Tại sao xây dựng luật Nghĩa vụ quân sự là để kế thừa truyền thống dân tộc?

Câu hỏi

Giáo dục quốc phòng lớp 11:

1. Tại sao xây dựng luật Nghĩa vụ quân sự là để kế thừa truyền thống dân tộc?

2. Giải thích chi tiết “Quân với dân như cá với nước”?

Luật nghĩa vụ quân sự

trong tiến trình 0
Mai Anh 3 năm 2021-09-14T18:06:12+07:00 0 Câu trả lời 1765 lượt xem 4

Câu trả lời ( 3 )

  1. Nhận thức đúng về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự

    Đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta có cơ sở lịch sử, chính trị, pháp lý minh bạch. Trước hết, đó là vì dân tộc ta phải thường xuyên chống lại các thế lực xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta cho thấy, không có một thế kỷ nào nhân dân ta không phải chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược.

    Ngay từ thời kỳ phong kiến, các triều đại trong lịch sử Việt Nam đã có chính sách “ngụ binh ư nông” (chính sách trong các triều đại: Nhà Đinh, Lê sơ, Lý, Trần). Chính sách này ra đời trong bối cảnh – một đất nước đất không rộng, người không đông, lại thường xuyên bị các thế lực nước ngoài xâm lược. Chính sách “ngụ binh ư nông” là sự kết hợp nhiệm vụ duy trì lực lượng quốc phòng với sản xuất, sẵn sàng chuyển hóa lực lượng quân sự từ sản xuất sang chiến đấu khi cần thiết và ngược lại, chuyển lực lượng chiến đấu về sản xuất trong thời bình.

    Trong bối cảnh quốc tế và khu vực ngày nay đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa về độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ… Ngày nay, những nguy cơ, thách thức cũ vẫn còn đó thì lại có thêm những nguy cơ, thách thức mới. Đó là bảo vệ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và hạnh phúc của nhân dân. Gắn liền với nguy cơ, thách thức đó là phương thức chống phá của các thế lực thù địch-đó là chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Về kỹ thuật, đó là việc các thế lực thù địch sử dụng internet, mạng xã hội làm phương thức chống phá mới.

    Ứng phó với tình hình đó, đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta đã có những điểm mới. Văn kiện Đại hội XII của Đảng ta xác định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền”… Chính sách và chiến lược quốc phòng của Đảng ta là “tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh”; “xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc… Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước”.

    Đảng và Nhà nước ta cũng đã công khai hóa chính sách quốc phòng của Nhà nước ta. Đó là: “Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam chủ trương từng bước hiện đại hóa quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ.

    Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác”.(3)

    Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua là sự thể chế hóa Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” (Điều 15); “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” (Điều 16).

    Luật Nghĩa vụ quân sự quy định nghĩa vụ quân sự là “Nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân;… Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của luật này” (Điều 4).

    Luật Nghĩa vụ quân sự nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc-chế độ trong tình hình mới. Về mặt lý luận cũng như thực tế, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự không làm tăng quân số tuyệt đối, không nhằm chạy đua vũ trang… mà chỉ nhằm luân chuyển nhân lực từ dân sự sang quân sự và ngược lại (đó là những đợt ra quân theo định kỳ hằng năm).

    Ý kiến “phản biện” rằng: “Thời bình sao phải tuyển nhiều lính như thời chiến?”; “Sao không tập trung vào phát triển kinh tế, chống tham nhũng?”, nếu không nói là một luận điệu chính trị xấu độc thì cũng thể hiện sự hiểu biết ấu trĩ về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nói chung, của Quân đội ta nói riêng trong thời bình.

