Lịch sử 9: Bến tiếp nhận chi viện vũ khí nào ra đời năm 1961?

Câu hỏi

Đêm 18/9/1961, chuyến hàng đầu tiên từ miền Bắc mang 35 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Nam bộ vào đến Cà Mau. Từ thành công này, nhiều bến tiếp nhận chi viện nào đã ra đời trong năm 1961?

Lịch sử chi viện vũ khí miền Nam 1961

trong tiến trình 0
Linh28 4 năm 2019-12-11T10:25:39+07:00 4 Câu trả lời 761 lượt xem 0

Câu trả lời ( 4 )

    1
    2019-12-11T11:43:43+07:00

    Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam

    Là một trong ba huyện duyên hải của tỉnh Bến Tre, Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, phía tây giáp huyện Mỏ Cày Nam, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía bắc giáp huyện Ba Tri, có ranh giới chung là con sông Hàm Luông. Thạnh Phú có địa hình gồm những cánh đồng bằng phẳng xen kẽ với những giồng cát, nổng cát và những khu rừng ngập mặn. Với chiều dài bờ biển khoảng 25 km, ở ven biển, ven sông là những dải rừng ráng, chà là, dừa nước, …nên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thạnh Phú là căn cứ an toàn của tỉnh, của Khu 8, với nhiều cơ quan, bệnh viện, trường học, công binh xưởng,… đóng trên địa bàn huyện. Nhân dân Thạnh Phú có truyền thống yêu nước, chống xâm lược.

    Từ năm 1946 đến năm 1970, đã có trên 20 chuyến tàu của những đoàn tàu không số, chở hàng ngàn tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam cập bến vùng căn cứ Thạnh Phong và được chuyển tiếp đến các chiến trường miền Đông và miền Tây Nam bộ. Vì vậy, khu di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam ở xã Thạnh Phong được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23-12-1995, và xã Thạnh Phong cũng đã được Nhà nước tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

    Khu di tích Đầu cầu tiếp nhận chi viện vũ khí Bắc Nam thuộc xã Thạnh Phong, gồm vàm Khâu Băng, cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn, nằm cách thị trấn Thạnh Phú 25 km, cách thành phố Bến Tre khoảng 70 km. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây đã diễn ra hai lần vượt biển của đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre từ xã Thạnh Phong ra Hà Nội để gặp Trung ương Đảng và Bác Hồ, báo cáo tình hình và xin chi viện cho chiến trường miền Nam. Lần thứ nhất là vào đầu tháng 4-1946 và lần thứ hai diễn ra vào ngày 1-6-1961.

    Sau một thời gian chuẩn bị, vào một ngày cuối tháng 3-1946, chiếc thuyền chở đoàn cán bộ tỉnh Bến Tre xuất phát từ Cồn Lợi, xã Thạnh Phong ra Bắc được khởi hành. Sau những ngày vượt biển đầy khó khăn gian khổ, cuối cùng đoàn cũng đến được thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đoàn được chính quyền cách mạng địa phương đón tiếp và sau đó đoàn đi xe lửa ra Hà Nội, được gặp Trung ương Đảng và Bác Hồ. Sau một thời gian đến Hà Nội, hai người đi trong đoàn là ông Ca Văn Thỉnh và bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được Trung ương quyết định ở lại nhận nhiệm vụ mới, còn bà Nguyễn Thị Định được giao nhiệm vụ trở về Nam bộ. Từ bờ biển tỉnh Phú Yên, bà Ba Ðịnh đã cùng với anh em thủy thủ đưa về Bến Tre một thuyền chở đầy vũ khí do Trung ương chi viện. Chuyến đi thắng lợi này mang ý nghĩa mở đường, cắm một cột mốc lịch sử về một con đường tiếp tế trên biển Đông từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường Nam và cũng đã để lại bao nhiêu huyền thoại.

    Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 ký kết, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tiến hành các chiến dịch khủng bố, đánh phá phong trào cách mạng miền Nam. Nhân dân miền Nam sống dưới ách thống trị tàn bạo của bọn Mỹ-Diệm, nhất là khi Luật 10/59 ra đời, không còn con đường nào khác nên đồng bào ta phải vùng lên đấu tranh để bảo vệ quyền sống, giải phóng quê hương, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

    Cuộc Đồng khởi mà điểm xuất phát đầu tiên diễn ra tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre vào ngày 17-1-1960, đã mở ra cao trào của cách mạng miền Nam từ năm 1960 và đã đưa đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 20-12-1960. Bước vào năm 1961, cách mạng miền Nam đã chuyển từ khởi nghĩa từng phần ở nông thôn lên chiến tranh cách mạng. Nhu cầu phát triển phong trào cách mạng của Bến Tre đòi hỏi cần có sự chi viện về vũ khí để trang bị cho những đội vũ trang mới thành lập đủ mạnh để đối phó âm mưu và thủ đoạn của địch. Cũng lúc này, Tỉnh ủy nhận được chỉ thị của Trung ương và Xứ ủy Nam bộ cần cử một đoàn cán bộ ra Bắc để báo cáo với Trung ương Đảng về tình hình của phong trào Đồng khởi của tỉnh nhà, và đồng thời mở cuộc khảo sát, thăm dò xây dựng một hành lang chi viện bằng đường biển Bắc – Nam để tiếp tế vũ khí, đạn dược, phương tiện kỹ thuật cho cách mạng miền Nam.

