Vua Hùng có thực sự tồn tại hay không?

Câu hỏi

Hôm trước đi một talkshow bàn về đọc sách, mình có được nghe một quan điểm của một diễn giả, nghi ngờ sự tồn tại của các vua Hùng. Anh diễn giả chưa giải thích cặn kẽ, mới chỉ đưa ra một luận điểm là ngày Giỗ tổ Hùng Vương mới chỉ ra đời cách đây 100 năm. Mục đích của anh ấy là để nói rằng, đọc sách Lịch sử để biết và hiểu các cách suy luận và quan điểm khác nhau, chứ đừng nên quá tin vì Lịch sử là mảng không thể chứng minh hoàn toàn trừ khi có cỗ máy thời gian quay ngược lại để chứng kiến.

Đây cũng không phải lần đầu mình nghe nói về quan điểm này, tuy nhiên chưa nắm được các dẫn chứng cụ thể để chứng minh. Nếu như phủ nhận sự tồn tại của vua Hùng vậy có phải là phủ nhận cả triều đại Văn Lang hay không? Hóng các sử gia giải đáp giùm!

Lịch sử vua Hùng

trong tiến trình 0
Nam Châm 6 năm 2018-07-22T16:00:01+07:00 0 Câu trả lời 440 lượt xem 0

Câu trả lời ( 3 )

  1. GS Lê Văn Lan: Thời đại Vua Hùng là có thật

    Trước ý kiến của một bạn trẻ rằng các bạn còn rất mơ hồ về thời đại Hùng Vương, liệu đó có phải chỉ là thời hồng hoang, nhà sử học 88 tuổi Lê Văn Lan cho biết sự “mơ hồ” này của các bạn trẻ không phải là không có lý do.

    Những chuyện huyền hoặc?

    Theo ông Lan, chính vua Tự Đức của nhà Nguyễn vốn nổi tiếng là một nhà vua uyên bác thì trong chỉ đạo các sử thần làm bộ sách lịch sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng ghi:

    “Đây là những câu chuyện trâu, ma, rắn, thần. Vậy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân chưa rõ nguồn cội và sự tích ra sao thì chép chữ nhỏ xuống dưới phụ chú cho mục Hùng Vương viết chữ to”.

    Việc vua Tự Đức coi đây là thời “trâu, ma, rắn, thần” bởi cuốn sách sử Việt đầu tiên nhắc tới thời Hùng Vương được biết tới cho đến nay là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, do Ngô Sĩ Liên (thời nhà Lê, thế kỷ XV) làm tổng chủ biên, có phần mở đầu gọi là phần ngoại truyện có tên Kỷ Hồng Bàng, nghĩa là chuyện huyền hoặc và lơ mơ, là phụ, chép thế thôi.

    Tuy thế, Kỷ Hồng Bàng cũng được chia ba phần: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương.

    “Như vậy, thời Vua Hùng mà vua Tự Đức cho là huyền hoặc là do bắt nguồn từ việc Ngô Sĩ Liên viết Kỷ Hồng Bàng trong Đại Việt sử ký toàn thư”, ông Lan nói.

    Còn Ngô Sĩ Liên sở dĩ gọi Kỷ Hồng Bàng là bởi ông đã viết cuốn sách trong hoàn cảnh mà tinh thần của chiến thắng quá lớn năm 1427 – 1428 với quân Minh nên dễ sinh ra tâm thức tự tôn, tư tưởng vô tốn (không cần khiêm tốn với ai).

