Đăng ký ngay

Đăng nhập

Mất mật khẩu

Quên mật khẩu? Hãy điền địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết và sẽ tạo một mật khẩu mới qua email.

Thêm câu hỏi

You must login to ask question.

Đăng nhập

Đăng ký ngay

Chào mừng bạn gia nhập trang hỏi đáp cộng đồng Hiệp Sĩ Top.

Review sách: “Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” – Giản Tư Trung

“Công việc” của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm làm người, làm dân và làm việc. Lựa chọn của mỗi người trong từng “công việc” đó sẽ làm nên cuộc đời họ. Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú và cỏ cây; con người tự do thì khác với con người nô lệ; công dân thì khác với thần dân; ca sỹ thì khác với thợ hát; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…

Review sách Đúng Việc của tác giả Giản Tư Trung.

Sách Đúng việc của tác giả Giản Tư Trung.

Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa các lựa chọn đó? Làm sao có thể làm “đúng việc” khi chưa biết đâu là cái “đúng”? Làm sao “làm ra chính mình”, làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết đâu là “mình”?… Hành trình “tôi đi tìm tôi” đó cũng là câu chuyện khai minh của mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở.

Cuốn sách “Đúng việc” đã được tác giả Giản Tư Trung viết từ những trăn trở ấy, với ý niệm rằng công việc quan trọng nhất (và có thể nói là công việc / nghề nghiệp duy nhất) của mỗi người trên cõi đời này, không gì khác chính là “nghề làm người”, như nhà tư tưởng vĩ đại thời khai minh Jean Jacques Rousseau từng khẳng định. Có thể tiếp tục chi tiết hóa “nghề làm người” này bằng nhiều mảng việc nữa, mà trong đó “làm dân” và “làm việc” là hai phần việc quan trọng bậc nhất. Đó cũng là lý do vì sao mà ba chương chính của cuốn sách sẽ xoay quanh những câu chuyện “đúng việc” về “Làm người”, “Làm dân” và “Làm việc. Tác giả cũng dành riêng một chương thứ tư để bàn về việc “Làm giáo dục”, không chỉ bởi đó là công việc hay mối quan tâm của riêng tác giả; mà còn bởi vì tính ảnh hưởng sâu sắc của giáo dục đến con người. Con người sẽ làm người, làm dân hay làm việc ra sao, đều là hệ quả của nền giáo dục mà con người ấy được thụ hưởng hay bị “nhào nặn”. Phần cuối cùng chính là Lời kết cho những gì mà tác giả đã chia sẻ.

————

Nhiều năm trước, tôi có dịp lang thang trên quảng trường Trafalgar ở thủ đô London của nước Anh. Đây là quảng trường được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng của hải quân Anh trong trận chiến Trafalgar lừng danh do Đô đốc Nelson chỉ huy. Nằm ngay vị trí trung tâm của quảng trường là một chiếc cột cao 52 mét mà ở trên đỉnh cột là bức tượng vị đô đốc tài ba đứng sừng sững giữa trời. Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất không phải là bức tượng sừng sững đó, mà là một dòng chữ ở tấm điêu khắc gần chân cột: “England expects that every man will do his duty”. (Tạm dịch: Nước Anh mong muốn mỗi người sẽ làm tròn bổn phận của mình).Đó chính là lời hiệu triệu nổi tiếng mà đô đốc Nelson đã gửi cho hạm đội của mình trước trận Trafalgar. Nhưng tôi nghĩ, chọn khắc dòng chữ này ở một trong những vị trí được xem như “trái tim” của nước Anh; người Anh không chỉ đơn thuần muốn kỷ niệm một trận chiến mà có lẽ muốn gửi gắm vào đó nhiều thông điệp hơn thế. Mỗi công dân Anh (và cả những người không phải là người Anh) khi đứng trước những dòng chữ này hẳn sẽ ít nhiều suy tư về những “công việc” hay “bổn phận” của mình: chúng là gì, và mình đã làm chưa; nếu đã làm thì đã làm đúng và làm tròn những công việc ấy hay chưa?

