Đăng ký ngay

Đăng nhập

Mất mật khẩu

Quên mật khẩu? Hãy điền địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết và sẽ tạo một mật khẩu mới qua email.

Thêm câu hỏi

You must login to ask question.

Đăng nhập

Đăng ký ngay

Chào mừng bạn gia nhập trang hỏi đáp cộng đồng Hiệp Sĩ Top.

Kinh nghiệm xin Học bổng toàn phần bậc cao học

Kinh nghiệm xin Học bổng của tác giả Tùng Kelvin, người đã giành được học bổng cao học toàn phần kể về kinh nghiệm tìm kiếm học bổng du học. Trước hết xin được giới thiệu với mọi người hồ sơ học tập của Tùng thời điểm xin học bổng.

  • Trường đại học: tại Trung Quốc (không được xếp hạng)
  • Chuyên ngành: CS
  • GPA (điểm trung bình môn): 83/100
  • Chưa tốt nghiệp
  • Giải thưởng: 2 học bổng của Chính phủ, Giải nhất HSG toàn diện khối chuyên Toán-Tin ĐHKHTN Hà Nội.
  • Thư giới thiệu: 2 Phó Giáo sư Trung Quốc
  • Ngôn ngữ: Chinese, English (IELTS 7.0), basic Japanese.
  • Chưa có kinh nghiệm nghiên cứu hay làm việc
  • Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa

Các học bổng đăng ký bao gồm:

  • NordSecMob (Master’s Programme in Security and Mobile Computing) của Erasmus Mundus, được xếp vào danh sách dự bị thứ 6 (danh sách này được gọi là Reserve List – RL, khi nào có người ở Main List bị từ chối học bổng thì người trong danh sách RL mới có cơ hội)
  • EuMI (European Master in Informatics) của Eramus Mundus (RL 9)
  • ICT Trento Fellowship: bị từ chối
  • UTS Twente: bị từ chối
  • HSP Huygens Scholarship tại trường VU Ams (Hà Lan): được học bổng toàn phần bao gồm cả sinh hoạt phí, vé máy bay và phí xin visa.

PHẦN 1: CÂU CHUYỆN CỦA TÔI 

Thời còn đi học cấp 3, nhìn bạn bè xung quanh ai nấy cũng đều tiếng Anh cao siêu, rồi lần lượt đi du học, trong khi tôi thì tiếng Anh gần như kém nhất lớp, nên cảm thấy rất tự ti mỗi khi nhắc đến môn học này. Thực ra tôi tin vào khả năng của mình, chỉ là do tôi chưa có điều kiện được học tiếng Anh đến nơi đến chốn mà thôi. Cái giấc mơ được học tiếng Anh của tôi cứ bùng lên rồi bị dập tắt nhiều lần, lý do chính là vì không có điều kiện, và tôi cũng không muốn làm gánh nặng cho mẹ tôi.