    Muốn tự hào về lịch sử 4.000 năm của nước Đại Việt, nhưng phần sử sách ghi chép về thời 2.000 năm trước Công nguyên không còn/không có nên Ngô Sĩ Liên tìm ra giải pháp là sưu tập tất cả sách vở trong thiên hạ lúc bấy giờ về thời này và chủ yếu là sách viết về những chuyện huyền hoặc, thần tiên, hoang đường như bộ Sưu thần ký ghi chép chuyện thần linh của Trung Quốc, trong đó có những chuyện về Thần Nông, Đế Nghi, Đế Minh, Kinh Dương Vương…

    “Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”

    Trong 4 năm 1969 – 1972, một nhóm các nhà sử học uy tín do GS Phạm Huy Thông đứng đầu đã có một đợt nghiên cứu chuyên về thời kỳ này từ sáng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

    Sáu nhà nghiên cứu gồm những tên tuổi như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Đổng Chi, Lê Văn Lan… tập hợp chuyên gia trên nhiều lĩnh vực: khảo cổ, ngôn ngữ học, văn hóa học, mỹ học… để nghiên cứu thời đại Hùng Vương. Ông Lan là tổ trưởng tổ nghiên cứu văn hóa.

    Kết quả nghiên cứu cho thấy trống đồng, văn hóa Đông Sơn tương ứng với thời đại Hùng Vương. Trống đồng chính là mô hình thế giới vũ trụ của người Việt dưới thời Hùng Vương gồm 3 tầng, 4 thế giới. “Thời đại Hùng Vương là có thực”, ông Lan khẳng định.

    Ông cũng dẫn chứng thêm cuốn Đại Việt sử lược được đưa về Trung Quốc từ thời nhà Minh được mở đầu bằng câu: “Vào thời Chu Trang Vương, ở bộ Gia Linh có dị nhân dùng ảo thuật át phục các bộ lạc khác lên làm vua xưng là Hùng Vương”.

    Ngoài ra, 4 câu vẫn được chép lại trong Thiên Nam ngữ lục ghi lời thề của Hai Bà Trưng ở buổi xuất quân cũng nhắc đến “họ Hùng”: Một xin rửa sạch quốc thù/Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng/Ba kẻo oan ức lòng chồng/Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.

    Đặc biệt, theo ông Lan, để chứng minh sự hiện hữu chắc chắn của thời đại Hùng Vương có thể căn cứ vào quốc hiệu đầu tiên của nước ta là Văn Lang.

    Theo ông, sự sáng tạo ra quốc hiệu ấy thuộc về thời đại Hùng Vương, không phải là thời đại “trâu, ma, rắn, thần” mà là thời đại “tư duy, suy nghĩ” để tìm ra được một quốc hiệu cho đất nước. Từ những nghiên cứu ngôn ngữ học lịch sử, ông Lan cho rằng quốc hiệu Văn Lang có nghĩa là “đất nước của người”.

    (Nguồn: tuoitre.vn/gs-le-van-lan-thoi-dai-vua-hung-la-co-that-20210420221532255.htm)

    Chọn là câu trả lời hay nhất
    1
    2021-09-14T16:59:15+07:00

    Theo trích dẫn từ Wikipedia:

    Hùng Vương (chữ Hán: 雄王, chữ Nôm:𤤰雄) là cách gọi dành cho các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt. Theo truyền thuyết, Hùng Vương thứ I là con trai của Lạc Long Quân, lên ngôi vào năm 2879 trước công nguyên, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, truyền đời đến năm 258 trước công nguyên thì bị Thục Phán (An Dương Vương) chiếm mất nước. Truyền thuyết về Hùng Vương được ghi chép lại lần đầu tiên vào cuối đời Trần tại Hồng Bàng Thị truyện trong sách Lĩnh Nam Trích quái; sau đó được sử gia Ngô Sĩ Liên đưa vào Đại Việt Sử kí Toàn thư ở cuối thế kỉ XV.

    Nguồn gốc

    Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Lộc Tục cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi (anh trai Lộc Tục) là con nối ngôi, cai quản phương Bắc là nước Xích Thần, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, các bộ tộc Bách Việt, gọi là nước Xích Quỷ.

    Kinh Dương Vương khi xuống Thủy phủ, đã lấy con gái Long Vương Động Đình Quân tên là Thần Long Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân thay cha trị nước Xích Quỷ, còn Kinh Dương Vương không biết rõ đã đi đâu sau khi truyền vị. Đế Nghi truyền ngôi cho con trai là Đế Lai cai trị phương Bắc, Đế Lai nhân thiên hạ vô sự mà đi chu du khắp nơi, đi qua nước Xích Quỷ, thấy Lạc Long Quân đã về Thủy phủ, liền lưu con gái của mình là Âu Cơ ở lại đó.

