Đăng ký ngay

Đăng nhập

Mất mật khẩu

Quên mật khẩu? Hãy điền địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết và sẽ tạo một mật khẩu mới qua email.

Thêm câu hỏi

You must login to ask question.

Đăng nhập

Đăng ký ngay

Chào mừng bạn gia nhập trang hỏi đáp cộng đồng Hiệp Sĩ Top.

Review sách “6 phát minh làm nên thời đại”: Thế giới hiện đại được hình thành thế nào?

Làm thế nào thủy tinh, làm lạnh, âm thanh, làm sạch, thời gian và ánh sáng đưa chúng ta đến ngày nay?

Với văn phong uyên bác và tao nhã, Steven Johnson kể cho chúng ta câu chuyện về cách những ý tưởng vĩ đại đã đến và đưa nhân loại bước đi, cách chúng liên kết với nhau thành một mạng lưới tinh tế và hoàn hảo. “6 phát minh làm nên thời đại” nói về tương lai và lịch sử đã qua. Nó cần thiết cho kinh doanh, sáng chế, công nghệ, lịch sử và độc giả đọc sách khoa học. Và hơn hết, đó là bản tụng ca về trí tuệ loài người.

Đúng như tên gọi, “6 phát minh làm nên thời đại” gồm 6 chương, mỗi chương tương ứng với một phát minh mang tính đột phá, dẫn dắt nhân loại tiến thêm trên con đường tiến hóa. Tất cả đều được trình bày tường minh, hấp dẫn và thú vị. Không chỉ vậy, cuốn sách cũng dành một phần để viết về những chuỗi hiệu ứng kỳ lạ, “hiệu ứng chim ruồi”. Một phát minh, một cụm phát minh trong lĩnh vực nào đó cuối cùng lại gây ra biến đổi ở địa hạt hoàn toàn khác biệt.

Chương 1: Thủy tinh

Thủy tinh đã thay đổi thế giới chúng ta đang sống nhiều hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra. Trong chương đầu tiên, tác giả đã dẫn dắt người đọc lần theo lịch sử của thủy tinh từ những mảnh riêng lẻ ở sa mạc Lybia cho tới khi nó làm thay đổi diện mạo thế giới ta đang sống với kính viễn vọng, kính hiển vi, mắt kính, cửa kính, gương, các đồ trang trí và góp phần tạo nên vô số phát minh khác.

Tác giả khéo léo lồng ghép trong câu chuyện về lịch sử của thủy tinh câu trả lời cho những câu hỏi: Thủy tinh là gì? Tại sao nó lại trong suốt? Tại sao phải mất nhiều thời gian khoảng một vạn năm trước, người ta mới tìm ra thủy tinh? Những ứng dụng quan trọng tác động tới lịch sử nhân loại của thủy tinh?

Thấu kính thủy tinh đã mở mang tầm nhìn cho chúng ta về những vì sao cùng vi tế bào, gương thủy tinh lần đầu tiên giúp chúng ta thấy được bản thân mình. Bạn đã bao giờ thử hình dung về một thế giới không có thủy tinh?

Một thế giới không có thủy tinh sẽ không chỉ thay đổi diện mạo những công trình của nền văn minh bằng cách tháo tất cả khung cửa kính khỏi các Nhà thờ lớn và các bề mặt phản chiếu của đô thị hiện đại. Một thế giới không có thủy tinh còn làm lung lay nền tảng của các tiến bộ hiện đại: khả năng kéo dài sự sống đến từ hiểu biết tế bào, virus và vi khuẩn, kiến thức di truyền học về cấu tạo con người; kiến thức thiên văn về vị trí của con người trong vũ trụ. Không vật chất nào trên Trái Đất có quan hệ với các đột phá về nhận thức trên hơn thủy tinh.

Thủy tinh bắt đầu hành trình của mình như món trang sức và những chiếc lọ rỗng. Vài ngàn năm sau, nó dẫn đường cho loài người tiến thêm những bước dài tới văn minh như ngày nay.

Chương 2: Làm lạnh

Chỉ hai thế kỷ sau khi Frederic Tudor manh nha ý tưởng mang nước đá đến Savannah, khả năng làm chủ cái lạnh ngày nay đã giúp con người cải tổ mô hình định cư trên khắp hành tinh và mang hàng triệu đứa trẻ đến với thế gian. Nhìn thoáng qua, nước đá có vẻ khá tầm thường: một mặt hàng đắt tiền phù phiếm. Thế nhưng, trải hơn hai thế kỉ, ảnh hưởng của nó bắt đầu gây choáng váng, khi chúng ta sử dụng góc nhìn toàn cảnh: từ sự biến chuyển của Đại bình nguyên Bắc mỹ đến thổi sự sống vào phôi trữ lạnh; rồi sự bung tỏa của các thành phố mênh mông trên sa mạc cát.