    Vào một ngày đầu tháng 6-1961, chiếc thuyền giương buồm xuất phát từ Cồn Lợi thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú đưa đoàn cán bộ vượt biển ra miền Bắc. Sau năm ngày đêm lênh đênh trên biển, chiếc thuyền chở đoàn gồm 6 người đã cập bãi biển Hà Tĩnh. Hai ngày sau khi liên lạc được với Trung ương, đoàn đến Hà Nội an toàn. Đoàn đã báo cáo với Hồ Chủ tịch, các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư quá trình diễn biến của phong trào Đồng khởi cùng những thắng lợi đã giành được, đồng thời nói rõ những nhu cầu của chiến trường để Trung ương nghiên cứu, giải quyết. Những báo cáo thực tế của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã giúp cho Trung ương có cơ sở để đánh giá đúng tình hình, từ đó có những biện pháp, chủ trương chỉ đạo cụ thể, nhằm đẩy mạnh cao trào cách mạng miền Nam lên một bước mới.

    Đêm 18-9-1961, chuyến tàu đầu tiên từ hậu phương mang 35 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ đã cập bến an toàn tại một vùng ven biển Cà Mau. Trong thủy thủ đoàn của chuyến đi ấy có một số đồng chí trong đoàn của Bến Tre đã ra trước đó. Tiếp theo chuyến đi mở đường thắng lợi ấy, các chuyến tàu chi viện vũ khí cho miền Nam tiếp tục cập bến nhiều tỉnh ở ven biển, trong đó có Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau… để tăng cường sức chiến đấu cho cách mạng miền Nam.

    Chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ, những người lính đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ cùng đoàn tàu không số đã trở thành những huyền thoại, huyền thoại về những người anh hùng đã hiến đời mình cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Mà giờ đây thịt xương của các anh đã hòa vào biển cả bao la, trên mỗi dòng sông, trên từng nắm đất, trên những bờ bãi mà đoàn tàu các anh đi qua dường như còn lưu giữ một phần thân thể các anh.

    Ngày nay, tại Vàm Khâu Băng có một bia lưu niệm do ngành Hải quân xây dựng, và tại ngã ba quốc lộ 57 – đường vào xã Thạnh Hải, UBND tỉnh Bến Tre đã xây dựng một bia lưu niệm để tưởng nhớ đến những người anh hùng đã hy sinh cho đất nước. Bia lưu niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển tại vàm Khâu Băng được xây dựng trên diện tích rộng khoảng 1.000 m2. Bia có biểu tượng hình cánh buồm, chiều cao 9 m, ngang 3,2 m, gồm 5 bậc cấp đi lên. Cánh buồm vươn lên tượng trưng cho quyển sách được mở ra, ghi lại sự kiện lịch sử vận chuyển vũ khí. Trên đỉnh cánh buồm có ngôi sao vàng 5 cánh tượng trưng cho quốc kỳ, bên dưới khắc chữ: “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Chính giữa cánh buồm có biểu tượng vô-lăng và neo tàu của lực lượng hải quân Việt Nam.

    Còn bia lưu niệm do tỉnh Bến Tre xây dựng vào năm 2002, tại ngã ba, trên trục lộ xã Thạnh Hải. Bia lưu niệm có hình dáng chiếc thuyền chỡ vũ khí, chiều cao 10 m, dài 11 m, mặt trước có nhiều chiếc thuyền nhỏ lần lượt chỡ vũ khí và cách điệu những cơn sóng nhấp nhô đưa thuyền lướt về bến. Cột buồm tượng trưng cho vũ khí được thể hiện hình khẩu súng, cánh buồm tượng trưng cho lá cờ. Trên lá cờ có bức phù điêu được chia thành hai tầng. Tầng trên miêu tả những chiến sĩ của đoàn tàu không số đang vận chuyển vũ khí từ trên tàu xuống, còn tầng dưới là cảnh sơ tán vũ khí vào địa điểm an toàn.

    Nhìn chung, hai bia lưu niệm được dựng lên tại Thạnh Phong được xây dựng bằng bêtông cốt thép, nhưng đường nét sắc sảo, thể hiện được chất anh dũng của những chiến sĩ hải quân Việt Nam cũng như truyền thống yêu nước của người dân Bến Tre trong công cuộc đấu, giành độc lập cho đất nước.

    Để tưởng nhớ và ghi công những chiến sĩ của đoàn tàu không số đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ, tỉnh Bến Tre đang xây dựng Dự án Công viên nghĩa trang – đường Hồ Chí Minh trên biển tại cồn Bửng thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, kết hợp với khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước thu hút du khách và phát triển dịch vụ du lịch, giúp mọi người hiểu được quá khứ oai hùng của ông cha nối tiếp truyền thống của quê hương trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

    Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thư chúc mừng 35 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển, ngày 23-10-1996 viết rằng: “…Năm tháng sẽ trôi qua, những chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông; của những con tàu không số; của quân và dân các bến bãi làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc ta… Tổ quốc và nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Do đó, bến Thạnh Phong trên bờ biển Thạnh Phú mãi mãi được nhắc đến trong lịch sử đấu tranh anh dũng và hào hùng của dân tộc Việt Nam.

