Phân loại và cách sử dụng các loại phân hữu cơ truyền thống và chế biến?

Câu hỏi

Phân loại về các loại phân hữu cơ truyền thống và phân hữu cơ chế biến và cách sử dụng chúng? Mình đang cần gấp mai là tới rồi, giúp mình với ạ.

Bài tập phân bón hữu cơ

trong tiến trình 0
Huynhdai981 4 năm 2020-10-12T12:48:37+07:00 1 Trả lời 572 lượt xem 0

Trả lời ( 1 )

    1
    2020-10-12T13:26:14+07:00

    Phân hữu cơ là gì? Phân loại phân hữu cơ truyền thống và phân hữu cơ công nghiệp

    Là những loại phân bón có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng ở dưới dạng những hợp chất hữu cơ, được dùng trong sản xuất nông nghiệp, có nguồn gốc, được hình thành từ phân, chất thải gia súc, gia cầm, tàn dư thân, lá cây,phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ từ chất thải sinh hoạt, nhà bếp, từ các nhà máy sản xuất thủy, hải sản,…

    Vai trò của phân hữu cơ

    Phân hữu cơ nói chung có ưu điểm là chứa đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng đa, trung và vi lượng mà không một loại phân khoáng nào có được. Ngoài ra, phân hữu cơ cung cấp chất mùn làm kết cấu của đất tốt lên, tơi xốp hơn, bộ rễ phát triển mạnh, hạn chế mất nước trong quá trình bốc hơi từ mặt đất, chống được hạn, chống xói mòn.

    Vào những năm của thập kỷ 60 thế kỷ 20 do nguồn phân khoáng có hạn nên sử dụng phân chuồng bình quân hơn 6 tấn/ha/vụ. Trong giai đoạn 15 năm (1980-1995) việc sản xuất và sử dụng phân hữu cơ có giảm sút, nhưng từ năm 1995 lại đây do yêu cầu thâm canh, do sự khuyến khích sản xuất, sử dụng phân hữu cơ được phục hồi, nên số lượng phân hữu cơ được sản xuất, sử dụng đã tăng lên đáng kể.

    Bón phân hữu cơ làm tăng năng suất cây trồng. Kết quả nghiên cứu khoa học trong rất nhiều năm của các viện, trường, cũng như kết quả điều tra kinh nghiệm của các hộ nông dân cho thấy, năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế cao, ổn định ở những nơi có bón tỷ lệ N hữu cơ và N vô cơ cân đối với tỷ lệ N tính từ hữu cơ chiếm khoảng 25-30% tổng nhu cầu của cây trồng. Ước tính do bón phân hữu cơ năng suất cây trồng đã tăng được 10-20%. Nếu tính riêng về thóc do bón phân hữu cơ (chủ yếu là phân chuồng) đã đạt khoảng 2,5-3,0 triệu tấn thóc/năm.

    Bón phân hữu cơ còn làm giảm bớt lượng phân khoáng cần bón do phân hữu cơ có chứa các nguyên tố di dưỡng đa lượng, trung lượng và vi lượng. Kết quả nghiên cứu và điều tra cho thấy nếu bón 10 tấn phân chuồng/ha có thể giảm bớt được 40-50% lượng phân kali cần bón.

    Không ai có thể phủ định chất hữu cơ đất quyết định tính ổn định độ phì nhiêu đất. Mất chất hữu cơ, đất mất khả năng canh tác và nếu muốn canh tác phải có đầu tư lớn.

    Bón chất hữu cơ sẽ cải thiện được các tính chất vật lý đất, hóa học và sinh học của đất; đồng thời hạn chế mức độ độc hại của một số nguyên tố như: nhôm (Al), sắt (Fe); giảm bớt sự cố định lân trong đất dưới tác dụng kết hợp Al3+, Fe3+ dưới dạng phức chất; nâng cao sự hoà tan lân ở dạng phốt phát sắt hoá trị ba dưới tác dụng khử ôxy.

    Bón phân hữu cơ có tác dụng làm giảm rửa trôi, giảm bốc hơi của phân đạm bón vào. Do đó, hiệu quả sử dụng của phân đạm vô cơ tăng lên, hiệu suất sử dụng phân đạm của lúa có thể tăng lên 30-40% trên nền bón phân hữu cơ so với nền không bón.

    Từ những tác dụng tổng hợp của phân hữu cơ đã nêu ở trên, bón phân hữu cơ góp phần cải thiện được chất lượng nông sản, nhất là với những cây rau, hoa quả, lúa đặc sản,… như giảm làm lượng nitrat, tăng hàm lượng vitamin, các hợp chất tạo hương, vị,…

    Phân hữu cơ được chia thành 2 nhóm:

    + Phân hữu cơ nhà nông (truyền thống)

    + Phân hữu cơ công nghiệp (hữu cơ khoáng, hữu cơ sinh học, phân vi sinh và hữu cơ vi sinh).