“Công việc của mình” – Mấy chữ trên tấm phù điêu về trận chiến Trafalgar năm ấy cũng đã ít nhiều bắt đầu gợi lên và gieo vào trong tôi những suy tư về mình, về thời cuộc, và đặc biệt là về những “trận chiến” diễn ra ở ngay xứ sở của mình. Những suy tư đó đã thực sự thôi thúc tôi muốn viết một điều gì đó về “công việc”, về làm đúng và làm tốt “công việc”, về những “trận chiến” liên quan đến bản chất và chân giá trị của mọi vấn đề.

Đó không phải là những trận chiến hữu hình giữa người với người, giữa gươm với súng như trong quá khứ; mà là những trận chiến giữa cái đúng và cái sai, giữa khai minh và vô minh, giữa cõi phàm và cõi thiêng, giữa cái cao đẹp và cái thấp hèn của con người. Những cuộc chiến vô hình ấy cũng khốc liệt và có sức tàn phá khủng khiếp không kém bất kỳ cuộc chiến hữu hình nào: Các thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn; con người bị cuốn vào những vòng xoáy hỗn mang, nghi ngờ chính những điều đã từng được coi là chân-thiện-mỹ; công việc nào, lĩnh vực nào, ngành nghề nào, vấn đề nào cũng có những điều được xem là “vấn nạn chưa có lời giải”.

Hãy là chính mình - Be yourself

Hãy là chính mình – Be yourself.

Bất kỳ ai chứng kiến và cảm nhận những điều đó hẳn cũng sẽ đau đáu một câu hỏi nhân sinh như tôi: Căn nguyên của những gì đang diễn ra trong xã hội này, căn nguyên của những vấn đề mà con người ngày nay đang gặp phải là gì và do đâu?

Có rất nhiều lý do! Mỗi người sẽ chọn một cách lý giải, một cách giải mã riêng, tùy theo góc nhìn của mình. Và “đúng việc”, “sai việc”, cũng như chuyện định nghĩa lại mọi thứ và trả lại chân giá trị cho mọi vấn đề là góc nhìn và cách tiếp cận mà tôi chọn cho mình trong cuốn sách này.

Tôi cho rằng, những thực trạng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay của con người, của gia đình, của tổ chức và của xã hội là bắt nguồn sâu xa từ việc có quá nhiều thứ chưa được trả lại chân giá trị vốn có của nó và có quá nhiều người chưa hiểu đúng và làm tốt những “công việc” của mình. Vậy đâu là chân giá trị của mọi vấn đề, đâu là những “công việc” quan trọng nhất của con người và nếu những “công việc” đó được hiểu đúng và làm tốt thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn và xã hội cũng sẽ được vận hành một cách văn minh?

Những “công việc” quan trọng nhất mà ai cũng phải làm trong đời, chính là: làm người, làm dân và làm việc. Khi mà những “công việc” này không được coi trọng và có quá nhiều người không làm đúng việc của mình (tức là làm sai việc) thì những gì mà chúng ta đang chứng kiến (như dân gian vẫn thường nói vui là “người không phải người, dân không phải dân, lãnh đạo không phải lãnh đạo, thầy không phải thầy, nghệ sĩ không phải nghệ sĩ, trí thức không phải trí thức, doanh nhân không phải doanh nhân, hay đại học không phải đại học, hiệp hội không phải hiệp hội…”), âu cũng là chuyện không đáng ngạc nhiên mấy!

Bởi lẽ, lựa chọn “đúng việc” hay “sai việc” của mỗi người trong từng “công việc” ấy sẽ làm nên chính họ, cũng như làm nên xã hội mà họ sinh sống. Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú và cỏ cây; con người tự do thì khác với con người nô lệ hay con người công cụ; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; ca sĩ thì khác với thợ hát; nghệ sĩ thì khác với chiến sĩ; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút; sử gia thì khác với sử nô; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…

Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa các lựa chọn đó? Làm sao có thể làm “đúng việc” khi chưa biết đâu là cái “đúng”? Làm sao “làm ra chính mình”, làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết “đâu là mình”?…

Đó chính là những trăn trở đã dẫn đến những nội dung bàn trong cuốn sách này. Tuy vậy, cần làm rõ rằng, mục đích của cuốn sách này là để gợi mở và tranh luận chứ không phải để kết luận và thực hiện, để đặt vấn đề chứ không phải giải quyết vấn đề, để đặt ra các câu hỏi nhằm tìm kiếm câu trả lời chứ không phải là để khẳng định một chân lý (vì không ai được phép độc quyền chân lý).