    Lạc Long Quân trở về, thấy Âu Cơ xinh đẹp, liền biến hóa thành chàng trai phong tú mỹ lệ, Âu Cơ ưng theo, Lạc Long Quân liền rước nàng về núi Long Trang. Hai người ở với nhau một năm, sinh ra bọc trăm trứng, sinh ra trăm người con trai anh dũng phi thường. Lạc Long Quân ở lâu dưới Thủy phủ, Âu Cơ vốn là người Bắc quốc, nhớ nhà liền gọi Long Quân trở về. Âu Cơ nói với Lạc Long Quân:

    “Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với Quân, sinh được một trăm con trai mà không gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng, không vợ, một mình vò võ.”

    Lạc Long Quân bảo rằng:

    Ta là loài rồng, sinh trưởng ở Thủy tộc; nàng là giống Tiên, người trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp mà lại có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi con về Thủy phủ, phân trị các xứ, năm mươi con theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe không được bỏ nhau.

    Âu Cơ cùng năm mươi người con trai ở tại Phong Châu, tự suy tôn người con trưởng lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương.

    Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên có lời bàn:

    “ Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?” — Lời bàn của Ngô Sĩ Liên.

    Nghi vấn

    Trong cuốn Việt Sử tiêu án viết năm 1775, tác giả Ngô Thì Sĩ tỏ ra băn khoăn: “Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy càng không thể hiểu được?”

    Hùng Vương thứ I sinh năm 2879 trước công nguyên, Hùng Vương thứ XVIII lại mất năm 258 trước công nguyên. Nếu tính theo độ tuổi trung bình thì mỗi vị vua sống tới 145 năm (!?), quá chênh lệch so với hiện tại.

    Theo Nguyễn Khắc Thuần trong “Thế thứ các triều vua Việt Nam”[12] thì giải thích vấn đề này thuộc một trong hai quan điểm đang được các nhà sử học tạm chấp nhận: 18 vị vua Hùng không phải là 18 cá nhân cụ thể, mà là 18 chi (nhánh/ngành), mỗi chi này lại gồm có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu. Thậm chí con số 18 có thể chỉ nên hiểu là con số tượng trưng ước lệ, vì 18 là bội số của 9 – vốn là một số thiêng đối với người Việt.

    Cũng có những giả thuyết về một quốc gia cổ là Việt Thường. Cổ sử Trung Hoa có chép: vào thời Chu Thành Vương (1042-1021 TCN) có người ở Việt Thường đến dâng chim trĩ trắng. Khi sứ giả Việt Thường về nước, vì không biết đường nên Chu Công đã cho lấy năm cỗ xe bình xa (軿車, xe có màn che thời xưa) sửa thành xe chỉ nam rồi cấp cho sứ giả để giúp sứ giả xác định phương hướng. Có thể đặt ra giả thiết: hoặc Văn Lang là nhà nước kế tục Việt Thường, khi Văn Lang thay thế Việt Thường đã đặt tên Việt Thường làm một trong 15 bộ của mình; hoặc Việt Thường là một bộ lạc trong nhà nước Văn Lang. Cả Văn Lang và Việt Thường đều có thể xếp vào thời kỳ những vua Hùng, tên nước thì có thể đặt từ khi thành lập để gọi nhưng tên thời đại Hồng Bàng thì chắc chắn sau này các sử gia tự đặt cho dễ sắp xếp và theo dõi.