    Thực tế cho thấy, ngay trong thời chiến, Quân đội ta vẫn dành một lực lượng nhất định tham gia sản xuất (phục vụ quốc phòng và dân sinh)… Hiện nay, không ít đơn vị quân đội đang làm đồng thời cả hai nhiệm vụ-kinh tế và quốc phòng, như một số đơn vị quân đội làm kinh tế, tự đáp ứng một phần nhu cầu, giảm thiểu gánh nặng ngân sách cho Nhà nước. Hoặc các bệnh viện quân đội vừa là một cơ sở y tế trong hệ thống y tế quốc gia, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng phục vụ cứu chữa trong thời chiến. Trong thời bình, ở những bệnh viện này, không chỉ cán bộ, chiến sĩ quân đội được chữa trị mà còn có cả những bệnh nhân dân sự… nhất là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

    Trên lĩnh vực phòng, chống thiên tai, quân đội luôn là lực lượng nòng cốt và có không ít cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai trên khắp mọi miền Tổ quốc.

    Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các thế lực thù địch thường lợi dụng những vấn đề kinh tế-xã hội khó khăn, như ô nhiễm môi trường, những sơ hở trong quản lý kinh tế-dịch vụ công… để kích động người dân chống lại chính quyền. Hành vi “bất tuân dân sự”-là kịch bản trong đó, những phần tử cầm đầu tập hợp lực lượng, tụ tập đông người, biểu tình gây rối… từng bước đi đến bạo loạn, lật đổ chế độ xã hội, chuyển hóa xã hội hiện hữu sang con đường tư bản chủ nghĩa, lệ thuộc vào ngoại bang. Vì vậy, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị tư tưởng ngày càng quyết liệt. Trên mặt trận ấy, các cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam lại là một trong những lực lượng tiên phong…

    Mục tiêu của cách mạng Việt Nam ngày nay là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều kiện và tiền đề để thực hiện mục tiêu đó là giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định xã hội. Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự là góp phần đưa dân tộc ta đi đến mục tiêu đó.

    (Nguồn: tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/nhan-thuc-dung-ve-thuc-hien-luat-nghia-vu-quan-su-119425)

    1
    2021-09-23T03:22:16+07:00

    Luật nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của học sinh

    I. MỤC TIÊU

    1. Về kiến thức:

    – Nắm chắc những nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự. Xác định rõ trách nhiệm đối với nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành chương trình giáo dục quốc phòng với kết quả tốt.

    2. Thái độ:

    – Chấp hành đầy đũ các quy định về đăng kí nghĩa vụ quân sự, sẵn sang nhập ngũ, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động quốc phòng ở nhà trường, ở địa phương và xây dựng quân đội.

    – Xây dựng niềm tự hào và trân trọng truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng phục vụ trong ngạch dự bị động viên.

    II. NỘI DUNG VÀ TRỌNG TÂM

    1. Nội dung:

    – Sự cần thiết ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự

    – Nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự.

    – Trách nhiệm của học sinh

    2. Trọng tâm:

    – Nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự.

    – Trách nhiệm của học sinh

    III. THỜI GIAN

    Tổng số tiết: 4 (Tiết PPCT: 6 – 9)

    Tiết 6: Sự cần thiết ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự, giới thiệu khái quát về luật.

    Tiết 7: Những quy định chung, chuẩn bị cho thanh niên nhập ngũ.

    Tiết 8: Phục vụ tại ngũ trong thời bình, xủ lý vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự.

    Tiết 9: Trách nhiệm của học sinh

    NỘI DUNG BÀI HỌC

    TIẾT 1: (Tiết 06 PPCT)

    I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

    1. Để kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta.

    – Dân tộc ta có truyền thống kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc.

    – Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được nhân dân hết lòng ủng hộ, đùm bọc “Quân với dân như cá với nước”.

    – Trong quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện theo 2 chế độ: chế độ tình nguyện (từ 1944 – 1960), chế độ nghĩa vụ quân sự (miền Bắc từ 1960, miền Nam từ 1976 đến nay).

    2. Để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và tao điều kiện cho công dân làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

    – Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khẳng định “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý của công dân. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân”.

    – Hiến pháp khẳng định nghĩa vụ và quyền bảo vệ Tổ quốc của công dân, nói lên vị trí, ý nghĩa của nghĩa vụ và quyền đó. Cho nên mỗi công dân có bổn phận thực hiện đầy đũ nghĩa vụ và quyền lợi đó.

    – Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình phải tạo điều kiện cho công dân.