Vì với một đề tài quá rộng và quá lớn như vậy, làm sao có câu trả lời nào có thể gói gọn được tất cả? Cũng như làm sao có một định nghĩa về cái “đúng” vừa vặn với tất cả mọi người, mọi thời và mọi nơi? Nhưng ít nhất, bằng việc đặt ra những câu hỏi nhân sinh và liên tục tra vấn mình về nó, ấy là lúc chúng ta có thể tiến gần hơn đến với câu trả lời, đến với việc tìm ra điều gì là “đúng” cho riêng mình, cho xứ sở của mình và cho thế gian này. Và đây chính là hành trình đi tìm chân lý, đi tìm chân giá trị và cũng là hành trình của muôn đời.

Có người bạn hỏi tôi, có bao nhiêu là việc cần phải làm, vì sao lại ngồi lọ mọ viết cuốn sách này. Tôi trả lời rằng, tôi muốn viết cuốn sách này trước hết và chủ yếu là vì tôi thích (thích chia sẻ, bàn luận và học hỏi về chuyện “đúng việc”, về bản chất và chân giá trị của những vấn đề căn cốt của cá nhân, gia đình, tổ chức và xã hội).

Câu nói nổi tiếng của hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi.

Câu nói nổi tiếng của anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi.

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng, thay đổi đến từ “TÔI” của mỗi người là con đường tốt nhất dẫn đến sự đổi thay chung của cả xã hội, đúng như tuyên ngôn bất hủ của bậc hiền triết Mahatma Gandhi: “You must be the change you wish to see in the world” (tạm dịch: “Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời”). Nghĩa là, khi mỗi người (trong chúng ta) tự thay đổi chính bản thân mình trước, tự làm đúng và làm tốt “công việc” của mình, thì xã hội sẽ thay đổi theo, chứ không trông chờ vào ai cả. Với quan điểm này, chúng ta có thể thấy rằng, hành trình “tự lực khai hóa” (theo cách nói của nhà canh tân văn hóa Phan Châu Trinh) của mỗi người chính là con đường tốt nhất để mình tốt hơn, đồng thời cũng góp phần đổi thay xã hội mà mình đang sống. Do vậy, cũng có thể xem “Đúng việc” như là một người bạn đồng hành của tôi trên hành trình “Tự lực khai hóa” của mình.

Ngoài ra, như rất nhiều thành viên khác của cộng đồng, tôi cảm thấy mình còn có trách nhiệm công dân trong việc cất lên một tiếng nói, góp vào một giải pháp để thúc đẩy nhanh hơn hành trình tìm kiếm những cái đúng, tìm kiếm một “hệ điều hành” ưu việt hơn không chỉ cho riêng mình mà còn cho xứ sở của mình. Với riêng tôi, ngoài sở thích cá nhân, hay sự thôi thúc bởi trách nhiệm công dân, đó còn là trách nhiệm làm nghề (của một người làm giáo dục) nữa.

Cuốn sách này đã được viết với tâm thế ấy, và với ý niệm rằng công việc quan trọng nhất (và có thể nói là công việc / nghề nghiệp duy nhất) của mỗi người trên cõi đời này, không gì khác chính là “nghề làm người”, như nhà tư tưởng vĩ đại thời khai minh Jean Jacques Rousseau từng khẳng định. Có thể tiếp tục chi tiết hóa “nghề làm người” này bằng nhiều mảng việc nữa, mà trong đó “làm dân” và “làm việc” là hai phần việc quan trọng bậc nhất. Đó cũng là lý do vì sao mà ba chương chính của cuốn sách sẽ xoay quanh những câu chuyện “đúng việc” về “Làm người”, “Làm dân” và “Làm việc”. Tôi cũng dành riêng một chương thứ tư để bàn về việc “Làm giáo dục”, không chỉ bởi đó là công việc hay mối quan tâm của riêng tôi; mà còn bởi vì tính ảnh hưởng sâu sắc của giáo dục đến con người. Con người sẽ làm người, làm dân hay làm việc ra sao, đều là hệ quả của nền giáo dục mà con người ấy được thụ hưởng hay bị “nhào nặn”. Phần cuối cùng chính là Lời kếtcho những gì mà tôi đã chia sẻ.

