Chắc Cà Đao là gì?

Câu hỏi

Hồi nhỏ hay nghe người lớn nói “chắc cà đao” kiểu nói quen miệng để chỉ nó xa xôi, nhưng hỏi Chắc Cà Đao là gì thì không ai giải thích được. Từ chắc cà đao bắt nguồn từ đâu? Chắc Cà Đao ở đâu và nó có phải là một địa danh nào đó ở Việt Nam hay không?

Chắc Cà Đao là gì?

giải quyết 0
Thúy Vy 3 năm 2021-04-18T00:31:43+07:00 3 Câu trả lời 4544 lượt xem 0

Câu trả lời ( 2 )

  1. Chắc gì là Chắc Cà Đao

    Trong một chập cải lương nổi tiếng, một danh hài khi được hỏi quê ở đâu, bèn đáp gọn: “Tui ở Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, cùm tay lớn hơn cùm chưn”.

    Câu khôi hài vậy mà lại khiến nhiều người nhớ. Nó có duyên đến mức nhiều người chưa biết Chắc Cà Đao ở đâu cũng hay đáp “quê tôi ở tận Chắc Cà Đao” để nói rằng nhà ở xa xôi, hẻo lánh lắm.

    Tên gì như một tiếng rao

    Cái tên nghe lạ tai, âm tiết như một lời rao, đã từng gieo nhiều hiếu kỳ của người dân Nam Bộ lại là địa danh có thời nổi tiếng với nghề làm gạch ở cạnh Long Xuyên, một trong những đô thị lớn nhất vùng Tây Nam Bộ

    Các bậc cao niên tư lự trong đình thần Hòa Bình Thạnh (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang) rót trà mời khách mà chẳng màng quan tâm người đến từ đâu. Ông Phan Văn Như, trưởng ban úy tế đình thần, cho rằng con rạch Chắc Cà Đao này ngày trước voi đi nhiều quá thành lối mòn, rồi nước chảy, cá lội thành dòng cho đến nay.

    Còn vì sao gọi là Chắc Cà Đao thì dường như đây là một vấn đề khó. Chắc Cà Đao, cái tên quá khó hiểu, ngay cả với những người sống tại quê hương này cũng chẳng biết nó có nghĩa gì.

    Có thời người ta ám chỉ “dân Chắc Cà Đao” là người vùng hẻo lánh, quê mùa. Nó không mang nghĩa kỳ thị, mà cái địa danh với âm tiết lạ này hàm chứa điều gì đó khó hiểu, so với cách đặt tên thông thường của người miền Tây vốn hay lấy tích, địa mạo làm địa danh.

    Chính vì khó hiểu nên khi vào văn chương, người ta ngờ ngợ tên này có thật hay chỉ… tưởng tượng.

    Bà Nguyễn Thị Thể (67 tuổi), nhà bên kinh Chắc Cà Đao nói bà có chồng ở Bình Hòa, chỉ mới về đây có “hai ngoài năm”. “Đi xứ khác, mình nói mình dân Chắc Cà Đao người ta hông tin, cứ hỏi đi hỏi lại”.

    Còn bà Nguyễn Thị Ẩm (63 tuổi) nhà ở gần đó nói nhiều người sợ bị hỏi tới hỏi lui phiền phức, hay bị chọc là dân “nhà quê” nên “né” từ Chắc Cà Đao, và đáp quê họ ở cái địa danh mỹ từ: An Châu.

    Kỳ thật, Chắc Cà Đao nào có xa xôi, hẻo lánh. Từ thành phố Long Xuyên, An Giang theo quốc lộ 91 xuôi về Châu Đốc lối 10 cây số sẽ thấy một chiếc cầu có tên Chắc Cà Đao. Không ít người vỡ lẽ “à, thì ra Chắc Cà Đao là thiệt”.

    Dân vùng Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long… đi vía Bà Chúa xứ Núi Sam về, họ đắc ý kể cho xóm giềng biết là có một xứ tên là Chắc Cà Đao hẳn hoi. Nhưng cũng có người ít đi đây đó, vẫn bán tín bán nghi “tên gì mà như một riếng rao”.

    Hai bên bờ kênh Chắc Cà Đao chạy thẳng về những xóm làng nề nếp. Bờ hướng Long Xuyên là đường Trường Sa với chợ xe tấp nập, bờ hướng Châu Đốc là con đường Hoàng Sa chạy qua đình thần Hòa Bình Thạnh.

    Ông Út Khiêm, một chức sắc trong đình cổ này, nói ông cố mình là ông Cả Cường (Lê Văn Cường) có công xây dựng xóm làng này. Ông Khiêm cho rằng thời xưa xóm này có tên là Bình Hòa, sau nhập với xóm Cà Lâu bên trong và có tên mới là Hòa Bình Thạnh. Nhưng dù địa danh hành chánh có đổi dời thì cái tên Chắc Cà Đao vẫn gắn liền.

    Khi ông Sơn Nam và Vương Hồng Sển chưa ăn rơ

    Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoài Dũng, người am hiểu về vùng đất An Giang, vẫn chưa có xác cứ nào để khẳng định nguồn gốc tên Chắc Cà Đao. Đến giờ có vài giả thuyết của các bậc tiền bối.

    Nhưng ngay cả hai nhà văn, nhà nghiên cứu có nhiều ảnh hưởng của vùng đất miền Nam cũng không ăn rơ với nhau về nguồn gốc từ “Chắc Cà Đao”.

    Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Tự vị quốc âm miền Nam nhắc: “Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng Chắc Cà Đao là từ tiếng Khmer “chắp kdam“, có nghĩa là “bắt cua”. Lý giải cho giả thuyết này, học giả họ Vương cho rằng vì ngày trước vùng này có nhiều cua.

    Tuy nhiên, nhà văn Sơn Nam trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam lại cho rằng từ Chắc Cà Đao là đọc trại của từ “prek pedao“.

    Trong tiếng Khmer, từ “prek” có nghĩa là con rạch nhỏ (để phân biệt với “tonle” là con sông lớn, hay “stung” là con sông vừa); còn “pedao” có nghĩa là dây mây. Chắc Cà Đao là chỉ con rạch có nhiều mây rừng mọc hai bên.

    Cũng trong Tự vị quốc âm miền Nam, Vương Hồng Sển có nhắc đến ý kiến của nhà văn Sơn Nam, nhưng ông vẫn nghiêng giả thuyết của ông Nguyễn Văn Đính. Có lẽ vì ông cho rằng so với từ Chắc Cà Đao thì từ “chắp kdam” đọc nghe gần âm hơn “prek pedao”.