    Di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam ở xã Thạnh Phong là một bằng chứng về một thời kỳ đấu tranh anh dũng, kiên cường bất khuất, chống lại các thế lực xâm lược. Việc xây dựng Công viên nghĩa trang – Đường Hồ Chí Minh trên biển ở Thạnh Phú góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tưởng nhớ những người đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, đồng thời phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Thạnh Phú trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay.

    (Nguồn: biengioibienbentre.vn/noi-dung/di-tich-dau-cau-tiep-nhan-vu-khi-bac-nam.html)

  1. Chiếc bút Bác Hồ tặng người mở đường trên biển

    Sau những chuyến trinh sát vượt biển mở đường vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam năm 1961-1962, đồng chí Bông Văn Dĩa vinh dự được báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về con đường vận tải trên biển. Với thành tích hai lần vượt biển từ Nam ra Bắc trinh sát và chỉ huy vận chuyển chuyến hàng đầu tiên từ Bắc vào Nam an toàn, đồng chĩ đã được Bác Hồ khen ngợi tặng Bằng khen và chiếc bút máy làm kỷ niệm.

    Từ đầu những năm 1960, tuyến giao liên Trường Sơn – 559 làm nhiệm vụ vận chuyển, chi viện chiến trường miền Nam đã hoạt động nhưng chủ yếu mới đưa được người và vũ khí vào các tỉnh Khu 5, còn các tỉnh ven biển và Nam Bộ thì chưa tới được. Thời kỳ này phong trào cách mạng miền Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam vô cùng cấp bách. Đồng bào miền Nam đang cần vũ khí, việc chi viện cho cách mạng miền Nam vào thời điểm này không còn con đường nào khác là đường biển.

    Trong khi chờ đợi một phương thức vận chuyển vũ khí từ miền Bắc đi bằng đường biển vào miền Nam, Trung ương Đảng chỉ thị cho các tỉnh Nam bộ chuẩn bị bến bãi và cho thuyền ra miền Bắc vừa thăm dò, mở đường nghiên cứu phương tiện vận chuyển trên biển và báo cáo tình hình, nếu có điều kiện thì chở vũ khí về. Trong một thời gian ngắn, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã gấp rút bắt tay chuẩn bị, tổ chức các đội tàu, mua sắm thuyền lưới và chọn người để lên đường vượt biển ra Bắc.

    Trong đó, tỉnh Bến Tre tổ chức hai đội tàu, tỉnh Trà Vinh tổ chức một đội tàu, tỉnh Bà Rịa một đội tàu, tỉnh Bạc Liêu cử hai đội thuyền ra Bắc, trong đó có tàu do Bông Văn Dĩa (Hai Dĩa) phụ trách được đồng chí Phạm Ngọc Sến, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau trực tiếp giao nhiệm vụ.

    Bút máy Bác Hồ

    Đêm ngày 1/8/1961, thuyền rời rạch Cá Mòi (mũi Cà Mau), chuyến đi khá thuận lợi nên đến chiều ngày 7/8/1961, thuyền cập vào cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình). Ngày 11/8, anh em được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng tới thăm, hai hôm sau đoàn ra Hà Nội. Như vậy, cuối năm 1961, đầu năm 1962, thuyền của Nam bộ đã ra đến hậu phương lớn và báo cáo tình hình miền Nam.

    Ai ở miền Nam ra cũng có nguyện vọng lớn là được gặp Bác Hồ. Anh em trong 6 đội tàu Nam Bộ ra Bắc cũng vậy và nguyện vọng tha thiết đó đã được thực hiện. Đầu năm 1962, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mời cơm thân mật anh em thuỷ thủ ở miền Nam ra, trước khi họ bắt tay vào nhiệm vụ mới. Xe đưa anh em tới Phủ Chủ tịch, ai cũng hồi hộp và xúc động. Ở phòng khách lớn có mặt các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng. Mấy phút sau Bác Hồ ra, mọi người đứng dậy vỗ tay, ai cũng mừng đến chảy nước mắt. Bác bắt tay từng người, hỏi thăm sức khoẻ anh em, hỏi về những chuyến vượt biển. Rồi bác vui vẻ hỏi: “Các chú ra đây có yêu cầu gì đối với Trung ương nào”? Tất cả đều đồng thanh thưa: “Thưa Bác, chúng cháu ra đây có một nguyện vọng là xin được thật nhiều vũ khí để về đánh giặc”.

    Anh Hai Tranh, đại diện đội tàu Trà Vinh, thưa thêm: “Thưa Bác, chúng cháu muốn xin loại vũ khí gì có thể phá được đồn bốt và ấp chiến lược của Mỹ – ngụy”. Bác cười: “Không chỉ đồn bốt… Mỹ có thể đưa quân vào. Phải chuẩn bị đánh lâu dài, đánh thắng quân đội có trang bị hiện đại của Mỹ nữa…!”

