Đăng ký ngay

Đăng nhập

Mất mật khẩu

Quên mật khẩu? Hãy điền địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết và sẽ tạo một mật khẩu mới qua email.

Thêm câu hỏi

You must login to ask question.

Đăng nhập

Đăng ký ngay

Chào mừng bạn gia nhập trang hỏi đáp cộng đồng Hiệp Sĩ Top.

Review sách “100 quy luật bất biến để thành công trong kinh doanh” tác giả Brian Tracy

Bất kỳ quy luật nào trong cuốn sách này cũng có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian đáng kể cũng như giúp bạn nhận ra toàn bộ khả năng tiềm ẩn của mình. Những quy luật này cũng giống như những quy luật của vật lý, toán học, cơ khí hay điện tử. Chúng đã được thử nghiệm qua thời gian, được chứng minh và áp dụng vào thực tế. Mục đích cuốn sách không bàn đến sức khoẻ, gia đình, tình yêu, sự thăng trầm của số mệnh hay bất kỳ yếu tố nào tạo nên hạnh phúc và sự thoả mãn cá nhân mà hoàn toàn chỉ đề cập đến những quy luật còn mãi với thời gian để thành công trong kinh doanh.

Cuốn sách này là kết quả của hơn 30 nghiên cứu, tìm tòi và trải nghiệm của tác giả Brian Tracy. Cuốn sách đã tập hợp những kiến thức, thông tin quý giá kết hợp với những giải thích chi tiết giúp bạn nắm vững những quy luật thành công trong kinh doanh. Khi kết hợp những quy luật này với cách tư duy và ra quyết định, hiệu quả làm việc của bạn sẽ trở nên tối ưu. Đặc biệt, cuốn sách sẽ rất hữu ích trong việc:

– Thu hút và duy trì người tài
– Sản xuất và kinh doanh được nhiều sản phẩm, dịch vụ.
– Kiểm soát chi phí hiệu quả
– Mở rộng kinh doanh theo quy mô và xu thế phù hợp
– Lợi nhuận tăng trưởng bền vững…

TRÍCH ĐOẠN SÁCH HAY

QUY LUẬT MỤC ĐÍCH

Mục đích của mọi tổ chức kinh doanh là thu hút và duy trì khách hàng.

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng mục đích chính của các tổ chức kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Nếu xét về mục đích cá nhân của người đã khởi sự hoặc đầu tư vào doanh nghiệp thì suy nghĩ này là đúng. Nhưng nếu xét tổng thể một doanh nghiệp với tất cả những yếu tố liên quan như vị thế trên thương trường, uy tín đối với khách hàng, cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động, chất lượng sản phẩm hay dịch vụ, con người,… thì lợi nhuận chỉ là một trong những mục tiêu quan trọng mà doanh nghiệp cần hướng đến.

Hệ quả thứ nhất: Lợi nhuận là thước đo mức độ hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu của công ty.

Phần lớn thời gian và nỗ lực của công ty đều tập trung vào việc thu hút và giữ chân khách hàng. Càng giữ chân được nhiều khách hàng, lợi nhuận thu được càng cao. Bạn có thể khẳng định rằng khách hàng là trung tâm cho mọi hoạt động của công ty. Và lợi nhuận chính là thước đo mức độ, khả năng đóng góp của mỗi cá nhân và tập thể vào việc đạt được mục tiêu đó.

Hệ quả thứ hai: Lợi nhuận hiện tại chính là chi phí cho tương lai.

Rất nhiều người có suy nghĩ khá tiêu cực về vai trò của lợi nhuận cũng như việc theo đuổi lợi nhuận. Họ cho rằng điều này khá “thực dụng”. Tuy nhiên, bạn cần nhìn nhận lợi nhuận ở nhiều khía cạnh tích cực. Chính lợi nhuận giúp công ty trang trải các khoản lương bổng, thuế, đầu tư cho sản phẩm và quy trình mới, nghiên cứu và phát triển, cũng như cải thiện dịch vụ khách hàng. Nếu công ty kinh doanh phát đạt, nhân viên sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ công việc với mức lương hậu hĩnh đến cơ hội thăng tiến cho những người có năng lực thực sự.