Trong quá trình tích lũy nhận thức và phát kiến ý tưởng của riêng mình về những vấn đề trên, tôi có chịu sự ảnh hưởng và học hỏi từ nhiều nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu, học giả… của thế giới cũng như của Việt Nam mà độc giả có thể bắt gặp xuyên suốt cuốn sách này. Nếu một ý tưởng, luận điểm, câu chữ… nào đó của cuốn sách có sự tương đồng với ý tưởng, luận điểm, câu chữ của một ai khác mà tên nhân vật đó không được dẫn như ở những phần khác, mong quý vị hãy hiểu rằng đó là một sơ suất không cố ý, một sự trùng hợp tình cờ hoặc một sự nhập tâm một cách vô thức của tôi và thứ lỗi cho sơ suất đó. Tôi cũng rất mong nhận được những sẻ chia, những góp ý, những ý kiến bàn luận của quý vị để câu chuyện “Đúng việc” có thể được hoàn thiện hơn và được tiếp nối ngoài khuôn khổ của cuốn sách.

Và đặc biệt, xin cảm ơn quý vị đã đón nhận những chia sẻ của tôi. Quá trình viết cuốn sách này đã cho tôi cơ hội nhìn lại chính tôi và thế giới quanh tôi. Và tôi hy vọng rằng quý vị cũng sẽ tìm thấy đâu đó trong những câu chuyện chung mang tên “Đúng việc” này một câu chuyện riêng của chính mình!

“Dự án Đúng việc” là một ý tưởng được lóe lên trong quá trình trò chuyện giữa tác giả với một nhóm tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công tác phát hành cuốn sách về việc sử dụng số tiền thu được từ việc bán sách như thế nào. Chúng tôi thống nhất rằng số tiền này nên được dùng để hỗ trợ cho những hoạt động/ dự án xã hội có ý nghĩa của các bạn trẻ, như một cách để “tiếp sức” cho hành trình “thay đổi đến từ tôi” của các bạn.

Theo Dự án Đúng Việc (dungviec.org)

Về Đạt VĐã xác minh


Theo tôi

Bình luận ( 3 )

  1. Mình đọc xong cuốn sách này trong khoảng 1 tuần, những trang cuối cùng của cuốn sách được nghiền ngẫm vào đêm ngày 1/8/2016.

    Đầu tiên mình muốn cảm ơn tác giả Giản Tư Trung đã viết cuốn sách này. Đồng thời cảm ơn Học viện Đánh vần tiếng Anh Enpro đã tặng cuốn sách này cho mình.

    Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh. Mình bị ấn tượng và lôi cuốn ngay từ những dòng đầu tiên của cuốn sách. Tác giả viết: “Dành tặng cho những ai đã, đang và sẽ dấn thân trên hành trình trở thành con người tự do.” Tác giả đánh đúng tâm lý mình rồi. Nếu ai chơi với mình sẽ thấy mình luôn lảm nhảm về khái niệm: Thế nào là tự do? Mình nghĩ về TỰ DO khá nhiều. Góc nhìn của mình khá giống với tác giả cuốn sách tuy nhiên chưa có nhiều trải nghiệm và chiêm nghiệm nên còn nhiều thiếu sót.

    Cuốn sách chỉ gồm có 3 phần: Làm Người, Làm Dân và Làm Việc.

    Suy cho cùng thì đời người cũng chỉ có 3 việc này để làm, mọi việc trong cuộc sống đều xoay quanh 3 chủ đề này. Và 3 chương này của tác giả đều tập trung phân tích cách sống để trở thành một con người tự do đúng nghĩa.

    Một con người đúng nghĩa, có cuộc sống cân bằng cần phải hội tụ đầy đủ 3 tiêu chí:
    – Thể xác: cái mà được nuôi bằng cơm canh thịt cá, cái phần này của con người thực ra lại là phần dễ nuôi nhất, cho ăn thì sống mà không cho ăn thì chết ngay.