    Còn theo nhà nghiên cứu Đặng Hoài Dũng, ông nghiêng về giả thuyết của nhà văn Sơn Nam hơn bởi nó gần với thực tế địa phương: con rạch Chắc Cà Đao bắt nguồn từ sông Hậu chảy về một vùng đất trù phú trước kia có nhiều dây mây.

    Ở miền Tây, có thời nhiều học giả vẫn hay liên hệ những từ có âm gần giống với tiếng Khmer mà đưa ra giả thuyết nhiều địa danh (như Cà Mau giống từ “tuk kmau”, Sóc Trăng gần từ “Srok Kh’leang”).

    Cũng bởi vùng này một thời đất rộng người thưa, rất ít tài liệu còn lưu truyền có tính cặn kẽ, để lý giải về những địa danh được “Việt hóa” ấy. Nói vậy cũng không có nghĩa là trong quá trình thủ đắc vùng đất vốn hoang vu này, triều đình nhà Nguyễn đã không có lưu lại những tài liệu địa chí.

    Cụ Lê Quang Định (1759 – 1813) trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (năm 1806) có nhắc đến địa danh Chắc Cà Đao là “rạch Chạc Cà Đao ở bên phải (sông Hậu), rạch này rộng 3 tầm, sâu 1 tầm”, hay có đoạn khác nhắc “cù lao Chạc Cà Đao, trên đó là rừng rậm, không có dân cư”. Trong Địa bộ thôn Bình Hòa Trung (được lập năm 1836), địa danh Chắc Cà Đao cũng được ghi nhận.

    Cũng có ý kiến liên hệ với nhiều địa danh giống Chắc Cà Đao như Chắc Băng (ở Cà Mau), Chắc Ri, Chắc Re (ở Châu Đốc), hay Chăn Cà Na ở Chợ Mới (An Giang) để lý giải, có thể đây là địa danh được Việt hóa từ tiếng Khmer là prek pedao (Rạch Mây) hay prek kdam (Rạch Cua)…

    Theo tác giả Trần Hoàng Vũ, trong một bài viết đăng trên tạp chí Văn hóa – lịch sử An Giang (số 100, xuất bản tháng 7-2013) đã liên hệ sự kiện chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh đi bình định Nam Vang (Phnom Penh). Năm 1700 sau khi thắng trận, khoan hòa, ủy lạo dân chúng, Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về cù lao Sao Mộc (nay dân gọi cù lao Ông Chưởng ở Chợ Mới, An Giang).

    Sau cơn bạo bệnh, ông được chúa Nguyễn lệnh cho kéo binh về. Những binh lính có công muốn giải giáp ở lại khẩn hoang, tạo dựng cuộc sống được ông tâu về triều đình cấp đất lập làng. Trong số binh sĩ ở lại, phần đông thuộc các họ lớn là Nguyễn, Lê, Lý, Phan và men theo lưu vực sông Hậu mà lập nên làng Bình Phú.

    Làng Bình Phú có phạm vi rất rộng, giao thông đi lại khó khăn, nghĩa lễ giao lưu bất tiện nên những năm 1890, 1891 lần lượt các thôn được tách ra. Thôn Mặc Cần Dưng tách ra thành làng Bình Hòa; 4 họ lớn tách khỏi Bình Phú lập làng Hòa Bình Thạnh. Làng Hòa Bình Thạnh lấy con rạch Chắc Cà Đao làm trung tâm…

    “Nói này không biết đúng không, ngày trước khi ông Nguyễn Hữu Cảnh bị bệnh nặng, quan lính lo lắng hỏi han nhau, nhưng sức khỏe tướng là bí mật nên người ta chỉ dám lắc đầu trả lời “chắc là đau”. Rồi người ta gọi trại đi con rạch này là Chắc Cà Đao để nhớ chuyện xưa” – một ông cụ đến chơi đình nói. Và lại xuất hiện một giai thoại “Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, cùm tay lớn hơn cùm chân”…

    (Nguồn: tuoitre.vn/giai-mat-nhung-dia-danh-ky-la-ky-3-chac-gi-la-chac-ca-dao-20210219101530625.htm)

    4
    2021-04-18T01:11:01+07:00

    Chắc Cà Đao là ở đâu?

    Chắc Cà Đao là tên một địa danh thuộc Thị trấn An Châu, huyện Châu Thanh, tỉnh An Giang. Nếu bạn đi trên Quốc lộ 91 theo hướng Long Xuyên lên Châu Đốc thì đi khoản 9km gặp cầu Chắc Cà Đao. Cầu này bắt qua con kênh cùng tên. Đi qua cầu, bên phải là chợ Chắc Cà Đao (ngày nay là chợ An Châu) và các cơ quan hành chính huyện. Bên trái là làng nghề làm gập chuột và khu dân cư.

    Em là gái Chắc Cà Đao
    Xứ quê xa lắm anh nào có hay
    Thương anh còn một chút này
    Gửi thuyền cho bến, gửi mây cho trời
    Gặp đây là chút tình thôi
    Cõng nhau đi trọn kiếp đời mai sau…(1)

    Anh nào đọc mấy câu thơ trên chắc là muốn đến Chắc Cà Đao xem em gái ấy dễ thương thế nào mà thơ nghe thật trữ tình da diết, nhưng cũng có thể giật mình vì cái địa danh nghe cứ như… tắc kè tặc lưỡi thế này. Có lẽ ai đó một đôi lần trong đời có nghe nhắc đến địa danh Chắc Cà Đao như để ví một nơi nào đó xa lắc, quê mùa, có khi chỉ với mục đích gây cười là chính, nhất là các tiểu phẩm hài miền Nam: “Nhà nó ở tận… Chắc Cà Đao!”. Vậy Chắc Cà Đao có thật không và nếu có thì ở đâu? Có, và hôm nay tôi lại về Chắc Cà Đao.

    Ngày xưa, cụm từ “Chắc Cà Đao” ngoài việc được dùng để chỉ một xứ sở xa lơ xa lắc ở đâu đó tuốt dưới miền Tây, còn được ám chỉ một nhân vật “quê mùa, thô kệch” lắm (thằng đó ở Chắc Cà Đao). “Mặc Cần Dưng” cũng vậy, tưởng như ba cái từ để trêu chọc qua lại, ấy vậy mà nó có thật. Thật ra hai cụm từ trêu ngươi ấy luôn đi liền với nhau bởi nó là hai địa phương cũng chẳng xa nhau lắm.