    3. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    – Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam là tham gia xây dựng đất nước.

    – Hiện nay quân đội được tổ chức thành các quân chủng, binh chủng, có hệ thống Học viện, Nhà trường, Viện nghiên cứu,… và từng bước được trang bị hiện đại. Phương hướng xây dựng quân đội là: cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

    – Luật Nghĩa vụ quân sự quy định việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng lức lượng thường trực, vừa để xây dựng, tích lũy lực lượng dự bị ngày càng hòan thiện để sẵn sàng động viên và xây dựng quân đội

    TIẾT 2: (Tiết 07 PPCT)

    II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

    1. Giới thiệu khái quát về Luật

    Cấu trúc luật gồm: Lời nói đầu, 11 chương, 71 điều. Nội dung khái quát của các chương như sau:

    – Chương I: Những quy định chung. Từ điều 1 đến điều 11.

    – Chương II: Việc phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ. Từ điều 12 đến điều 16.

    – Chương III: Việc chuẩn bị cho thanh niên phục vụ tại ngũ. Từ điều 17 đến điều 20.

    – Chương IV: Việc nhập ngũ và xuất ngũ. Từ điều 21 đến điều 36.

    – Chương V: Việc phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị. Từ điều 37 đến điều 44.

    – Chương VI: Việc phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp. Từ điều 45 đến điều 48.

    – Chương VII: Nghĩa vụ, quyền lợi của quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và dự bị. Từ điều 49 đến điều 57.

    – Chương VIII: việc đăng kí nghĩa vụ quân sự. Từ điều 58 đến điều 62.

    – Chương IX: Việc nhập ngũ theo lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ, việc xuất ngũ theo lệnh phục viên. Từ điều 63 đến điều 68.

    – Chương X: Việc xử lí các vi phạm. Điều 69.

    – Chương XI: Điều khoảng cuối cùng. Điều 70, 71.

    2. Nội dung cơ bản của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2005

    a. Những quy định chung

    Một số khái niệm:

    – Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẽ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Làm nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong nghạch dự bị của quân đội.

    – Công dân phục vụ tại ngũ gọi là quân nhân tại ngũ; Công dân phục vụ trong nghạch dự bị gọi là quân nhân dự bị.

    – Công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi (tuổi phục vụ tại ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Tuổi phục vụ trong nghạch dự bị từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi)

    Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị có nghĩa vụ:

    – Tuyệt đội trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hi sinh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

    – Tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân, kiên quyết bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

    – Gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của Quân đội.

    – Ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hóa, kĩ thuật nghiệp vụ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỉ luật và thể lực, không ngừng nâng cao bản lĩnh chiến đấu.

    b. Chuẩn bị cho thanh niên nhập ngũ

    Có vai trò rất quan trọng, tạo điều kiện cho thanh niên khi nhập ngũ hoàn thành nghĩa vụ của mình. Nội dung chuẩn bị gồm:

    – Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

    – Huấn luyện quân sự phổ thông, theo chương trình giáo dục Quốc phòng – An ninh cấp trung học phổ thông.

    – Đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kĩ thuật cho quân đội.
    – Đăng kí nghĩa vụ quân sự và kiểm tra sức khỏe đối với công dân nam đủ 17 tuổi.

    TIẾT 3: (Tiết 08 PPCT)

    c. Phục vụ tại ngũ trong thời bình

    Đối tượng và độ tuổi gọi nhập ngũ được quy định như sau:

    – Độ tuổi gọi nhập ngũ đối được quy định với công dân nam trong thời bình là đủ 18 đến hết 25 tuổi.

    – Thời hạn phục vụ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng, của binh sĩ hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kĩ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan binh sĩ trên tàu hải quân là 24 tháng.

    – Việc tính thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ do Bộ trưởng quốc phòng quy định. Thời gian đào ngũ không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.

    – Những công dân nam sau đây được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình:

    + Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành, hoặc đang học tập tại các trường quân đội và các trường ngoài quân đội theo kế hoạch của bộ Quốc phòng

    + Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

    · Trường trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, trường dự bị đại học.

    · Trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề.

    · Trường cao đẳng, đại học

    + Học sinh, sinh viên đang học tại các trường của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam hoặc học sinh, sinh viên được đi du học tại các trường ở nước ngoài có thời gian đào tạo 12 tháng trở lên.

    + Học sinh, sinh viên thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ nêu trên chỉ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong một khóa đào tạo tập trung đầu tiên, nếu tiếp tục học tập ở các khóa khác thì không được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

    + Hằng năm, những công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ phải được kiểm tra, nếu không còn lí do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.

    – Những học sinh, sinh viên sau đây không thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình:

    + Theo học các loại hình đào tạo khác ngoài quy định nêu trên.

    + Đang học nhưng do vi phạm bị kĩ luật đuổi học, buộc thôi học.

    + Tự bỏ học hoặc ngừng học tập một thời gian liên tục từ 12 tháng trở lên.

    + Hết thời hạn học tập tại trường một khóa học.

    + Chỉ ghi danh, đóng học phí nhưng thực tế không học tại trường.

    – Những công dân sau đây được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình:

    + Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một, con của bệnh binh hạng một.

    + Một người anh hoặc em trai của liệt sĩ.

    + Một con trai của thương binh hạng hai.

    + Thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, tri thức trẻ tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức đã phục vụ từ 24 tháng trở lên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn do Chính phủ quy định.

    – Chế độ chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ được quy định như sau:

    + Hạ sĩ quan, binh sĩ được cung cấp kịp thời, đầy đũ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội theo chế độ tiêu chuẩn, định lượng do Chính phủ quy định.

    + Từ năm thứ 2 trờ đi được nghĩ phép. Từ tháng thứ 19 trở đi được hưởng them 200% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hằng tháng; từ tháng thứ 25 trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hằng tháng. Được tính nhân khẩu ở gia đình khi gai đình được cấp, hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà và đất canh tác. Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác.

    + Hạ sĩ quan và binh sĩ khi xuất ngũ được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, được hưởng trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm do Chính phủ quy định (6 tháng lương cơ bản).

    + Hạ sĩ quan và binh sĩ trước lúc nhập ngũ làm việc ở cơ quan, cơ sở kinh tế nào thì cơ quan, cơ sở kinh tế đó có trách nhiệm tiếp nhận lại. Nếu cơ quan, cơ sở đó giải thể thì cơ quan Lao động – Thương binh – Xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì phối hợp các cơ quan lien quan để giải quyết việc làm, thực hiện chế độ, chính sách cho họ theo quy định của Pháp luật.

    + Hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ tại ngũ đủ thời hạn hoặc trên hạn định, khi xuất ngũ về địa phương được chính quyền các cấp giải quyết ưu tiên trong tuyển sinh, tuyển dụng hoặc sắp xếp việc làm.

    + Hạ sĩ quan và binh sĩ trước lúc nhập ngũ có giấy gọi vào học ở các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì khi xuất ngũ được vào học ở các trường đó.

    + Hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ và dự bị nếu bị thương, bị bệnh hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước.

    d. Xử lí các vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự

    – Xử lí vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và triệt để của pháp luật, bất kể ai vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự đều bị xử lí theo pháp luật.

    – Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: Người nào vi phạm các quy định về đăng kí nghĩa vụ quân sự, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, gọi quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái hoặc cản trở việc thực hiện các quy định trên đây, hoặc vi phạm các quy định khác của Luật Nghĩa vụ quân sự, thì tùy theo mức độ nhẹ hay nặng mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    TIẾT 4: (Tiết 09 PPCT)

    3. Trách nhiệm của học sinh

    a. Học tập chính trị, quân sự, rèn luyện thể lực do trường lớp tổ chức

    Điều 17 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: “Việc huấn luyện quân sự phổ thông cho học sinh ở các trường thuộc chương trình chính khóa; nội dung huấn luyện do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định”.

    – Nội dung huấn luyện quân sự phổ thông được thể hiện ở môn Giáo dục Quốc phòng – An ninh.