Ngay khi nghe tới “Làm lạnh”, bạn nghĩ tới điều gì? Chắc hẳn trong thế giới hiện đại ngày nay, chúng ta sẽ dễ liên tưởng ngay tới nước đá, tủ lạnh, điều hòa. Đó là những vật dụng quá quen thuộc và dường như thiết yếu. Vậy, chúng có thực sự thay đổi thế giới không và nếu có thì thay đổi như thế nào? Câu trả lời được Steven Joknson gợi mở bắt đầu bằng thương vụ kỳ lạ của Tudor.

Tudor là một thương gia Boston táo bạn và ương ngạnh. Lịch sử của chúng ta biết đến ông với cái tên Vua Băng, song trước đó, Tudor đã phải nếm trải những thất bại ê chề. Chàng thanh niên trẻ tuổi Tudor đã nhen nhóm ý tưởng mang những tảng băng từ vùng Boston tới đất nước nhiệt đới Ấn Độ. Tuy nhiên chuyến đi đầu tiên của Tudor thất bại vì sự thờ ơ của cư dân xứ nóng. Mặc dù họ có cảm nhận được sự mát mẻ của những tảng băng nhưng họ không biết phải làm gì với chúng.

Song chỉ ít lâu sau, nước đá từ chỗ là “một sự hiếu kì” đã trở thành món hàng xa xỉ và cuối cùng là thiết yếu.

Điểm khởi phát từ nước đá, tác giả tiếp tục dẫn dắt chúng ta tới những phát minh vĩ đại hơn như tủ lạnh, máy lạnh, và quan trọng hơn cả là công nghệ trữ lạnh tinh trùng, trứng và phôi. Hàng triệu sinh mạng trên thế giới tồn tại nhờ kỹ thuật làm lạnh nhân tạo.

Chương 3: Âm thanh

Âm thanh trong một thế giới ồn ào và náo nhiệt hiện tại tác động mạnh mẽ vào đời sống của chúng ta. Song thực sự nguồn gốc của những phát minh đó đến từ đâu, bằng cách nào người ta nảy ra ý tưởng về một cỗ máy ghi lại âm thanh, radio, điện thoại,…?

Say mê và kì ảo, một lần nữa Steven Johnson lại dẫn dắt người đọc vào câu chuyện về âm thanh từ hàng nghìn năm trước, một câu chuyện cổ tích của nhân loại.

Giả thuyết của Reznikoff cho rằng cộng đồng người Neanderthal đã tụ tập quanh các bức hình vừa hoàn thành, cùng nhau ca hát trong một nghi lễ nào đó, dùng những tiếng vang vọng của hang động để khuếch đại một cách thần thánh tiếng hát của mình. Tổ tiên chúng ta không thể thu lại âm thanh đã nghe như cách ghi lại trải nghiệm nhìn thế giới trong các bức vẽ. Song nếu Reznikoff đúng, thì những người tiền sử ấy đã thử nghiệm một hình thức kỹ thuật âm thanh sơ khai – khuếch đại và tinh chỉnh một trong những âm thanh âm ấm lòng bậc nhất: giọng nói của con người.

Hàng chục nghìn năm trước, tổ tiên chúng ta lần đầu tiên cú ý tới sức mạnh của tiếng vọng và âm dội trong việc thay đổi tính chất âm thanh của giọng nói con người. Suốt nhiều thế kỉ, chúng ta đã tận dụng các tính chất đó để tăng âm vực và tiếp thêm sức mạnh cho thanh quản. Tuy nhiên đáng buồn thay, sóng siêu âm, phát minh vĩ đại mà cũng tàn nhẫn vượt bậc dùng để xác địng giới tính thai nhi. Vì chính công nghệ đó vô số bé gái không thể ra đời.

Thứ bắt đầu với âm thanh lay động và gây cảm hứng lớn nhất cho tai người – giọng nói của chúng ta khi ca hát, cười đùa, tâm tình hay tán gẫu – đã bị biến thành công cụ của cả chiến tranh và hòa bình, cả sự sống và cái chết.

Chương 4: Làm sạch

Chúng ta vẫn ca tụng về những cỗ máy tân tiến, về những tiến bộ vượt bậc của công nghệ, bởi đơn giản chúng là những thành tựu kì diệu mà không một ai dám hình dung ra vào những thiên niên kỉ, những thế kỉ trước. Vậy “làm sạch”, “những cống rãnh và căn phòng sạch” có gì để ca tụng? Chúng thay đổi cuộc sống của nhân loài nhiều như thế nào?

