Quy trình xuất bản 1 cuốn sách thường mất bao lâu?

Câu hỏi

Mọi người ai đã từng làm ở nhà xuất bản hoặc công ty phát hành sách có thể cho mình biết là Quy trình để xuất bản một cuốn sách thường mất bao lâu và gồm những công đoạn gì? Ai sẽ là người kiểm duyệt cuối cùng 1 cuốn sách trước khi xuất bản đến tay bạn đọc?

Quy trình xuất bản sách

trong tiến trình 0
Nam Châm 5 năm 2019-10-24T21:21:43+07:00 3 Câu trả lời 3286 lượt xem 0

Câu trả lời ( 3 )

  1. Xuất bản một cuốn sách vừa khó, vừa dễ

    Chưa bao giờ ở Việt Nam, xuất bản một cuốn sách lại dễ dàng đến thế. Chi phí rẻ, mọi sự cấp phép đều có thể mua, mọi sự quảng bá có thể dùng tiền để đánh đổi. Tóm lại, một tác giả có sách xuất bản không còn là niềm tự hào vì tri thức và tâm huyết của mình được công nhận nữa, mà tất cả chỉ đơn thuần là kinh doanh. Cách đây vài năm, người ta quen mồm lải nhải việc các nhà văn phải xây dựng “thương hiệu”. Lúc đó tôi đã cười khẩy vì thầm nghĩ rằng tri thức và tâm huyết của tác giả có thể quy đổi ra tiền – một thứ vốn dĩ rẻ rúng và không xứng đáng với những gì một tác giả phải bỏ ra. Nhưng trên thực tế, một sự hỗn loạn đã xảy ra khi ai ai cũng có thể xuất bản sách, ai ai cũng có đủ chiêu trò xây dựng thương hiệu. Vậy thì, việc xuất bản quá dễ dàng đã kéo theo nó một tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

    Cách thức để xuất bản một cuốn sách

    Bạn có một bản thảo cần xuất bản. Đừng lo lắng gì cả! Có rất nhiều hình thức để xuất bản. Nếu bạn là người dư giả về tiền bạc, chuyện này rất dễ dàng. Nếu bạn có thực tài mà không có tiền, câu chuyện sẽ vô cùng, vô cùng phức tạp.

    Khi đã hoàn thiện bản thảo, việc đầu tiên phải làm đó là bạn phải gửi đến các nhà xuất bản hoặc các nhà sách để xin phép xuất bản. Tuy nhiên, các nhà xuất bản hiện nay vốn không có đủ tài chính với kế hoạch xuất bản dàn trải, họ sống bằng tiền bán giấy phép. Chỉ có một số các nhà xuất bản đủ sức sống trong thị trường sách hiện nay, như Nhà xuất bản Giáo dục (hiển nhiên, in sách giáo khoa quá bộn tiền), Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Tri Thức, Nhà xuất bản Hồng Đức, Nhà xuất bản Phụ Nữ… (Ở đây tôi nói “đủ sức sống”, có nghĩa là họ in sách và bán sách được ra thị trường chứ không sống bằng bao cấp hay bán giấy phép). Vậy nên, có một “cửa sau” hiệu quả hơn đó là các nhà sách như Nhã Nam, Đông Tây, Alpha Book, Đinh Tị, Thái Hà Book…v…v… Chứng năng chính thống của các bên này vốn dĩ là phát hành, tức là sau khi nhà xuất bản cho xuất bản một đầu sách, sẽ phân phối cho các bên nhà sách để bày bán. Tuy nhiên, các Nhà xuất bản với năng lực kinh doanh yếu kém đã không thể đảm nhiệm đúng chức trách của mình. Một số nhà sách có năng lực kinh doanh, có mối quan hệ với tác giả và dịch giả, đã đảm nhiệm vai trò như một nhà xuất bản. Câu hỏi đặt ra là, tại sao họ không chuyển hẳn mô hình kinh doanh sang Nhà xuất bản để có thể đường đường chính chính về mặt danh nghĩa. Đây là điều khó, bởi luật xuất bản Việt Nam chưa cho phép nhà xuất bản tư nhân. Mà các nhà sách lại không có quyền cấp giấy phép xuất bản, thế nên họ buộc phải mua giấy phép từ các Nhà xuất bản (vốn vẫn thuộc hệ thống nhà nước).