    – Học sinh cần có thái độ nghiêm túc, trách nhiệm đầy đũ trong học tập rèn luyện, phấn đấu đạt kết quả cao trong từng bài, từng khoa mục theo yêu cầu của trường, lớp đề ra.

    – Học phải đi đôi với hành, vận dụng kết quả học tập vào việc xây dựng nề nếp sinh hoạt tập thể có kỉ luật, văn minh trong nhà trường và ngoài xã hội, chấp hành đầy đũ những quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự trong thời gian học tập tại trường như đăng kí nghĩa vụ quân sự, kiểm tra sức khỏe khám tuyển, nhập ngũ.

    b. Chấp hành quy định về đăng kí nghĩa vụ quân sự

    – Đối với học sinh, việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự trước hết là thực hiện tốt việc đăng kí nghĩa vụ quân sự.

    – Đăng kí nghĩa vụ quân sự được tiến hành tại nơi cư trú.

    – Khi đăng kí phải kê khai đầy đủ, chính xác, đúng thời gian quy định.

    – Học sinh đến độ tuổi đăng kí nghĩa vụ quân sự (nam từ đủ 17 tuổi trở lên; nữ từ đủ 18 tuổi trở lên có chuyên môn cần phục vụ cho quân đội) phải đăng kí nghĩa vụ quân sự.

    – Đăng kí nghĩa vụ quân sự được tiến hành tại nơi cư trú của công dân do Ban chỉ huy quân sự cấp xã (phường) và Ban chỉ huy quân sự cấp huyện (quận) chịu trách nhiệm thực hiện.

    – Khi di chuyển nơi cư trú từ huyện (quận) này sang huyện (quận) khác thì trước khi di chuyển phải đến Ban chỉ huy quân sự cấp xã (phường) và Ban chỉ huy quân sự cấp huyện (quận) nơi đang cư trú xuất trình giấy tờ về sự thay đổi nơi cư trú, xin giấy giới thiệu di chuyển đăng kí nghĩa vụ quân sự. Khi di chuyển đến nơi cư trú mới, trong thời hạn 10 ngày phải đến Ban chỉ huy quân sự cấp huyện (quận) và Ban chỉ huy quân sự cấp xã (phường) nơi cư trú mới để đăng kí di chuyển.

    – Do vậy, trách nhiệm của học sinh khi đăng kí phải kê khai đầy đủ, chính xác, đúng thời gian quy định

    c. Đi kiểm tra sức khỏe và khám sức khỏe

    – Học sinh đi kiểm tra và khám sức khỏe theo giấy gọi của Ban chỉ huy cấp huyện (quận) nơi cư trú.

    – Học sinh phải có mặt đúng thời gian, địa điểm quy định trong giấy gọi, trong khi kiểm tra hoặc khám sức khỏe phải tuân thủ đầy đủ nguyên tắc thủ tục ở phòng khám.

    d. Chấp hành nghiêm lệnh gọi nhập ngũ.

    – Phải có mặt đúng thời gian, ghi trong lệnh gọi nhập ngũ.

    – Nếu không thể đúng thời gian phải có giấy chứng nhận của UBND xã (phường).

    – Công dân không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ bị xử lí và vẫn trong diện gọi nhập ngũ cho đến hết 25 tuổi.

    (Nguồn: sites.google.com/site/gdqplop11/home/bai2)

    0
    2021-09-23T03:27:34+07:00

    LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

    Căn cứ vào Điều 42 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quy định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, và công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc;

    Để củng cố quốc phòng, giữ gìn hoà bình, bảo vệ thành quả của cách mạng và sự nghiệp lao động hoà bình xây dựng chủ nghĩa xã hội;

    Để phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân, phát huy thắng lợi của chế độ tình nguyện tòng quân trước đây, nâng cao ý thức quốc phòng, phổ cập trí thức quân sự trong nhân dân;

    Để đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang của nhân dân;

    Nay quy định chế độ nghĩa vụ quân sự như sau:

    CHƯƠNG I

    NGUYÊN TẮC CHUNG

    Điều 1

    Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đối với Tổ quốc.

