Đăng ký ngay

Đăng nhập

Mất mật khẩu

Quên mật khẩu? Hãy điền địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết và sẽ tạo một mật khẩu mới qua email.

Thêm câu hỏi

You must login to ask question.

Đăng nhập

Đăng ký ngay

Chào mừng bạn gia nhập trang hỏi đáp cộng đồng Hiệp Sĩ Top.

Review sách: Trần trụi bóng đá Việt – Đặng Hoàng

Sách Trần trụi bóng đá Việt do nhà báo thể thao Đặng Hoàng làm chủ biên, cùng hai nhà báo Nguyễn Nguyên và Đinh Hiệp, những gương mặt thân quen trong các chương trình bình luận thể thao. Mở đầu cuốn sách với câu hỏi “Bóng đá Việt Nam có người dân yêu nồng nàn, có lãnh đạo quan tâm thế mà không phát triển. Lỗi này do đâu?”

Sách Trần trụi bóng đá Việt - Đặng Hoàng.

Là người yêu bóng đá và theo dõi các trận đấu của Việt Nam chắc chắn bạn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi đại loại như: Khi nào Việt Nam vượt qua được Thái Lan ở đấu trường Đông Nam Á? Điều gì cản trở Việt Nam tham dự World Cup?,… Cuốn sách này, tác giả đã bóc tách sự “trần trụi” của bóng đá Việt Nam qua nhiều thập kỷ, mà chỉ có người trong cuộc mới biết được chứ không như vẻ hào nhoáng mà báo chí đưa tin.

Chương 1: Những ma-nơ-canh trên sân bóng

Nhắc lại sự cố ồn ào tối ngày 19-2-2017 trên sân vận động Thống Nhất giữa CLB Đồng Tâm Long An và CLB TP. Hồ Chí Minh. Một vết nhơ khó gột rửa khi mà báo chí thế giới đều đưa tin về vụ này.

Đội Đồng Tâm Long An đã phản ứng lại quyết định của trọng tài Nguyễn Trọng Thư khi cho đội TP.HCM hưởng quả phạt đền, thủ môn đội Long An quay lưng lại với quả chụp penalty, sau đó là cả đội biểu tình đứng “chôn” chân tại chỗ không khác gì ma-nơ-canh, mặc cho đội TP.HCM tiếp tục ghi bàn. Câu hỏi đặt ra là vai trò của Ban tổ chức ở đâu lúc đó? Khi mà ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch HĐQT VPF) và ông Nguyễn Minh Ngoc (Trưởng BTC Giải V-League 2017) đều ngồi cạnh nhau trên khán đài chứng kiến trận đấu này… Có phải vì đội bóng Long An ông Thắng từng là chủ tịch và hiện tại là em trai ông Võ Thành Nhiệm nên ngại bước xuống can thiệp?

Quá bất mãn về công tác tổ chức của VFF thiếu chuyên nghiệp, ông bầu Trần Đình Long (Chủ tịch Hòa Phát Hà Nội) cũng “chịu không nổi” phải bỏ dở đội bóng mà ông từng kiên quyết đầu tư và làm một cách tử tế.

Chương 2: Chuyện dài về trọng tài bóng đá

Ban trọng tài tiêu cực, đòi nhận hối lộ không chỉ một cá nhân mà nó là quy mô cả đường dây – Đường dây đó không ai khác ngoài người Trưởng ban trọng tài, ông Nguyễn Văn Mùi, con trai Nguyễn Trọng Thư. Có lần bầu Đức (Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai) đã từng phát biểu: “Theo tôi, cứ cách chức ông Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi là xong, VFF hay VPF không cần họp hành gì để chấn chỉnh V-League”. Nhưng chuyện đâu có dễ như vậy, vì sợ bị ông Mùi trả thù nên cuối cùng ông vẫn được bầu làm trưởng ban.

Chuyện trọng tài nhận hối lộ diễn ra như cơm bữa ở mỗi trận đấu. Có khi họ “ăn” cả hai đầu, ở cả hai đội bóng, vì dù kết quả thế nào thì họ cũng đâu có chịu trách nhiệm gì. Nhiều vụ bị công an điều tra phanh phui, nhưng tình trạng trọng tài tiêu cực vẫn không hề giảm, mà nó diễn ra ngày càng tinh vi hơn.

Nạn chạy quyền, chạy chức để có một chân thổi còi chính thức trong các giải đấu quốc gia, nâng hạng trọng tài mặc cho chuyên môn kém cỏi, bởi mức thù lao cho một trọng tài trong mỗi trận đấu chính là rất cao. Ma lực của đồng tiền đã làm họ biến chất, cái gọi là “công bằng” trong bóng đá bị bóp méo. Vì thế mà các trọng tài được đào tạo bài bản, có đạo đức mặc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng nhất quyết “gác còi”.