    Việc thứ hai bạn phải làm đó là… đợi. Nếu bạn bỏ tiền ra để in sách, quá trình “đợi” sẽ rút ngắn. Bạn chỉ phải đợi giấy phép từ nhà xuất bản. Nếu sách của bạn không động chạm quá nhiều đến chính trị và tên tuổi bạn chưa vào danh sách đen thì giấy phép là việc dễ dàng. Bạn sẽ mất từ 1 triệu rưỡi đến 3 triệu để có một giấy phép, tùy thuộc vào độ dày và uy tín của Nhà xuất bản. Nếu bạn không có tiền, bạn sẽ phải đợi biên tập đọc một lượt sách, nếu thấy sách có thể bán được và đạt được thỏa thuận với bạn, nhà sách mới mang đến nhà xuất bản để xin giấy phép. Qúa trình mất thời gian nhất đó là đợi biên tập của nhà sách duyệt về khả năng bán được của cuốn sách. Đây là một quá trình vừa mơ hồ vừa nguy hiểm, bởi đội ngũ biên tập của các nhà sách khá là kém trong khả năng thẩm định và chỉ dựa vào cảm tính để đánh giá mà không có quy chuẩn. Nếu bạn chịu mất tiền, bạn sẽ qua được cửa các nhà biên tập kém chất lượng này một cách dễ dàng.

    Đó là hai bước phức tạp nhất, sau đó mọi thứ trở nên dễ dàng hơn ở các khâu sửa chữa, biên tập, chế bản. Vẫn là câu cũ, có tiền thì mọi việc sẽ nhanh, không tiền thì bạn chỉ biết đợi. Tôi đã xuất bản 4 cuốn sách ở diện không có tiền, có cuốn mất 2 năm sau khi nộp bản thảo, có cuốn mất 1 năm. Chờ đợi quả thực là dài đằng đẵng như chờ người yêu.  Tập thơ mới nhất, tôi quyết định tự in và tất cả mọi khâu từ A đến Z như xin giấy phép, thiết kế, chế bản, in ấn… chỉ mất có 3 tháng, trong đó đã mất 2 tuần vì vướng Tết.

    Sau khi sách đã in xong, vấn đề còn lại là làm thế nào để sách tiếp cận được người đọc. Nếu sách của bạn được các Nhà xuất bản hay nhà sách chọn để xuất bản thì dễ rồi. Họ sẽ đảm nhiệm việc phân phối đến tất cả các hệ thống trong mối quan hệ của họ. Họ sẽ rải thông cáo báo chí trên một số website. Tốt nhất bạn nên có nhiều mối quan hệ trong giới báo chí và phê bình. Bạn có thể ỏn thót nhờ người viết bài giới thiệu, bài cảm nghĩ (có thể mất tiền hoặc không). Nếu bạn không có mối quan hệ, lại không có tiền nữa, thì dù tác phẩm của bạn hay đến đâu cũng chẳng ai quan tâm. Đó là lý do các bên xuất bản sách thường thích các tác giả có “thương hiệu”, bởi các bên ấy sẽ tận dụng được danh tiếng và mối quan hệ của tác giả, dịch giả mà không cần tốn tiền cho truyền thông. Tóm lại, nếu bạn có tiền và có quan hệ để mua người viết bài trên báo chí, tổ chức sự kiện ra mắt sách, mua quảng cáo…v…v… thì sách của bạn sẽ nhanh chóng nổi tiếng dù dở tệ. Còn nếu bạn viết hay đến mấy, nhưng không có tiền, không có quan hệ thì kể cả có ra được sách, bạn vẫn chìm nghỉm giữa mớ hổ lốn của thị trường sách Việt Nam mà thôi.