    Những chiếc thuyền vượt biển từ Nam bộ ra Bắc an toàn đã xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải tàu biển. Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Đoàn 759 – có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển. Ngay sau khi thành lập, đoàn đã tổ chức cho anh em ở các đội tàu học tập văn hoá, học kỹ thuật, học chính trị; huấn luyện hàng hải nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là năng lực đi biển và những hiểu biết về công tác này.

    Tháng 2/1962, đồng chí Đoàn Hồng Phước và đồng chí Bông Văn Dĩa vào Quảng Bình kiểm tra chiếc tàu của tỉnh Bạc Liêu. Thấy chiếc tàu tuy có hư hỏng nhưng vẫn có thể đi biển được, đồng chí Phước quyết định để đồng chí Dĩa ở lại và nhờ công an vũ trang Quảng Bình đứng tên sữa chữa. Tháng 3/1962, chiếc thuyền Bạc Liêu đã sữa xong. Đồng chí Bông Văn Dĩa trở ra Hà Nội báo cáo với đoàn. Sau khi xin ý kiến của Quân ủy Trung ương, Đoàn 759 quyết định để thuyền Bạc Liêu đi chuyến trinh sát mở đường từ Bắc vào Nam. Chuyến trinh sát mở đường đầu tiên của đoàn gồm 6 đồng chí: Bông Văn Dĩa phụ trách, Bí thư Chi bộ; Hai Tranh, Phó Bí thư chi bộ; Ngô Văn Tân (Năm Kỷ), Tư Phước, Sáu Dũng, Bảy Cửa. Nhiệm vụ của đội thuyền khi trở lại Nam bộ là: Báo cáo với Khu ủy chủ trương của Trung ương về việc đưa vũ khí vào Nam bộ. Nhưng muốn như vậy phải có bến bãi để nhận hàng.

    Ngày 5/4/1962, 6 anh em vào đến Quảng Bình. Đêm 10/4/1962, chiếc thuyền rời của Nhật Lệ đi về hướng Nam. Khi thuyền đến vùng biển Nha Trang, cách bờ chừng 150 hải lý thì gặp hai tàu Mỹ từ Phi-líp-pin chạy về. Chúng cho tàu chạy vòng quanh chiếc thuyền, cách chừng mấy chục mét. Và cứ như vậy quần đảo tới 14 giờ. Nhờ bình tĩnh xử lý, đóng vai trò những dân chài ra khơi đánh cá bị gió đẩy xa bờ, nên bọn Mỹ không nghi ngờ. Tuy vậy, để đối phó với việc bất trắc, anh em trên thuyền thủ tiêu hết hải đồ, la bàn. Từ đây họ cứ nhìn hướng Nam mà đi. Ngày 14/4, thuyền về tới cửa Bồ Đề (thuộc Tân Ân, Ngọc Hiển, Cà Mau). Thuyền đi vào cửa Rạch Ráng, đến 10 giờ đêm hôm đó thì cập vào Vàm Lũng, chuyến đi trinh sát đã thành công.

    Sau khi báo cáo tình hình và chỉ thị của Trung ương về việc mở bến tiếp nhận vũ khí đưa vào bằng đường biển, Khu ủy đồng ý để đồng chí Bông Văn Dĩa đi ra các đảo nắm tình hình theo ý kiến của Trung ương. Nắm tình hình xong, ngày 1/8/1962, đồng chí Bông Văn Dĩa trở ra Trung ương báo cáo toàn bộ chuyến đi trinh sát của mình và ý định của Khu ủy Khu 9 xin Trung ương phê duyệt phương án cho tàu vào các luồng lạch. Đồng chí Lê Duẩn hỏi: “Theo đồng chí, nơi nào có thể cho tàu vào được? Đồng chí Bông Văn Dĩa đáp: “Vàm Lũng có thể vào được! Đồng chí Lê Duẩn hỏi tiếp: “Tàu 30 tấn có thể vào Vàm Lũng được không? Nếu chắc thì trên giao đồng chí đi chuyến đầu tiên”.

    Chuyến trinh sát trở ra thắng lợi và nghị quyết của Trung ương làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759, mở ra thời cơ chở vũ khí vào miền Nam. Tháng 8/1962, Đoàn 759 nhận bàn giao tàu gỗ từ Hải Phòng. Một số cán bộ thuyền, cán bộ kỹ thuật miền Nam từ các tàu vận tải, từ các đơn vị bộ đội, các đơn vị tàu đánh cá lần lượt được bổ sung cho đoàn. Công việc chuẩn bị cho chuyến vận chuyển đầu tiên bằng tàu gỗ có gắn máy được tiến hành khẩn trương và đến đầu tháng 10 thì hoàn thành.

    Đêm 11/10/1962, chiếc thuyền gỗ có tên Phương Đông 1 đầu tiên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) lên đường đi Cà Mau. Chiếc thuyền này do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên. Các thuỷ thủ gồm: Huỳnh Văn Sao (Năm Sao), Nguyễn Văn Bé (Tư Bé), Ba Thành, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Xuân Lai (Sáu Lai), Sáu Rô, Thanh Đen, Trần Văn Kết (Tám Kết), Ngô Văn Tâm (Năm Kỷ), Nguyễn Long.