    Phân hữu cơ truyền thống

    Phân hữu cơ truyền thống là loại phân có nguồn gốc từ chất thải của người, động vật hoặc từ các phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, phân xanh, rác thải hữu cơ, các loại than bùn được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống. Có thể chia phân hữu cơ truyền thống ra làm 4 nhóm: i) Phân chuồng; ii) Phân rác; iii) Than bùn và iv) Phân xanh.

    i) Phân chuồng: có ưu điểm là chứa đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng đa, trung và vi lượng mà một loại phân bón vô cơ không có được. Ngoài ra, phân chuồng cung cấp chất mùn làm kết cấu của đất tốt lên, tơi xốp hơn, bộ rễ phát triển mạnh, hạn chế nước bốc hơi, chống được hạn, xói mòn. Tuy nhiên, phân chuồng cũng có nhược điểm như: hàm lượng chất dinh dưỡng thấp nên phải bón lượng lớn, đòi hỏi chi phí vận chuyển cao, ngoài ra nếu không chế biến kỹ có thể mang đến một số nấm bệnh cho cây trồng.

    Phân chuồng thường được nhà nông tự sản xuất chế biến. Phương pháp ủ phân chuồng được tiến hành như sau: Phân chuồng xếp thành lớp rộng nén chặt đến khi đống phân cao 1,5-2,0 m. Trát kín bùn, ở giữa chọc một lỗ hình phễu để tưới nước. Ủ từ 2 đến 6 tháng. Song thông thường, nên ủ phân chuồng với đất bột, với lân (bất cứ loại phân lân nào, tỷ lệ 2%), có thể thêm vôi (3-5%) cho phân nhanh hoai hơn, bớt chua, các vi sinh vật hoạt động thuận tiện hơn.

    ii) Phân rác: Loại phân này làm từ rơm, rạ; thân lá các cây ngô, đậu, đỗ, vỏ lạc, trấu, bã mía,… chặt thành đoạn ngắn 20-30 cm, có thể ngâm nước vôi loãng 2-3 ngày trước khi ủ. Phương pháp ủ phân rác được tiến hành như sau: phân rác xếp thành lớp và cứ 30 cm rắc một lớp vôi bột. Trát bùn, ủ khoảng 20 ngày, rồi đảo lại rắc phân lên men (phân bắc, phân chuồng, phân hóa học như đạm, lân) với tỷ lệ 20%. Xếp đủ cao, lại trát bùn, để hở lỗ để tưới thường xuyên. Ủ 45-60 ngày và có thể dùng bón lót, còn ủ lâu hơn nữa có thể dùng để bón thúc. Tùy theo nguyên liệu và kỹ thuật ủ, thành phần trung bình của phân rác là %: 0,5-0,6 N; 0,4-0,6 P2O5; 0,5-0,8 K2O; 3-6 CaO.

    iii) Than bùn: Trong quá trình cấu tạo địa chất, một số rừng cây bị phù sa vùi lấp lâu ngày, phân giải yếm khí, tạo thành than bùn. Dùng than bùn đã được phơi khô để độn chuồng, hoặc có thể dùng để chế biến phân rác, làm chất đốt, chất cải tạo đất. Than bùn thượng thành không dùng trực tiếp làm phân bón, chỉ để ủ phân rác hoặc độn chuồng; than bùn hạ thành có độ phân giải cao (>50%) và pH từ 5,5 trở lên có thể bón trực tiếp, nhất là dùng để làm chất cải tạo lý tính đất; than bùn chuyển tiếp là loại trung gian. Có 2 chỉ tiêu vật lý là sức chứa ẩm và mức độ phân giải để đánh giá chất lượng than bùn phục vụ cho sản xuất phân bón.

    Kết quả nghiên cứu của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa giai đoạn năm 2002-2003 với 224 mẫu than bùn ở 3 vùng trong nước ta cho thấy:

    – Hầu hết các mẫu than bùn đều có độ ẩm cao, trung bình là 42,1%, cao nhất là: 58,0% và thấp nhất là: 17,9%, trong đó, ở miền Bắc là 30,7%; vùng duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên là 48,5% và ở Đồng bằng sông Cửu Long 28,2%. Do độ ẩm cao nên nếu sử dụng than bùn làm phân bón thì phải tốn chi phí để sấy.