Ngược lại, một doanh nghiệp sẽ thua lỗ khi lợi nhuận thu được không đủ bù đắp cho chi phí hiện tại cũng như để đầu tư tương lai. Sự thua lỗ là biểu hiện của sự giảm sút các hoạt động kinh tế, dễ dẫn đến tình trạng phải đóng cửa. Thua lỗ còn là dấu hiệu của một tương lai chưa được định hướng cho những nhân viên làm việc. Và điều này tất yếu sẽ dẫn đến những khủng hoảng về mặt nhân sự khi không ai có thể chấp nhận đặt cuộc sống của mình vào một nơi không có tương lai rõ ràng.

QUY LUẬT TỔ CHỨC

Một tổ chức kinh doanh là một nhóm người cùng nhau làm việc vì một mục đích chung là thu hút và giữ chân khách hàng.

Một tổ chức kinh doanh thường được hình thành khi nhiều cá nhân muốn kết hợp cùng nhau để tạo thành một khối liên kết mạnh mẽ có thể thực hiện hiệu quả việc thu hút và giữ chân khách hàng. Họ muốn mở rộng phạm vi công việc và cùng chia sẻ trách nhiệm để mỗi người chỉ tập trung vào những phần việc có thể phát huy tối đa điểm mạnh của mình. Điều này sẽ tạo ra những vị trí, hoạt động mới giúp công ty phát triển khả năng phục vụ khách hàng. Quá trình phát triển sẽ tiếp diễn liên tục khi đội ngũ nhân viên gia tăng để làm hài lòng nhiều khách hàng hơn nữa.

QUY LUẬT THỎA MÃN KHÁCH HÀNG

“Khách hàng luôn luôn đúng!”

Đây được xem là “quy tắc vàng” trong kinh doanh. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế thị trường mà khách hàng là trung tâm và là lực đẩy cho mọi hoạt động. Chưa bao giờ khách hàng có nhiều thông tin và quyền lực đến như vậy. Mọi công ty, tổ chức dù ở bất kỳ quy mô nào cũng phải luôn tìm cách để làm hài lòng khách hàng nhiều hơn, nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Những công ty thành công và uy tín nhất là những công ty xem khách hàng là thượng đế và xây dựng cơ cấu kinh doanh dựa trên quy luật này.

Hệ quả thứ nhất: Mọi sự thỏa mãn khách hàng đều đến từ việc giao tiếp giữa người này với người khác.

Bạn khó có thể làm khách hàng thỏa mãn chỉ đơn thuần bằng việc cung cấp sản phẩm hay dịch vụ. Ngoài chất lượng sản phẩm, khách hàng còn mong muốn nhận được thái độ phục vụ ân cần, niềm nở, tác phong chuyên nghiệp, dịch vụ bảo hành uy tín,… Cụ thể hơn, giao tiếp chính là yếu tố quan trọng quyết định sự thỏa mãn của khách hàng. Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, 68% số khách hàng đã thay đổi nhà cung ứng của mình vì sự thờ ơ lãnh đạm của một hay nhiều cá nhân trong công ty. Đó là lý do tại sao những công ty thành công nhất đều có chính sách quy định rõ ràng những nguyên tắc nghiệp vụ mà nhân viên phải thực hiện khi tiếp xúc khách hàng. Mọi nhân viên kể cả cấp lãnh đạo cao nhất phải cam kết tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc phục vụ khách hàng này.