    Ngày 16/10, tàu vào cửa Vàm Lũng. Ở đây đoàn xuồng của anh Nguyễn Văn Phán (Tư Đức) được lệnh của Khu uỷ Khu 9 đã đón sẵn. Sau đó, tàu đưa đưa được vào nơi quy định là Rạch Chùm Gọng. Hàng chục chiếc xuồng lập tức ghé tới nhận súng đạn để đi cất giấu. Ba ngày đêm công việc đó mới xong.

    Tin vui thắng lợi của chuyến chở vũ khí đầu tiên vào Cà Mau được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Hồ Chủ tịch đã điện biểu dương những cán bộ, chiến sĩ, công nhân đã đóng góp công sức để lập nên chiến công xuất sắc đó. Người chỉ thị: “Hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh, nhiều vũ khí hơn nữa cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam Bắc sớm sum họp một nhà”. Vậy là con đường biển nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn không chỉ là một dự định, một mong ước mà đã trở thành một hiện thực. Chuyến đi đầu tiên thắng lợi đã làm tiền đề cho những chuyến đi tiếp theo thành công.

    Đồng chí Bông Văn Dĩa sinh năm 1905, quê ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nhập ngũ năm 1945. Hơn 30 năm liên tục hoạt động cách mạng, đồng chí toàn tâm, toàn ý phục vụ lợi ích của Đảng, của dân tộc; được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì và 1 Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba. Ngày 17/9/1967, đồng chí Bông Văn Dĩa được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

    Chiếc bút máy Bác Hồ tặng đã theo suốt quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Bông Văn Dĩa như một báu vật – đã vạch đường, chỉ lối để “người mở đường trên biển” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Sau này, đồng chí Bông Văn Dĩa đã tặng chiếc bút kỷ niệm lại cho Bảo tàng Hải quân cùng nhiều hiện vật khác để làm công tác giáo dục truyền thống.

    (Nguồn: Lê Thanh Hằng – Bảo tàng Hải quân)

  2. Những con đường đã trở thành huyền thoại

    Trong cuộc chiến tranh thần thánh giành độc lập của dân tộc, quân và dân ta đã tạo nên những tuyến đường giao thông huyền thoại. Từ đó, không chỉ các chiến trường được chi viện người và phương tiện mà bản thân những tuyến đường đã trở thành một mặt trận lớn giam hãm, cầm chân, tiêu diệt địch đồng thời giúp cơ sở cách mạng, nhân dân bám trụ địa bàn xây dựng hậu phương vững mạnh.

    Chấp hành Nghị quyết của T.Ư Đảng và Nghị quyết của Tổng Quân ủy T.Ư, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại trên miền bắc, việc chuẩn bị lực lượng và vật chất chi viện cho miền nam được xúc tiến. Để chi viện lực lượng, vật chất cho miền nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ và trên biển. Đây là quyết định đúng đắn, sáng tạo về chiến lược, thể hiện quyết tâm sắt đá giải phóng miền nam thống nhất đất nước của toàn Đảng, toan dân và toàn quân ta…Tháng 5 năm 1959, Binh đoàn Trường Sơn ra đời, lấy tên là Đoàn 559, có nhiệm vụ mở đường tiếp tế vũ khí cho các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và Liên khu 5 cũ.

    Đường Hồ Chí Minh trên đất liền – con đường bất diệt

    Tháng 6 năm 1959, xác định xong tuyến đường và vị trí của chín trạm: hai trạm ở phía bắc sông Bến Hải và bẩy trạm ở phía nam. Ngày 10 tháng 6 năm 1959, bộ đội ta bắt đầu vượt sông Bến Hải và rải quân vào các trạm.

    Ngày 20-8-1959, Đoàn 559 giao chuyến vũ khí đầu tiên cho khu 5, ở phía bắc A Sầu.

    Sau khi chiến tranh mở rộng và trở nên cực kỳ ác liệt, Đoàn 559 được lệnh nhanh chóng mở thêm đường cho xe cơ giới vận chuyển vào miền Nam.

    Ngày 9-8-1964, Trung đoàn 98 Công binh bổ nhát cuốc đầu tiên mở đường cho xe cơ giới trên đường Hồ Chí Minh. Đến cuối tháng 5-1965, đoàn xe cơ giới đầu tiên mang tên “Ngọn đèn xanh Bác Hồ” đã xuất kích thắng lợi.

    Khởi nguồn từ Tân Kỳ (Nghệ An), đường Hồ Chí Minh trên đất liền chạy suốt dọc Trường Sơn đến gần thành phố Hồ Chí Minh.

    Qua 16 năm ròng, Bộ đội đường Hồ Chí Minh đã xây dựng được một mạng đường giao thông chiến lược có tổng chiều dài 16.000 km gồm năm hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, một tuyến đường kín dài 3.140 km cho xe chạy ban ngày; với một khối lượng đất đá đào, đắp, san, lấp là gần 29 triệu m3. Đồng thời, xây dựng được một hệ thống đường sông gần 500km nối qua Lào, một hệ thống đường ống hơn 3.000 km đến tận Lộc Ninh.

