Đăng ký ngay

Đăng nhập

Mất mật khẩu

Quên mật khẩu? Hãy điền địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết và sẽ tạo một mật khẩu mới qua email.

Thêm câu hỏi

You must login to ask question.

Đăng nhập

Đăng ký ngay

Chào mừng bạn gia nhập trang hỏi đáp cộng đồng Hiệp Sĩ Top.

Nữ tài xế Grab thích làm chuyện ‘bao đồng’

Đó là cách mọi người “mắng yêu” chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (33 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), hiện đang là tài xế Grab.

Nguyễn Thị Ngọc Dung tài xế Grab

Thân làm phụ nữ nhưng ngày ngày chị bon bon với những cuốc xe để kiếm tiền lo cho hai con nhỏ. Mưu sinh vất vả nhưng bà mẹ đơn thân này lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ các tài xế gặp nạn trên đường, kịp thời đưa vào bệnh viện cấp cứu.

“Mẹ đi giúp các chú đi!”

Ngày cuối tuần, chúng tôi hẹn gặp chị Dung ở một quán cà phê. Đang ngồi thì có người gọi video cho chị. Một tài xế trẻ cho biết “không có khách nên gọi ‘buôn’ với chị nè”. Chị Dung hỏi cậu bạn đang ở đâu và tư vấn ra khu vực nào thì dễ có cuốc.

Chị cười hiền: “Nói chuyện vui vẻ thân thiết vậy chứ mình cũng chưa gặp em ấy bao giờ. Nhiều anh em hay gọi nói chuyện nhưng cũng chưa từng gặp nhau”.

Chị Dung được mọi người yêu quý không chỉ vì vui vẻ, hòa đồng, biết lắng nghe mà còn vì chị sẵn sàng hỗ trợ rất nhiều đồng nghiệp mỗi khi gặp sự cố, nhất là khi bị tai nạn giao thông.

Các tài xế Grab chia thành các đội để hỗ trợ nhau. Trong mỗi đội có 3 nhóm trưởng, và chị Dung là một trong các nhóm trưởng đó. Mỗi khi nhận tin thành viên gặp khó khăn, bị tai nạn thì chị Dung điều phối anh em cũng như trực tiếp qua giúp đỡ. Là nữ, thay vì trong điện thoại là ảnh “seo-phi” (selfie) xinh đẹp thì điện thoại của chị toàn ảnh chụp hiện trường tai nạn giao thông.

“Mỗi khi nhận tin báo tài xế gặp tai nạn, mình sẽ trực tiếp đến và nếu ở xa thì điều phối anh em tài xế đang ở gần nhất đến để hỗ trợ tài xế. Nếu sức khỏe tài xế có vấn đề thì hỗ trợ đưa đi bệnh viện, cùng lúc đó chụp lại hiện trường để sau này Grab làm thủ tục gửi bên bảo hiểm. Nhiều trường hợp tài xế bất tỉnh thì giữ gìn tài sản và gọi điện thoại cho người nhà” – chị Dung cho biết.

Nhiều đêm 2h sáng nhưng điện thoại reng, chị trở dậy khoác áo để đi. Hai đứa con nhỏ tỉnh giấc vì tiếng cựa quậy, hỏi mẹ đi đâu, chị khẽ hôn con: “Hai đứa ngủ đi nhé, mẹ dậy chạy qua bệnh viện giúp chú tài xế mới bị tai nạn, chút xong mẹ về”. “Mẹ đi giúp mấy chú đi mẹ” – hai đứa trẻ ngoan ngoãn trả lời.

Chị kể hai con của chị một bé lớp 6, một bé lớp 5 nhưng lúc nào cũng ủng hộ và thông cảm với cho sự bận rộn của mẹ. Có lần hứa cho con đi coi phim từ rất lâu, hôm đó chị mới dẫn đi được. Sau khi 3 mẹ con “xúng xính lên đồ” ra đường, đi ngang qua tai nạn giao thông, biết người gặp nạn là tài xế Grab, hỏi thăm thì biết đã được mang vào bệnh viện gần đấy.

Lúc này, điện thoại tài xế vẫn còn gắn trên xe, chị mở ra coi có thông tin tài xế và gọi về công ty. Cùng đó gọi cho người nhà của tài xế. Sau đó, chị dắt xe của mình vào một tiệm sửa xe gửi nhờ và… gửi con luôn, kêu 2 đứa ngồi đây đợi mẹ. Chị chạy xe máy của tài xế vào bệnh viện gửi giùm, đợi người nhà đến để đưa điện thoại và thẻ xe của tài xế.

“Mình lo xong hết mọi chuyện, quay lại thấy hai đứa con đang ngồi đợi mà thương quá chừng. Lúc đó cũng không đi xem phim được nữa nên mẹ con dẫn nhau đi ăn”, chị Dung kể. Nhiều lần “thất hẹn” với con như vậy, chị hỏi các con có buồn không thì câu trả lời là: “Có gì đâu mà buồn, mai mốt mẹ đi giúp các chú thì cho con đi theo với”.