    Dân thành phố, dân thị xã hay tỉnh lỵ nếu không gọị mấy anh chân lấm tay bùn ở đồng ruộng miền Tây là thằng “chắc cà đao’ thì cũng là thằng “mặc cần dưng”, nôm na lịch sự hơn thì gọi là anh “Tư Ếch”. Câu chuyện “Tư Ếch đi Sài Gòn” là câu chuyện dài theo kiểu “tiếu lâm đau đầu” khi nói về sự ngô nghê khờ khạo của những chàng nhà quê miền Tây ngày nào.

    Nhưng Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng ở đâu mà bị cho là quê mùa dữ vậy?

    Thật ra Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng là một địa phương có từ lâu đời của tỉnh An Giang, hai địa phương này chỉ cách Long Xuyên trong khoảng 10km trở lại. Sau 1975, cả hai đều thuộc huyện Châu Thành. Mặc Cần Dưng là xã Bình Hòa, huyện Châu Thành. Sau này Bình Hòa chia thành 2 xã Bình Hòa và An Hòa. Còn Chắc Cà Đao trước là Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành. Nay là thị trấn An Châu, tuy tên không còn nhưng chiếc cầu ngay thị trấn vẫn còn tên Chắc Cà Đao, như để hoài niệm về một thời xưa cũ.

    Về nguồn gốc tên gọi Chắc Cà Đao có nhiều giả thiết. Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Tự vị quốc âm miền Nam nói có hai cách lý giải:

    – Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng Chắc Cà Đao là do tiếng Khmer “chắp kdam” nghĩa là “bắt cua” vì vùng này xưa kia có nhiều cua.

    – Nhà nghiên cứu Sơn Nam nói Chắc Cà Đao là từ tiếng Khmer “prek pedao”. “Prek” là rạch, “pedao” là một loại dây mây (trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam thì Sơn Nam nói prek pedao là rạch có cây rừng mọc).

    Cụ Vương Hồng Sển cho rằng ý kiến ông Nguyễn Văn Đính đúng hơn. Có lẽ vì so với Chắc Cà Đao thì “chắp kdam” gần âm hơn là “prek pedao”. Tuy nhiên, theo cách nói của ông Nguyễn Văn Đính thì ta biết “chắp kdam” là một động từ, mà trong việc đặt tên cho các địa danh, người ta ít sử dụng động từ mà thường sử dụng danh từ hơn. Do đó, cách lý giải của nhà nghiên cứu Sơn Nam lại nghe có vẻ hợp lý hơn.

    Năm mươi năm đi qua, ai không biết An Giang hiện nay là vựa lúa của miền Tây. Những chàng “chắc cà đao” ngày nào không còn tồn tại. Vào thời buổi kinh tế thị trường, những anh nông dân An Giang đã trở thành những “cậu hai Long Xuyên” ăn chơi không kém “anh Hai Sài Gòn”. Có dịp về ngang vùng Long Xuyên, ghé lại một nhà hàng bên đường, thưởng thức những món đặc sản vùng nước nổi như ốc, rắn, chuột đồng hoặc thịt trâu hấp hèm… bên cạnh những cọng hẹ mỏng tang, cọng bông súng giòn rụm, lại được nghe tiếng đàn kìm và sáu câu vọng cổ đặc sệt Nam bộ mới thấy sự thay đổi của xứ sở này như thế nào…

    Những ai đi Châu Đốc thường ngang qua địa danh này, từ Long Xuyên theo quốc lộ 91 đến thị trấn An Châu thuộc huyện Châu Thành, chỉ hơn 6 cây số sẽ gặp một cây cầu tên là cầu Chắc Cà Đao, bắc ngang qua con kênh cùng tên. Vùng đất hai bên con kênh dài hơn 15 cây số này được gọi là làng Chắc Cà Đao, nhưng bây giờ ít ai dùng địa danh có nguồn gốc Khơme ấy nữa, người ta thích dùng tên “sang” hơn, tùy vị trí, khi là thị trấn An Châu, khi là xã Hòa Bình Thạnh, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

    Lần đầu tiên đến đây, năm 2007, tôi chưa hề biết vùng này có tên là Chắc Cà Đao. Sinh kế chủ yếu của cư dân vùng này tại thời điểm đó là sản xuất gạch, theo phương pháp nung thủ công, hầu hết các công đoạn sản xuất từ vận chuyển nguyên liệu đất sét, làm gạch mộc, xếp gạch mộc vào lò, dỡ gạch từ lò chuyển ra bãi chứa, chuyển gạch từ bãi chứa xuống kênh… tất cả đều sử dụng “động cơ” chạy bằng… cơm và 99% lao động là phụ nữ và trẻ em! Ngạc nhiên hỏi anh Nguyễn Ngọc Tâm, chủ của lò gạch Nam Hùng về lao động ở đây, anh Tâm không trả lời mà chỉ cười và đọc hai câu thành ngữ:

    Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng,
    Cùm tay bự hơn cùm chưn!
    Nghĩa là sao?

    – Vùng này xưa tên là Chắc Cà Đao, anh không thấy lao động thủ công từ nhỏ tới lớn, bưng bê suốt ngày như dzậy thì cùm tay bự hơn cùm chưn (chân) à?

    À, nghe có lý! Tất nhiên là thực tế không đến nỗi bắp tay lớn hơn bắp chân, nhưng hai câu thành ngữ với một chút thậm xưng ấy đủ nói lên nỗi vất vả của người dân ở những vùng đất này, Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng.

    Thật ra có người đọc là “Cùm chưn bự hơn cùm tay” và cho rằng “Đó là một câu nói vui, một dạng chơi chữ vô thưởng vô phạt” (2). Trao đổi với nhiều người tại An Giang cũng không ai chắc… cái nào bự hơn cái nào. Ở đây tôi không có ý định tranh luận ngữ nghĩa của hai câu thành ngữ trên, nhưng về mặt hiện thực cuộc sống và “yếu tố kỹ thuật”, tôi ủng hộ cách nói thậm xưng “Cùm tay bự hơn cùm chưn!”. Nếu nói “Cùm chưn bự hơn cùm tay” chỉ để “chơi chữ” với “Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng” cho vui, tôi nghĩ vậy thì “hơi bị” bình thường!