Sang Trung Quốc (TQ) học, cái giấc mơ ấy lại bị gác lại vì phải tập trung học cho tốt tiếng Trung để đảm bảo việc học đại học. Gần 2 năm tôi không đụng một tý tiếng Anh nào, đã dốt lại càng dốt hơn. Thời gian đó tôi lại đang nghiền mạng do mới có điều kiện tiếp xúc, nên cũng hay bỏ học hoặc lên lớp chỉ để ngủ do thức đêm nhiều. Thời gian cứ như thế trôi đi, cho đến khi tôi biết có một chương trình học bổng của thành phố nơi tôi đang theo học. Số tiền sinh hoạt phí không thể đủ cho tôi học thêm tiếng Anh đến nơi đến chốn, nếu được học bổng này thì tôi sẽ có đủ tiền học và thi tiếng Anh. Thế là tôi nộp đơn xin học bổng này, kết quả là tôi trượt, trong khi rất nhiều bạn bè của tôi lại được… Tôi không buồn vì nguyên nhân quá đơn giản, bỏ bê học hành như tôi làm sao mà được học bổng. Thế là tôi từ bỏ Internet, quay trở lại học hành tử tế theo đúng khả năng của mình, với mục đích đạt được cái học bổng kia, để bước tiếp trên con đường thực hiện giấc mơ của mình. Chỉ trong 1 học kỳ, tôi đã bứt phá và GPA học kỳ đó đứng top 10 của khoa, để rồi niềm vui vỡ òa khi tính điểm cả năm học, tôi được học bổng của thành phố đợt tôi xin học bổng lại lần 2. Tôi bắt đầu đăng ký các lớp học tiếng Anh cơ bản ở trường, những khóa học đầu tiên điểm khá thấp, cũng chỉ khoảng 6x/100, rồi lên dần 7x rồi 8x. Sang năm 3 tôi mới nhận được số tiền học bổng trên, và tôi đã ra quyết tâm cho mình là hết năm 3 phải có được bằng IELTS để đăng ký học bổng học Cao học. Tôi ném toàn bộ số tiền vào đăng ký lớp luyện thi IELTS và đăng ký thi IELTS, cộng với mua 1 cái mp3 phục vụ cho việc học. Trong vòng 5 tháng liền, tôi hầu như không hề có một ngày nghỉ: trong tuần thì đi học từ sáng tới tối do bài vở năm 3 khá nhiều, cuối tuần thì bắt tàu điện ngầm lên trung tâm luyện thi IELTS. Tôi phải học cách sắp xếp thời gian sao cho hợp lý nhất, để vừa đáp ứng được bài vở trên lớp, vừa có thời gian ôn thi IELTS, vừa có thời gian dành cho gia đình và tình yêu xa của tôi. Tháng cuối cùng là lúc tôi bị stress nhất, vì vừa phải đi thực tập, vừa trong giai đoạn nước rút để thi IELTS. Ngay sau ngày kết thúc đợt thực tập là ngày tôi thi IELTS. Và cuộc sống đã không phụ lòng người, tôi được 7.0 IELTS trong sự ngỡ ngàng và ngạc nhiên của nhiều người.

Có tấm bằng IELTS trong tay, tôi coi như đã thực hiện được một nửa giấc mơ của mình, lúc đó tôi tràn đầy tự tin và nhiệt huyết để chuẩn bị hồ sơ  xin học bổng toàn phần bậc Cao học. Giai đoạn này tuy có lúc khó khăn và có gặp thất bại, nhưng tôi luôn lạc quan và tin rằng mình sẽ có kết quả xứng đáng với những nỗ lực và cố gắng vừa qua. Để giờ đây, tôi đã thực hiện được giấc mơ của mình, đã có được những suất học bổng danh giá và đáng tự hào.

Cảm ơn bạn bè, gia đình, người yêu đã luôn ở bên cạnh động viên tôi, giúp đỡ tôi những lúc tôi mệt mỏi nhất. Và hy vọng rằng các bạn của tôi, những người đang gặp thất bại tạm thời, sẽ tiếp tục đứng lên và đi tiếp, vì cuộc sống sẽ không phụ lòng những người cố gắng và nỗ lực hết sức mình…

PHẦN 2: ĐỊNH HƯỚNG 

Tôi cũng bắt đầu như mọi người, không biết tìm kiếm học bổng từ đâu, cái mốc cũng chỉ là google với những từ khóa chung chung kiểu như “học bổng du học”, “học bổng toàn phần”, v.v… Rồi tôi biết đến VietAbroader, SVDuhoc, tôi đã thức rất nhiều đêm để đọc hết những bài viết hay, những bài SoPs (thư xin học, tự luận cá nhân) của mọi người, để rồi tôi biết rằng có rất nhiều người họ đã nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn như thế nào để giành được học bổng. Tôi lên giây cót tinh thần cho mình, bất chấp mọi khó khăn cũng phải cố gắng để thực hiện giấc mơ bấy lâu nay.

Vào thời điểm hết năm 3 đại học, điểm của tôi trung bình được 83/100, nhưng điểm năm 1+2 không tốt lắm, chỉ có điểm năm 3 là khá hơn một chút, vì thế tôi bắt đầu tìm kiếm những học bổng mà tập trung vào điểm năm 3 và năm 4. Tôi cũng bắt đầu với Mỹ, nhưng rồi tôi thấy học bổng chủ yếu là cho bậc tiến sĩ, mà bản thân tôi chưa có ý định học lên tiến sĩ, cộng với các nguyên nhân khác như là chưa có điểm GRE… nên tôi từ bỏ ý định du học Mỹ. Sau khi tìm hiểu, tôi chuyển sang Canada, vì hầu như các trường họ chỉ xét điểm của năm 3 và 4, và điều quan trọng là có học bổng cho bậc cao học nữa. Tôi cũng tập tành email cho giáo sư này nọ, khoảng gần 100 cái cho các giáo sư ở đủ các trường, để rồi không hề nhận được câu trả lời nào khả quan… Có một bà giáo sư ở trường Manitoba thì có mail qua mail lại với tôi nhiều nhất, giữ liên lạc phải đến 2 tháng, nhưng đến thời điểm cuối cùng thì bà lại bảo rằng chỉ có thể nhận tôi làm sinh viên chứ không có hỗ trợ tài chính cho tôi, làm tôi ngẩn ngơ vì đã đổ vào đó khá nhiều thời gian công sức để đọc papers (các bài báo và nghiên cứu) của bà (để dựa vào đó mà viết mail)… Sau này tôi mới nhận ra rằng do tôi thiếu kinh nghiệm nghiên cứu, vì thế xin học bổng kiểu liên hệ với giáo sư là rất khó. Cuối cùng, tôi chuyển hướng sang Châu Âu và bắt đầu tìm hiểu các nguồn học bổng tại đây.