    Những công dân nam giới từ mưới tám đến bốn mươi lăm tuổi, không phân biệt dân tộc, nghề nghiệp, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần xã hội và trình độ văn hoá, đều có nghĩa vụ quân sự.

    Điều 2

    Không được làm nghĩa vụ quân sự:

    – Những người bị Toà án hoặc pháp luật tước quyền công dân;

    – Những người đang ở trong thời gian bị giam giữ hoặc bị quản chế.

    Điều 3

    Nghĩa vụ quân sự chia làm hai ngạch: tại ngũ và dự bị. Làm nghĩa vụ quân sự là tham gia quân đội thường trực hoặc tham gia quân dự bị.

    Điều 4

    Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị gồm có sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ.

    Hạ sĩ quan và binh sĩ gồm các cấp bậc sau đây:

    – Hạ sĩ quan: thượng sĩ, trung sĩ, hạ sĩ.

    – Binh sĩ: binh nhất, binh nhì.

    Điều 5

    Hạ sĩ quan và binh sĩ chuyển sang ngạch dự bị vẫn được giữ cấp bậc cũ.

    Điều 6

    Hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ trong ngạch dự bị đến hết bốn mươi lăm tuổi thì hết hạn làm nghĩa vụ quân sự.

    Thời hạn phục vụ của sĩ quan theo như quy định trong luật về chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 4 năm 1958.

    Điều 7

    Lứa tuổi tuyển vào quân đội thường trực trong thời bình ấn định từ mười tám đến hai mươi lăm tuổi. Lứa tuổi tuyển vào quân đội thường trực trong thời chiến do Hội đồng quốc phòng ấn định.

    Những người trong những lứa tuổi đó có thể lần lượt được gọi ra phục vụ tại ngũ.

    Điều 8

    Những quân nhân đang phục vụ theo chế độ tình nguyện sẽ dần dần được phục viên và chuyển sang dự bị hoặc giải ngạch nghĩa vụ quân sự.

    CHƯƠNG II

    CHẾ ĐỘ PHỤC VỤ CỦA QUÂN NHÂN TẠI NGŨ VÀ QUÂN NHÂN DỰ BỊ

    Điều 9

    Sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị phục vụ theo chế độ quy định trong luật về chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 4 năm 1958, và những điều khoản có liên quan đến sĩ quan trong Luật này.

    Điều 10

    Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ trong bộ đội lục quân là hai năm.

    Đối với hạ sĩ quan và binh sĩ trong bộ đội không quân, hạ sĩ quan kỹ thuật và binh sĩ kỹ thuật trong bộ đội lục quân, hạ sĩ quan và binh sĩ công an nhân dân vũ trang, thì thời hạn phục vụ tại ngũ là ba năm.

    Đối với hạ sĩ quan và binh sĩ trong bộ đội hải quân thì thời hạn phục vụ tại ngũ là bốn năm.

    Điều 11

    Hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ có thể được điều động từ quân chủng, binh chủng này sang quân chủng, binh chủng khác; sang quân chủng, binh chủng nào thì theo thời hạn phục vụ ở quân chủng, binh chủng ấy. Thời gian đã phục vụ ở quân chủng, binh chủng, trước được tính vào thời hạn phục vụ ở quân chủng, binh chủng sau.

    Điều 12

    Hạ sĩ quan và binh sĩ đã hết hạn tại ngũ có thể tình nguyện đăng lại một thời hạn ít nhất là một năm.

    Điều 13

    Ngạch dự bị của hạ sĩ quan và binh sĩ chia làm hai hạng: dự bị hạng một và dự bị hạng hai.

    Hạ sĩ quan và binh sĩ hết hạn phục vụ tại ngũ được xếp vào dự bị hạng một. Những công dân khác trong lứa tuổi làm nghĩa vụ quân sự được xếp vào dự bị hạng hai.

    Điều 14

    Hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ bị bệnh, bị thương, bị tàn phế phế, không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục phục vụ trong quân đội, sau khi được thủ trưởng đơn vị bộ đội có thẩm quyền chuẩn y, thì được thoái ngũ.