    Theo Liam C. Kelley, trong các nghiên cứu văn hóa đồng bằng sông Hồng của ông, thì các vua Hùng là không có thật. Thay vào đó, truyền thuyết về các đời vua Hùng là do giới trí thức Nho học tại đồng bằng sông Hồng thời trung đại sáng tạo ra sau đó khớp nối như một bản sắc riêng vào các khái niệm thuộc di sản văn hóa của người Trung Hoa. Và rồi chính họ đã dựa vào những văn bản xưa cổ để lấy chất liệu và cảm hứng nhằm kiến tạo một lịch sử cũng như một bản sắc bản địa cho bản thân mình, do đó đã đóng góp cho việc sáng tạo ra một bản sắc địa phương. Theo ông, truyền thuyết về vua Hùng vốn được bắt đầu bởi giới tinh hoa Hán hóa ở miền Bắc Việt Nam thời trung đại được người Việt Nam ngày nay dựa vào để phát triển trong suốt nửa thế kỉ qua. Dưới sự chi phối của chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam, những truyền thống được kiến tạo của giới tinh hoa thời trung đại này giờ đây đã trở thành những chân lí không thể thay đổi dù người ta bắt đầu xét lại lịch sử.

    Chọn là câu trả lời hay nhất
  2. Lịch sử các Vua Hùng và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

    “Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

    Mỗi dân tộc hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau và mang sắc thái khác nhau nhưng dân tộc nào cũng có nhu cầu tâm linh là giải thích quá khứ hình thành, tồn tại của mình. Các dân tộc đều có ý thức lựa chọn cho mình những biểu trưng, thí dụ người Pháp chọn con gà trống, người Mỹ chọn chim ưng, người An Ba Ni, Người Nga chọn con đại bàng v.v… Dân tộc Việt Nam gắn liền với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, chúng ta thường gắn biểu trưng cho dân tộc ta là con Rồng, cháu Tiên. Thời kỳ truyền thuyết kéo dàì trong lịch sử là bộ phận của đời sống tinh thần, tâm linh tạo nên cốt lõi cho sự hình thành bản sắc dân tộc về văn hóa đồng thời cũng chứa đựng những hạt nhân của thực tiễn lịch sử.

    LTG: Trong những năm 2000, tôi được bầu vào Ban Tuyên huấn của Đảng ủy Cục Lưu trữ Nhà nước, hàng tháng đều được Trung tâm Thông tin Công tác Tư tưởng thuộc Ban Tư tưởng, Văn Hóa TW (sau này là “Ban Tuyên giáo TW”) triệu tập đến Câu lạc bộ Ba Đình ở số 01 phố Hoàng Văn Thụ hoặc số 10 phố Nguyền Cảnh Chân, Quận Ba Đình, Hà Nội để nghe các đồng chí lãnh đạo của các Bộ, ngành truyền đạt Nghị quyết của các kỳ Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoặc các vấn đề Chính trị, Văn hóa, Xã hội… mới để sau đó truyền đạt lại cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan.

    Trong Hội nghị tháng 2-2000, ông Dương Trung Quốc-Tổng Thư ký của Hội Sử học Việt Nam đã được mời đến thuyết trình về chuyên đề “Lịch sử các Vua Hùng và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương” (phần thuyết trình của ông Quốc đã được “Trung tâm Thông tin Công tác Tư tưởng” ghi lại. Tôi xin mạn phép ông Dương Trung Quốc và “Trung tâm Thông tin Công tác Tư tưởng” biên soạn lại cho gọn và gần với chủ đề hơn. Nhân dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

    Lịch sử các Vua Hùng

    Khi nói về thời đại Hùng Vương, trong tâm linh mỗi người đều rất trân trọng nhưng trong suy nghĩ của mỗi người không khỏi có dấu hỏi về tính hiện thực của nó. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, hai tiếng “Hùng Vương” đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người Việt Nam. Đối với mỗi chúng ta khi nói đến hai tiếng “Hùng Vương” là nói đến một thời kỳ xa xưa đã được khẳng định về mặt niên đại, về mặt thời gian và gắn liền với sự hình thành của một cộng đồng dân tộc trên lãnh thổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã đạt tới một trình độ tổ chức xã hội tương đối cao, là Nhà nước đầu tiên – Nhà nước Văn Lang có Kinh đô đóng ở Phong Châu, có một cộng đồng bao gồm lạc dân, lạc tướng, lạc vương. Ông cha ta đã khai thác triệt để yếu tố đó không phải chỉ trên góc độ tính thuyết phục lịch sử về việc giải thích nguồn gốc cộng đồng của mình, quan trọng hơn là để khẳng định bản sắc dân tộc trong mối quan hệ với quốc gia lân bang, đặc biệt là với phương Bắc điều như sau này Nguyễn Trãi đã viết trong áng văn bất hủ của mình nói về nước ta là một nước văn hiến, bờ cõi phân chia.

