường tài nguyên đất, nước, rừng, hệ sinh thái bản địa và cải thiện phúc lợi kinh tế của nông dân, công nhân và cộng đồng.

    Sản xuất nhiên liệu sinh học sạch

    Từ các nguyên liệu là chất thải nông nghiệp, dầu thải, cỏ cây, tảo, sinh khối chất thải, sinh khối gỗ nông nghiệp, chất thải sau tái chế và nhiều loại khác, các công ty sản xuất nhiên liệu sạch có quy trình riêng để chuyển đổi thành nhiên liệu:

    (1) Sản xuất cồn ethanol với quy trình chưng cất như trong sản xuất rượu;

    (2) Khí hóa nguyên liệu thành các hóa chất cơ bản và xây dựng lại thành chuỗi hydrocarbon như ở dầu thô. Sau đó, tinh chế dầu thô để sản xuất xăng, dầu diesel hoặc nhiên liệu máy bay; và

    (3) Sử dụng công nghệ “không khí thành nhiên liệu”, carbon dioxide thu giữ từ khí trời sẽ được chuyển thành nhiên liệu carbon trung tính nhờ các nguồn năng lượng tái tạo.

    Công ty năng lượng sạch Carbon Engineering, Canada, thành lập năm 2009 bởi David Keith, Giáo sư ĐH Harvard, đã dùng công nghệ thu gom CO2 trực tiếp từ khí quyển (Direct Air Capture, DAC). Carbon dioxide thu giữ này được chuyển đổi thành nhiên liệu carbon trung tính nhờ các nguồn năng lượng tái tạo, theo quy trình “không khí thành nhiên liệu” (air to fuel, A2F). Công nghệ A2F này cho phép sản xuất quy mô lớn các nhiên liệu như xăng, dầu diesel và xăng máy bay Jet-A mà không cần sử dụng dầu thô. Những nhiên liệu này rất sạch so với nhiên liệu hóa thạch, không có khí thải nhà kính và lượng khí thải carbon bằng không, vì thế công ty Carbon Engineering đã được một số cơ quan chính phủ và nhà đầu tư tài trợ.

    Đôi điều bàn luận

    Ô nhiễm khí thải, đặc biệt với CO2, gây nóng lên của địa cầu đang là mối quan tâm lo lắng của cả thế giới. Do đó, việc sử dụng nhiên liệu sinh học là một xu hướng bắt buộc cho con người.

    Hiện nay, hệ thống khí sinh học biogas đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Vì được sản sinh từ việc ủ, lên men sinh khối hữu cơ các chất phế thải nông nghiệp, các bãi chôn lấp rác, biogas vừa cung cấp năng lượng sinh hoạt cũng vừa xử lý rác thải và bảo vệ môi trường.

    Ở Việt Nam, dù việc phát triển biogas được tiến hành từ rất lâu, nhưng hầu hết đều nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, và khí sinh học chủ yếu để nấu ăn hay thắp sáng. Theo bộ NNPTNT, cả nước có khoảng 500.000 hầm phân hủy biogas quy mô nhỏ, hộ gia đình nông dân; và dù có đến 17.000 trang trại nuôi lợn, nhưng chỉ có gần 100 hầm biogas thương mại, dung tích 100-200m3, chiếm tỷ lệ 0,3%, và chưa có nhà máy sản xuất điện biogas nào hòa lưới điện quốc gia cả!

    Với công nghệ carbon engineering, con người có thể thu thập carbon dioxide trong khí trời rồi kết hợp với hydro tạo ra các nhiên liệu lỏng carbon trung tính như xăng hoặc diesel truyền thống. Máy móc, động cơ, xe hiện tại đều có thể sử dụng các loại nhiên liệu lỏng được tổng hợp này mà không cần chuyển đổi cấu tạo gì. Vấn đề lớn với nhiên liệu thay thế, và cũng là thách thức của bất cứ phát minh về năng lượng mới, là chi phí sản xuất: chuyển 1 tấn carbon dioxide để tạo nhiên liệu low-carbon sẽ mất từ 94 – 232 USD, trong khi nhiên liệu hoá thạch chỉ 50-60 USD/thùng dầu thô. Hy vọng trong tương lai, khi quy mô sản xuất tăng lên giá thành chỉ còn khoảng 1 USD/lít nhiên liệu low-carbon như các công ty hứa hẹn!

    Tóm lại, nhiên liệu sinh học low-carbon, kể cả các nguồn năng lượng không cacbon (zero cacbon power) như gió, mặt trời, địa nhiệt và hạt nhân, và cả nguồn năng lượng có mức phát thải thấp (lower-level emissions) như khí tự nhiên và cả công nghệ thu giữ cacbon dioxit, là những nguồn cung cấp năng lượng ít phát thải khí nhà kính so với các nguồn năng lượng hóa thạch. Nếu được phát triển hợp lý các nhiên liệu sinh học sẽ vừa cung cấp năng lượng sử dụng vừa giải quyết ô nhiễm rác thải và ô nhiễm khí nhà kính giảm thiểu hiện tượng nóng lên của trái đất này.