    Để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, đế quốc Mỹ tổ chức bộ chỉ huy các lực lượng quân sự chuyên nghiên cứu và phát hiện đường Hồ Chí Minh để đánh phá. Chúng đã đánh phá hết sức ác liệt cả ngày, lẫn đêm, bằng đủ các loại máy bay, bom, mìn, chất độc hóa học và gây mưa nhân tạo. Trên toàn tuyến đường, bình quân mỗi người phải chịu đựng chín quả bom Mỹ (gần bằng 4, 5 tấn thuốc nổ); riêng Binh trạm 31, mùa khô năm 1969, bình quân mỗi người chịu đựng 270 quả bom Mỹ các loại.

    Trong mưa bom bão đạn đường Hồ Chí Minh vẫn thông suốt, việc chi viện sức người, sức của và vũ khí cho các chiến trường miền Nam vẫn được thực hiện với khối lượng mỗi ngày một lớn. 2.458 máy bay địch đã bị bắn hạ trên dải Trường Sơn trong suốt cuộc kháng chiến. Bộ đội ta cũng đã san lấp 56.750 hố bom trúng mặt đường, phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 quả bom nổ chậm và 85.100 quả mìn các loại. Các đơn vị bộ binh của Binh đoàn Trường Sơn đã đánh 2.500 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 20.000 tên địch. Riêng năm 1974, các lực lượng vận tải đã chuyển được một khối lượng hàng gấp 22 lần năm 1966.

    Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Bộ đội Trường Sơn còn bảo đảm giao thông toàn bộ tuyến đường số 1, khôi phục, sửa chữa 83 cầu, với chiếu dài 4.316m.

    Cùng với quân dân cả nước, Bộ đội Trường Sơn đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi mở màn của chiến dịch Tây Nguyên, thắng lợi của chiến dịch miền duyên hải và đại thắng vẻ vang của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tấp thể Bộ đội Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh hạng nhất, 77 đơn vị (trong đó có bốn đơn vị cấp sư đoàn, 15 đơn vị cấp trung đoàn) và 44 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

    Đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển

    Tháng 7 năm 1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759, là đơn vị vận tải trên biển, tiếp tế vũ khí cho miền Nam.

    Đầu năm 1961, Bộ Chính trị chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam Bộ cử đơn vị tàu thuyền ra miền Bắc lấy vũ khí và trao đổi kinh nghiệm về đường vượt biển.

    Tháng 6 năm 1961, chiếc thuyền gắn máy đầu tiên ra miền Bắc để chở vũ khí về là thuyền trọng tải bốn tấn của Bến Tre. Sau đó, Cà Mau, Trà Vinh cũng lần lượt có thuyền ra Bắc nhận vũ khí.

    Ngày 1-10-1962, chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên đã xuất phát từ Hải Phòng. Tàu vỏ gỗ, gắn máy. Sau 10 ngày vượt biển, ngày 11-10-1962, tàu tới đích an toàn, cập bến Vàm Lũng (tây Nam Bộ).

    Đến cuối năm 1962, Đoàn 759 đã thực hiện được 23 chuyến chở cán bộ và vũ khí chi viện cho các khu 7, 8, 9.

    Từ Tháng 1-1964 đến tháng 2-1965, với hơn 20 tàu vỏ gỗ và sắt, Đoàn đã vận chuyển được 88 chuyến vào Nam Bộ.

    Đêm 22-12-1964, tàu 56 chở 44 tấn vũ khí đến Bà Rịa, một trung đoàn chủ lực miền đã tiếp nhận và sau đó đánh trận Bình Giã.

    Cuối năm 1964, Đoàn 759 đã có hàng chục tàu sắt trọng tải từ 50 đến 100 tấn, trang bị tương đối hiện đại. Lúc này Đoàn 759 đã đổi phiên hiệu là Đoàn 125.

    Từ tháng 3-1966 đến tháng 4-1972 (sáu năm), có 63 chuyến tàu lên đường chi viện; chín chuyến thành công, chuyển được 400 tấn vũ khí đến nơi an toàn. Còn 54 chuyến, thì 40 chuyến bị địch chặn tới mức phải quay về, 14 chuyến tới được bến hoặc gần bến thì bị địch phát hiện, phải cho nổ tàu.

    Qua 5.920 ngày đêm làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ vận tải trên biển đã trực tiếp chiến đấu 300 lần với tàu địch, 1.200 lần với máy bay và khắc phục 400 lần thủy lôi của chúng. Đoàn đã góp phần chi viện đắc lực cho các chiến trường Khu 5, cực nam Trung Bộ, Nam Bộ, các chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng quần đảo Trường Sa, cù lao Thu và các đảo phía Tây Nam. Các lực lượng của bộ đội đường Hồ Chí Minh trên biển đã bắn chìm, bắn bị thương 10 tàu, bắn rơi năm máy bay, tiêu diệt hàng trăm tên địch và đã vượt qua sự thử thách của 20 cơn bão lớn.