    Mặc dù sử sách có nói đến thời đại mà ngày nay chúng ta gọi là thời đại các Vua Hùng nhưng cũng có một thực tế rất buồn và rất đáng lo ngại là hiện nay những tri thức, những hiểu biết về dân tộc chúng ta ở thời kỳ đó còn rất ít so với những gì mà chúng ta hiểu biết về một nền văn minh lớn ở bên cạnh -Văn minh Trung Hoa. Nếu thời đại các Vua Hùng cách đây khoảng 4000 năm tức là kéo dài hơn 2000 năm trước Công nguyên thì tương đương với thời đại các hoàng đế Hạ, Thương, Chu của Trung Quốc.

    Trong truyền thuyết, trước thời Hùng Vương là Kinh Dương Vương cùng thời với Phục Hy, rồi Lạc Long Quân cùng thời với Thần Nông ở Trung Quốc. Chúng ta nói có nhiều Vua Hùng nhưng cũng có cả một hệ thống truyền thuyết để giải thích. Người sinh ra Vua Hùng là Lạc Long Quân, người sinh ra Lạc Long Quân là Kinh Dương Vương. Hiện nay không phải chỉ có đền thờ Vua Hùng trên đất Phú Thọ mà ở Thuận Thành (Bắc Ninh) còn có cả nơi thờ và nơi có mộ Tổ được gọi là mộ của Kinh Dương Vương.

    Những truyền thuyết về thời đại Hùng Vương như: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, bánh chưng, bánh dày, trầu cau…có phải là sự hư cấu viển vông không? Những kết qủa của khảo cổ học đã giúp chúng ta khẳng định rằng có một thời đại Hùng Vương thực sự trong lịch sử Việt Nam. Rất nhiều di chỉ nổi tiếng như những cái mốc trong sự phát triển của 2000 năm lịch sử gắn liền với thời đại Hùng Vương đã được khẳng định: tại Bảo tàng được xây dựng vào năm 1993 ngay trên đất Tổ Hùng Vương với trên 3000 hiện vật, 5 phòng trưng bày giới thiệu 700 hiện vật gốc, 176 tài liệu khoa học, 5 video có liên quan, đặc biệt có chiếc trống đồng phát hiện tại xã Hy Cương thuộc loại Hegơ I có kích thước mặt lớn nhất (93cm) trong các loại Hegơ I phát hiện ở Việt Nam và chiếc trống đồng Tân Long cũng thuộc Phú Thọ có đường kính mặt lớn nhất (103 cm) trong các loại trống đồng tìm thấy ở Việt Nam, cho phép chúng ta có thể khẳng định rằng, đó là một thời đại thực sự trong lịch sử Việt Nam.

    Sử sách nước ngoài cũng ghi chép về thời đại Hùng Vương. Thư tich cổ đời Đường ở Trung Hoa có ghi: “Đất Giao Chỉ rất phì nhiêu, nhiều dân di cư đến, họ là những người đầu tiên khai khẩn đất. Đất đen và bốc hơi mạnh. Bấy giờ những cánh đồng đó gọi là Hùng điền và dân là Hùng dân.

    Có một ông Chúa gọi là Hùng Vương và Hùng Vương có các chức việc giúp việc gọi là Hùng hầu. Lãnh thổ đất Hùng thì chia cho các Hùng Tướng”.

    Tóm lại, thời đại Hùng Vương là thời đại có trong truyền thuyết nhưng phản ánh một hiện thực lịch sử là sự hình thành cộng đồng dân tộc Việt Nam từ rất sớm.