    Thị trường sách như một mớ hổ lốn

    Cơ chế dễ dãi như đã kể trên đã mang lại sự phong phú cho thị trường sách với các đầu sách đa đạng, được in dồn dập. Thế nhưng, nó lại tạo ra tình trạng vàng thau lẫn lộn. Tình trạng vàng thau lẫn lộn này đến từ mấy vấn đề tắc trách sau:

    Thứ nhất là sự cấp phép của các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất: không đề cập đến vấn đề nhạy cảm. Trước đây, cái phổ “nhạy cảm” rất rộng. Nhưng hiện nay, phổ nhạy cảm chỉ gói gọn trong vấn đề chính trị mà thôi. Bất cứ cuốn sách nào, chỉ cần không chửi Đảng, không chửi Hồ Chí Minh, không chửi chính quyền thì đều có thể cấp giấy phép xuất bản. Trong khi ấy, nhiệm vụ của các Nhà xuất bản còn phải xem xét các vấn đề về bản quyền, chuẩn tiếng Việt và chuẩn kiến thức. Hiện có rất ít các Nhà xuất bản còn quan tâm đến vấn đề này khi bán giấy phép.

    Thứ hai là đội ngũ biên tập hoặc cố vấn nội dung của nhà sách. Hầu như họ không có chuyên ngành về xuất bản, biên tập hay đánh giá thị trường cũng như năng lực của người viết. Tất cả đều dựa trên cảm tính hoặc mối quan hệ trong quá trình chọn lọc sách, thậm chí tệ hơn, khi tác giả bỏ tiền ra để in thì họ cũng không quan tâm đến chất lượng sách. Hiện không có nhiều nhà sách có đội ngũ biên tập viên hoặc cố vấn nội dung tốt, nhưng cái “tốt” ở đây vẫn dựa trên việc cảm tính tốt chứ không đánh giá được thị trường.

    Thứ ba là giới phê bình sách hiện nay không còn viết bằng sự công tâm hoặc sự yêu thích với sách, mà chỉ viết khi có đơn đặt hàng hoặc bạn bè nhờ vả. Không có giới phê bình đúng nghĩa, tất cả chỉ còn là các chiêu bài PR sách. Người đọc chỉ có thể có niềm tin rằng sách được PR càng nhiều thì càng có chất lượng, bởi không thì tại sao Nhà xuất bản hoặc nhà sách lại bỏ tiền PR. Nếu bạn đọc lại phần trên sẽ rõ, câu chuyện PR sách không đơn giản như bạn tưởng.

    Thứ tư là do chính người đọc như bạn và tôi. Nếu chúng ta dễ dàng tin tưởng vào những gì đập vào mắt chúng ta mà không tự rèn luyện, tìm tòi để xây dựng cho mình một chuẩn đọc riêng, thì chính thói quen đọc sách dễ dãi của chúng ta cũng là tác nhân gây ra sự hỗn loạn trong thị trường sách.

    Thế đấy, khi bạn ra nhà sách hoặc lên các trang bán sách trên mạng để tìm sách, rất dễ để bạn trở thành nạn nhân của một thị trường hỗn loạn. Và nếu ai cho rằng văn hóa đọc ở Việt Nam đang phát triển vì các đầu sách được xuất bản rất đa dạng thì kẻ đó thật sự không hiểu gì về sách hoặc đang trục lợi từ thị trường hỗn tạp này. Vậy nên, hãy cân nhắc khi mua một cuốn sách.

    Tác giả: Hà Thủy Nguyên

    (Nguồn: bookhunterclub.com)

    Chọn là câu trả lời hay nhất
  2. Các bước để xuất bản một cuốn sách

    Update: Tại sao mình không trả lời private message/comment của một số bạn về chuyện xuất bản.

    1. Mình đã rời khỏi nghề xuất bản sách đã lâu (hơn 8 năm) nên mình không phải là nguồn thông tin update nữa. Note này chỉ như một dạng introduction để các bạn tiện hình dung các bước. Các bạn thực sự muốn xuất bản sách, hãy tìm cho ra những người còn trong nghề và đuổi theo họ tới cùng.