    – Trí tuệ: được nuôi dưỡng để biết phân biệt đúng sai, phải trái, nuôi dưỡng bằng khoa học, tri thức

    – Tâm hồn: được nuôi dưỡng để trái tim biết rung động trước cái đẹp, nhất là cái đẹp không thể nhìn thấy bằng mắt. Tâm hồn cần phải được nuôi dưỡng bằng văn học, ca nhạc, nghệ thuật.

    Xem ra Thể Xác của con người là phần dễ nuôi nhất, cho ăn thì sống, không cho ăn thì chết ngay, mặc dù rất hay ưỡn ẹo thích ăn ngon mặc đẹp. Còn phần Trí Tuệ và Tâm Hồn mới là khó nuôi nhất, 2 phần này cho ăn cũng được mà không cho ăn cũng chẳng sao, bạn thấy đấy bạn “có thấy mình chết” đâu khi cả năm trời không đọc được 1 cuốn sách, không nghe được một bản nhạc… Và với nhiều người thì chắc là 2 phần này đã chết mà cũng chẳng biết là nó chết tự bao giờ!!!

    Khi hiểu tới đây thì mình chợt nghĩ: bao giờ thì người ta mới chú ý nuôi dưỡng Trí Tuệ, Tâm Hồn, ngày 3 bữa cho ăn như nuôi Thể Xác?

    Một con người cần phải biết khai minh để có một cái đầu sáng, và khai tâm để có một trái tim ấm.

    “Như vậy, có thể nói một cách hình tượng rằng để có thể “làm người” đúng nghĩa, mỗi cá nhân cần có một cái đầu sáng để minh định và một trái tim nóng để rung cảm. Và tất nhiên, chúng sẽ “sáng” và “nóng” hơn khi được cất giữ trong một cơ thể khỏe mạnh. Nhưng đáng tiếc là số đông loài người thường chỉ quan tâm đến việc “trang hoàng” cho sức vóc bên ngoài hay cái “túi vật chất” của mình mà dễ bỏ quên hai cái “túi” rất quan trọng là “túi văn hóa” (gồm hai ngăn là đầu minh định + tim có hồn) và túi chuyên môn (gồm đầu chuyên gia và tim yêu nghề). Nếu hai túi này nghèo nàn thì dù muốn làm người e cũng không được, vì khi thiếu năng lực làm người con người khó mà đạt được sự thăng hoa, viên mãn trên hành trình sống và làm việc của chính mình. Thêm nữa nếu không có hai túi này mà kiếm được nhiều tiền, nhiều quyền và nhiều danh thì chắc chắn bằng con đường “tà đạo”

    Để rồi học được “Ta là sản phẩm của chính mình” với mô hình quản trị cuộc đời và cũng chính là hành trình của con người tự do, tự trị.

    “Ta là sản phẩm của chính mình” = Khai phóng bản thân => Tìm ra chính mình => Làm ra chính mình => Sống với chính mình => Giữ được chính mình.

    Quả thật đó là một hành trình dài mà bạn cần đọc cuốn sách để hiểu được. Và đây cũng là một cuốn sách rất đáng đọc, mình sẽ dành thời gian đọc lại để củng cố và thực hành được hiệu quả nhất.

    Mình xin trích dẫn phần cuối cùng của cuốn sách để kết thúc review này:

    “…hiểu được một cách thấu đáo thế nào là con người tự do, con người tự trị đã khó nhưng sống được như một con người tự do, con người tự trị còn khó hơn ngàn lần…”

    (Nguồn: Tác giả Phạm Minh Tâm).

  2. ĐÚNG hay CHƯA ĐÚNG?

    Bạn là SINH VIÊN hay THỢ HỌC?
    Bạn là GIÁO VIÊN hay THỢ DẠY?
    Bạn là ĐỘC GIẢ hay THỢ ĐỌC?

    Đôi khi, nhìn bề ngoài khó để phân biệt những loại trên và thậm chí đa số những công việc mà mọi người vẫn làm hằng ngày. Người ngoài rất dễ nhầm lẫn và ngay cả người trong cuộc lắm kẻ cũng hiểu nhầm khi không đủ tinh tế, kiến thức và nhận thức để phân biệt.