    Làng quê tên Mặc Cần Dưng
    Hướng lên Châu Đốc nửa chừng cầu cao.
    Dưới kia là Chắc Cà Đao,
    Cách tám cây số không sao lạc đường.
    Xuống kinh qua tới bờ mương,
    Nhà tôi mát rượi, cá lươn rất nhiều.
    Nuôi nhiều ăn chẳng bao nhiêu,
    Dành khi có khách sẽ chiêu đãi liền.
    Mong sao gặp được bạn hiền,
    Chén thù chén tạc thì tiên cũng hàng.
    Bao giờ có dịp đi ngang,
    Viếng Bà Chúa Xứ, ghé làng mình chơi…(3)

    Mặc Cần Dưng cũng là một địa danh có nguồn gốc Khơme và cũng chuyên sản xuất gạch thủ công như Chắc Cà Đao. Đọc thơ nghe toàn ăn chơi thấy ghiền, “tưởng chuyện sướng” không à, nhưng thực tế cuộc sống hàng ngày của cư dân ở đây không được an nhàn như vậy…

    Thống kê năm 2010 cho thấy vùng này có gần 500 lò gạch thủ công, sản xuất ra 100 triệu viên gạch mỗi tháng và giải quyết việc làm cho 2.500 lao động. Năm nay trở lại, sự nhộn nhịp một thời không còn nữa, những đám khói lò mịt mù nghi ngút một thời giờ bỗng thấy hiếm hoi, mặc dù vẫn còn đó những phụ nữ, những trẻ em vẫn cố oằn lưng cõng gạch vì cuộc mưu sinh. Nghe nói người ta dần bỏ nghề hết rồi, cứ 10 lò thì “treo” hết 8 lò, nghĩa là gần 2.000 người đã mất việc làm ở làng này, vì một lý do ít ai ngờ tới: giá trấu tăng lên chứ không còn rẻ hoặc miễn phí như xưa nữa… Các lò nung thủ công này đốt bằng trấu và thiết kế không hiệu quả về mặt năng lượng, trấu giờ “bỗng dưng” có giá do khan hiếm về nhiên liệu hóa thạch (chủ yếu là than đá), gạch sản xuất thủ công không cạnh tranh nổi gạch tuy-nen, và sự suy tàn của các lò gạch thủ công đốt trấu đang diễn ra không chỉ ở Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng mà còn nhiều nơi khác ở miền Tây…

    Trước đây tỉnh An Giang đã có chương trình chuyển đổi công nghệ cho các làng nghề gạch thủ công, trong đó có Chắc Cà Đao, dự kiến di dời các lò gạch vào các khu sản xuất tập trung để cải thiện môi trường với thời hạn là năm 2010, nhưng không đạt mục tiêu, sau đó kéo dài đến năm 2015. Thực tế đã có lò gạch thủ công như của anh Tâm chuyển đổi công nghệ tại chỗ theo hướng tiết kiệm năng lượng: giảm được hơn 50% lượng trấu và kiểm soát khí thải tốt hơn so với lò thủ công cũ, nhờ đó vẫn kiểm soát được chi phí sản xuất và hoạt động vẫn ổn định. Nhưng đại đa số người dân ở đây không đủ nguồn lực như anh Tâm, điều kiện tiếp cận tài chính hạn chế và chính sách hỗ trợ không phù hợp, nên đành chịu bó tay. Nay có lẽ khỏi cần thực hiện chương trình này nữa, quy luật đào thải cũng sẽ xóa xổ làng nghề. Những trẻ em, những phụ nữ ở đây sẽ chẳng còn phải oằn lưng cõng gạch, nhưng có lẽ họ sẽ phải tiếp tục oằn lưng vì công việc khác cho miếng cơm manh áo để tiếp tục “bao nhiêu năm làm kiếp con người”…

    Nói về trấu, trước đây, các cơ quan quản lý môi trường phải vất vả túc trực hàng đêm tại các nhà máy xay xát để cố gắng ngăn ngừa người ta thải trấu xuống sông, xuống kênh, nhưng trấu… “nhiều như trấu” thì nhân lực đâu ra mà quản lý cho xuể? Trấu được xem là một vấn nạn môi trường tại nơi được mệnh danh là vương quốc lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi đóng góp 50% sản lượng lúa của cả nước. Các nhà máy xay xát xem trấu là “của nợ”, phải trả tiền để được người ta đem ghe đến chở trấu đi.

    Nhưng những câu chuyện về vấn nạn trấu ấy đã thay đổi trong vòng hai năm trở lại đây, trấu bây giờ đã có giá. Chị Lan, chủ một nhà máy xay xát tại Chợ Mới, An Giang, cho biết: “Vụ đông xuân năm 2015, trấu được mua tại nhà máy xay xát với giá 600.000 đồng/tấn. Vụ thu đông năm 2014, sản lượng lúa thấp hơn, trấu thành “hiếm”, có lúc lên giá 1.000.000 đồng/tấn nhưng không đủ để bán”. Vậy là các nhà máy xay xát nay đã có thêm doanh thu từ bán trấu. Nói cách khác, trấu đang được đổi đời. Nhờ đó, các cơ quan quản lý môi trường “bất chiến tự nhiên thành”, không còn nỗi lo trấu thải, vì nay trấu là tiền. Câu ca dao “Xay lúa Đồng Nai, cơm gạo về ngài, tấm cám về tôi” có lẽ cần được cập nhật thêm một “điều khoản hợp tác”: trấu về ai?

    Trấu đã bắt đầu lên tiếng sau hàng ngàn năm “im như thóc”. Dự báo rằng, trong vòng 50 năm tới, cơ cấu của ngành công nghiệp lúa gạo, không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới, sẽ thay đổi nhờ việc tận dụng trấu như là một nguồn nhiên liệu thay thế, một loại tài nguyên tái tạo có giá trị. Sự đổi đời của trấu bắt đầu từ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong “cuộc chiến” giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong hơn 20 năm qua, tính từ khi Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được ký kết bởi 155 quốc gia vào tháng 6-1992 tại Rio de Janeiro, Brazil. Trong đó, tăng cường sử dụng năng lượng sạch để góp phần giảm phát thải khí nhà kính là một lựa chọn ưu tiên.