    Có một vấn đề chúng ta phải đặt câu hỏi, thời đại các Vua Hùng kéo dài hơn 2000 năm; trong sử sách ghi chép rất cụ thể có 18 đời Vua Hùng, làm một phép tính đơn giản, người ta thấy một điều bất hợp lý là tuổi thọ của mỗi Vua Hùng trung bình trên 100 năm, vậy giải thích như thế nào? Đây cũng là đề tài giới sử học đã tranh luận khá lâu và có nhiều ý kiến khác nhau. Tất nhiên con số tuyệt đối như thế là không chính xác, không phù hợp với hiện thực nhưng giải thích thế nào về 18 đời Vua Hùng có tên hẳn hoi? Các nhà khoa học xã hội cho rằng con số 18 chỉ là con số phiếm chỉ, một con số có liên quan đến hằng số tư duy của người phương Đông, cấp số nhân của con số 3, 3-6-9-18 v.v…cũng có một điều rất tương ứng, trên mặt trống đồng, vòng ngoài cùng cũng có 18 con chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ. Có người giải thích rằng hay là 18 dòng, và trong mỗi dòng đó có thể có nhiều vị khác nhau nhưng thực ra đó chỉ là con số phiếm chỉ, con số 18 muốn nói về sự trường tồn của dân tộc. Đó là một cách giải thích của ông cha ta để vừa mang tính thuyết phục, tính hiện thực nhưng vẫn chứa đựng trong đó những yếu tố có tính ước lệ.

    Như thế, khi nói về thời kỳ Hùng Vương, chúng ta nói về một truyền thuyết, cũng như các dân tộc khác để giải thích về nguồn gốc của mình nhưng truyền thuyết đó cùng với thời gian nó có căn cứ lịch sử khẳng định sự tồn tại lâu dài và lâu bền của dân tộc Việt Nam ta, trải qua nhiều thử thách, nó giữ được tính liên tục trong bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Biểu tượng Vua Hùng ăn sâu vào tâm thức trở thành một phần trong bản lĩnh chính trị, bản sắc dân tộc của người Việt Nam ta. Chính vì thế nó ăn sâu vào trong đời sống văn hóa của người Việt Nam mà cách thể hiện có tính truyền thống đó là thông qua các lễ hội. Có thể nói dân tộc Việt Nam chúng ta cũng như nhiều dân tộc khác, đặc biệt là các dân tộc phương Đông, các dân tộc gắn liền với nền văn minh lúa nước có rất nhiều lễ hội. Những lễ hội đó là một hình thức để biểu thị bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc trong đời sống tinh thần và đời sống tâm linh của mình. Cho đến nay, theo giải thích của các đồng chí phụ trách quản lý khu di tích Đền Hùng cho rằng di tích Đền Hùng hiện nay ở đất tổ Phú Thọ cũng như những truyền thuyết liên quan đến nó chứng minh rằng mảnh đất tổ Phú Thọ đã có từ rất lâu đời, nó gắn liền với một hệ thống các lễ hội từ rất xa xưa. Hiện nay người ta đã sưu tầm được trên 200 truyền thuyết liên qua đến thời đại các Vua Hùng, truyền thuyết Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, về bọc trăm trứng; về các anh hùng ca: Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh; về những câu chuyện gọi là cổ tích nhưng nó gắn liền với thời đại Hùng Vương như bánh chưng, bánh dày v.v…Biểu tượng Vua Hùng sớm gắn sâu vào tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Trong “Đại Nam quốc sử diễn ca” khi nói đến sự nghiệp của Hai Bà Trưng, người đầu tiên phất cờ khởi nghĩa chống Bắc thuộc được thể hiện bằng hai câu thơ:

    Một xin rửa sạch nước thù,
    Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng

    Điều đó cho thấy trong tâm thức người Việt Nam, nền văn minh của thời đại Hùng Vương là một cái mốc để con người Việt Nam có thể vượt qua mọi trở ngại để vươn lên khẳng định cội nguồn của mình.