Steven Johnson đã thuật lại đầy thu hút cách mà con người biết đến việc tắm rửa thay vì chỉ rửa mặt và tay, cách chúng ta tạo ra các cống rãnh hay lọc nước để uống. Tắm rửa, nguồn nước sạch và việc xử lí chất thải đã giúp con người chống lại các dịch bệnh nguy hiểm.

Chương 5: Thời gian

Khi nghĩ về công nghệ đã tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta lập tức đã hình dung ra các động cơ hơi nước ồn ào và máy dệt hơi nước. Song, bên dưới tạp âm của nhà máy, một âm thanh nhẹ nhàng  hơn nhưng không kém phần quan trọng luôn hiện hữu khắp nơi, tiếng tích tắc của đồng hồ quả lắc lặng lẽ đếm giờ.

Nhân loại từ chỗ nhận biết thời gian dựa vào mặt trời, mặt trăng cho tới việc đo đếm chính xác thời gian từng giây từng phút, từ dùng đồng hồ quả lắc, đồng hồ thạch anh, đồng hồ nguyên tử, đồng hồ điện tử cho tới sự vận hành của chiếc đồng hồ chạy 10 000 năm.

Đồng hồ không chỉ là công cụ giúp bạn sắp xếp hoạt động trong ngày mà còn được  coi là “đồng hồ đếm giờ chết chóc”trong cuốn Hard Time (Thời gian khó) của Dickens “đếm từng giây với tiếng búa trên nắp quan tài”.

Chương 6: Ánh sáng

Trong chương 6 chúng ta sẽ thấy quá khứ loài người gắn bó mật thiết với hành trình đi tìm ánh sáng nhân tạo, bao nhiêu tài năng và công sức đã đổ vào cuộc chiến chống lại bóng tối và các phát minh đã thúc đẩy những thay đổi tưởng chừng như không liên quan gì tới bóng đèn ra sao.

Trên trái đất phát minh ra ánh sáng nhân tạo có nhiều đối thủ ở khía cạnh sáng tạo hiện hình song sự xuất hiện của nó đã đã đánh dấu một điểm ngưỡng trong xã hội loài người. Bầu trời đêm ngày nay tỏa sáng gấp 6000 lần 150 năm trước. Ánh sáng nhân tạo đã thay đổi cách thức con người làm việc và ngủ, giúp tạo ra mạng lưới truyền thông toàn cầu và có thể sớm kích hoạt những phát minh đột phá về năng lượng. Bóng đèn liên quan tới ý niệm phổ thông về sáng tạo tới mức được coi là ẩn dụ cho ý tưởng mới: khoảnh khắc “bật đèn” thay thế cụm từ “Eureka” của Archimesdes được sử dụng phổ biến để tán dương một bước tiến bất ngờ về khái niệm.

Phần cuối cùng của cuốn sách, lời bạt – Nhà du hành thời gian, tác giả muốn ngợi ca những nhà phát minh vĩ đại. Song quan trọng hơn vẫn là lời khuyên dành cho những ai đang trên con đường sáng tạo. Sáng tạo đôi khi khó khăn và cô đơn, nhưng thành tựu bao giờ cũng tuyệt vời.

[…] Song việc trung thành với ý thức về bản sắc và nguồn gốc của mình cũng có rủi ro đáng kể. Tốt hơn, hãy thách thức các trực giác đó, khám phá các vùng đất mới theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tốt hơn, hãy tạo ra các kết nối mới chứ đừng thoải mái ở trong thói quen. Nếu muốn cải thiện thế giới một chút, bạn phải thực sự tập trung và quyết tâm; bạn cần ở trong các giới hạn của một ngành và cùng lúc mở những cánh cửa mới của sự kề cận khả thi. […] bạn cần một chút lạc lõng.

Lời kết:

“6 phát minh làm nên thời đại” của Steven Johnson đã mang tới cho chúng ta một góc độ mới mẻ về cách thế giới hiện đại được tạo thành. Cuốn sách hấp dẫn không chỉ về nội dung mà còn bởi hình thức. Các chương sách được trình bày sáng rõ, giấy dày và mịn, có nhiều hình vẽ minh họa thú vị. Thực sự nếu là một người yêu thích khoa học hay mong muốn sáng tạo hơn, không nên bỏ lỡ cuốn sách này.

Tác giả: Thu Thảo – Bookademy

Để lại câu trả lời