    Nếu bạn gõ vào Google cụm từ “củi trấu”, “viên trấu”, “máy ép củi trấu”…, sẽ có vài ngàn đến vài chục ngàn kết quả được hiện ra, nào là giới thiệu sản phẩm củi trấu, viên trấu, nào là “gương điển hình tiên tiến”, “tỉ phú củi trấu”, “vua củi trấu”, “anh hùng trấu”… Đã xuất hiện những loại hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) chuyên đầu tư và vận hành các lò hơi đốt trấu để cung cấp nhiệt cho các nhà máy công nghiệp, thay cho từng nhà máy phải tự đầu tư và vận hành những lò hơi đốt than, đốt dầu… Anh Bùi Văn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Gạo An Việt, đơn vị đang sở hữu một nhà máy sản xuất trấu viên tại Long Xuyên, An Giang, kể rằng có nhiều khách hàng nước ngoài tham khảo thông tin trên trang web của công ty và tự tìm đến tận nơi để đặt những đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn, nhưng công ty không đáp ứng nổi. Sản phẩm trấu viên Việt Nam hiện đang được các nhà nhập khẩu đến từ các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… săn lùng để cung cấp cho các lò công nghiệp và dân dụng (lò sưởi, lò sấy, lò hơi…).

    Ngồi quán bên dòng kênh Chắc Cà Đao, tiếp tục đàm luận với anh chị chủ quán về “cùm” nào bự hơn “cùm” nào. Vẫn gặp đó những người dân quê hiền hòa, vẫn gặp đó những trẻ em vô tư vẫy vùng trong dòng nước, lác đác vài ba học sinh đạp xe đi học về, lộc cộc chiếc xe trâu thủng thẳng trên đường làng mặc cho ai đó muốn vội vã vượt qua…

    Làng Chắc Cà Đao hay làng Hòa Bình Thạnh được lập khi nào và do đâu?

    Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu (Ang Saur, có sách ghi Nặc Ong Thu – Chey Chettha IV) đem quân tiến công Đại Việt. Trước đó, năm 1689, anh trai của Nguyễn Hữu Cảnh là Nguyễn Hữu Hào đã theo lệnh chúa Nguyễn đi bình định Nặc Thu nhưng không thành công.

    Chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh, cùng với Phó tướng Phạm Cẩm Long, Tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo việc đánh dẹp và an dân. Và thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến thẳng đến thành La Bích (Nam Vang), đánh tan quân của Nặc Thu.

    Sau khi vua Chân Lạp qui hàng, Nguyễn Hữu Cảnh cho thuyền ghé lại thăm nom, khích lệ dân chúng, dù Khmer, Hoa hay Việt, hãy cùng nhau gìn giữ tinh thần thân thiện, tắt lửa tối đèn có nhau. Những hành động khoan hòa, thiết thực, những cử chỉ ưu ái thật lòng của ông đã làm cho đồng bào vô cùng cảm mến.

    Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (sử cũ gọi Cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc hoặc châu Sao Mộc, sau dân địa phương nhớ ơn ông, nên gọi là Cù lao Ông Chưởng, nay thuộc Chợ Mới, An Giang), và báo tin thắng trận về kinh.

    Ở đây một thời gian ông bị “nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ, rồi bị trúng phong và thổ huyết, bịnh tình lần lần trầm trọng. Ông được lệnh Triều Đình kéo binh về.

    Trước khi rút binh, ông triệu tập binh lính dưới trước tuyên bố, ai muốn giải giáp ở lại khai hoang lập nghiệp ở vùng đất này thì ở lại, khai khẩn được bao nhiêu sẽ tâu với triều đình cấp đất lập làng.

    Lúc đó, một số binh sĩ xin được giải giáp ở lại, trong đó có 04 gánh họ lớn là: Lê, Lý, Phan, Nguyễn kéo đến vùng đất cặp sông Hậu khai khẩn và lập nên Làng Bình Phú và đứng đầu là vị quan Tuần Phủ (Thái Văn Huấn) dưới trướng Của Chưởng Binh Lễ Nguyễn Hữu Cảnh cai quản.

    Do địa hình phức tạp, rừng và sông ngòi chằng chịt, phương tiện giao thông khó khăn, nên hàng năm vào ngày giỗ của Quan Chưởng Binh Lễ (được lập đền thờ trong Làng) nhiều vị quan chức các thôn đến trễ nên bị trách phạt.

    Đến năm 1890 các vị hương chức ở thôn Mặc Cần Dưng xin phép Quan Phủ được tách làng lấy tên là Làng Bình Hòa.

    Học hỏi các vị làng Bình Hòa, đến năm 1891, 4 họ Lê, Lý, Phan, Nguyễn cũng xin được tách ra với làng Bình Phú và được chấp thuận lấy tên là Làng Hòa Bình Thạnh (lấy con rạch Chắc Cà Đao làm trung tâm).

    Đến năm 1892 thì xây dựng Ngôi Đình Làng để làm nơi làm việc của các Hương Chức và là nơi tụ tập sinh hoạt của dân làng.

    Sau năm 1975 thì làng Hòa Bình Thạnh được tách ra làm 3 Xã: An Châu, Hòa Bình Thạnh, Vĩnh Lợi. 3 xã này lấy Ngôi Đình Hòa Bình Thạnh làm nơi tụ tập sinh hoạt và tín ngưỡng.

    Đình thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh và là nơi tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công sáng lập Làng.

    Hàng Năm cứ đến ngày 16-17-18 tháng 2 Âm lịch, dân làng tập trung về Đình làng để tổ chức lễ hội cầu an, tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công sáng lập Làng. Lễ Hội được tổ chức suốt 3 ngày với sự đóng góp công sức và vật chất của dân làng, họ tụ tập vui chơi các trò chơi dân gian, ôn lại các câu hò… xem hát bội và cúng Thần Nông, Thần Hoàng bổn cảnh nguyện cầu cho Quốc Thái Dân An, Phong Hòa Vũ Thuận, mùa màng tươi tốt, dân làng được thụ hưởng sự ấm no hạnh phúc, nhà nhà an vui…

    (1) Thơ Cao Nguyên
    (2) (Trần Hoàng Vũ, Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang số 100, tháng 7-2013)

    (Nguồn: phongtuc.vn/chac-ca-dao-la-o-dau)

    Câu trả lời hay nhất
    Hủy câu trả lời hay nhất
  2. Chắc Cà Đao, “địa danh không tưởng”

    Không chỉ có thật, Chắc Cà Đao còn là vùng cửa ngõ trung tâm của huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, với tên gọi thị trấn An Châu.