PHẦN 3: TÌM KIẾM HỌC BỔNG 

Các kênh tìm kiếm thông tin học bổng của tôi như sau:

  • Sử dụng các nguồn thông tin có từ TTVNOL, VietPhd, có hẳn những topics như là “Danh sách học bổng toàn phần” của chị Rome ở TTVNOL, rồi mục học bổng cơ hội các nước bên PhD, tôi ngồi đọc từng bài một rồi tổng hợp lại thông tin.
  • Google: Muốn tìm học bổng của một nước nào đó, tôi thường tìm kiếm bằng từ khóa studyin + tên nước đó, rồi từ đó link đến các thông tin học bổng.​Ví dụ: www.studyinsweden.se, studyindenmark.dk, www.studyinnorway.no, studyinaustralia.gov.au, www.nuffic.nl, v.v… Các từ khóa liên quan đến học bổng là: scholarship, funding, financial aid, financial support, grant, award… cũng được sử dụng hết
  • Sử dụng các cổng thông tin về học bổng như là www.getscholarship.net, scholarship-positions.com, eastchance.com
  • Sử dụng các công cụ tìm kiếm chuyên dụng, ví dụ như các bạn tìm kiếm học bổng Hà Lan không thể không biết đến www.grantfinder.nl
  • Tìm kiếm thông tin có sẵn ở các diễn đàn nước ngoài. Như chúng ta đều thấy là các chương trình học bổng dân TQ, Ấn Độ và Pakistan được rất nhiều, vì thế tôi tập trung tìm kiếm thông tin học bổng của diễn đàn các nước này. Các trang tôi tìm được là pakistanscholarships.com (site của Pakistan, nhưng nhiều thông tin học bổng dành cho quốc tế); bbs.taisha.org, bbs.gter.net (2 forum này của TQ, không biết tiếng Trung bạn vẫn có thể dùng công cụ Google Translate để đọc hiểu).
  • Sử dụng kiến thức về tìm kiếm trên google. Bạn cần biết đuôi viết tắt của các nước, ví dụ Đan Mạch là .dk, Thụy điển là .se, Đức là .de, Hà Lan là .nl, Bỉ là .be, v.v… Sau đó tìm kiếm kiểu như sau: “site:.de master scholarship”, rồi biến hóa từ khóa, thêm các từ chuyên ngành của bạn vào, sẽ ra thông tin học bổng ở các nước tương ứng.
  • Theo dõi thông tin về học bổng trên website của Bộ GD&ĐT www.moet.gov.vn, Cục Đào tạo với nước ngoài và một số trường đại học tại Việt Nam như Bách khoa HN…
  • Sử dụng sự quan sát và phân tích thông tin. Khi tôi ngồi đọc bài trên các forum hay website, thấy bạn nào học trường nào mà có học bổng, tôi liền google ngay về trường đó, rồi tìm đến mục học bổng của trường để tìm.

PHẦN 4: PHÂN TÍCH BẢN THÂN và LỰA CHỌN HỌC BỔNG ĐỂ ĐĂNG KÝ

Việc lựa chọn học bổng nào để đăng ký cũng rất quan trọng, vì rải thảm nhiều thì tốn tiền  và tốn thời gian, thế nên phải “rải có chọn lọc”, làm sao cho khả năng của mình đạt học bổng là cao nhất. Muốn thế thì phải biết trong tay mình có cái gì, không có cái gì, các cụ ngày xưa đã nói “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng” là như thế.