    2. Các câu hỏi nhằm vào việc xuất bản của cá nhân bạn. Mình không thể giúp được, vì ai muốn làm sách, in sách thì phải tự ra đường mày mò và google thôi. Các bạn muốn in sách loại gì, thì việc đầu tiên là phải tìm NXB phù hợp. Cách tìm có nêu trong bài.

    3. Các bạn gửi cho mình những message với chữ nghĩa viết tắt, ký hiệu xì tin… Xin lỗi, đến là friend request mình cũng không dám nhận. Chúng ta không thuộc về nhau.

    4. Mình ít khi trả lời những message từ người không quen.

    Mình hem phải là chuyên gia, nên mình chỉ viết ra mấy cái này dựa trên kinh nghiệm cá nhân của một người từng làm trong một công ty sách và giới thiệu nhà xuất bản cho một vài tác giả nhé. Anh chị em nào làm xuất bản mà thấy thiếu sót gì xin bổ sung thêm.

    Trường hợp bạn là tác giả

    Có hai kiểu tác giả:

    Tác giả mà là hot blogger, có sẵn tác phẩm đăng ở website/blog/facebook của mình, được dăm bảy nghìn like thì các nhà xuất bản sẽ tự tìm đến. Nghệ thuật câu like không phải sở trường của mình nên mình xin miễn có ý kiến.

    Tác giả chưa hot, nhưng tin rằng mình ra sách thì sẽ hot, cần hoàn thành tác phẩm của mình và gửi cho các nhà xuất bản. Trước đây, khi mình còn làm NN, có khá nhiều tác giả gửi các đề cương tác phẩm cho bọn mình và nói: Nếu NXB thấy hay thì em xin viết tiếp. Không nên làm như vậy, trừ trường hợp bạn là người thân thiết với giám đốc NXB. Nếu bạn không thân thiết với ai, thì có nguy cơ cao họ sẽ bỏ qua đề cương của bạn.

    Vậy, bước thứ nhất là viết cho xong.

    Bước thứ hai, tìm nhà xuất bản phù hợp. Trên thị trường bây giờ có rất nhiều nhà xuất bản tư nhân – hay còn được gọi là các công ty sách. Mỗi NXB lại có một tiêu chí. Bí quyết chọn là gì? Bạn tìm trên giá sách của các hiệu sách một cuốn mà bạn cho rằng gần tương đồng nhất với tác phẩm của mình và liên hệ với công ty sách đó. Công ty này từ chối thì bạn hỏi công ty khác. Nếu bạn gửi chừng 2 tuần mà không thấy họ trả lời thì cũng nên đổi công ty luôn.

    Nếu bạn may mắn quen biết với một ai đó trong NXB mà bạn nhắm tới, hãy nhờ vả họ.

    Bước thứ ba, nếu công ty sách đã nhận xuất bản sách của bạn, họ sẽ gửi cho bạn một mẫu hợp đồng với các điều khoản cụ thể. Cái này là chuyện tế nhị và chính sách của từng công ty, nên mình không thể tiết lộ cụ thể. Tuy nhiên, bạn đừng sốc khi thấy con số nhuận bút của bạn (được tính theo % bản in và giá bìa) lại chẳng hề cao như bạn mong chờ. Bất cứ một ai từng tự in sách, sau khi vất vả cho sách ra đời, cũng sẽ nhận ra rằng tỉ lệ % đó không có gì là quá bất công (nhưng nhận định này cũng không phải là đúng cho tất cả các trường hợp nhé).

    Bước thứ tư, trong trường hợp bạn viết sách cho trẻ em và cần minh họa. Bạn nên đề nghị nhà xuất bản cho tham gia vào phần bàn bạc với họa sĩ. Các họa sĩ cần điều này, bạn cũng cần điều này.
    Bước thứ năm, ngồi chờ ngày ra sách và muốn mần chi thì mần.