    “Bộ ở Chắc Cà Đao hả?”, thường là câu “cà khịa” quen thuộc dành cho một người kỳ quặc thái quá nào đó. Kiểu kỳ quặc đến mức… chỉ có ở Chắc Cà Đao – một địa danh không thể có trên đời. Trong văn nói dân gian hiện đại, Chắc Cà Đao đã trở thành một “địa danh không tưởng”, giống danh từ chỉ thời gian không tưởng là “Tết Congo” với ý nghĩa không biết điều đó bao giờ mới xảy ra.

    Vậy mà, không chỉ có thật, Chắc Cà Đao còn là vùng cửa ngõ trung tâm của huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, với tên gọi thị trấn An Châu.

    Bờ sông vẫn gió

    Mới mờ sáng, chị dâu đã lay tôi dậy: “Út, chút nữa qua Chắc Đao ăn bánh mì xíu mại thịt khìa bà Sáu đi”. Chắc Đao là tên người dân quê tôi thường gọi Chắc Cà Đao – nơi mà muốn qua, phải đi thiệt sớm cho khỏi nắng. Trong ký ức tôi vẫn còn đó tiếng ba réo má: “Nhanh lên, đi sớm cho kịp con nước lớn của Chắc Đao bà ơi”. Rồi ba cõng tôi lúc đó hãy còn ngái ngủ xuống xuồng. Tiếng đưa xuồng đều đặn theo con sóng. Giăng mắt ra xa, chỉ thấy màn đêm đen kịt.

    Tiếng ba nhắc: “Mạnh tay bà ơi, vịnh Bà Lân nước xiết lắm, ráng bơi để tới Chắc Đao tám tới chín giờ sáng là vừa”. Dù không nhìn, tôi cũng biết mới được 1/5 chặng đường từ Chợ Mới qua Chắc Cà Đao, rồi vô ruộng trong kênh Hai Thứ, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Nhưng vịnh này không là gì so với vàm Chắc Cà Đao rộng lớn, nơi từng có nhiều thuyền ghe chìm – đó mới là thử thách thật sự với những người đi ruộng như ba má tôi.

    “Ghé đâu trước Út ơi?” – chị dâu tôi lên tiếng khi cả hai dừng trước cây cầu có cắm bảng “Cầu Chắc Cà Đao, Km68 + 963 QL91”. Chúng tôi thả bộ giữa cầu, nhìn rạch Chắc Cà Đao đỏ quạch phù sa đang êm đềm chảy. Hai bên bờ, nhà sàn, nhà gạch đều hướng cửa chính về phía sông. Trên cầu, tiếng xe chạy ầm ì. Dưới nước, tiếng xuồng nổ máy “tạch tạch”, ghe chở lúa, trái cây tấp nập ngược xuôi. Trước mặt là cửa sông, sau lưng là chợ cũ, mái đình. “Ra cửa sông đi chị” – tôi nói rồi tự cảm thấy bất ngờ vì sự lựa chọn có phần vô thức của mình.

    “Chú ơi, đường này đi ra cửa sông được không?”. Ông Nguyễn Văn Dũng (64 tuổi, ở ấp Hòa Long 4, thị trấn An Châu) đang chẻ củi bèn dừng tay lại, gật đầu: “Được chớ, xứ này cứ chạy cặp sông thì không sợ lạc đâu”. Khi biết tôi “hồi nhỏ ghé chợ Chắc Cà Đao hoài”, ông cười hiền: “Chắc Đao ai ở cũng thương, ai đi cũng nhớ”. Rồi ông chỉ tay ra sông: “Ngày xưa, con sông nhỏ xíu, nước cạn queo, xăn quần tới đầu gối là lội qua bên kia hái ổi, hái me nước miết. Hồi đó, xuồng ghe nườm nượp nhưng cá vẫn nhóc (nhiều) ăn không hết, phải ủ mắm, làm khô”.

    Bà Nguyễn Thị Năm (60 tuổi), vợ ông, ngồi gần đó, góp lời: “Ngày xưa ở đây đẹp lắm cô ơi, ngoài cửa sông có một bãi đất bồi y như bãi biển Nha Trang. Con nít tụi tui ra tắm sông rồi chơi trượt từ trên cao xuống. Giờ bãi đất lở sâu vô trong này”. Bà đánh thượt tiếng thở dài, đứng lên cắp nón lá và dẫn xe đạp ra, ngoắt: “Theo tui nè, tui dẫn ra cửa sông”.

    Hóa ra, “trong này”, ngay tay bà chỉ, là một căn nhà gạch cũ kỹ, to lớn và kiên cố, có phần lạc lõng với kiến trúc xung quanh. Bà Năm cho biết căn nhà cỡ 100 tuổi ấy của ông Sáu Tiếp, giàu nhất thời đó. Nhìn khoảng cách từ bờ đến cổng nhà chỉ trên dưới hai mét, chạnh lòng nghĩ trong lúc bờ bên Nhơn Mỹ ngày càng bồi, bên Chắc Cà Đao ngày càng lở, chẳng biết dấu tích sót lại cho sự phồn thịnh, trù phú của một thời này còn “giữ mình” được bao nhiêu năm nữa?

    Tôi bước nhanh về phía cửa sông Chắc Cà Đao đầy gió, một chi lưu của sông Hậu. Con rạch dài 15km này như “bến trú” an toàn cho bất cứ ai đi qua đoạn sông mênh mông chảy xiết trước đó. Trong trí nhớ của chị dâu tôi vẫn còn đó dáng hình con bé nhỏ loắt choắt tám tuổi, theo cha là ông Đỗ Văn Nhuệ (80 tuổi), nhà ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới mà làm ruộng tuốt miệt Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn.

    Mỗi lần vô ruộng, gia đình chị phải bơi xuồng và dẫn đàn bò ra vô cung đường này biết bao lần. Ba má chị có lần suýt bỏ mạng ở đây. Đêm, tiếng đập muỗi lép bép, tiếng đàn guitar phím lõm, câu vọng cổ mùi mẫn trong trăng non mới nhú là những ký ức không thể quên. Giờ cồn phía huyện Chợ Mới ngày càng bồi ra, đoạn sông mênh mông đã được thu hẹp, ghe xuồng qua lại không còn nỗi phập phồng như xưa kia.