    – Các mẫu than bùn đều khá nhuyễn, mức độ phân giải trung bình là 35,3% khối lượng mẫu là nhỏ hơn 0,2 mm; cao nhất là 44,8% và thấp nhất là 25,3% và thích hợp cho sản xuất phân bón. Mức độ phân giải ở các mỏ là tương đối giống nhau và càng xuống sâu thì khả năng phân giải càng cao. Quy trình công nghệ sản xuất phân bón trên nền than bùn phổ biến là: Than bùn phơi khô, nghiền nhỏ, phối trộn vôi (nếu pH thấp), phụ gia, vi sinh vật, sau đó ủ một thời gian rồi đóng gói thành phẩm. Tùy theo đối tượng đất và cây trồng mà có thể thay đổi tỷ lệ mùn, N, P2O5, K2O, số lượng vi sinh,… trong quá trình phối trộn cho phù hợp. Bón phân từ nguồn gốc than bùn có tác dụng cải tạo đất tốt song khối lượng lớn do hàm lượng chất dinh dưỡng thấp.

    iv) Phân xanh: Phân xanh là tên gọi chung các cây hoặc lá cây tươi được ủ hay vùi thẳng xuống đất để bón ruộng. Đồng thời với tác dụng làm phân bón, cây phân xanh có thể phủ đất, chống xói mòn, bảo vệ đất và làm cây che bóng. Trong quá trình phân giải của cây phân xanh (vùi trong đất) nhất là ở điều kiện ngập nước, thường phát sinh ra nhiều hợp chất độc hại đối với cây như H2S, axit butiric, CH4, C2H2,… do đó, cần bón vôi, lân kèm theo để hạn chế. Phương pháp chế biến phân xanh thường là trộn với đất bột, phân lân, phân chuồng, trát kín bùn, ủ khoảng 1 tháng.

    v) Các loại phân hữu cơ khác: Phân bắc có chất lượng cao, nhưng cần ủ kỹ hoặc sát trùng trước khi dùng. Bình quân 1 người lớn thải ra trong 24 giờ là 133g phân tươi, gồm có 25g chất khô, 2g N, 4,5g tro, 1,35g P2O5 và 0,64g K2O. Phân gia cầm có thể là phân gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu. Tỷ lệ % trong phân tươi của các gia cầm biến động như sau: Nước: 56,0-77,5%; N: 0,55-1,76%; P2O5: 0,54-1,78%; K2O: 0,62-1,00%; CaO: 0,84-2,40%; MgO: 0,20-0,74%.

    vi) Bùn ao, bùn hồ, bùn sông có hàm lượng mùn trung bình là: 4,90% (dao động trong khoảng 1,65 –14,90%), N tổng số: 0,23% (dao động 0,11 –0,52%), P2O5 tổng số: 0,29% (dao động 0,21-0,48%), K2O tổng số: 0,40% (dao động 0,13-0,70%), H2S trung bình là 7,1 mg/100 g bùn (dao động 3,4 -13,6 mg/100 g) nên có thể bón cho cấy trồng.

    vi) Nước phù sa: Như chúng ta đã biết thuật ngữ “Phù sa” là chỉ hạt đất có kích thước từ thô đến mịn do bị cuốn theo các dòng chảy (sông, suối) và được lắng đọng ở ven sông, cửa sông hay gần bờ biển. Nước sông Hồng chứa trung bình 0,5 kg/m3 phù sa lúc bình thường và đến tháng 6, khi bắt đầu có lũ thì lên 1,8 kg/m3 và lũ to có thể đến 3,5 kg/m3. Thành phần phù sa sông Hồng như sau: pH 7,4-7,6; mùn –0,84-1,36%; N tổng số 0,10-0,15%; P2O5 tổng số 0,13-0,17%; K2O tổng số: 0,95-1,43%. Như vậy sử dụng nước phù sa để tưới đã cung cấp cho cây trồng, cho đất một lượng chất hữu cơ và một số các nguyên tố dinh dưỡng.

    vii) Khô dầu: là bã còn lại sau khi hạt đã ép lấy dầu. Tùy theo thành phần của mỗi loại khô dầu mà nông dân đã sử dụng như loại phân bón hữu cơ bón vào đất để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

    vi) Tro: Tro là chất còn lại của một số vật sau khi cháy hết và thường có màu xám. Trong nông nghiệp một số nguyên liệu thực vật như cây: sắn, bông, ngô, lá dừa, mạt cưa,… sau khi bị đốt có tỷ lệ tro và chất dinh dưỡng khá cao.

    Phân hữu cơ công nghiệp

    Phân hữu cơ công nghiệp là một loại phân được chế biến từ các nguồn hữu cơ khác nhau để tạo thành phân bón tốt hơn so với bón nguyên liệu thô ban đầu.

    Hiện nay có thể chia ra 5 loại phân hữu cơ công nghiệp, đó là: phân hữu cơ, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh.