Như đã nói ở trên, khuyết điểm lớn nhất của tôi là không có kinh nghiệm nghiên cứu, kinh nghiệm làm việc và bảng điểm còn khuyết năm cuối (vì tôi đăng ký khi mới hết năm 3). GPA tuy rằng không cao nhưng cũng có thể coi là đậu, coi như thỏa mãn điều kiện cần. Điểm mạnh của tôi, tôi nghĩ là SỰ LIỀN MẠCH của các giải thưởng mà tôi đạt được, khả năng ngoại ngữ và hoạt động ngoại khóa, cộng với ý chí quyết tâm cao mà tôi sẽ thể hiện trong thư xin học của mình. Nói qua một chút về SỰ LIỀN MẠCH của các giải thưởng, trong trường hợp của tôi tức là: kết quả học tập cấp 3 tốt, hết cấp 3 thì có học bổng đi học ở TQ, trong thời gian học ở TQ thì lại được học bổng của nơi theo học. Bản thân tôi thấy rằng đặc điểm này rất quan trọng trong bộ hồ sơ xin học bổng, nó cho hội đồng tuyển sinh thấy được sự XUẤT SẮC LIÊN TỤC của mình, và trong thư của trường VU Amsterdam giới thiệu tôi lên hội đồng xét tuyển HSP, thầy phụ trách ở khoa đã nhấn mạnh đặc điểm này của tôi (điều mà tôi đã dự tính và thể hiện trong thư xin học khi đăng ký vào trường). Vì thế tôi khuyên các bạn nên cố gắng thể hiện được đặc điểm này trong bộ hồ sơ xin học bổng của mình.

Sau khi cân nhắc kỹ càng, tôi quyết định đăng ký các học bổng sau:

  • Erasmus Mundus, NordSecMob: tôi thích làm về Information Security nên lúc đầu tôi chỉ đăng ký mỗi chương trình EM này. Vẫn biết rằng EM rất coi trọng độ phù hợp của hồ sơ học tập ứng viên với các đặc điểm của chương trình đưang ký học, thể hiện qua kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu, tôi lại thiếu 2 thứ này, nhưng tôi vẫn muốn thử sức với nó vì tôi có đam mê và có tự làm qua một vài thứ liên quan. Tuy nhiên, cũng chính vì thiếu hụt kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu phù hợp nên phần lớn bài tự luận của tôi nói về những việc mà tôi đã tự làm, tự nghiên cứu, vì thế nên tôi không còn nhiều khoảng trống để nói về các điểm khác, đó có lẽ là lý do khiến tôi chỉ được vào danh sách dự bị thứ 6. Khi biết kết quả thì tôi cũng hơi buồn vì kết quả thấp như vậy, nhưng nghiên cứu lại thì đó cũng là kết quả hợp lý, thứ nhất đây là đơn xin học bổng đầu tiên của tôi nên chưa có nhiều kinh nghiệm, thứ hai lý do chính là tôi không thể hiện được mình PHÙ HỢP với chương trình này về mặt học thuật.
  • Học bổng của University of Twente, Hà Lan. Qua trang web www.grantfinder.nl tôi tìm thấy thông tin học bổng trường Twente, đọc qua tiêu chí của họ tôi tự thấy mình cũng khá phù hợp, vì học bổng vừa yêu cầu học thuật tốt mà hoạt động ngoại khóa đóng góp cho xã hội cũng tốt, rồi khả năng lãnh đạo, tôi thấy mình đều đáp ứng được. Vì thế tôi đã nộp đơn Twente, với mục đích đăng ký cả học bổng của UTS và xin đề cử của trường Twente đăng ký HSP. Cuối cùng họ không cho tôi đề cử HSP, và ban đầu chưa cho tôi đề cử UTS, mà bắt tôi chờ đợi tới tháng 4 rồi họ sẽ trả lời. (Lưu ý là học bổng UTS cũng cần đề cử của khoa, rồi hội đồng học bổng của trường sẽ xét lại một lần nữa trước khi đưa ra kết quả cuối cùng). Thầy phụ trách của khoa gửi cho tôi lý do Twente từ chối không đề cử tôi là vì những người được đề cử có GPA cao hơn tôi. Biết được thông tin này, tôi có cảm nhận là Twente họ khá chú trọng đển GPA, có vẻ đây là tiêu chí họ xét đầu tiên. Thế là tôi đành từ bỏ HSP cho Twente, chỉ còn trông chờ vào cơ hội với UTS. Đúng tháng 4, tôi mail lại cho thầy hỏi về UTS, và một điều quan trọng nữa là tôi gửi thêm cho thầy GPA 2 học kỳ mới nhất của tôi (khá cao 3.9x và 3.6x), vì tôi nghĩ họ “thích GPA cao”, cứ gửi thêm biết đâu để lại được ấn tượng và được đề cử lên. Quả đúng như vậy, thầy đã đề cử tôi lên hội đồng học bổng của trường, và yêu cầu tôi gửi bảng điểm cụ thể của 2 học kỳ này và chủ đề luận văn mà tôi đang làm. Cuối cùng tôi được hoc bổng UTS. Như vậy sự phán đoán và tự tin dám làm theo phán đoán của mình cũng rất quan trọng các bạn ạ, vì thế gặp tình huống hãy chịu khó suy nghĩ và đưa ra phản ứng thật chuẩn.
  • Học bổng của VU Ams, với mục đích đăng ký thêm để tăng cơ hội được đề cử học bổng HSP. Thật là may, vì VU Ams đăng ký sau Twente khá lâu, cuối cùng lại được đề cử trước, và giúp tôi thành công với HSP. Kinh nghiệm của tôi ở đây là nên có sự chuẩn bị cho các kế hoạch của mình, đề phòng trường hợp ko như mong muốn xảy ra.
  • EuMI, mặc dù năm nay chương trình này ko chính thức như các năm trước, học bổng ko phải là 48.000 mà chỉ là 15.000/năm do các trường tự trích ra, nhưng tôi cứ đưang ký phòng trường hợp “bất trắc”, hơn nữa chỉ là đăng ký online tốn có 16.000 VND tiền fax. Thực ra ban đầu tôi không biết thông tin này, nhưng hay theo dõi website của ICT Trento nên tôi biết năm nay họ cho học bổng của consortium (đặc thù của học bổng Erasmus Mundus là bao gồm nhiều khóa học ở các ngành khác nhau, mỗi khóa học lại do nhiều trường cùng tổ chức, hội đồng các trường này gọi là consortium của khóa học đó), nên tôi đăng ký, và nghĩ rằng ít người biết thông tin này nên mình có khả năng. Cuối cùng tôi vẫn vào danh sách dự bị thứ 9 sau đó thì được ICT Trento cho học bổng trường.