    Đúng việc – Nhà giáo dục Giản Tư Trung, cuốn sách khá chi tiết và góc nhìn mới về công việc và sự nghiệp. Có lẽ, cuốn sách sẽ khiến nhiều người đọc phải suy ngẫm, không đau đầu mệt óc nhưng là sự chiêm nghiệm và tự vấn bản thân, cũng có thể là sự thức tỉnh, giác ngộ về cả công việc và cuộc sống hiện tại.

    Bạn sẽ bắt gặp 1 văn phong khá lạ, có hơi hướng Phương Đông, sự khúc chiết song song với điệp khúc và lặp lại của các ý văn khiến người đọc càng chìm sâu vào mạch của cuốn sách, thôi thúc việc nhớ và gây ra sự tăng xung mạnh mẽ. Chính thủ pháp này (tôi đoán vậy) khiến cho người đọc sẽ càng suy nghĩ sâu sắc hơn về công việc mà họ đang làm, sự nghiệp mà họ đang theo đuổi. Biết đâu, là một cái giật mình đầy giá trị.

    Đây không phải là sách kỹ năng, nó không dạy bạn cách tìm việc làm hay phát triển bản thân trong công việc nhưng có lẽ quan trọng hơn, nó chỉ ra cho bạn lý do bạn phải làm công việc nào đó, tại sao bạn chưa hứng thú và yêu thích công việc của mình, công việc đứng ở đâu và đóng vai trò gì trong cuộc đời mỗi người… Tôi cho rằng, tất thảy những giá trị cuốn sách mang lại thực giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa, đúng như những giá trị Khai tâm – Khai minh – Khai phóng mà thầy Trung đang theo đuổi.

    Đọc cuốn sách tôi lại nhớ đến phóng sự về nhà hàng Sushi của Jiro đạt 3 sao Michelin, nhớ về tinh thần của người Nhật trong công việc, cái cách mà người Nhật tận hưởng niềm vui sướng và hạnh phúc trong mỗi thứ họ làm, cách họ đặt cả danh dự, nhân phẩm thậm chí là tính mạng vào công việc và mỗi kết quả họ tạo ra cho xã hội.

    Một điều lý tưởng nhưng không phải viển vông và xa vời.

    (Nguồn: Tổ chức Giáo dục BLife – blifevn.com).

  3. Đúng việc – Sách giáo khoa cho người trẻ

    Có lẽ bạn sẽ thắc mắc tại sao lại được gọi là sách “giáo khoa”. Giáo khoa ở đây có nghĩa là thiết yếu, là mỗi người trẻ (hoặc đã từng trẻ) đều cần đọc.

    Bài chia sẻ đến từ chị Trang Nguyễn (Thường được biết đến với tên gọi Trang Moon). Hiện chị đang công tác tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

    Nếu nói một cách hài hước, tôi có thể đánh giá rằng: Giá trị của cuốn sách không dễ đo đạc và dễ hấp dẫn như số đo ba vòng của các cô người mẫu, nhưng kể từ khi bạn bắt đầu trăn trở với những vấn đề về lẽ sống, cách sống của mình, và bắt gặp tên cuốn sách, rồi đọc hết nó, bạn sẽ biết rằng, có rất nhiều niềm vui khác ngoài niềm vui ngắm nghía các cô người đẹp, và những niềm vui đó sẽ khiến bạn thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn.

    Đây nên là một cuốn sách giáo khoa gối đầu giường để vào đời cho tất cả những bạn trẻ đang chập chững với những trăn trở đầu đời về cuộc sống: “Tôi là ai”, “Tôi đến trái đất để làm gì”, và “Cuộc đời tôi sẽ như thế nào”. Kể cả khi không còn trẻ, đã học ở trường đời nhiều bài học cuộc sống, bạn vẫn có thể tìm thấy ở cuốn sách những giá trị, những lẽ phải mình tâm đắc, hoặc giờ mới ngộ ra, xoay quanh việc “Làm người và sống là con người”. Theo tác giả, cuộc đời con người sẽ có 3 việc chính: Làm người, Làm dân và Làm việc, và đó cũng là ba chương chính của cuốn sách. Phần cuối tác giả chia sẻ những triết lý về giáo dục mà cả đời tâm huyết của ông vẫn nặng gánh suy tư theo đuổi.