Chương 3: “Vua” trở thành kẻ ăn mày

Một nền bóng đá bao cấp, hoạt động bằng nguồn ngân sách từ Trung ương đến địa phương với cơ chế xin cho. Thời bao cấp, hễ mỗi lần ra sân là như “chảo lửa”, bóng đá như có sức hút với toàn dân mặc cho cơm áo gạo tiền họ phải đối mặt từng ngày. Trong một lần nói chuyện về bóng đá, ông Trịnh Minh Huế khẳng định: “Bóng đá Việt Nam từ sau thống nhất hiếm khi có được một ngày chơi sạch”.

Ngày trước, bóng đá là cuộc giao lưu thể thao mang tính chính trị giữa mỗi tỉnh, mỗi ngành. Lợi ích không nhiều lắm, còn ngày nay bóng đá là tiền. Cái gì cũng mua cũng bán được hết, kể cả danh dự quốc gia. Bóng đá có sự can thiệp của các Mafia cá cược, cầu thủ bắt đầu sa ngã, họ đá vì tiền. Điển hình là ở Sea Games 2005 ở Philippines, Lê Quốc Vượng cầm đầu nhóm bảy cầu thủ bán đứng đội tuyển trong trận găp Myanmar tại vòng bảng.

Chương 4: Bóng đá để cho ai?

Bóng đá Việt Nam khởi sắc từ năm 1994 khi xuất hiện các công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp đến Việt Nam khai phá thị trường. Nổi bật nhất là công ty Strata, qua việc kiếm tài trợ cho các đội tuyển, môi giới thuê các huấn luyện viên ngoại. Khi có được tài trợ, thì VFF lại đẩy “bà đỡ” Strata ra để có được “bầu sữa” thơm ngon, họ chơi với những đối tác biết “chăm chút” cho nhà điều hành nhiều hơn.

Review sách Trần trụi bóng đá Việt.

Trần trụi bóng đá Việt: Bóng đá để cho ai?

Bóng đá dành cho các ông bầu, làm bóng đá cũng chính là làm thương hiệu doanh nghiệp. Bởi nuôi một đội bóng tốn ít tiền và hiệu quả hơn là dành tiền đó cho ngân sách quảng cáo. Thực tế đúng là như vậy, khi chưa có đội bóng Hoàng Anh Gia Lai, ít ai để ý Pleiku nằm ở đâu trên bản đồ Việt Nam. Nhiều địa phương, ngân hàng ưu ái hơn cho doanh nghiệp trong chuyện làm ăn, người dân thì quý mến mà mua các sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai.

Bóng đá sẽ ra sao nếu không có khán giả? Chắc chắn là bóng đá chết. Đó chỉ là chơi bóng đá chứ không phải làm bóng đá. Là người đầu tư bài bản và có tâm huyết cho nền bóng đá nước nhà, nên bầu Đức biết nên phải đầu tư cho cơ sở vật chất, đào tạo bóng đá trẻ, thế là học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – JMG – Arsenal ra đời.

Việc “Một ông bầu có bốn đội bóng” là chuyện chưa hề có ở các nền bóng đá chuyên nghiệp, vậy mà nó lại diễn ra ở Việt Nam. Ông bầu đó không ai khác ngoài ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch tập đoàn T&T. Mặc dù trên giấy tờ ông không dính dáng gì nhưng giới chuyên môn và các cổ động viên đều khẳng định ông là chủ thực sự của 4 đội bóng (Hà Nội T&T, Sài Gòn FC, SHB Đà Nẵng và Quảng Nam). Có hay ho gì khi một trong bốn đội bóng trong tất cả 12 đội tham gia giải V-League nâng cúp vô địch? Đến cả cổ động viên cũng phải trả tiền để họ đi xem, cá biệt còn cho các em học sinh lên khán đài đùa giỡn, thật không ra thể thống gì…

Bóng đá là phải có cạnh tranh lành mạnh, hơn thua nhau về trí tuệ mới là thứ bóng đá đẹp. Chứ dùng tiền để chơi bóng đá thì khác nào mua giải?

Chương 5: Bùa hộ mệnh cho các quan bóng đá

Chưa thấy ở nước nào mà huấn luyện viên quốc gia bị đối xử như người lao động phổ thông, lao động thời vụ. Thay huấn luyện viên như thay áo. Thích thì lãnh đạo cho lên, không thì họ cho xuống. Huấn luyện viên nước ngoài của mình đã đi là không có lời từ biệt. Kiểu đối xử “vắt chanh bỏ vỏ” thiếu định hướng, thiếu kiên nhẫn của VFF.

Tiger Cup 2000, đội tuyển Việt Nam thua 0-3 trước Malaysia ở trận tranh hạng 3. Các quan chức VFF họp bàn tìm nguyên nhân. Cuối cùng đổ lỗi cho huấn luyện viên ngoại là xong.