Các trường còn lại tôi xin học bổng là Westminster (UK), PoliTorino (Italy), UNSW (Australia)

Nói thêm một chút về lý do tôi chọn đăng ký Hà lan và học bổng HSP: các bạn có thể thấy là hầu như ai đăng ký EM cũng cố gắng đăng ký HSP nếu được. Những người đăng ký EM thì không có giới hạn 2 năm tốt nghiệp, còn HSP thì có giới hạn này, thế nên HSP vô hình chung đã thu nhỏ số lượng ứng viên lại, đã giúp chúng tôi loại bỏ bớt những anh chị có thâm niên công tác và kinh nghiệm nghiên cứu khỏi cuộc chơi. Hơn nữa, để có được đề cử từ các trường cũng coi như là vượt qua 1 vòng. Và quan trọng hơn là trong các tiêu chí của HSP, tôi chỉ thấy có yêu cầu về mặt học thuật xuất sắc, chứ ko thấy nói gì về mặt nghiên cứu hay đi làm, đúng là cái mà tôi đang thiếu.

Một điểm nữa mà có lẽ các bạn ít để ý, đó là các trường Hà Lan thường yêu cầu cả bảng điếm cấp 3 khi đăng ký Cao học (HSP thì họ nói chung chung là gửi bảng điểm và bằng, tôi gửi tất cả bảng điểm đại học và cả cấp 3). Hồ sơ cấp 3 của tôi khá tốt, càng làm tôi tự tin thêm khi lựa chọn Hà Lan và HSP. Và cuối cùng tôi đã thành công với sự quyết định sáng suốt của mình. Vì thế các bạn nào có hồ sơ cấp 3 tốt thì nên nộp cùng khi đăng ký Hà Lan và HSP, có thể sẽ là điểm cộng.

Qua kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ việc phân tích ưu khuyết điểm của bản thân và lựa chọn học bổng phù hợp để đăng ký đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được thành công cuối cùng. Vì thế các bạn hãy chịu khó bỏ thời gian ngồi xem lại chính mình, nhờ mọi người nhận xét, để đưa ra nước cờ tiếp theo chính xác nhất.