    Qua chợ Chắc Cà Đao một đoạn, về hướng kênh 4 Tỗng là thủ phủ lò gạch. Nhìn đoàn người cõng gạch oằn lưng, trong đó có rất nhiều trẻ em và phụ nữ, lại nhớ bộ dạng cái đứa nhỏ xíu – là mình ngày xưa – lội ruộng cắt lúa. Có lẽ, đó cũng là một phần lịch sử của vùng đất này, nơi mà vẻ đẹp lao động cũng là một nét chấm phá thú vị. Các chị, các em chân yếu tay mềm là vậy, nhưng khi đỡ lấy chồng gạch gần cả chục viên để chất lên ghe lại thoăn thoắt lạ kỳ. Và cũng là các chị, tám ngón tay kẹp tám viên gạch để chất vào lò nung một cách rất điệu nghệ.

    Có lẽ dân Chắc Cà Đao chủ yếu là lao động thủ công, bưng bê cực nhọc, đôi tay thô ráp, chai cứng, to bè, nên xứ này mới có câu: “Chắc Cà Đao Mặc Cần Dưng/ Cùm tay lớn hơn cùm chưn”. “Giờ người ta làm lò gạch hiện đại, nhiều người bỏ nghề rồi” – chị dâu tôi nói. Khi chạy xe qua cặp kênh Chắc Cà Đao, vô tới gần chợ Ba Bằng, nhác chỉ còn lác đác vài lò gạch, không như cái thời gạch ngói nơi đây tản đi khắp nơi, qua Đồng Tháp, ngược Hà Tiên, tới tận Bạc Liêu, Cà Mau.

    Chắc cà Đao là Chắc Cà Đao, vậy thôi!

    Theo sử sách, Chắc Cà Đao được lưu tên trên bản đồ nước ta từ vài trăm năm trước. Nhà “Nam bộ học” Sơn Nam cho rằng, địa danh Chắc Cà Đao do chữ Khmer “prek pedao” mà ra, nghĩa là con rạch có nhiều dây mây. Còn trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam, cụ Vương Hồng Sển lại đồng tình với cách giải thích của ông Nguyễn Văn Đính, Chắc Cà Đao là một cách phát âm hình thành từ chữ Khmer “chắp kdam” (bắt cua) – vì vùng này xưa có nhiều cua.

    Chẳng biết sau rốt thế nào, có điều, người dân Chắc Cà Đao không bao giờ thắc mắc về cái tên này. Với họ, Chắc Cà Đao quen thuộc và tự nhiên như hơi thở, có gì mà thắc mắc.

    Mặc đồ bà ba đen, tóc búi củ tỏi, râu bạc trắng, ông Tư Bụng (tên khai sinh là Tạ Văn Hằng, 81 tuổi) đứng trầm ngâm nhìn con kênh Chắc Cà Đao. Xưa, gia đình ông sống trong ruộng sâu của Thoại Sơn, nhưng lúc ông bảy tuổi, “bom đạn ớn quá” nên ba má dẫn ông về đây, sống tới giờ đã 74 năm. “Ở đây hồi đó vắng dữ lắm cháu ơi, cây cối lại rậm rạp”, ông Tư Bụng kể chuyện, khoe nguyên nụ cười móm mém không còn chiếc răng nào.

    “Còn con sông Chắc Cà Đao này, nghe ông bà tui kể là hồi xưa voi đi mà thành sông đó, chớ không có ai đào hết. Sau này nhà nước mới cho xáng múc, xáng thổi nên sông mới bự và sâu như bây giờ”. Ông Tư nói một thôi một hồi, như thể đã lâu ông không sống lại những ngày xưa đó, cái thuở nghèo mà “sướng lắm à nghen”.

    Hồi đó, Chắc Cà Đao của ông là cái xứ ruộng đồng mênh mông, nhà nào cũng làm cả 100 công đất trở lên. Một năm chỉ có một mùa, sạ lúa xong thì chơi cho đến gần tết mới thu hoạch, nhà nào cũng ăn tết xông xênh. Nhắc tới tết, tới ấu thơ, đôi mắt màu trắng đục của ông Tư Bụng sáng lên. Đó là dịp nhà nào cũng quết bánh phồng, gói bánh tét. Hồi đó, làm vần công, cả xóm hôm nay làm cho nhà này, ngày mai xúm qua làm cho nhà khác, vui lắm.

    Ông Tư đang kể thì ông Lê Văn Khiêm (77 tuổi) – ông từ của đình Hòa Bình Thạnh – nhập hội. Ông là cháu cố của ông hương cả Lê Văn Cường, người lập đình và lập làng Hòa Bình Thạnh (là làng Chắc Cà Đao, sau này làng Hòa Bình Thạnh được đặt cho xã khác, còn Chắc Cà Đao đổi tên thành thị trấn An Châu) vào năm 1892. Qua lời ông kể, ngày xưa vùng này chủ yếu chỉ có ba họ lớn: Lê, Lý, Phan. Mọi người chăm chỉ khai hoang, trồng lúa nên ít lâu sau dân làng no ấm, phồn thịnh, tiến tới lập đình, lập làng.

    Nghe bạn già nhắc lại chuyện xưa, ông Khiêm vỗ đùi cái đét: “Ngày xưa lạc hậu, không máy móc, nhưng sống khỏe, nuôi bầy con khỏe re anh Tư ha”. Hai ông cụ thoắt cái biến thành những đứa trẻ lên bảy lên tám, thi nhau kể những món ăn và trò chơi dân gian xưa. Hai ông cứ mở miệng ra là “hồi đó”. “Hồi đó ngó bộ vui”. Và “ở đây bình yên lắm con ơi, thời chiến tranh cũng vậy, mà bây giờ cũng vậy”.

    Ai cũng có một dòng sông thiêng

    Hai chị em tôi tìm về chợ Chắc Cà Đao cũ. Ngôi chợ cũ sầm uất một thời giờ chỉ còn vài ba hàng quán lèo tèo. Sự trầm lắng của không gian hiện rõ trên nét mặt người bán hàng nước kiệm lời. “Mọi người qua chợ mới hết, sao chị không đi?” – tôi bắt chuyện. Chị nói cụt ngủn: “Quen ngồi ở đây rồi”. Nhìn chị, nhìn những vị khách mối – cũng chỉ vì quen chốn, có đi đâu vẫn quay về ngồi tám chuyện, nhìn cái quán nước nhỏ của chị lọt thỏm trong ngôi chợ cũ còn sót lại đó, bất giác nghĩ, đôi khi người ta chọn ở lại, đâu cần lý do, hỏi làm chi, “mắc mệt hà”.

