Tù treo khác biệt thế nào với hình phạt cải tạo không giam giữ?

Câu hỏi

Tôi thường nghĩ án tù treo và cải tạo không giam giữ là một, chỉ khác cách gọi song nhiều người nói hiểu như vậy là sai.

Xin hỏi, hai hình phạt này khác nhau thế nào?

giải quyết 0
Cô Bé Mộng Mơ 6 năm 2018-07-26T17:45:47+07:00 1 Trả lời 346 lượt xem 0

Trả lời ( 1 )

    0
    2018-07-26T17:52:57+07:00

    Án treo và cải tạo không giam giữ đều là hình thức xử phạt đối với người có hành vi phạm tội. Hai biện pháp này đều không cách ly người bị kết án khỏi xã hội và giao cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó sinh sống giám sát, giáo dục. Tuy nhiên, bản chất và hậu quả pháp lý của hai biện pháp này là khác nhau.

    Án treo

    Đây là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, áp dụng với người phạm tội bị phạt tù dưới 3 năm, có nhân thân tốt và nhiều tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không bắt buộc phải chấp hành hình phạt tù thì tòa án có thể cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách là 1-5 năm.

    Nếu trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự hai lần trở lên, thì tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

    Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.

    Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về án treo thì chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

    – Bị xử phạt tù không quá ba năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

    – Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.

    – Có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng.

    – Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; nếu có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên.

    – Có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng.

    Cải tạo không giam giữ

    Đây là một trong những hình phạt chính được quy định cụ thể tại Điều 36 Bộ luật hình sự 2015. Thời gian cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 6 tháng đến 3 năm với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

    Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.

    Luật sư, Thạc sĩ Phạm Quốc Bảo
    Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

    Câu trả lời hay nhất
    Hủy câu trả lời hay nhất

Để lại câu trả lời