Hằng năm, vào mùa hè, Tập đoàn Walt Disney đều thuê hàng ngàn sinh viên làm việc ở các công viên giải trí Disney. Những sinh viên này được chọn lựa từ trung tuần tháng Năm và được đào tạo nghiệp vụ trong khoảng bốn đến sáu tuần. Sau đó họ sẽ chính thức làm việc trong khoảng tám tuần cao điểm của mùa hè – thời điểm mà trẻ em được nghỉ hè và các công viên giải trí đông khách nhất. Khi được hỏi tại sao Walt Disney phải tổ chức các khóa huấn luyện nghiêm ngặt và mất thời gian dài – 4 đến 6 tuần – cho sinh viên như vậy để sau đó họ chỉ làm việc trong tám tuần trước khi trở lại trường học, các nhà điều hành của Disney giải thích rằng bất kể ai làm việc ở Walt Disney, dù là nhân viên chính thức hay sinh viên bán thời gian cũng cần được huấn luyện nghiêm túc về công việc để có thể thực hiện công việc ở mức độ chuyên nghiệp cao và với tác phong tự nhiên. Các sinh viên khi được huấn luyện đã ý thức hơn về trách nhiệm và tính chất công việc của mình. Họ bắt đầu chú ý hơn đến những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại quyết định thiện cảm của khách hàng như ánh mắt tươi vui, nét mặt rạng rỡ, cách trả lời khéo léo, sự nhiệt tình hướng dẫn tham quan, cách xử lý tình huống tinh tế, cách trò chuyện thân mật với trẻ em,… Câu trả lời của những nhà điều hành này đã mở ra cho chúng ta rất nhiều điều về triết lý chăm sóc khách hàng của Walt Disney – tập đoàn giải trí lớn nhất thế giới.

Hệ quả thứ hai: Những công ty tốt nhất luôn có đội ngũ nhân viên giỏi nhất.

Khả năng thu hút và giữ chân nhân tài đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công của một công ty. Nếu bạn đang nắm giữ cương vị điều hành hay quản lý của một công ty, dù ở quy mô nhỏ hay lớn, bạn cũng cần dành nhiều thời gian và công sức cho việc tuyển dụng. Hãy cẩn trọng ở cả khâu phỏng vấn lẫn kiểm tra người giới thiệu. Một vị trí tuyển sai có thể đem lại nhiều hậu quả không lường trước được. May mắn thay, kỹ năng phỏng vấn và tuyển dụng không phải là quá khó để bạn học hỏi và áp dụng thực tế.

Hệ quả thứ ba: Vai trò quan trọng của nhà quản lý là tận dụng tối đa nguồn nhân lực để thỏa mãn khách hàng.

Với bất kỳ công việc nào, bạn cũng có hai sự lựa chọn: hoặc tự mình làm lấy hoặc nhờ người khác làm. Tương tự với vị trí quản lý, bạn có thể phân chia công việc cho nhiều người hoặc tự mình thực hiện những công việc đó.

Điều quan trọng cuối cùng về quy luật Thỏa mãn khách hàng là nhân viên sẽ đối xử với khách hàng theo cách mà cấp trên đối xử với nhân viên. Nếu bạn thấy mình được phục vụ tận tình hay tiếp đón lịch thiệp, bạn biết rằng ở nơi đó người quản lý cũng đối xử tốt với nhân viên và ngược lại.

Đừng bao giờ thỏa mãn với chất lượng dịch vụ khách hàng mà hãy luôn tìm cách cải thiện trong khả năng tốt nhất. Hãy xác định xem công ty của bạn đang đứng ở vị trí nào trong bốn cấp độ thỏa mãn khách hàng sau đây. Sau đó, hãy xây dựng kế hoạch hành động để đạt đến những cấp độ cao nhất.

• Cấp độ một – Mức tối thiểu để tồn tại. Là đáp ứng được những mong đợi của khách hàng.

• Cấp độ hai – Vượt quá những gì khách hàng mong đợi. Những đặc điểm dịch vụ phụ thêm có thể giúp bạn vượt qua đối thủ cạnh tranh.

• Cấp độ ba – Khách hàng trở nên thích thú. Bạn có thể đem đến sự ngạc nhiên, thú vị nằm ngoài mong đợi của khách hàng.

• Cấp độ bốn – Khách hàng thật sự ngạc nhiên. Điều này thường thấy ở những tổ chức thành công và có uy tín cao. Chất lượng phục vụ vượt quá sự mong đợi của khách hàng nhiều đến mức họ không chỉ trở thành khách hàng thường xuyên của bạn mà còn giới thiệu cho bạn bè và người thân. Đây cũng là một hình thức PR đơn giản mà hiệu quả lại vô cùng mạnh mẽ.

Để lại câu trả lời