    Với phần I, bằng cách kể những câu chuyện thú vị, tác giả dần dẫn dắt câu hỏi, bình luận xoay quanh “nên người”; “làm người”. Từ triết lý của Plato về mục đích sống, ông bàn đến lẽ sống, lẽ phải – những giá trị mà loài người hơn các loài vật khác. Khi lẽ phải được đặt lên trên cùng, con người sẽ sống và chiến đấu vì nó. Và để nhận biết được lẽ phải, chúng ta cần những tiếng gọi từ chính bên trong mỗi con người chúng ta. Để có được sự thức tỉnh thôi thúc bên trong đó, tất cả sẽ xoay quanh việc khai sáng trí óc, thấu hiểu trái tim, nuôi dưỡng văn hóa, tâm hồn.

    Khi đó, chúng ta mạnh mẽ, trở thành những con người tự do/ tự trị, làm những gì chúng ta cho là lẽ phải, chứ không phải nô lệ của công danh, tiền bạc, lời bàn tán của xã hội hay bất cứ sức mạnh phi nghĩa nào. Khi đó chúng ta làm chủ bản thân, ta là sản phẩm của chính ta, ta có quyền làm ra chính ta. Xã hội cần những chủ thể để có thể tiến đến văn minh, vĩ đại.

    Và để lẽ phải được thực thi, lại cần một cơ chế tự do, một nhà nước có đầy đủ chức năng tam quyền phân lập mà tác giả so sánh, chỉ điểm rất rõ rang trong phần II: Làm Dân. Phần III Làm việc phân tích cụ thể hơn những giá trị mà tác giả cho là đúng cho mỗi một mảng công việc chính trong xã hội mà mỗi con người tự do/tự trị sẽ nhận ra: “Bởi lẽ.. công dân thì khác với thần dân, ca sĩ thì khác với thợ hát; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút, nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị, doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…”

    Toàn bộ cuốn sách được viết rất logic, hệ thống. Tác giả có xu hướng thích sử dụng việc bẻ từ, bẻ câu chữ để phân tích cho sát sườn (Ví dụ: chính giáo – lương giáo – khoa giáo), cho ra nhẽ hai thái cực hay những kiểu thái độ trong phổ phẩm chất của bất cứ một công việc, ngành nghề, thái độ sống, ví dụ: doanh nhân hay là con buôn; ca sĩ hay là thợ hát. Có lẽ những đúc kết kinh nghiệm bao năm làm nghề sư phạm đã được tác giả đưa rất nhiều vào cuốn sách đầy tâm huyết này, để nó đến với người đọc qua rất nhiều ví dụ dễ hiểu, công thức thú vị, cách lặp lại và giải thích vấn đề cũng khiến một chủ đề khô khan như Việc Làm Người mà cuốn sách đề cập, trở nên dễ hiểu, dễ nhớ với ai thực sự đọc nó một cách tập trung.

    Tôi vẫn đánh giá rất cao cuốn sách này dù đôi chỗ tôi vẫn kỳ vọng cao hơn. Ví dụ như những trích dẫn minh họa đưa ra tuy kinh điển và là chân lí muôn đời nhưng dẫu sao cũng đã được lan truyền khá nhiều, khán giả có lẽ sẽ kỳ vọng những câu chuyện mới mẻ hơn. Nhưng không vì thế mà những vấn đề mấu chốt tác giả đưa ra mất đi chân giá trị của nó. Đặc biệt quý báu bên cạnh tâm huyết của tác giả khi “lạm bàn” về những vấn đề dễ bị coi là khô khan, giáo điều, chính là việc cuốn sách cung cấp một cái nhìn tổng quan, như một khung xương về cách con người và xã hội đã, đang và nên vận hành.

    Rất cần cho các bạn trẻ! Cuốn sách như một tấm bản đồ đại cương để các bạn trẻ tự lần mò, khám phá, thêm thắt đường đi nước bước, tìm ra kho báu giá trị nhất đời mình.

    (Nguồn: Trạm Đọc (Read Station) – Theo Trangmoon.vn)

Để lại câu trả lời