    Đền Hùng và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

    Với ý thức “uống nước nhớ nguồn” nhân dân ta từ lâu đã xây dựng đền thờ các Vua Hùng. Từ thế kỷ thứ XIII đến thế kỷ XIV các đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được xây dựng để thờ 18 đời Vua Hùng cùng các thần núi Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn…các con gái của Vua Hùng là Mỵ Nương, Tiên Dung và Ngọc Hoa thờ ở Đền Giếng. Đến thế kỷ XV đền Hùng bị giặc Minh tàn phá nhưng sau khi thắng giặc ngoại xâm nhân dân ta đã xây dựng lại để tiếp tục nối đời hương khói về Đức Quốc Tổ.

    Lễ hội Đền Hùng trước kia chỉ giới hạn là một lễ hội của địa phương:

    Sơn Tây vui nhất hội Thầy,
    Vui thì vui vậy chẳng tầy hội He

    He là tên nôm của làng Trẹo (nay là làng Triệu Phú) tức làng Cả, một làng được giao trông nom việc thờ cúng các Vua Hùng trước đây.

    Chỉ đến thời Lê, với mục tiêu chính trị rõ ràng, nhằm khẳng định bề dạy lịch sử của dân tộc mình, sự thừa kế của triều đại mình đối với các bậc tiên liệt, Lê Thánh Tông đã phong ngọc phả, giải thích cội nguồn Vua Hùng và kể từ đó lễ hội của địa phương trở thành một hình thức lễ hội mang tính chất Nhà nước.

    Như vậy, kể từ thời Hồng Đức, việc giỗ Tổ được quy định một cách chặt chẽ hơn và được giao cho địa phương phụ trách thực hiện. Cứ năm năm một lần nhà vua ban cho 3 đấu gạo để nấu bánh chưng dâng lên Tổ. Lúc đầu ngày giỗ Tổ là 12-3 âm lịch theo tập quán của địa phương nhưng từ thời Lê quy định vào ngày 10-3 âm lịch có đại diện Triều đình về cùng quan hàng tỉnh cúng lễ, dâng hương từ đó trở thành nếp.

    Đến năm 1917, lúc đó Bắc kỳ là đất bảo hộ nằm trong hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp, lần đầu tiên chính quyền bảo hộ cho phép các quan chức của địa phương chính thức tổ chức lễ hội. Năm đó một hệ thống các di tích vật thể được xây dựng và trùng tu tại khu đất Tổ hiện nay.

    Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, năm 1946 nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương, Phó Chủ tịch nước là cụ Huỳnh Thúc Kháng đã lên Đền Hùng dâng hương và dâng theo một tấm bản đồ nước Việt Nam độc lập.

    Ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Thật là kỳ diệu bởi vì lúc đó do nhiều nguyên nhân khác nhau việc nghiên cứu khoa học về thời đại Hùng Vương còn rất hạn chế nhưng Bác Hồ là người đầu tiên đã khẳng định một thời đại khai sinh của lịch sử dân tộc với công lao của các Vua Hùng, đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam đối với tổ tiên, đối với đất nước.

    Hiện nay Đảng và Nhà nước ta đưa giỗ Tổ Hùng Vương trở thành một ngày lễ lớn của dân tộc, một ngày Quốc Lễ là một dấu mốc rất quan trọng không chỉ đối với lịch sử tồn tại của một lễ hội cụ thể trong rất nhiều lễ hội của dân tộc mà còn thể hiện bước phát triển rất quan trọng về nhận thức của Đảng và Nhà nước ta, gắn liền sự nghiệp Cách mạng với truyền thống dân tộc, gắn liền sức mạnh của thời đại với cả bề dày lịch sử và bản lĩnh được tạo dựng trong quá khứ. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa đồng thời cũng rất quan trọng đòi hỏi chúng ta phải quán triệt từ các cơ quan có trách nhiệm đến nhân dân để làm tốt Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, tạo sức bật mới để thúc đẩy quá trình đổi mới và phát triển của đất nước . /.

    Đinh Hữu Phượng biên soạn

    (Nguồn: archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/lich-su-cac-vua-hung-va-le-gio-to-hung-vuong.htm)

    Chọn là câu trả lời hay nhất

Để lại câu trả lời