    Phân bón hữu cơ được sản xuất theo quy trình công nghiệp

    i) Phân hữu cơ chế biến: là loại phân bón được sản xuất chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ với tiêu chuẩn như sau: ẩm độ đối với phân bón dạng bột không vượt quá 25%; hàm lượng hữu cơ tổng số không thấp hơn 22%; hàm lượng đạm tổng số (Nts) không thấp hơn 2,5%; pHH2O (đối với phân hữu cơ bón qua lá) trong khoảng từ 5-7.

    ii) Phân hữu cơ khoáng: là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ phối trộn thêm một hoặc nhiều yếu tố dinh dưỡng khoáng, trong đó có ít nhất một yếu tố dinh dưỡng khoáng đa lượng.

    iii) Phân hữu cơ sinh học: là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ theo quy trình lên men có sự tham gia của vi sinh vật sống có ích hoặc các tác nhân sinh học khác.

    iv) Phân vi sinh: là loại phân trong thành phần chủ yếu có chứa một hay nhiều loại vi sinh vật sống có ích bao gồm: nhóm vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải kali, phân giải xenlulo, vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật tăng khả năng quang hợp và các vi sinh vật có ích khác với mật độ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành là mật độ mỗi chủng VSV có ích không thấp hơn 1 x 108 CFU/g (ml).

    Trên cơ sở tính năng tác dụng của các chủng loại VSV sử dụng, phân bón VSV còn được gọi dưới các tên:

    – Phân VSV cố định nitơ (phân đạm vi sinh, nitragin) chứa các VSV sống cộng sinh với cây bộ đậu, hội sinh trong vùng rễ cây trồng cạn hay tự do trong đất, nước có khả năng sử dụng nitơ (N) từ không khí tổng hợp thành đạm cung cấp cho đất và cây trồng.

    – Phân VSV phân giải hợp chất phốt pho khó tan (phân lân vi sinh, photphobacterin) sản xuất từ các VSV có khả năng chuyển hóa các hợp chất phốt pho khó tan thành dễ tiêu cho cây trồng sử dụng.

    – Phân VSV kích thích, điều hòa sinh trưởng thực vật chứa các VSV có khả năng sản sinh hoạt chất sinh học có tác dụng điều hòa, kích thích quá trình trao đổi chất của cây.

    – Phân VSV có chứa các chủng VSV đối kháng vi khuẩn/vi nấm gây bệnh vùng rễ cây trồng cạn.

    – Phân VSV đa chủng, phân VSV chức năng có chứa hỗn hợp các VSV có khả năng cố định nitơ, phân giải phốt phát khó tan, sinh tổng hợp hoạt chất kích thích sinh trưởng thực vật và đối kháng vi khuẩn/vi nấm gây bệnh vùng rễ cây trồng có tác dụng cung cấp dinh dưỡng và nâng cao hiệu quả sử dụng phân khoáng, đồng thời có khả năng hạn chế bệnh vùng rễ cây trồng do vi khuẩn hoặc vi nấm gây ra, qua đó nâng cao năng suất nông sản và hiệu quả kinh tế.

    v) Phân hữu cơ vi sinh: là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có chứa ít nhất một chủng vi sinh vật sống có ích với mật độ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành, cụ thể như sau: hàm lượng hữu cơ tổng số không thấp hơn 15%; ẩm độ đối với phân bón dạng bột không vượt quá 30%; mật độ mỗi chủng VSV có ích không thấp hơn 1 x 106 CFU/g (ml).

    Trước công nguyên hơn 2000 năm loài người đã biết dùng phân hữu cơ bón ruộng cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng. Theo Phratus (372-287 trước công nguyên) phân hữu cơ đã được phân cấp chất lượng như sau: Tốt nhất là phân người (phân bắc) và sau đó lần lượt là các loại phân lợn, dê, cừu, bò cái, bò đực và kém hơn cả là phân ngựa.

    Dấu ấn người Việt Nam biết sử dụng phân hữu cơ để bón ruộng được Lê Quý Đôn (1773) viết trong cuốn Vân Đài Loại Ngữ ghi lại từ sách Tề Dâm Yếu Thuật: “Phép làm tốt ruộng thì trước hãy nên trồng đậu. Đậu xanh tốt hơn, thứ đến đậu nhỏ và vừng (hồ ma). Các thứ ấy đều trồng trong tháng 5 tháng 6. Đến tháng 7 tháng 8 thu hoạch xong, cày lật úp xuống, làm ruộng rồi trồng lúa thì mùa xuân năm sau mỗi mẫu thu được vài chục tạ thóc.

    (Nguồn: agrion.vn)

    * Tải tài liệu full của tác giả Bùi Huy Hiền: Phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp bền vững ở Việt Nam

Để lại câu trả lời