Các quan chức VFF luôn coi đội tuyển quốc gia là “lá bùa hộ mệnh” của chiếc ghế của họ. Khi đội tuyển thắng, họ đua nhau ra ăn theo chụp hình, phát biểu, tranh thủ đánh bóng hình ảnh. Khi đội tuyển thua, họ loanh quanh đổ lỗi cho cầu thủ và huấn luyện viên.

Chương 6: Một nền bóng đá thiếu “chất xám”

Lãnh đạo bóng đá Việt Nam thiếu tầm nhìn, thích “ăn xổi ở thì”, họ quá ảo tưởng về các đội bóng trẻ khi lần đầu có thành tích cao. Lịch thi đấu thì chồng chéo, làm mất sức cầu thủ giữa thi đấu cho câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. Gây khó cho câu lạc bộ về kế hoạch tài chính và nuôi quân.

Ở ta cũng có nhiều cầu thủ có kỹ thuật và thể lực tốt nhưng thiếu huấn luyện viên chỉ cho họ điểm sáng thay vì cứ lao vào chỗ tối, định hướng cho phát triển cá nhân của từng cầu thủ.

Ở Việt Nam, năm nào cũng có lớp dạy bằng C, B, A cho các huấn luyện viên. Đăng ký học bằng C cả trăm người, không ít trong số đó lấy bằng để lên bậc, lên lương, để được cơ cấu. Một bằng chỉ học 2 đến 3 tuần, ngấn ấy thời gian thì học cái gì?

Ở Việt Nam hiện tại có bốn lò đào tạo tương đối tốt là Hoàng Anh Gia Lai, PVF, Viettel và Hà Nội, được sự dạy bảo của hơn 20 cựu tuyển thủ quốc gia. Lên tuyển quốc gia cũng bốc từ các lò đào tạo này mà ra.

Chương 7: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai người

Nguyễn Văn Chương là cái tên khiến một vài vị quan chức VFF mất ăn mất ngủ trong hai, ba năm nay và có thể khiến tiền đồ của họ khó có thể sáng. Về việc ông Chương đến tận nhà đưa hối lộ 100 triệu đồng cho ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Vụ việc sau đó bị cơ quan điều tra phát hiện, nhiều người sợ bị liên lụy nếu ông Chương khai.

Không chỉ trong đời sống xã hội, mà ngay trong cơ quan VFF cũng có kiểu “xin – cho” để được làm việc, chỉ cần biết chi tiền là có vị trí tốt. Quyền quyết định phụ thuộc vào hai ông chủ tịch Lê Hùng Dũng và phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn.

Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế từng nói: “VFF là tập hợp của những người làm… nhầm nghề”. Hơi quá nhưng cũng đúng.

Chương 8: Chơi như thế là đủ lắm rồi

Ý tưởng về “Hội nghị Diên Hồng” về bóng đá lần đầu tiên đã không diễn ra vì sợ phơi bày hết cái hay ra dư luận. Ông Lê Thụy Hải từng hào hứng: “Tôi gắn bó với bóng đá cũng hơn 50 năm nhưng cả đời chưa bao giờ được mời họp, được góp ý kiến cho một Hội nghị nào về bóng đá Việt Nam”. “Chất xám” có đấy nhưng họ có chịu dùng đâu.

Muốn cứu bóng đá Việt Nam thì trước hết phải tìm ra ai đang “giết” bóng đá Việt Nam trước đã. Đó là “cái áo cơ chế” cũ, là những “nhóm lợi ích”, là những kẻ lấy bóng đá để “vinh thân phì gia”. Tồn tại những thứ này thì không thể có trung thực, minh mạch, dân chủ. Vấn đề trọng tài, bạo lực sân cỏ, thi đấu tiêu cực bán độ, thiếu vắng khán giả… chỉ là hệ quả của những điều trên.

Bóng đá Việt Nam thực sự rất tiềm năng để phát triển ở đẳng cấp khu vực, nếu VFF được thay máu lãnh đạo, có tầm nhìn dài hạn để đầu tư và phát triển sân chơi bóng đá trẻ. Một nền bóng đá sạch cần sự chung tay của toàn xã hội. Và điều quan trọng là khán giả Việt Nam chưa bao giờ quay đầu với đội tuyển quốc gia. Mục tiêu của Việt Nam là World Cup chứ không chỉ dừng lại ở Châu Á.

Kendy Đạt

Về Đạt VĐã xác minh


Theo tôi

Bình luận ( 2 )

  1. Tác giả Đặng Hoàng là người đã xuất bản rất nhiều tựa sách hay về nền bóng đá Việt Nam. Với “Trần trụi bóng đá Việt” lần này, tác giả không chỉ kể những chuyện về bóng đá mà còn “phơi bày” rất nhiều mặt tối của bộ môn thể thao sở hữu lượng người hâm mộ lớn nhất Việt Nam hiện nay.