PHẦN 5: CHUẨN BỊ HỒ SƠ VÀ ĐĂNG KÝ

Sau khi đã lựa chọn cho mình các học bổng để đăng ký, thì giai đoạn chuẩn bị hồ sơ và đăng ký này chính là giai đoạn mệt mỏi nhất, nhọc nhằn nhất, quyết định trực tiếp tới việc bạn có được học bổng hay không. Vì thế các bạn phải tập trung cao nhất có thể cho giai đoạn này.

Có thể thấy rằng, những bạn có hồ sơ long lanh (GPA cao, trường top, rank cao, thành tích đầy mình, bài tự luận xịn, bài nghiên cứu được xuất bản (international pulications) dắt lưng vài cái, kinh nghiệm làm việc tầm quốc gia quốc tế thì việc họ đăng ký và được học bổng có lẽ chỉ còn là vấn đề thủ tục, hồ sơ của họ có thể mắc một vài thiếu sót nhỏ, SoP của họ có thể viết không thật hay, nhưng xét cho cùng thì họ vẫn được học bổng vì hồ sơ quá mạnh. Vậy thì chúng ta, những con người hồ sơ chỉ đủ dùng và sàng sàng nhau, có một vài mặt không thể cạnh tranh nổi với họ, làm thế nào để vẫn được học bổng. Chỉ còn một cách là đề ra chiến thuật đăng ký hợp lý, chuẩn bị hồ sơ thật cẩn thận, viết SoP thật hay, mục đích cuối cùng là tối đa hóa cơ hội được học bổng của mình, để nổi bật giữa hàng nghìn hồ sơ khác.

Nói qua một chút về giai đoạn chuẩn bị, tôi thấy rất nhiều bạn thi IELTS/TOEFL đúng vào lúc đăng ký, tức là tầm khoảng tháng 9,10,11, sau đó lấy điểm có được cho vào cùng hồ sơ để nộp. Làm như vậy bạn sẽ không có nhiều thời gian để chuẩn bị tốt cho bộ hồ sơ của mình, vì vừa phải tập trung ôn thi, vừa phải lo các thủ tục giấy tờ, rồi tìm hiểu thông tin về trường. Vậy thì tại sao không tách các việc đó ra, theo từng khoảng thời gian, để ta có được sự chuẩn bị tốt nhất cho từng giai đoạn? Thời gian biểu của tôi như thế này:

  • Tháng 7 thi xong và có điểm IELTS
  • Tháng 8 tìm trường, học bổng vàcông chứng giấy tờ
  • Tháng 9 viết SoP và LoRs
  • Tháng 10 gửi hồ sơ

Chính vì có một kế hoạch chi tiết như vậy, nên tôi có thể tập trung đầu óc cho mỗi công đoạn để chuẩn bị tốt nhất cho bộ hồ sơ của mình. Và cũng chính vì thế mà các bước tôi làm rất thuận lợi và nhanh chóng, không gặp nhiều vướng mắc.

PHẦN 6. NHẬN KẾT QUẢ VÀ QUYẾT ĐỊNH 

Trong toàn bộ quá trình đăng ký học bổng, yếu tố may mắn cũng luôn được mọi người nhắc đến. Bản thân tôi thì quan niệm rằng, yếu tố may mắn cũng có thể do bản thân chúng ta tạo nên. Bằng cách nào ư? Đó là cố gắng giúp đỡ mọi người xung quanh, thì cuộc sống sẽ mang lại may mắn cho mình.

Nếu bạn nhận được nhiều học bổng, thì từ chối các học bổng mà bạn không định đi một cách nhanh chóng cũng là một cách để giúp đỡ và tạo cơ hội cho người khác. Vì thế xin hãy quyết định nhanh chóng và hành động ngay!

PHẦN 7. LỜI KẾT 

Mong rằng những kinh nghiệm trên đây của tôi có thể giúp ích cho các bạn trong quá trình chinh phục học bổng toàn phần, thực hiện giấc mơ du học của bản thân. Và khi đã thành công rồi, xin hãy bỏ chút thời gian quý báu của các bạn chia sẻ kinh nghiệm với các bạn đến sau.

Nếu có góp ý, các bạn có thể gửi mail cho tác giả tại địa chỉ tungkelvin.vn@gmail.com

 

Về Hiệp Sĩ TopĐã xác minh

Cuộc sống tươi đẹp!

Theo tôi

Để lại câu trả lời