    Trường hợp bạn là dịch giả

    Có hai kiểu dịch giả:

    Kiểu dịch giả được công ty sách nhờ cậy thì đơn giản, mình cũng không cần bàn đến nữa.

    Kiểu dịch giả tự nhiên tìm được một cuốn sách hay, muốn dịch và xuất bản ở Việt Nam.

    Bước thứ nhất là bạn nên tìm hiểu sách ấy đã được công ty sách nào in ra chưa, đã bán trên thị trường chưa. Google một phút là ra, trong trường hợp sách đã được xuất bản. Nếu sách chưa có ai xuất bản tại Việt Nam, bạn nên tiến hành bước thứ hai.

    Bước thứ hai, giới thiệu nó đến một nhà xuất bản. Nhà xuất bản làm sách dịch ở Việt Nam có Nhã Nam, Trẻ, Thái Hà, Alpha Book… Tùy theo thể loại sách của bạn, bạn nên tự chọn lấy nhà sách phù hợp. Nếu công ty sách ưng bụng sách bạn giới thiệu, họ sẽ tìm mua bản quyền, biên tập lại bản dịch của bạn và cho ra sách.

    Tuy nhiên, sẽ luôn có một khả năng, dù nhỏ – là dù họ rất ưng cuốn sách bạn giới thiệu, nhưng họ không ưng bản dịch của bạn. Đừng coi đó là vấn đề cá nhân, dù nó rất cá nhân. Điều ấy có nghĩa là bạn cần cố gắng hơn nữa trong việc dịch sách. Giỏi ngoại ngữ không phải là tất cả.

    Bước thứ hai – trong trường hợp bạn muốn tự in sách: Bạn phải mua bản quyền. Bạn có thể tìm ra agency của tác giả bằng cách google hoặc gửi mail qua website chính thức của họ. Chuyện mua bản quyền khó hay dễ tùy thuộc vào từng trường hợp. Nhưng nếu bạn muốn mua bản quyền sách của một tác giả nổi tiếng, popular, đương đại thì khả năng bạn tự mua được bản quyền rất thấp.

    Tại sao? Hầu hết các tác giả lớn trên thế giới đều do các agency lớn quản lý. Các agency lớn đó lại có các agency trung gian theo khu vực. Trong trường hợp của Việt Nam, nhiều agency lớn làm việc thông qua một agency trung gian ở Thái Lan, có tên là Tuttle-Mori, và Tuttle-Mori sẽ thích làm việc với các công ty sách hơn với bạn. Các agency cũng thường giữ mối quan hệ với các công ty sách tại Việt Nam bằng cách ưu tiên giới thiệu các tác giả lớn và best-seller cho họ. Đặc biệt, nếu bạn muốn mua bản quyền sách của một tác giả lớn đã có sách bán tại Việt Nam, thì agency luôn hỏi ý kiến NXB đã in sách của họ trước xem NXB ấy có muốn mua bản quyền cuốn đó không. Nếu NXB nói Không, họ mới để ý đến bạn. Và các NXB ít khi nói Không lắm.

    Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là bạn không có cơ hội. Cứ thử. Vì tác giả không quá popular, thì cơ hội vẫn nằm trong tay bạn.

    Và cũng vẫn có một khả năng là dù bản quyền có thể vào tay bạn, nhưng tác giả không ưng bản dịch của bạn. He he.

    Bước thứ ba: Xin giấy phép – áp dụng cho cả trường hợp TÁC GIẢ tự in sách (Phần này là của bạn Trần Duy Nguyễn chia sẻ).