    Điều 15

    Những quân nhân dự bị hết hạn tuổi làm nghĩa vụ quân sự, hoặc bị bệnh, bị thương, bị tàn phế, không còn đủ sức khoẻ để làm nghĩa vụ quân sự, sau khi được cơ quan quân sự có thẩm quyền chuẩn y, thì được giải ngạch nghĩa vụ quân sự.

    CHƯƠNG III

    ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ, THỐNG KÊ VÀ QUẢN LÝ QUÂN NHÂN DỰ BỊ

    Điều 16

    Hàng năm vào khoảng năm ngày đầu tháng giêng dương lịch, những công dân nam giới đủ mười tám tuổi tính đến ngày mồng 1 tháng giêng dương lịch, phải đến Uỷ ban hành chính xã, thị xã, thị trấn, khu phố nơi mình ở để được kiểm tra sơ bộ thân thể và đăng ký nghĩa vụ quân sự.

    Điều 17

    Phụ nữ từ mười tám đến bốn mươi lăm tuổi có kỹ thuật chuyên môn cần cho quân đội cũng đăng ký nghĩa vụ quân sự.

    Điều 18

    Quân nhân phục viên khi về đến nơi ở hoặc nơi công tác phải đến cơ quan quân sự địa phương để đăng ký vào ngạch dự bị.

    Điều 19

    Quân nhân dự bị là công nhân, viên chức trong thời gian đi đăng ký nghĩa vụ quân sự vẫn được hưởng lương.

    Điều 20

    Những quân nhân dự bị khi hết hạn tuổi làm nghĩa vụ quân sự, khi không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục làm nghĩa vụ quân sự, khi thay đổi trình độ văn hoá, nghề nghiệp, đơn vị công tác, chỗ ở, phải đến báo cáo với Uỷ ban hành chính xã, thị xã, thị trấn, khu phố nơi mình ở xin giải ngạch nghĩa vụ quân sự hoặc thay đổi đăng ký.

    Điều 21

    Bộ Quốc phòng lãnh đạo việc đăng ký, thống kê và quản lý quân nhân dự bị trong toàn quốc.

    Dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính, cơ quan quân sự địa phương có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc đăng ký, thống kê và quản lý quân nhân dự bị trong địa phương mình.

    Thủ trưởng các cơ quan, trường học, xí nghiệp, nông trường, công trường có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc đăng ký, thống kê quân nhân dự bị thuộc đơn vị mình theo sự hướng dẫn của các cơ quan quân sự địa phương.

    CHƯƠNG IV

    TUYỂN BINH

    Điều 22

    Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và tình hình của các địa phương, Chính phủ ấn định tổng số người cần tuyển vào quân đội thường trực và quyết định những biện pháp cần thiết để tiến hành việc tuyển binh.

    Điều 23

    Hàng năm tiến hành tuyển binh một lần vào khoảng thời gian từ mồng 1 tháng 12 năm trước đến ngày 28 tháng 2 năm sau. Trong trường hợp cần thiết Chính phủ có thể quyết định thay đổi thời gian tuyển binh.

    Điều 24

    Kể từ ngày công bố lệnh tuyển binh, những người trong lứa tuổi tuyển vào quân đội thường trực muốn thay đổi chỗ ở sang địa phương khác phải được Uỷ ban hành chính xã, thị xã, thị trấn, khu phố mình đang ở đồng ý.

    Điều 25

    Việc kiểm tra thân thể để tuyển binh do Bộ Y tế phụ trách theo tiêu chuẩn do Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế quy định.

    Điều 26

    Những người trong lứa tuổi tuyển binh đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu bị đau yếu không thể đến trạm tuyển binh được và được Uỷ ban hành chính xã, thị xã, thị trấn, khu phố chứng nhận, thì có thể được hoãn đến kỳ tuyển binh năm sau.

    Điều 27

    Những người trong lứa tuổi tuyển binh đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu là người lao động duy nhất của gia đình, hoặc là con một, thì có thể được Uỷ ban hành chính huyện, thị xã, châu thuộc khu tự trị, quận và khu phố ở các thành phố trực thuộc Trung ương xét và cho miễn phục vụ tại ngũ.