    (Nguồn: moitruong.net.vn/nhien-lieu-sinh-hoc-low-carbon-than-thien-voi-moi-truong)

  1. Sử dụng nhiên liệu sinh học góp phần bảo vệ môi trường

    Việc sử dụng nhiên liệu sinh học pha vào xăng dầu sẽ góp phần giúp cải thiện tinh trạng ô nhiễm môi trường nhờ giảm thiểu việc tạo các loại khí thải có trong các nhiên liệu truyền thống như CO, SO2, hạt bụi và CO2.

    Cải thiện tinh trạng ô nhiễm môi trường

    Như chúng ta đã biết, khí thải CO là một khí rất độc, mức phát thải CO rất cao ở động cơ xe máy. Theo các kết quả nghiên cứu, động cơ sử dụng xăng sinh học E5 tạo ra rất ít khí thải CO và HC, ít hơn hẳn các loại xăng thông dụng như A92 và A95 tới 20%. Chính vì vậy, loại xăng sinh học E5 được coi là thân thiện với môi trường.

    Bên cạnh giảm đáng kể thành phần khí CO và HC, khả năng tăng tốc của xe cũng tốt hơn đối với xăng sinh học E5. Quá trình cháy trong động cơ sử dụng xăng sinh học E5 được cải thiện nhờ hỗn hợp giữa không khí và nhiên liệu đồng đều hơn do khả năng bay hơi tốt của xăng sinh học E5.

    Ngoài ra, sự có mặt của thành phần oxy trong xăng sinh học E5 là yếu tố giúp cho nhiên liệu được cháy trong điều kiện không quá thiếu oxy (cháy với hỗn hợp nhạt hơn so với trường hợp động cơ xăng dùng bộ chế hòa khí sử dụng nhiên liệu xăng RON92) và cháy kiệt. Đây là cơ sở tạo ra ít khí thải độc hại CO và HC. Thêm vào đó, các loại xe thế hệ mới hiện nay có bộ phận xử lý khí thải, kết hợp với sử dụng xăng sinh học E5 thì lượng khí độc thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể.

    Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực đã dẫn đến tinh trạng di dân từ nông thôn ra thành thị với tốc độ ngày càng cao. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự gia tăng các phương tiện giao thông, không khí và môi trường thành thị đã bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt là các đô thị lớn.

    Mức độ ô nhiễm tại các thành phố lớn của Việt Nam đã ở mức báo động. Báo cáo triển vọng môi trường toàn cầu 4 do Chương trình Môi trường liên hợp quốc (UNEP) công bố từ năm 2007 đã đánh giá Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trong số sáu thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.

    Vì vậy, việc sử dụng nhiên liệu sinh học pha vào xăng dầu sẽ góp phần giúp cải thiện tinh trạng ô nhiễm môi trường nhờ giảm thiểu việc tạo các loại khí thải có trong các nhiên liệu truyền thống như CO, SO2, hạt bụi và CO2.

    Ngoài ra, việc phát triển vùng nguyên liệu cho quá trình sản xuất ethanol (sắn, mía, tảo…) còn góp phần tạo thảm thực vật xanh làm giảm ảnh hưởng của bão lũ, xói mòn.

    Nhiên liệu sinh học phát triển kinh tế nông thôn

    Ethanol ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất từ sắn được thái lát. Các nhà máy ethanol dùng sắn lát làm nguyên liệu đầu vào sẽ giúp người trồng sắn có đầu ra ổn định. Theo tinh toán, mỗi nhà máy khi đi vào sản xuất sẽ thu mua ổn định cho khoảng 15 nghìn hộ trồng sắn tại các xã vùng cao của các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

    Các nhà máy sẽ hỗ trợ nông dân về giống cũng như kỹ thuật canh tác mới với mục đích tăng thu nhập cho hộ nông dân, tăng sản lượng hàng hóa… Chính vì vậy, thu mua sắn để sản xuất ethanol sẽ không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa mà còn giúp cải thiện cuộc sống với nguồn thu nhập ổn định cho phần lớn nông dân ở các địa phương, rút ngắn dần khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.

    Tăng cường dùng nhiên liệu sinh học không chỉ là bảo vệ môi trường mà còn góp phần mang đến sự chuyển mình tich cực cho cuộc sống của người dân tại vùng sâu, vùng xa của đất nước.

    Nhiên liệu sinh học góp phần đảm bảo an ninh năng lượng

    Phát triển nhiên liệu sinh học giúp các quốc gia chủ động, không bị lệ thuộc vào vấn đề nhập khẩu nhiên liệu, đặc biệt với những quốc gia không có nguồn dầu mỏ và than đá. Đồng thời, kiềm chế sự gia tăng giá dầu, ổn định tinh hình năng lượng cho thế giới. Việc phát triển nhiên liệu sinh học trên cơ sở tận dụng các nguồn nguyên liệu sinh khối khổng lồ và được sản xuất từ nguồn nguyên liệu có thể tái tạo được sẽ thật sự là một lựa chọn ưu tiên trong việc đảm bảo về vấn đề an ninh năng lượng cho các quốc gia.

    (Nguồn: moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/su-dung-nhien-lieu-sinh-hoc-gop-phan-bao-ve-moi-truong-7601-22.html)

Để lại câu trả lời