    Bạn cần liên hệ với một NXB Nhà nước để xin liên kết xuất bản, hay dân gian vẫn gọi là mua giấy phép. Tùy nhà xuất bản sẽ khó hay dễ, nhưng quy trình thường là sẽ qua các bước sau:
    – NXB nhận bản thảo hoàn chỉnh, đã dàn trang và thiết kế bìa.
    – NXB tiến hành đăng ký giấy phép (nhanh nhất là trong thời gian 7 ngày làm việc) và tiến hành đọc duyệt nội dung bản thảo (thời gian duyệt bản thảo tùy vào nội dung, chất lượng bản thảo). Cụ thể:
    – Biên tập viên (BTV) đọc bon lần 1 (Bon 1) và trình Ban Giám đốc duyệt bản thảo và chuyển lại cho người liên kết chỉnh sửa bản thảo theo đề xuất của BTV.
    – Sau khi người liên kết chỉnh sửa xong bản thảo thì in bản mới (bon 2) kèm bản bon 1 chuyển lại NXB để BTV kiểm tra, đối chiếu và đề nghị cấp phép (bon 1 NXB sẽ lưu, bon 2 sẽ đóng dấu để người liên kết chuyển nhà in).
    – Lúc này, người liên kết sẽ nhận được 1 giấy phép gọi là Quyết định xuất bản (có Quyết định xuất bản rồi thì mới được in sách)
    – Khi đó người liên kết phải yêu cầu nhà in làm Hợp đồng in 3 bên gồm Nhà in, NXB và người liên kết. Nhà in và người liên kết ký tên, đóng dấu trước và gửi NXB ký sau (NXB sau ký tên đóng dấu sẽ gửi lại các bản lưu cho nhà in và người liên kết).
    – Lưu ý: Tuyệt đối không ký Hợp đồng in 2 bên giữa Người liên kết và Nhà in vì sai qui định của Luật xuất bản, khi đó NXB sẽ không duyệt phát hành cho tác phẩm.
    – Sách in xong Người liên kết phải nộp sách đã in cho NXB (Số lượng in từ 1.000 trở lên nộp 20 cuốn, số lượng 500 trở xuống nộp 15 cuốn) để tiến hành làm thủ tục lưu chiểu cho Cục Xuất bản in và Phát hành. Sau khi Cục Xuất bản In và Phát hành nhận được sách của NXB gửi, căn cứ vào ngày ký xác nhận của CXBIPH, 10 ngày sau, nếu CXBIPH không có ý kiến gì thì NXB sẽ ký Quyết định phát hành cho tác phẩm. (Dự kiến thời gian là 3 tuần – 1 tháng).
    – Như vậy sẽ có 2 giấy phép liên quan: 1 là Quyết định xuất bản = cho phép in; 2 là Quyết định xuất bản = cho phép bán.

    Bước thứ tư: Chọn nhà in, và in sách

    – Kiểm tra nhà in có chức năng in xuất bản phẩm không, tốt nhất là sử dụng những nhà in trong trang lưu chiểu trên các sách đã bán trên thị trường.

    – Phần này, khi in, tốt nhất bạn nên có một người tư vấn về kỹ thuật như dàn trang như thế nào, chỉnh hệ màu ra làm sao, phải canh lề, tràn nền như thế nào để sau khi in xong xén không bị mất nội dung.

    – Có một ngộ nhận khá thông thường là nhà in sẽ in dư ra rồi đem đi bán gọi là sách lậu, thật ra là phụ thuộc vào đơn vị xuất bản hơn, vì nhà in họ không dư nguồn lực để in thêm ra rồi đem bán đâu, họ làm in là đủ giàu và bận rộn rồi. Chỉ có trường hợp đơn vị xuất bản chủ động xin giấy phép ít nhưng in nhiều hơn rồi đem bán thôi.

    Tác giả: Huyên Phương Lê

    Chọn là câu trả lời hay nhất
    1
    2020-11-21T17:37:55+07:00

    Linh Kona là tác giả của 4 cuốn sách viết về môi giới Bất động sản. Mới đây chị có làm clip chia sẻ về quy trình xuất bản 1 cuốn sách, chị đều tự làm tính từ lúc viết sách đến lúc phát hành 1 cuốn sách ra thị trường.

    Xem clip: Linh Kona chia sẻ quy trình viết sách, xuất bản sách hoàn chỉnh

    Chọn là câu trả lời hay nhất

Để lại câu trả lời