    Những trường hợp khác cần miễn hoặc hoãn gọi ra phục vụ tại ngũ sẽ do Chính phủ quy định.

    CHƯƠNG V

    HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ CHO QUÂN NHÂN DỰ BỊ

    Điều 28

    Sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị, hàng năm phải theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng mà tham gia huấn luyện quân sự.

    Sĩ quan dự bị mỗi năm phải tham gia huấn luyện quân sự hai mươi lăm ngày.

    Hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị mỗi năm phải tham gia huấn luyện quân sự mười lăm ngày.

    Điều 29

    Đối với quân nhân dự bị là công nhân, viên chức, Chính phủ sẽ quy định việc trả lương trong thời gian tham gia huấn luyện quân sự.

    Đối với quân nhân dự bị không ở trong trường hợp nói trên, khi cần thoát ly sản xuất để tham gia huấn luyện quân sự tập trung, Chính phủ sẽ quy định việc giúp đỡ.

    Điều 30

    Đối với sinh viên, học sinh các trường đại học, các trường chuyên nghiệp trung cấp thì việc huấn luyện quân sự thuộc chương trình giáo dục do Chính phủ quy định.

    Điều 31

    Bộ Quốc phòng lãnh đạo việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị trong toàn quốc.

    Dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính, cơ quan quân sự địa phương có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị trong địa phương mình.

    Thủ trưởng các cơ quan, trường học, xí nghiệp, nông trường, công trường có nhiệm vụ tổ chức việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị thuộc đơn vị mình theo sự hướng dẫn của các cơ quan quân sự địa phương.

    CHƯƠNG VI

    ĐỘNG VIÊN THỜI CHIẾN

    Điều 32

    Sau khi Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà công bố lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra các mệnh lệnh cần thiết để thực hiện.

    Điều 33

    Sau khi lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ được công bố:

    – Tất cả những quân nhân dù sắp hết hạn tại ngũ đều phải ở lại quân đội cho đến khi có mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng cho thoái ngũ.

    – Tất cả quân nhân dự bị khi nhận được mệnh lệnh gọi ra phục vụ tại ngũ phải có mặt đúng ngày, đúng giờ, ở địa điểm đã định.

    Điều 34

    Việc hoãn gọi ra phục vụ tại ngũ trong thời chiến do Hội đồng quốc phòng quyết định.

    CHƯƠNG VII

    QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA QUÂN NHÂN TẠI NGŨ VÀ QUÂN DÂN DỰ BỊ

    Điều 35

    Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị có tất cả mọi quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân quy định trong Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

    Quân nhân còn có những quyền lợi và nghĩa vụ khác quy định trong luật này và trong các điều lệnh và chế độ của quân đội.

    Điều 36

    Quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị và dân quân, tự vệ lập được công trạng sẽ được tặng thưởng huân chương, danh hiệu vinh dự, huy chương, bằng khen.

    Điều 37

    Những sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị có nhiều thành tích trong huấn luyện quân sự, hoặc trong công tác bảo vệ an ninh, củng cố quốc phòng, có thể được thăng, thưởng.

    Điều 38

    Quân nhân tại ngũ bị tàn phế, bị bệnh chết, hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ ưu đãi do Chính phủ định.

    Điều 39

    Quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự thì bản thân hoặc gia đình được hưởng một khoản trợ cấp do Chính phủ định.

    CHƯƠNG VIII

    ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

    Điều 40

    Những hành vi vi phạm các điều khoản trong luật này và những hành vi làm cản trở hoặc phá hoại việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự sẽ tuỳ từng trường hợp mà bị trừng trị theo pháp luật.

    Điều 41

    Những điều khoản trong các luật lệ ban hành trước đây trái với luật này đều bãi bỏ.

    Điều 42

    Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật này.

    ——————-

    Luật này đã được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá thứ nhất, kỳ họp thứ 12, thông qua trong phiên họp ngày 15 tháng 4 năm 1960.

Để lại câu trả lời