    Đoàn 759 đã hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; ba tàu được tuyên dương là Đơn vị Anh hùng; năm cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 240 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân chương các loại.

    Vĩnh Mốc, Củ Chi – địa đạo anh hùng

    Địa đạo Củ Chi được xây dựng từ thời kháng chiến chống Pháp tại huyện Củ Chi, ngoại thành thành phố Sài Gòn, cách trung tâm thành phố khoảng 50km, với 48 km đường hầm. Từ 1960 đến 1973, ta đã đào thêm 250 km.

    Từ năm 1966 trở về trước, địa đạo Củ Chi hoàn toàn được giữ bí mật. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt đã từng hoạt động tại đây.

    Địa đạo được cấu tạo thành hai phần: trên và dưới đất. Cách mặt đất 2,5 m là tầng một; cách mặt đất 6 đến 8 m là tầng hai; cách 8 đến 10 m là tầng ba.

    Suốt 21 năm đánh Mỹ – ngụy, mặc dù phải đương đầu với lực lượng lớn của địch, lúc cao điểm là 75.000 tên, với 200 đồn bốt, nhưng quân và dân Củ Chi đã dựa vào địa đạo, dũng cảm chiến đấu, diệt 22.582 tên địch. Ta hy sinh 10.101 người (dân thường), bị thương 4.385 người. 16.000 thanh niên tham gia chiến đấu ở Củ Chi, khi chiến tranh kết thúc chỉ còn 4.000 người.

    Ngoài địa đạo Củ Chi, ở miền Nam còn có địa đạo Thì Thùng (Phú Yên), địa đạo Phương Thi (Phù Cát, Bình Định).

    Được khởi công xây dựng từ đầu năm 1966, địa đạo Vĩnh Mốc là một hệ thống đường ngầm, có chiều dài trục chính là 2.800 m. Đường hầm cách mặt đất 20 đến 28 m, cao 1,7 m, rộng 2 m. Hai bên đường hầm, cứ cách 3 m lại khoét một hõm sâu làm thành những ô nhà, mỗi ô dành cho một hộ.

    Địa đạo có 7 cửa, 4 cửa thông ra biển, 3 cửa thông lên mặt đất. Có một hội trường chứa được 150 chỗ ngồi. Có giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh. 17 cháu bé đã chào đời trong địa đạo.

    Từ địa đạo Vĩnh Mốc, quân và dân Vĩnh Linh đã bắn cháy một tàu chiến Mỹ, bắn rơi ba máy bay; đã chuyển được cho các chiến sĩ ở đảo Cồn Cỏ 11.500 tấn hàng và chuyển vào chiến trường miền Nam 300 tấn.

    (Nguồn: nhandan.org.vn/chinhtri/item/24992202-nhung-con-duong-da-tro-thanh-huyen-thoai.html)

  3. Huyền thoại bến tàu không số Thạnh Phong

    Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bến Thạnh Phong (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) tiếp nhận hàng nghìn tấn vũ khí trên những chuyến tàu không số huyền thoại. Sau giải phóng, những người đóng góp vào chiến công lịch sử ấy trở thành nông dân giản dị khai phá vùng đất hoang hóa, xây dựng quê hương trên chính mảnh đất bom cày, đạn xới năm xưa.

    Bến sông huyền thoại

    Vùng đất Thạnh Phong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ cứu nước là vùng căn cứ địa của cách mạng nhờ những cánh rừng bần, rừng đước bao phủ. Tại đây vào đầu tháng 4-1946, Khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre quyết định tổ chức mở tuyến đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển và sau này trở thành đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số huyền thoại. Chuyến mở đường lịch sử do đồng chí: Ðào Công Trường, Tư lệnh khu 8 – Trưởng đoàn cùng các đồng chí Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Thị Ðịnh vượt biển ra bắc gặp Bác Hồ và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền nam. Sau bảy ngày thuyền lênh đênh trên mặt biển, các đồng chí đã vượt qua bao khó khăn, ra đến miền bắc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

    Từ sau chuyến đi mở đường lịch sử đó, tại vùng đất Thạnh Phong đã hình thành bến tàu không số huyền thoại, nơi tiếp nhận vũ khí từ đoàn tàu không số vận chuyển từ bắc vào nam bằng đường biển. Tháng 6-1962, trên các chuyến tàu Phương Ðông 1 và Phương Ðông 4, các đồng chí của hai đội tàu Bến Tre đã xuất phát về miền nam, với số vũ khí ban đầu được miền bắc chi viện. Ngày 17-6-1963, chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên cập bến, và chỉ sau hai đêm, gần 100 tấn vũ khí, hàng hóa đã được bốc dỡ cất giấu và trung chuyển an toàn. Trong thời gian từ tháng 6-1963 đến tháng 11-1970, có 28 chuyến tàu cập bến Thạnh Phong với gần 400 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia đoàn tàu và hơn 600 cán bộ, chiến sĩ tham gia tiếp nhận, vận chuyển, cất giấu vũ khí. Tổng cộng có 1.442 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền nam từ bến tàu không số này.