    Năm 1983, Chủ tịch FIFA, ông Joao Havelange trong hành trình đến thăm những nước có nền bóng đá kém phát triển đã ghé qua Việt Nam và đưa ra một nhận định ngắn gọn với các quan chức Thể thao Việt Nam: “Các bạn đang sở hữu một nền bóng đá hoang sơ, chưa có bàn tay chăm sóc của con người. Không có cầu thủ nào có thể đá bóng hay trên mặt sân và thời tiết như thế này được”. Ông rời đi, để lại bóng đá Việt Nam tiếp tục hoang sơ hàng chục năm nữa. Nhưng ngày ấy trở về trước, mỗi trận đấu là một ngày hội, người ken đặt quanh sân để kiếm tấm vé chợ đen vào sân, người không có vé bu quanh các cột điện để nghe tường thuật trực tiếp qua sóng radio từ loa phát thanh. Còn bây giờ, sân bãi tốt hơn, cầu thủ có thu nhập đến cả trăm triệu mỗi tháng, nhưng các khán đài lại hoang vắng đến đáng sợ.

    Rõ ràng, sự hoang sơ về vật chất mà cựu chủ tịch FIFA từng nói vẫn còn đó, nhưng nó không đáng sợ bằng sự hoang dã trong trí tuệ làm bóng đá của các nhà điều hành nền bóng đá hiện nay. Trong cuốn sách này, tác giả đã mổ xẻ không chỉ những sai lầm về cách điều hành của các quan chức lãnh đạo bóng đá, mà còn lột trần rất nhiều thủ đoạn, tham ô, các vụ mua chuộc tỉ số và cả vấn đề thâu tóm quyền lực trong bộ máy lãnh đạo. Và theo tác giả, với bóng đá Việt Nam hiện nay, niềm tin là đối tượng để chịu đựng.

    (Nguồn: SaigonBooks.vn)

  2. Vào ngày 9.8, nhóm tác giả Đặng Hoàng – Nguyễn Nguyên – Đinh Hiệp sẽ cho ra mắt cuốn sách “Trần trụi bóng đá Việt”.

    Đây là cuốn sách đề cập đến các vấn đề của bóng đá Việt Nam, tập hợp những bài viết, bình luận, nhận định… của các HLV, chuyên gia bóng đá nổi tiếng như Alfred Riedl, Steve Darby, Lê Thụy Hải, doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai…, với góc nhìn về những mặt trái và sự thật khá phũ phàng.

    Ông Alfred Riedl, 3 lần là HLV trưởng ĐTQG khi còn làm việc ở Việt Nam đã có câu nói bất hủ “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc”.

    Ông Mai Liêm Trực, nguyên Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, có một câu nói nổi tiếng mà đến nay giới truyền thông vẫn trích dẫn: “Mặt bằng điều hành của LĐBĐ Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội”.

    Bóng đá Việt Nam, theo miêu tả của ông Trần Bẩy, nguyên Tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam, như người lính tập bài “dậm chân tại chỗ” suốt mấy chục năm qua với tinh thần căn bản là “mạnh ai nấy gặm nhấm”.

    Ông Trần Bẩy cay đắng: “Ở Việt Nam mình, cho đến tận hôm nay, người ta chỉ chơi bóng đá, chứ chưa ai làm bóng đá bao giờ”.

    Đó là một hệ thống giải VĐQG èo uột, vắng bóng khán giả, với nhiều vấn nạn như bạo lực sân cỏ, dàn xếp tỉ số, tiêu cực trọng tài, các đội bóng không thể tự nuôi sống mình; Một nền bóng đá thiếu chất xám, lười học hỏi, không coi trọng những người làm chuyên môn và thiếu bàn tay định hướng; Một cơ quan điều hành bóng đá đang được triển khai theo mô hình “công ty trách nhiệm hữu hạn 2 người”, tập hợp những người đến với bóng đá nhằm “vinh thân phì gia”, được vận hành theo các nguyên tắc “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ”…

    Một nền bóng đá như vậy không thể tiến xa được. Nếu chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật, không “chỉ mặt đặt tên” những người đang “giết” bóng đá, chúng ta tiếp tục lãng phí tài nguyên, tiềm năng của một đất nước 93 triệu dân “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”.

    Dù chỉ là những lát và được nhìn qua lăng kính khá tiêu cực nhưng cơ bản, cuốn sách này cũng chỉ ra một phần sự thật của một nền bóng đá. Sách sẽ được phát hành trên toàn quốc vào ngày 9.8 với giá 100.000 đồng/cuốn.

    (Nguồn: laodong.vn)

Để lại câu trả lời