Vui trên những cung đường

Chạy xe trên đường mưa nắng, gió bụi với cánh đàn ông đã mệt nhoài. Với chị em phụ nữ càng vất vả hơn, thế nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Dung luôn mạnh mẽ: “Tôi nghĩ rằng việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được. Đôi lúc mình cũng không hiểu vì sao mình lại… khỏe đến thế” –  nữ tài xế có nước da trắng, dáng vẻ nhanh nhẹn, cười vui.

Cách đây 3 năm, chị Dung làm trong một công ty thực phẩm nhưng mức lương chỉ gần 4 triệu đồng/tháng. Sau khi ly hôn, một mình chị nuôi hai con nhỏ nên chị phải nỗ lực gấp nhiều lần. Sáng sớm, chị thức dậy chở con đi học rồi đến công ty. Chiều tối, xong việc công ty lại tất tả đón con về nhà, cho con ăn uống xong chị bắt đầu bật app để chạy xe, có hôm chạy đến 1h sáng.

“Hồi đó, mình quyết tâm mỗi tối chạy xe kiếm ít nhất 100.000 đồng để sáng mai con có tiền đi học, ăn sáng. Còn lương công ty thì để dành đóng học cho con” – tự dặn mình như vậy nên ngày ngủ vài tiếng là chuyện bình thường với chị.

Tuy nhiên, trong một lần chạy xe khuya, chị đã bị dàn cảnh để cướp. Nhờ nhanh trí nhắn tin trên nhóm để được các tài xế khác hỗ trợ nên chị may mắn thoát nạn. Sau đó, chị quyết định không chạy đêm nữa, cùng với sức khỏe không tốt nhưng phải làm việc trong kho quá lạnh, chị quyết định nghỉ công ty để chuyển sang chạy xe toàn thời gian ban ngày.

“Chạy xe cực hơn nhưng nếu mình siêng năng thì kiếm được tiền nhiều hơn so với làm công ty, đủ để lo cho các con”, chị Dung cho biết.

Nguyễn Thị Ngọc Dung tài xế Grab

Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung – Ảnh: MINH PHƯỢNG

Hiện chị bị u nang nên những cơn đau liên tục hành. Nhiều khi đang chạy xe trên đường đau quá không kịp uống thuốc, chị bị ngất xỉu và may mắn được những người xung quanh đưa vào bệnh viện. Chính vì thế, chạy xe nhưng lúc nào trong túi chị cũng mang theo thuốc để uống.

Tuy vất vả nhưng chị lại thấy vui, thoải mái với những cuốc xe, niềm vui có khi đơn giản chỉ là được khách hỏi thăm, cho thêm tiền “boa” 5.000 -10.000 đồng. Mỗi ngày tiếp xúc với nhiều người, chị học hỏi được nhiều thứ.

“Một lần nhận cuốc của chị kia nhưng chị ấy nói vô trong sân công ty đón chứ chị không ra cổng được. Mình cũng chiều khách, xin bảo vệ cho qua cổng. Vào đến nơi mới biết chị ấy bị tật ở chân. Lúc chở, chị có kể nhiều lần đặt xe nhưng các anh nam nghe nói phải vào trong đón nên hủy cuốc. Chở chị ấy, nói chuyện biết chị ấy rất giỏi, mình cũng ngưỡng mộ và tự rút ra nhiều điều hay cho bản thân. Đúng là cuộc đời đừng nhìn người khác qua vẻ bề ngoài.”, chị Dung nói.

Làm việc tốt như cách san sẻ yêu thương nên dù không dư giả tiền bạc, có những hoàn cảnh cần giúp chị đều cố gắng giúp. Có lần một khách nhờ chở nhưng sau đó xin lỗi vì không đủ tiền trả cuốc xe. Khách lên Sài Gòn đi làm thuê nhưng chủ giam lương nên ra bến xe về lại quê.

“Hỏi thăm em ấy mới có 16,17 tuổi. Trong túi chẳng có tiền, em nói có gì ra bến xe xin quá giang nhà xe. Mình không lấy tiền cuốc xe và đưa thêm cho em 200.000 để mua vé chứ bây giờ dễ gì ai cho quá giang” – chị Dung kể.

Bên cạnh những vị khách dễ chịu, không ít lần chị gặp những trường hợp như khách càm ràm vì không biết đường, khách đặt đồ ăn nhưng “bom” hàng… Thế nhưng chị quan niệm cứ sống thật tốt, thật vui để mang đến những năng lượng tích cực cho chính mình và mọi người.

Minh Phượng – Thu Dung
Theo Tuổi trẻ Online

Về Đạt VĐã xác minh


Theo tôi

Để lại câu trả lời