    Ông Huỳnh Phước Hải (79 tuổi), cựu thủy thủ trên tàu không số nhớ lại: “Năm 1961, lúc đó tôi mới 21 tuổi, nhờ thông thạo địa bàn khu vực biển, bơi lội giỏi nên được tuyển chọn tham gia đoàn tàu không số vượt biển ra bắc. Sau khi ở lại hơn một năm để học tập, huấn luyện và đến năm 1962 tàu chở chuyến vũ khí từ miền bắc vào chi viện cho chiến trường miền nam. Sau đó tôi tham gia bảy chuyến tàu nữa để vận chuyển vũ khí về chi viện cho chiến trường miền nam”.

    Nữ thương binh Nguyễn Thị Còn (ngụ xã Thạnh Phong) từng tham gia vận chuyển vũ khí từ tàu không số kể lại: “Năm 1964, chiếc tàu mắc cạn ngoài đầu cồn nên huy động người dân xã Thạnh Phong và các xã lân cận gấp rút vận chuyển vũ khí vào cất giấu vì sợ địch phát hiện. Khi đó, tôi còn nhỏ nhưng cũng theo người anh ra phụ vận chuyển vũ khí. Những thiếu niên, thanh niên sống ở vùng biển này đều biết đẩy mong (dụng cụ vận chuyển bằng gỗ ở vùng sình lầy ven biển – PV) nên việc vận chuyển vũ khí từ vùng sình lầy lên bờ rất dễ dàng. Ðến năm 1968, tôi tham gia Tiểu đoàn D516 A và Thanh niên xung phong nên không tham gia công việc tải đạn nữa”.

    Sức sống mới ở vùng căn cứ cách mạng

    Sau giải phóng, cũng tại bến Thạnh Phong, chính những con người từng tham gia dân công hỏa tuyến ngày nào lại tích cực khai khẩn đất hoang, biến vùng đất rừng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành những vuông tôm, vườn xoài, vùng trồng hoa màu… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðời sống của người dân đã khá giả hơn trước rất nhiều. Cựu chiến binh Trần Văn Rừng (SN: 1948) từng tham gia vận chuyển vũ khí cho đoàn tàu không số rồi tham gia bộ đội địa phương trở về quê hương sau ngày đất nước thống nhất. Ông tiếp tục tham gia công tác khi nhiều năm liền là Trưởng ấp, Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Hòa (xã Thạnh Phong). Bây giờ, tuổi đã cao ông không tham gia công tác nhưng vẫn tích cực hoạt động xã hội, phát triển sản xuất ở địa phương. Ông Rừng cho biết: “Sau giải phóng vùng đất này vẫn còn hoang vu với 20 hộ dân trong ấp còn bám trụ lại. Sau đó, chính quyền đưa dân vô xây dựng kinh tế mới với hơn 100 hộ dân rồi đầu tư phát triển thủy lợi, làm đường, cho dân vay vốn để phát triển sản xuất”. Bây giờ toàn ấp có hơn 500 hộ sinh sống. Người dân nơi đây đang từng bước cải tạo vùng đất hoang hóa ngày xưa để chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế.

    Thời gian gần đây, chính quyền và người dân địa phương tích cực xây dựng nông thôn mới (NTM) bên bến sông huyền thoại năm xưa. Hiện tại xã Thạnh Phong đã đạt 13 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM, vùng đất hoang vu, nghèo khó năm xưa giờ đã dần chuyển mình. Trong đó, nông dân đang phát triển mô hình trồng xoài trên đất giồng cát, nuôi tôm đạt hiệu quả khá cao. Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong, Nguyễn Văn Tại, thông tin: “Toàn xã có hơn 2.500 héc-ta diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú và 500 héc-ta mô hình tôm-lúa. Trong đó, có 30 héc-ta nuôi tôm hai giai đoạn (công nghệ cao) bước đầu đạt hiệu quả khá cao. Ngoài ra, xã đã phát triển 300 héc-ta xoài trên những giồng cát ven biển với định hướng tập trung xây dựng thương hiệu “xoài cát Thạnh Phú” và hướng dẫn nông dân sản xuất sạch để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…”. Cũng trên quê hương cách mạng này, giờ đây tiếp nối truyền thống của những dân công hỏa tuyến, bộ đội tại bến Thạnh Phong năm xưa, lớp con cháu trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần làm giàu cho quê hương.

    Bên vàm Khâu Băng (một trong những địa điểm tàu không số cập bến – PV), những cánh rừng đước, rừng bần từng bảo vệ kho vũ khí, nơi trú ngụ của lực lượng cách mạng năm xưa giờ vẫn xanh tốt và làm nhiệm vụ bảo vệ những vườn cây, ao tôm của người dân vùng ven biển trước sóng to, gió lớn. Kế bên là Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển sừng sững để ghi nhận công lao to lớn, những chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ, Ðảng bộ và nhân dân Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.

    (Nguồn: nhandan.com.vn/cuoituan/item/40984202-huyen-thoai-ben-tau-khong-so-thanh-phong.html)

Để lại câu trả lời