    Chúng tôi gọi hai ly sữa đậu xanh như mấy chục năm trước mỗi khi ghé chợ. Trong cái nắng trưa thiêu đốt, giàn hoa giấy lả lơi từng chùm nửa trên bờ, nửa thả xuống mé sông. Ở ngay cầu thang lối xuống sông, có một bà cụ đang ngồi lấy tay vẩy nước như trẻ con chơi đùa. Tôi nghĩ bụng “chắc bà không được bình thường”. Rồi bà mở bung lọn tóc búi, và thả mình xuống nước. Hóa ra là một bà cụ tắm sông.

    Tôi hỏi: “Bà có hay tắm sông không bà?”. Bà tròn mắt nhìn tôi: “Ngày nào mà tui không tắm, nhỏ tới lớn chỉ tắm ở đây thôi”. “Nhà bà có nhà tắm không bà?”. Có lẽ, đến lượt bà nghĩ tôi có vấn đề, bà hơi cao giọng: “Có chứ sao không, nhưng tôi chỉ thích tắm sông, quen rồi”. Nói xong, bà lại hụp sâu xuống nước, chừng 30 giây sau bà nổi lên, hai tay vuốt nước trên mặt và cười sảng khoái, đầy vẻ tận hưởng.

    Bà cụ làm tôi nhớ đến sông Hằng linh thiêng của người Ấn Độ. Con sông được cho là ô nhiễm nặng, người tắm bên này, xác chết trôi ngay bên cạnh; nhưng người dân vẫn thản nhiên lặn ngụp trong nước, nhiệt thành và say mê. Dường như những cảnh báo ô nhiễm, nguy hiểm của khoa học đều không thể ngăn họ đến với dòng sông mẹ – dòng sông thiêng trong mình.

    Cũng như với bà Nguyễn Thị Bé (71 tuổi) ở ấp Hòa Long 1, thị trấn An Châu – bà cụ tắm sông mà tôi vừa nhắc – con kênh Chắc Cà Đao, nơi bà đã tắm từ thuở còn ẵm ngửa, đến lúc thiếu niên, qua trung niên và giờ đây là một bà lão, chẳng có lý do gì ngăn được bà vẫy vùng thỏa thích trong con sông thân thuộc, gắn bó cả đời người. Bà tắm theo cái tập quán cũ xưa của người vùng sông nước, mặc cho trong cái không khí đang phả quanh mình, hơi thở của hiện đại, của tiện nghi đã len khắp cái thị tứ quê hương.

    Chắc Cà Đao là một thị tứ thời hiện đại thứ thiệt; nhưng bằng một cách nào đó, nó vẫn giữ được nhịp sống chậm rãi. Từ cái lu nước trước sân, cái ấm trà bày sẵn giữa hiên nhà; cái khung cảnh ngồi chẻ củi ban trưa yên ắng của vợ chồng ông Dũng, cho đến hàng nước nằm đơn độc và cô hàng nước kiệm lời ở chợ cũ. Hay thậm chí, một tiệm bánh mì chỉ bán món xíu mại, bì, thịt khìa mấy chục năm, những người phụ nữ chơi loại bài tứ sắc xưa cũ, cụ bà tắm sông và sự xuất hiện của những cụ ông, cụ bà mặc áo bà ba nâu… Tất cả như từ trong một bộ phim âm bản “hồi nào đó” bước ra.

    Chiều muộn. Ở bến sông phía sau nhà thờ An Châu, ông Nguyễn Văn Thành (61 tuổi) kéo lưới lên được một mớ cá linh trắng ánh bạc. Một buổi chiều yên tĩnh chợt tan đi bởi tiếng lao xao của bọn trẻ đi đá banh về. Chúng nhảy ùm xuống dòng sông, mặc ông Thành kêu: “Mấy đứa bơi ở trong, đừng làm cá động để chú chài coi bây”. Nhưng trẻ con nhớ rồi quên đó, chài của ông kéo lên đã bớt đi ánh bạc của cá, bọn trẻ thấy có lỗi nên lảng đi, và chạy theo tôi khi thấy tôi cầm máy ảnh “tách tách”. “Cô ơi, cô ở kênh YouTube nào vậy? Để tụi con mở coi”. “Kênh Chắc Cà Đao” – tôi đùa. Bọn trẻ cười rộ: “Quê con đó nghen cô”.

    Có không ít điều tưởng chừng đã mất, người ta hồi cố, tìm lại cũng không thể; thì may mắn sao, ở xứ này, người dân quê vẫn còn nguyên sự chân chất, hồn hậu, hào sảng, sum vầy giữa đời, thuận theo tự nhiên.

    Lặng lẽ ngắm cửa sông Chắc Cà Đao trước khi về, thuyền ghe vẫn xuôi ngược ra vào. Chắc Cà Đao – cái tên ngộ nghĩnh, quê mùa, nhưng cả đường thủy lẫn đường bộ đều là tuyến đường huyết mạch của tỉnh, của khu vực. Từ Chợ Mới muốn đi ruộng ở các huyện Thoại Sơn, Châu Thành; hay từ Long Xuyên, muốn đi Châu Đốc, Hà Tiên, hay qua Campuchia, cũng phải qua Chắc Cà Đao. Một con rạch nhưng chứa quá nhiều phận người lưu lạc, những chuyến xe, chuyến đò đến rồi đi, quay quắt.

    Từ một con rạch nhỏ được đào ra để trở thành một con sông lớn như hiện nay, đó không chỉ là câu chuyện của năm tháng, mà còn là chuyện đời của đất và của cái không gian văn hóa – xã hội trương nở dần theo tốc độ phát triển của cái thị tứ bình yên, mặn mòi lâu năm bên bờ kênh này. Tôi tin vào con người, vào dòng kênh huyền thoại, tôi tin những người trẻ Chắc Cà Đao mà tôi gặp ở cửa sông với sự khát khao cháy bỏng: “Con muốn phụ ba con mua bán”, “Con muốn làm công an”, “Con muốn làm chủ”… sẽ giúp Chắc Cà Đao ngày càng phát triển hơn, mà vẫn giữ được nét đẹp hồn hậu, hào sảng, dung dị của đất và người.

    Tác giả: Thùy Dương

    (Nguồn: phunuonline.com.vn/chac-ca-dao-dia-danh-khong-tuong-a1426109.html)

Để lại câu trả lời